Thánh Grêgôriô Nazianzênô là một trong những giáo phụ danh tiếng của giáo hội Hy Lạp và được mệnh danh là thần học vì giáo thuyết rất sâu sắc của Ngài. Ngài ra đời khoảng năm 329, trong một gia đình danh giá và đáng mến chuộng. Cha Ngài, cũng tên là Grêgôriô, lúc ấy còn là lương dân. Nhưng thánh nữ Monna, mẹ Ngài, nhờ nhân đức siêu vượt, sự dịu hiền, đời sống gương mẫu với kinh nghiệm và nước mắt đã đưa ông về với Chúa Giêsu.
Thánh Leông (Léonce) giám mục thành Cêsarêa đã rửa tội cho ông. Vài năm sau, nhờ đời sống đạo đức trổi vượt, ông đã xứng đáng lãnh chức giám mục, cai quản điạ phận Nazianze.
Thánh Grêgôriô ra đời như kết quả lời cầu nguyện của bà mẹ thánh thiện, chỉ mong có được người con để phục vụ bàn thánh. Khi thánh nhân ra đời, bà coi Ngài như quà tặng của trời cao. Được đào tạo trong một môi trường thánh thiện như vậy, ngay từ nhỏ, Ngài đã biết quí trọng những nét đẹp của tội thơ vô tội.
Thánh nhân được cử đi học hùng biện ở Cêsarêa, rồi Palestina. Sau đó Ngài đã qua Alexandria và sau cùng tới Athena là nơi coi là nguồn gốc đích thật của khoa hùng biện, trên đường tới Athena, con tàu thánh nhân đi đã phải một cơn bão dữ dội, tưởng chừng như sẽ bị đắm chìm trong lòng biển. Lúc ấy thánh nhân chưa được rửa tội và rất lo âu cho phần rỗi của mình. Ngài tha thiết cầu khẩn Thiên Chúa thánh cho được sống thêm, để có thể làm con Chúa. Thánh nhân đã được nhậm lời. Cơn giông bão chấm dứt và Ngài tới được Athena.
Tại đây thánh Gregorio gặp lại một người bạn cũ của mình là thánh Basiliô. Mối giây thân tình giữa các Ngài ngày càng trở nên bền chặt hơn. Cho đến ngày nay, người ta vẫn còn trưng dẫn hai vị nhân này như là khuôn mẫu cho tình bạn trong trắng và chân thành nhất. Không thể lìa xa nhau, họ còn chú tâm tránh thoát mọi cuộc kết thân nguy hiểm và chỉ giao tiếp với những bạn bè mà lòng hiếu học luôn đi đôi với việc thực hành các nhân đức. Không bao giờ người ta thấy họ đi vào các cuộc giải trí có tính cách trần tục. Trong thành phố xa hoa ấy họ chỉ biết có hai con đường dẫn tới nhà thờ và các trường học.
Hoàn tất việc học hành, thánh Grêgôriô trở về sống với cha mình đang làm giám mục cai quản giáo phận Nazianze và được cha ban phép Rửa tội cho. Một khi đã được đóng ấn tín thần linh, Ngài coi mình hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và hiến thân phung sự Ngài,
Ngài nói: – “Tôi hiến trọn cho Đấng đã ban cho tôi tất cả. Từ nay chỉ có Ngài là phần sản nghiệp của tôi”.
Tình thảo hiếu đã giữ lại bên người cha già tám mươi tuổi trong ba năm trời. Ngài giúp đỡ cha trong mọi công việc và chăm sóc mọi việc trong nhà. Nhưng lòng yêu thích được ẩn dật đã đưa Ngài tới gặp thánh Basiliô đang theo đuổi nếp sống tu trì. Ngài đã sống xa thế gian một thời gian và chỉ lo tới sự hoàn thiện của mình. Nhưng thời gian ẩn dật này mới chỉ đủ cho Ngài nếm thử được sự ngọt ngào để mà luyến tiếc thôi, người cha già chín mươi tuổi đã gọi Ngài về giúp việc điều khiển giao phận. Nhận thấy rằng: Giáo hội sẽ được lợi ích nhiều bởi người con thân yêu của mình, vị thánh giám mục già cả đã truyền chức linh mục cho Ngài ngày 6 tháng 1 năm 362. Lúc ấy thánh Gregôriô hơn ba muôi lăm tuổi và ấn tích mới càng tăng thêm nhiệt tình của Ngài.
