15.02.2021
THỨ HAI TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN
Mc 8,11-13
Lời Chúa:
“Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?” (Mc 8,12)
Câu chuyện minh họa:
Crésus vua xứ Lydie có một người con trai câm. Hoàng tử đã lớn rồi mà vẫn không nói được một tiếng nào, mặc dù đã chữa chạy đủ mọi mặt. Ai cũng cho là hoàng tử sẽ câm suốt đời.
Đến khi tỉnh Sac bị dân Ba tư chiếm được, vị hoàng tử đó đứng kề nhà vua, lúc quân xâm lăng tiến vào thành. Bỗng đâu có một tên lính không biết mặt nhà vua, tuốt gươm ra định chém ngài. Hoàng tử thấy cha bị lâm nguy, hết sức cố gắng để bảo tên lính kia chớ nên làm như vậy. Và hoàng tử bật ra được câu nói: “Hỡi tên lính, chớ có hạ sát vua Crésus!”.
Tên lính tra gươm vào vỏ rồi bỏ đi.
Hoàng tử đã nói được chỉ vì muốn cứu cha khỏi chết. Từ đó hoàng tử cũng nói bình thường như người ta.
Suy niệm:
Những người Pharisêu đã chứng kiến rất nhiều dấu lạ Đức Giêsu nhưng họ không tin mà lại muốn thử Người nên xin Người làm dấu lạ để thử Người. Trên thập giá, họ còn đòi Chúa làm phép lạ: xuống khỏi thập giá. Như vậy, lòng tin của họ không hệ tại tin vào một Đấng nhưng muốn chứng kiến phép lạ để thỏa mãn tính lòng ước muốn trần tục. Chúa Giêsu đã không làm phép lạ để chiều theo ước muốn của họ, nhưng Ngài đã sống trọn vẹn sứ mạng của mình, là thi hành ý Cha.
Mỗi ngày, có rất nhiều phép lạ xảy ra chung quanh chúng ta nhưng chúng ta có biết mở lòng để nhận ra hay không? Chúng ta muốn phép lạ xảy ra với chúng ta để chúng ta xác tín hơn hay chúng ta thử thách Thiên Chúa?
Lạy Chúa, xin cho con tin tưởng vào Chúa một cách trọn vẹn không do dự.
16.02.2021
THỨ BA TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN
Mc 8,14-21
Lời Chúa:
“Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê!” (Mc 8,15).
Câu chuyện minh họa:
Khi còn nhỏ, J.Dillinger phải ra toà vì một tội vụn vặt. Được tha về, cha mẹ dẫn anh tới trường. Một số phụ huynh khác đến làm áp lực với các thầy cô giáo: Nếu thầy để J.Dillinger ở đây, chúng tôi sẽ đem con đến trường khác. Ông thầy bối rối không biết làm thế nào cho các phụ huynh an tâm. Ông đành nói thật cho J.Dillinger nghe. Anh bỏ học, không bao giờ bước chân tới trường nữa. Ít lâu sau, anh trở thành một tội phạm nguy hiểm nhất ở Hoa Kỳ trong thập niên 30.
Suy niệm:
Chúng ta phải vượt ra ngoài thành kiến để có thể đến được với nhau. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, điều các môn đệ nghĩ đến là bánh chứ không biết hướng đến một điều cao siêu hơn là quyền uy của Chúa được tỏ lộ. Đôi khi trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, chúng ta chỉ ở mãi trong sự thành công và những ơn lành của Chúa mà quên vươn tới điều thánh thiện hơn, là ca ngợi tình thương và lòng thương xót của Chúa. Đó là một thách đố của những người theo Chúa Giêsu hôm nay, khi đối diện với những khó khăn, chúng ta chỉ lo tìm cách giải quyết và quên mất Chúa là người lo liệu mọi sự.
Lạy Chúa, xin cho men tin mừng của Chúa thấm nhập vào đời sống của chúng con, để mọi việc chúng con làm đều vinh danh Chúa.
17.02.2021
THỨ TƯ LỄ TRO
Mt 6,1-6.16-18
Lời Chúa:
“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,4)
Câu chuyện minh họa:
Buổi sáng như thường lệ, ông Alfes vừa thưởng thức ly cà phê nóng, vừa liếc qua nhìn những tựa lớn trên tờ nhật báo trước khi đi làm.
