Tiếp kiến chung 20-1-2021: Chỉ đối thoại không đủ giúp hiệp nhất – cần cầu nguyện

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung

Ngày 20.1.2021

CHỈ ĐỐI THOẠI KHÔNG ĐỦ GIÚP CÁC KI-TÔ HỮU HIỆP NHẤT – CẦN CẦU NGUYỆN

Hồng Thủy

Vatican News (20.1.2021) – Đức Thánh Cha nhắc rằng chủ đề của Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất năm nay nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu của Chúa Ki-tô là nền tảng của mọi sự hiệp thông giữa các Ki-tô hữu. Ngài cũng lặp lại rằng nhiều chuyện là vũ khí được ma quỷ dùng để chia rẽ cộng đoàn Ki-tô hữu, gia đình, bạn bè, trong khi Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn đến hiệp nhất.

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 20/1 Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về lời Chúa Giê-su mời gọi vượt qua bất hòa để gieo trồng hòa giải và tiến tới sự hiệp nhất.

Đức Thánh Cha nói rằng để loan báo Tin Mừng trong một thế giới đang bị xâu xé bởi xung đột và chia rẽ, Ki-tô hữu được mời gọi cầu nguyện cách đặc biệt để xin Chúa Cha ban ơn hiệp nhất. Chúng ta không được kêu gọi dùng bất hòa đáp lại chia rẽ nhưng phải cầu xin sự chữa lành và hòa giải mà Chúa Giê-su đã mang lại cho chúng ta nhờ cuộc Thương Khó của Người.

Cần cầu nguyện để được ơn hiệp nhất

Mở đầu bài giáo lý Đức Thánh Cha nói: Trong bài giáo lý này tôi sẽ suy tư về việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Ki-tô hữu. Thực tế là tuần lễ kéo dài từ ngày 18-25/1 được dành đặc biệt cho ý chỉ này, để cầu xin Chúa ban ơn hiệp nhất để vượt qua những gương xấu của sự chia rẽ giữa những người tin vào Chúa Giê-su. Sau Bữa Tiệc Ly, Chúa đã cầu nguyện cho các môn đệ của Người, “để tất cả họ nên một” (Ga 17,21). Đây là lời cầu nguyện trước cuộc Thương Khó, chúng ta có thể nói đó là di chúc thiêng liêng của Chúa.

Đức Thánh Cha lưu ý: Chúa không ra lệnh cho các môn đệ phải hiệp nhất. Chúa cũng không dành một bài diễn từ để cho họ thấy nhu cầu của hiệp nhất. Không. Chúa đã cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng ta, để chúng ta trở nên một. Điều này có nghĩa là chỉ tự chúng ta, với sức mạnh của mình, không đủ để thực hiện sự hiệp nhất. Hiệp nhất, trên hết, nó là một món quà, một ân sủng cần cầu xin bằng việc cầu nguyện.

Sự xung đột nội tâm

Mỗi người chúng ta đều cần sự hiệp nhất. Đức Thánh Cha giải thích: Thực tế, chúng ta nhận thức rằng chúng ta không thể gìn giữ sự hiệp nhất ngay cả trong chính chúng ta. Thánh Phaolô tông đồ cũng cảm thấy trong lòng mình một sự mâu thuẫn giằng xé: muốn làm sự thiện nhưng lại ngã theo sự ác (x. Roma 7,19). Do đó, thánh nhân đã hiểu rằng gốc rễ của rất nhiều chia rẽ xung quanh chúng ta – giữa con người, trong gia đình, trong xã hội, giữa các dân tộc và giữa các tín đồ – là ở trong chúng ta.

Công đồng Vatican II khẳng định rằng “Thực vậy, những chênh lệch dày vò thế giới ngày nay được nối liền với một chênh lệch căn bản hơn phát xuất từ đáy lòng con người. Bởi vì, ngay chính trong con người có nhiều yếu tố xung khắc nhau. […] Bởi vậy, có sự phân rẽ trong chính con người, từ đó, sinh ra bao nhiêu là bất hòa lớn lao trong xã hội.”(Gaudium et spes, 10). Do đó, giải pháp cho sự chia rẽ không phải là chống lại người nào đó, bởi vì bất hòa tạo ra sự bất hòa khác . Phương thuốc thực sự bắt đầu bằng việc cầu xin Chúa cho hòa bình, hòa giải, hiệp nhất.

Các nỗ lực ngoại giao và đối thoại học thuật là không đủ

Đức Thánh Cha nhận định: Điều này trước hết đúng đối với các Ki-tô hữu: chỉ có thể đạt được sự hiệp nhất như kết quả của cầu nguyện. Các nỗ lực ngoại giao và đối thoại học thuật là không đủ. Chúa Giê-su biết điều này và Người đã chỉ đường cho chúng ta bằng cách cầu nguyện. Như vậy, lời cầu nguyện hiệp nhất của chúng ta là sự tham dự khiêm tốn nhưng đầy tin tưởng vào lời cầu nguyện của Chúa, Đấng đã hứa rằng mọi lời cầu nguyện nhân danh Người sẽ được Chúa Cha lắng nghe (x. Ga 15,7).