Thánh Basiliô lúc ấy đã làm tổng giám mục Cêsalêa, quyết định nâng thánh Gregoriô lên làm giám mục cai quản điạ phận Sarima. Nhưng vì những chống đối dữ dội, Ngài đã không hề tới nhậm điạ phận được và dường như Ngài chịu chức giám mục chỉ để giúp đỡ người cha mà tuổi tác đã không cho phép chu toàn phận sự được nữa. Sau khi cha qua đời năm 374 thánh nhân trở lại Nazianze săn sóc cho giáo phận, nhưng không hề muốn làm giám mục của giáo phận này.
Năm 380, tức là khoảng năm năm sau, các tín hữu ở Constantinopkle đã khẩn nài thánh nhân tới củng cố giáo phận đã bị bè rối Ariô tàn phá của họ, với nhiệt tâm tông đồ, thánh nhân đã nhận lời. Trước tiên thánh nhân đã không được tiếp đón nồng hậu lắm. Trong một thành phố xa hoa giàu có vì là thủ đô mới của đế quốc này, người ta đang ngóng đợi một nhân vật có khuôn mặt sáng sủa giữa một đám rước linh đình. Nhưng người ta đã vô cùng kinh ngạc khi thấy Ngài chỉ là một ông lão già yếu, ăn mặc giản dị và lời nói vắn gọn.
Những người theo lạc giáo Ariô chế giễu phỉ báng Ngài. Dầu vậy, bằng những giáo huấn vững chắc và hùng hồn, Ngài đã thành công trong việc đưa dân thành này từ chỗ bỏ cái sai lầm của lạc giáo mà trở về với đức tin công giáo. Sau bốn mươi bị năm bị tàn phá. Giáo phận không có nhà thờ, Ngài rao giảng trên đường phố hay tại một ngôi nhà mà Ngài đăt tên là Anastasia.
Hương thơm nhân đức và sự hiểu biết uyên thâm của Ngài đã lối kéo cảm tình người nghe càng thêm đông. Từ trong sa mạc, thánh Hiêronymô cũng tìm đến nghe người giảng thuyết. Tuy nhiên bề ngoài khiêm tốn bình dị và hoàn cảnh khó khăn ấy cũng là một khó khăn khiến cho địch thủ đã nhiều lần toan tính ám hại Người.
Năm 381, công đồng chung họp tại Constantinople, thánh Grêgôriô được bầu lên làm giám mục chính tòa của giáo phận này và giữ ghế chủ tịch công đồng. Nhưng ít lâu sau, một số giám mục đã chất vấn tính cách hợp pháp của chức vụ Ngài. Lợi dụng những chống đối này, thánh Grêgôriô đã xin từ chức. Sau khi đã làm vui lòng các nghị phụ công đồng bằng quyết định của mình, thánh nhân đã đe5 đơn lên Hoàng đế Têodô (Thésdose) Hoàng đế buộc lòng chấp thuận, cho Ngài từ nhiệm, chỉ vì lý do sứ ckhỏe mà thôi. Trước khi dứt mình khỏi Giáo hội mà Ngài đã dày công tạo lập với đầy tình yêu quí, Ngài đã nói với mọi tín hữu và với các nghị phụ một diễn từ đặc sắc. Người ta gọi diễn từ ấy là: những lời giã biệt (Les Adieux).
Lui về Nazianze, thánh Grêgôriô dành thời gian viết sách. Năm 390 Ngài qua đời và để lại cho Giáo hội một kho tàng quí báu gồm 45 bài suy luận thần học và điếu văn, 245 bức thư và mấy tập thi ca. Người ta đọc cuộc đời trong những tác phẩm có giá trị văn chương và tín lý, chính ân đức ấy và sức mạnh tinh thần của Ngài.
Người ta còn giữ được bản di chúc và bản văn trên bia mộ chính Ngài sáng tác. Bản mộ thi này là một tóm lược khúc chiết trọn đời Ngài với những dòng kết thúc như sau: – “Tôi là mục tử không có đoàn chiên, và tôi đã đau khổ không ít bởi chính các mục tử. Tôi để Chúa Giêsu Kitô lo lắng cho tương lai đời tôi như chính Người đã lo cho tôi trong quá khứ”.
Để lại một phản hồi