Hôm ấy ông hoảng hốt khi đọc thấy bản tin về cái chết của ông. Có lẽ người ta đã in lầm tên của ông với tên của một người nào đó chăng. Thế rồi với tính tò mò, ông cố đọc xem người ta nói gì về ông sau khi ông chết. Bản tin mang tựa đề lớn in chữ đậm viết: “ông vua lựu đạn qua đời”. Ông càng sửng sốt hơn nữa khi đọc hết bản tin. Người ta đã mô tả ông như người buôn bán cái chết.
Thật vậy, ông Alfes chính là người đầu tiên phát minh ra lựu đạn giết người. Ông mở xưởng sản xuất lựu đạn và trở nên nhà tỷ phú trên biết bao nhiêu người. Giờ đây ông như người tỉnh ngộ sau cơn mê. Thì ra với vũ khí giết người đó, ông chính là người lái buôn của sự chết. Ông tự hỏi mình: tôi có nên tiếp tục cái nghề không lành mạnh này không. Tôi có muốn xuống mồ với cái danh hiệu là người buôn bán sự chết không? Ông cảm thấy như có một sức sống mới trào dâng trong tâm hồn. Nó mãnh liệt hơn cả sức mạnh phá huỷ sự sống của những lựu đạn mà chính ông đã phát minh ra.
Thời giờ của Chúa đã điểm trong tâm hồn của ông, đó l2 giờ của ơn cứu độ, của tỉnh thức, giờ giác ngộ và thống hối. Từ ngày đó Alfes nhất định thay đổi lối sống, ông tận dụng tất cả những sinh lực còn lại và cái gia sản khổng lồ mà ông đã thu được trong công cuộc thăng tiến con người và kiến tạo hòa bình.
Quả thực, ông Alfes đã được ghi vào lịch sử không phải với danh hiệu người lái buôn sự chết nữa nhưng là người sáng lập giải thưởng hòa bình Nobel. Bởi vì quý danh của ông là Alfes Nobel.
Suy niệm:
Để được cứu độ con người cần có lòng khiêm tốn để nhận ra lỗi lầm của mình và hoán cải. Việc nhìn nhận lầm lỗi của mình là điều không phải dễ vì thường người ta dễ quy tội cho người khác, đổ lỗi cho người khác, không nhận trách nhiệm về mình… Thật vậy, chỉ khi nào chúng ta khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối của bản thân và sửa đổi thì lúc đó chúng ta mới thật sự trưởng thành, và chắc chắn tâm hồn chúng ta sẽ được bình an.
Hôm nay Chúa dạy chúng ta ba cách thức để sống tâm tình mùa chay: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Tất cả những việc làm ấy phải được thực hiện trong sự kín đáo, đừng làm để được người ta khen, không chú trọng đến hình thức bên ngoài, nhưng là để làm vui lòng Thiên Chúa mà thôi.
Lạy Chúa, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa, sám hối thật lòng, và canh tân đời sống theo tinh thần Phúc Âm.
18.02.2021
THỨ NĂM SAU LỄ TRO
Lc 9,22-25
Lời Chúa:
“Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9,25)
Câu chuyện minh họa:
Đây là giấc mơ của nữ tu Briege:
Tôi ở trong một căn nhà to lớn. Một người đàn ông đến gõ cửa nhà tôi. Mở cửa ra, tôi thấy đó là một người rất dễ thương, vì thế tôi mời ông ta vào nhà. Tôi nói: “Hãy nhìn các căn phòng này. Xin cứ tự nhiên, coi đây như nhà của ông; ông có thể đi lại bất cứ nơi nào ông thích trong nhà tôi”. Tôi đi theo ông rảo khắp các căn phòng. Có rất nhiều phòng và tất cả đều đẹp. Bất thình lình, ông đứng lại trước một cửa phòng khóa cửa. Ở cánh cửa ra vào, có một tấm biển in đậm các chữ như sau: “sở hữu riêng xin đừng vào”. Ông ta quay lại nhìn tôi, và khi ông quay mặt lại, tôi nhận ra ông chính là Đức Giêsu. Ngài hỏi tôi: Briege, tại sao Ta không được vào trong căn phòng này?” Tôi trả lời: “Thưa thầy, Thầy hãy xem tất cả những gì con đã cho Thầy. Con chỉ muốn giữ lại một tí chút cho con mà thôi”. Và tôi nghe Ngài nói: “Briege, con biết, nếu con không mở cánh cửa này, con sẽ không bao giờ biết được tự do đích thực”. Tôi nhớ tôi đã tự nói với mình: “có cái gì trong phòng này nhỉ?’ Chúa nói: “Ta sẽ chỉ cho con”. Trong căn phòng này: đó là tiếng tăm của tôi, đó là những gì kẻ khác nghĩ về tôi. Tôi đã không để Đức Giêsu vào trong căn phòng này vì tôi đang bảo vệ tên tuổi và tiếng tăm của tôi. Tôi muốn theo Đức Giêsu, nhưng tôi muốn làm chủ đời tôi. Tôi không muốn trở thành một kẻ điên khùng. Tôi lại nghe Đức Giêsu nói với tôi: “Con nghĩ con đã cho con cuộc đời của con!” Lúc đó, các chữ trong lời tuyên khấn dòng của tôi hiện rõ trong trí tôi. Tôi đã hứa cho Chúa cuộc đời tôi, bất cứ điều gì Ngài muốn ở tôi, trong dòng thánh Clara này. Tôi thấy tôi đang quì gối trước Mẹ Bề Trên Tổng quyền và Đức Giám Mục, và tôi đang nghe các lời khấn tôi đọc. Cùng lúc đó, tôi nghe Đức Giêsu nói với tôi, tay Ngài chỉ về cánh cửa đang đóng: “Con đang nói lên lời khấn bằng loại ngôn ngữ nào vậy?” Tôi nhớ đã nói với Ngài như sau: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Ngài và con cho Ngài đời của con, nhưng bằng kiểu cách của con”. Trong đời sống tu của tôi, tôi không bao giờ cảm nghiệm được niềm vui, sự bình an, sức mạnh, lòng can đảm nghĩa là tất cả những gì Ngài muốn ban cho tôi cho đến khi nào tôi từ bỏ tất cả cuộc đời tôi và muốn trở thành một kẻ điên dại vì Ngài.
Suy niệm:
Nhiều lúc chúng ta nghĩ mình đã từ bỏ tất cả, dâng cho Chúa tất cả rồi, nhưng thực ra chúng ta đang tìm cách thu gom lại cho bản thân mình những gì mình bỏ đi trước đó.
Giáo hội bước vào Mùa Chay, để mọi Kitô hữu có dịp trở về với chính mình, nhận ra con người thật của mình để bắt đầu một cuộc thống hối bằng sự từ bỏ. Từ bỏ những tính hư tật xấu, và hơn thế nữa là quên mình phục vụ tha nhân như chính Chúa Giêsu đã sống và đã dạy. Vì vậy, phương thế để giúp chúng ta dứt khoát với tội lỗi, là chạy đến với Chúa như người bệnh tật cần được chữa lành, và suy niệm Lời Chúa như là kim chỉ nam cho cuộc sống.
Lạy Chúa, con người con yếu đuối, mỏng manh lắm, xin cho con luôn biết tìm nương cánh Chúa để đời con thực sự thuộc trọn về Chúa vì “được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”
19.02.2021
THỨ SÁU SAU LỄ TRO
Mt 9,14-15
Lời Chúa:
“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rễ còn ở với họ?” (Mt 9,14)
Câu chuyện minh họa:
Có một đan sĩ nọ, trong một giây phút yếu lòng, đã phạm một tội rất nặng. Thầy cảm thấy hối hận sâu xa và quyết định bỏ ba năm để đền tội. Ngày kia, thầy đến hỏi Đức Viện Phụ:
– Thưa Cha, 3 năm trời có đủ để khóc than và đền bù tội lỗi của con không?
– Ba năm nhiều quá! – Viện Phụ đáp-
– Vậy thưa Cha, chỉ cần một năm thôi cũng đủ hay sao?
– Cha nghĩ một năm cũng là quá nhiều!
– Vậy con nghĩ 40 ngày ăn chay đánh tội nhiệm nhặt là đủ rồi, hay Cha vẫn thấy còn quá nhiều?
Bấy giờ Đức Viện Phụ mới kết luận:
– Cha tin rằng khi một người thành tâm thống hối tội lỗi mình đã phạm và quyết chí từ nay không còn phạm tội đó nữa, thì chỉ cần một ngày đau buồn đền tội, và một ngày hôm sau, thì bình minh trở lại, người ấy phải vui mừng đón nhận cuộc sống mới!
