Văn Yên, SJ
Vatican News (24.1.2021) – Dù bị đau thần kinh tọa và không thể cử hành Thánh Lễ lúc 10 giờ sáng, nhưng 12 giờ trưa 24/1, Chúa Nhật III thường niên, tại Thư viện Dinh Tông Toà, Đức Thánh Cha vẫn chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin trực tuyến.
Như thường lệ, trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha có một bài huấn dụ ngắn, ngài nói rằng: Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (x. Mc 1,14-20) cho chúng ta thấy việc làm chứng của Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu. Gioan là vị tiền hô của Người, đã chuẩn bị đất và chuẩn bị đường cho Chúa Giêsu: bây giờ Chúa Giêsu có thể bắt đầu sứ mạng của mình và loan báo ơn cứu độ, chính Người là ơn cứu độ. Lời rao giảng của Người được tóm tắt trong những lời này: “Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (c. 15). Đây là một thông điệp mời gọi chúng ta suy ngẫm về hai chủ đề thiết yếu: thời gian và hoán cải.
Trong bản văn này của thánh sử Marcô, thời gian nên được hiểu là khoảng thời gian của lịch sử cứu độ được Thiên Chúa thực hiện; do đó, thời điểm “hoàn tất” là thời điểm mà hành động cứu độ này đạt đến đỉnh cao, đạt đến sự viên mãn: đó là thời điểm lịch sử mà Thiên Chúa sai Người Con đến thế gian và Nước của Người trở nên “gần” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ơn cứu độ không phải là tự động; ơn cứu độ là một món quà của tình yêu và được ban với tự do con người. Khi nói đến tình yêu thì cũng nói đến tự do: tình yêu không có tự do thì không phải là tình yêu; và điều này cũng đòi hỏi sự đáp lại cách tự do: nó đòi hỏi sự hoán cải của chúng ta. Do đó, điều này liên quan đến việc thay đổi cách nghĩ và thay đổi lối sống: không còn theo lối của thế gian, mà là của Thiên Chúa, là Đức Giêsu.
Đó là một sự thay đổi tận căn về cách nhìn và thái độ. Tội lỗi đã mang lại một lối nghĩ với xu hướng khẳng định mình, chống lại người khác và chống lại Thiên Chúa, và vì mục đích này, nó không ngần ngại sử dụng sự lừa dối và bạo lực.
Tất cả điều này trái ngược với sứ điệp của Chúa Giê-su, Đấng mời gọi chúng ta nhận ra mình cần đến Thiên Chúa và ân sủng của Người; có một thái độ quân bình đối với của cải trần thế; chào đón và khiêm tốn đối với tất cả mọi người; để biết và nhận ra chính mình trong việc gặp gỡ và phục vụ người khác. Đối với mỗi chúng ta, thời gian để có thể đón nhận ơn cứu độ thì ngắn ngủi: đó là thời gian chúng ta sống trên đời này. Tưởng chừng nó dài nhưng thật ngắn ngủi. Sự sống là món quà tình yêu vô hạn của Thiên Chúa, nhưng cũng là thời gian để kiểm chứng tình yêu của chúng ta dành cho Người. Vì vậy, mỗi giây phút hiện hữu của chúng ta là thời gian quý báu để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, và nhờ đó, chúng ta được đi vào đời sống vĩnh cửu.
Câu chuyện cuộc đời chúng ta có hai nhịp: một là có thể đo lường được qua ngày giờ, tháng năm; và một là tạo thành từ các giai đoạn phát triển của chúng ta: sinh ra, thời thơ ấu, thời niên thiếu, trưởng thành, già, chết. Mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn đều có giá trị riêng, và có thể là một khoảnh khắc đặc biệt trong sự gặp gỡ với Chúa. Đức tin giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa thiêng liêng của những thời điểm này: mỗi thời điểm đều chứa đựng một lời mời gọi cụ thể từ Chúa, mà chúng ta có thể đáp lời cách tích cực hoặc tiêu cực. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan đã đáp lời thế nào: họ là những người trưởng thành, họ làm nghề chài lưới, có cuộc sống gia đình… Vậy mà khi Chúa Giêsu đi ngang qua và gọi họ, “họ liền bỏ lưới lại mà theo Người” (Mc 1,18).
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chú ý, đừng để Chúa Giêsu đi ngang qua mà không nhận ra Người. Thánh Augustino đã nói: “Tôi sợ khi Chúa đi ngang qua.” Sợ điều gì? Sợ không nhận ra Người, không thấy Người và không đón nhận Người.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống mỗi ngày, mỗi giây phút như là thời cứu độ, nơi đó Chúa đi ngang qua và kêu gọi chúng ta theo Người. Và xin giúp chúng ta hoán cải từ lối nghĩ của thế gian sang tình yêu và phục vụ.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Để lại một phản hồi