Trong lá thư của Giám mục Bá Đa Lộc gởi cho giáo sĩ Letondal đề ngày 17.08.1789, ông kể chuyện Hoàng tử Cảnh sau khi theo ông sang Pháp và trở nước, đã né tránh không chịu bái cúng trước bàn thờ tổ tiên, …
…đã làm cho Nguyễn Ánh tức giận: “…Ngài ngạc nhiên vì sao đạo Gia tô có thể dung túng cho tín đồ quên hết ông bà tổ tiên làm vậy”. Sự kiện này được vua Minh Mạng nhắc lại vào tháng 10 năm Mậu Tuất( 1838): “…bọn khanh há không nhớ việc Thái tử Anh Duệ ư? Hoàng khảo ta lúc mới mở nước, bị Xiêm khống chế, gửi Thái tử Anh Duệ cho người Tây đem về nuôi dạy, để mưu tính giữ gìn. Đến khi lấy lại được Gia Định, nước ấy trả về, Thái tử không chịu bái yết tôn miếu, nói rằng áo quần theo cách thức nước ấy, Hoàng khảo ta đến bấy giờ mới hối, may có Cao hoàng hậu khéo dạy dỗ, vài tháng sau Thái tử mới thay lòng đổi dạ, không thế hầu làm người Tây rồi” (Đại Nam thực lục, tập V, Nxb Giáo dục, tr. 402).
Quan niệm phải thắp hương bái cúng trước bàn thờ tổ tiên mới là hiếu kính, có hoàn toàn đúng chăng?
Có một người mang một bó hoa tươi ra nghĩa trang đặt lên trên mộ người thân của mình và đứng mặc niệm. Kế đến có một người khác đem bánh trái, xôi chè đặt trên mộ người thân của mình và thắp hương vái lạy. Thấy vậy người kia lên tiếng hỏi: “Bao giờ người thân của anh lên ăn các thứ ấy?”. Tay đang cầm nén hương nghi ngút khói, anh ta đáp: “Khi nào người thân của anh lên nhận bó hoa của anh đặt trên mộ thì khi ấy người thân của tôi cũng sẽ lên ăn các món này”.
Không một dân tộc nào, không một tôn giáo nào dạy con người bất kính với tổ tiên. Mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo đều có nghi thức riêng để biểu lộ lòng hiếu kính đối với tổ tiên. Hiếu kính đích thực không phải ở chỗ khi cha mẹ chết rồi mới tổ chức cúng tế với mâm cao cỗ đầy, mà ở chỗ khi cha mẹ còn sống, con cái phải “ Sự phụ mẫu năng kiệt kỳ lực” (Đem hết sức mình mà thờ cha mẹ – Luận ngữ: Học nhi).
Thầy Tăng tử nói: “Hiếu hữu tam: đại hiếu tôn thân, kỳ thứ phất nhục, kỳ hạ năng dưỡng” (Hiếu có ba bậc: bậc đại hiếu là làm tôn trọng cha mẹ, bậc thứ là không làm nhục đến cha mẹ, bậc dưới cùng là có thể nuôi được cha mẹ – Lễ ký: Tế nghĩa). Để làm tôn trọng cha mẹ thì con cái phải “lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu” (gây dựng thân mình, đem thi hành cái đạo ra rõ tiếng về đời sau để cho vinh hiển cha mẹ – Hiếu kinh). Hai bậc đầu tuy khó mà dễ, bậc sau cùng tuy dễ mà khó thực hiện một cách trọn vẹn. Trong phạm vi bài viết này chúng ta chỉ đề cập đến bậc dưới cùng là “nuôi cha mẹ” mà thôi!
Thầy Tử Du hỏi Đức Khổng tử về đạo hiếu. Đức Khổng tử trả lời: “ Kim chi hiếu giả, thị vi năng dưỡng, chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng. Bất kính hà dĩ biệt hồ” (Thời bây giờ được gọi là hiếu là đã có thể nuôi dưỡng được cha mẹ như vậy là đủ rồi, cho đến như chó ngựa chúng ta còn phải nuôi dưỡng. Nếu nuôi cha mẹ mà không có lòng hiếu kính thì việc nuôi cha mẹ và nuôi chó ngựa có khác gì đâu – Luận ngữ: Vi chính). Hiếu kính chính là thước đo việc con cái nuôi dưỡng cha mẹ.