Suy niệm:
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta chay tịnh để tập luyện khả năng làm chủ bản thân mình, và xa tránh tội lỗi. Thời gian để chúng ta ăn năn sám hối không quan trọng nhưng ở tấm lòng yêu mến Chúa. Ngài không chú trọng hình thức bên ngoài, nhưng quan trọng ở thái độ. Vì thế, chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta cần phải thay đổi lối sống cho phù hợp với Tin mừng. Thái độ của người môn đệ Chúa là dứt khoát chọn Chúa hơn cả những vinh hoa và lợi lộc của thế gian này.
Lạy Chúa, cuộc đời con tội lỗi, lấm lem của những sa ngã nhưng Chúa vẫn lau sạch, và làm cho trở nên trắng tinh tuyền khi chúng con thật lòng ăn năn thống hối. Xin Chúa giúp chúng con mỗi ngày nhìn lại chính mình để thay đổi và làm mới lại từng ngày, để Tin mừng và Lời Chúa được lớn lên trong con mỗi ngày.
20.02.2021
THỨ BẢY SAU LỄ TRO
Lc 5,27-32
Lời Chúa:
“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.” (Lc 5,32)
Câu chuyện minh họa:
Trong các giai thoại về những Thiền sư nổi tiếng ở Nhật Bản, người ta có kể câu chuyện như sau:
Một buổi tối nọ, Thiền sư Shecchery đang ngồi thiền thì có một tên cướp xông vào nhà, hắn dí gươm vào cổ nhà tu hành và dọa sẽ giết nếu không trao hết tiền bạc cho hắn. Vị Thiên sư không để lộ một chút sợ hãi nào, ông chỉ vào cái hộp rồi nói với tên cướp:
– Tiền đựng trong cái hộp kia, ngươi hãy để cho Ta yên, nói xong ông tiếp tục tụng niệm. Sau một lúc, ông nhìn lại và nói với tên cướp:
– Đừng lấy hết tiền của Ta, để lại cho ta một ít vì ngày mai ta còn phải đóng thuế. Nhưng tên cướp đã không màng gì đến lời yêu cầu của vị thiền sư, lấy hết tiền trong cái hộp và nhét đầy túi, hắn vừa ra đến cửa nhà sư nói vọng ra:
– Ngươi không biết nói một tiếng cám ơn khi nhận được một món quà sao?
Không quá tiếc lời với khổ chủ tên cướp đành nói tiếng cám ơn và bỏ đi.
Vài ngày sau, vị thiền sư được tin là kẻ gian ác bị sa lưới pháp luật. Hắn nêu đích danh vị thiền sư là người đã bị hắn uy hiếp. Thiền sư Secchery được mời ra toà để làm chứng. Trước mặt mọi người ông đã tuyên bố như sau:
– Đối với riêng cá nhân tôi thì người này không phải là một tên cướp. Tôi đã cho anh ta tiền và anh ta đã mở niệng cám ơn tôi.
Vì có quá nhiều tiền án cho nên tên cướp đã bị tống giam. Sau khi mãn hạn tù, anh đã tìm đến với thiền sư và xin làm đệ tự của ông.
Suy niệm:
Chúa Giêsu biết rất rõ về Lêvi và nghề thu thuế của ông, và càng biết lý do những người Do Thái liệt Lêvi vào hàng người tội lỗi. Thế nhưng cái nhìn của Chúa không giống như cái nhìn của con người. Chúa nhìn Lêvi như người đau bệnh cần được chữa lành, và Ngài đến với ông như một thầy thuốc. Cách xử sự của Chúa đã cứu chữa được một con người, làm cho ông trở thành dụng cụ đắc lực để rao giảng Tin mừng.
Thật vậy, lòng cảm thương và sự tha thứ của Chúa đã thay đổi biết bao con người, tạo nên cơ hội để thay đổi cuộc đời. Với Giakêu, Ngài đã đến thăm nhà; với Lêvi, Ngài cho ông gia nhập vào hàng ngũ các môn đệ; và với Phêrô, người môn đệ thân tín đã chối Thầy, Ngài nhìn với ánh mắt yêu thương và tha thứ…
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã yêu thương và nâng con lên khỏi vũng lầy tội lỗi. Xin cho con biết nhìn tha nhân với cái nhìn của Chúa để không loại trừ một ai, không lên án một ai vì chính bản thân con cũng đang cần được yêu thương, tha thứ, và cảm thông.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Để lại một phản hồi