Đức Thánh Cha mời gọi mỗi người tự hỏi: “Tôi có cầu nguyện cho sự hiệp nhất không?”. Đó là ý muốn của Chúa Giê-su, nhưng nếu chúng ta xem lại những ý chỉ cầu nguyện của chúng ta, có lẽ chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta ít, hay có lẽ chưa bao giờ, cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Ki-tô hữu. Tuy nhiên, đức tin của thế giới phụ thuộc vào sự hiệp nhất; thực vậy, Chúa đã cầu xin sự hiệp nhất giữa chúng ta “để thế gian tin” (Ga 17,21). Thế giới sẽ không tin bởi những lý lẽ xác đáng mà chúng ta thuyết phục họ, nhưng họ sẽ tin nếu chúng ta làm chứng cho ​​tình yêu gắn kết chúng ta và đưa chúng ta đến gần với mọi người.

Kiên trì cầu nguyện

Trong thời điểm đầy những khó khăn nghiêm trọng này, lời cầu nguyện càng cần thiết hơn nữa để sự hiệp nhất chiến thắng các xung đột. Điều cấp thiết là chúng ta phải gạt những sở thích riêng sang một bên để thúc đẩy công ích, và vì lý do này, gương tốt của chúng ta là điều căn bản: điều cốt yếu là các Ki-tô hữu tiếp tục trên con đường hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn, hữu hình. Trong những thập kỷ gần đây, nhờ ơn Chúa, nhiều bước tiến bộ đã được thực hiện, nhưng cần phải kiên trì trong tình yêu và sự cầu nguyện, đừng mất tin tưởng và mệt mỏi. Đó là một con đường mà Chúa Thánh Thần đã khơi dậy và từ đó chúng ta sẽ không bao giờ lùi bước.

Chiến đấu cho hiệp nhất

Cầu nguyện có nghĩa là chiến đấu cho sự hiệp nhất. Đức Thánh Cha giải thích: Bởi vì kẻ thù của chúng ta, ma quỷ, như chính từ này đã nói, là kẻ chia rẽ. Nó nuôi dưỡng sự chia rẽ ở mọi nơi và bằng mọi cách, trong khi Chúa Thánh Thần luôn kết nối trong sự hiệp nhất. Nói chung, ma quỷ không cám dỗ chúng ta bằng thần học cao siêu, nhưng bằng sự yếu đuối của anh chị em chúng ta. Nó xảo quyệt: nó phóng đại những sai lầm và khuyết điểm của người khác, gieo rắc mối bất hòa, kích động sự chỉ trích và tạo bè phái. Đường lối của Thiên Chúa thì khác: Ngài đón nhận chúng ta như chính chúng ta, những người khác biệt, các tội nhân, và thúc đẩy chúng ta đến sự hiệp nhất.

Đức Thánh Cha nói thêm: Chúng ta có thể tự đánh giá chính mình và tự hỏi, tại nơi chúng ta đang sống, chúng ta nuôi dưỡng sự xung đột hay chiến đấu để phát triển sự hiệp nhất với công cụ mà Chúa đã ban cho chúng ta: cầu nguyện và tình yêu. Ngược lại, nhiều chuyện, nói xấu người khác luôn thúc đẩy xung khắc. Nhiều chuyện là vũ khí tiện dụng nhất mà ma quỷ có để chia rẽ cộng đoàn Ki-tô hữu, chia rẽ gia đình, bạn bè. Nhưng Chúa Thánh Thần luôn soi sáng cho chúng ta đi đến sự hiệp nhất.

Trong tình yêu của Chúa Ki-tô

Cuối cùng, suy tư về chủ đề của Tuần Cầu Nguyện năm nay, đặc biệt nói về tình yêu: “Anh em hãy ở trong tình yêu của Thầy và anh em sẽ sinh nhiều hoa trái” (x. Ga 15,5-9), Đức Thánh Cha nói: Gốc rễ của sự hiệp thông và tình yêu thương là Chúa Kitô, Đấng giúp chúng ta vượt qua những định kiến của mình để nhận ra người khác là người anh em hay chị em, luôn được yêu thương của mình. Sau đó, chúng ta sẽ khám phá ra rằng các Kitô hữu của các hệ phái khác – với truyền thống của họ, với lịch sử của họ – là những quà tặng của Thiên Chúa, họ là những quà tặng hiện diện trong lãnh thổ của các cộng đồng giáo phận và giáo xứ của chúng ta.

Đức Thánh Cha mời gọi: Chúng ta hãy bắt đầu cầu nguyện cho họ và khi có thể, cầu nguyện với họ. Từ đó, chúng ta sẽ học cách yêu thương và đánh giá cao họ. Công đồng nhắc nhở chúng ta rằng lời cầu nguyện là linh hồn của mọi phong trào đại kết (x. Unitatis redintegratio, 8). Chớ gì đó là điểm xuất phát để giúp Chúa Giê-su biến ước mơ của Người thành sự thật: xin cho tất cả họ nên một.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*