Tục ngữ có câu: “ Bé cậy cha, già cậy con”. Khi cha mẹ già yếu con cái phải có trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ. Nuôi dưỡng cha mẹ mới chỉ là yêu cầu tối thiểu của đạo làm con. Nhưng trong việc nuôi dưỡng cha mẹ đã có nhiều gia đình nạnh nhau hoặc suy bì thiệt hơn với nhau. Ngày xửa, ngày xưa có một gia đình có bốn anh em trai đều đã yên bề gia thất nhưng người cha già lại còn sống. Vì nạnh nhau nên chẳng có người con nào chịu nuôi cha già. Cuối cùng họ thống nhất là mỗi người nuôi cha già trong ba tháng và trước khi chuyển giao cho người kế tiếp phải đem cha già ra cân, nếu sụt cân thì người sau sẽ không nhận. Có một anh do nuôi cha già một cách thơ bơ thất bất nên biết khi chuyển giao sẽ thiếu cân nên anh ta đã giở trò ma giáo lấy miếng chì giấu vào mình cha già cho đủ cân. Vì thế tục ngữ có câu : “Con cái pha chì cho cha mẹ” (pha có nghĩa là chế hoặc trộn lẫn vào). Hoặc chuyện mỗi đứa con nuôi cha mẹ trong một tháng, nhưng ngặt nỗi tháng có 30, tháng có 31 ngày nên tháng có ngày thứ 31 cha mẹ phải ra đứng ngoài đường. Đúng là “ cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”; “ Một mẹ nuôi nổi chín, mười con, chín mười con không nuôi nổi một mẹ”.
Chỉ mới ở cấp độ thấp nhất là nuôi dưỡng cha mẹ mà đã “tính tháng, tính ngày”, còn như đòi hỏi ở cấp độ sau đây thì sẽ được bao nhiêu người thực hiện đúng ý nghĩa của nó? Một hôm thầy Tử Hạ cũng hỏi Đức Khổng tử cũng về vấn đề chữ hiếu. Đức Khổng tử trả lời: “Sắc nan, hữu sự đệ phục kỳ lao, hữu tửu thực tiên sinh soạn, tằng thị dĩ vi hiếu hồ”(Điều khó nhất là nuôi dưỡng cha mẹ, con cái có giữ được nét mặt vui vẻ mãi mãi không. Có việc gì con cái làm thay cho cha mẹ, có gì ngon mời cha mẹ ăn, đây chắc gì là đã có hiếu – Luận ngữ: Vi chính). Trong lúc nuôi dưỡng cha mẹ cho dù gia đình nghèo khổ, đến bửa ăn chỉ toàn thức ăn đạm bạc đơn sơ nhưng con cái luôn giữ được nét mặt hòa vui trước mặt cha mẹ là đã thể hiện đạo hiếu rồi. Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào mà vẫn giữ được nét mặt hòa vui trước mặt cha mẹ quả một điều khó thực hiện đối với những người con trực tiếp nuôi cha mẹ. Do đó có nhiều người rất hiểu tâm lý, thỉnh thoảng họ về quê thăm cha mẹ vài hôm và nhận thấy người anh em của mình đang trực tiếp nuôi dưỡng cha mẹ có một vài thái độ, cử chỉ không hợp lễ với cha mẹ, họ đã cảm thông động viên người anh em đó cố gắng làm tốt hơn nữa chứ không hề lên mặt trách mắng.
“ Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên” (Trăm cái nết trong cuộc sống, hiếu là trước tiên). Người con hiếu thảo thực sự là “sự phụ mẫu năng kiệt kỳ lực” (phải đem hết sức mình mà thờ cha mẹ), “ sanh sự chi dĩ lễ, tử táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ” (cha mẹ lúc còn sống phải đối xử theo lễ, khi chết phải theo lễ mà táng, theo lễ mà cúng tế – Luận ngữ: Vi chính).
Sách Đức Huấn Ca của người Do Thái đã đề cao sự hiếu thảo, vì hiếu thảo có kèm theo lời chúc phúc: “ Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình sẽ được vui mừng trong con cái. Khi cầu xin người ấy được nhậm lời. Ai thảo kính cha mẹ sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha sẽ làm vui lòng mẹ. Hỡi kẻ làm con hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người, khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng chớ đành khinh dễ người. Vì của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi và xây dựng đức công chính của ngươi”.
Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông – Nha Trang
Để lại một phản hồi