Bên cạnh những phát biểu nhắm nhấn mạnh sự đóng góp mà chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha có thể mang lại cho tiến trình hòa bình trong vùng, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những bài báo và phân tích cho rằng chuyến viếng thăm có mục đích chính trị là “tái Ki-tô hóa khu vực”.
Hình ảnh ĐTC và Đại Ayatollah được chiếu sáng trên một tòa nhà
Một bài viết hôm 8/3 của tờ báo ủng hộ chính phủ “Yeni Safak” – Bình minh mới – đã đặt vấn đề vai trò của Vatican trong việc giải quyết các khủng hoảng và xung đột ở Trung Đông. Họ cáo buộc Tòa thánh “thụ động trước các vấn đề nhạy cảm” như việc Israel chiếm đóng Palestine hoặc hạn chế “kêu gọi cầu nguyện” trong cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất của Đức Thánh Cha cũng bị chỉ trích, vì quốc gia này “dính líu đến các cuộc xung đột ở nhiều nơi ở Trung Đông, từ Somalia đến Yemen, từ Syria đến Libya”.
Nâng đỡ các Ki-tô hữu
Trong một bài viết có tựa đề “Chiến lược tôn giáo trong chuyến thăm Iraq của Giáo hoàng”, giáo sư Ozcan Gongur của Đại học Ankara đề cập đến “các mục tiêu và kết quả” của cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha. Đầu tiên, ông khẳng định mục đích chuyến viếng thăm là để nâng đỡ các Ki-tô hữu thiểu số đang sống trong hoàn cảnh khó khăn.
“Ki-tô giáo hóa khu vực ”
Theo giáo sư Gongur, mục đích thứ hai của chuyến viếng thăm là “Ki-tô giáo hóa khu vực ” được thể hiện qua việc chọn những thành phố và nơi chốn được viếng thăm như thành Ur, Qaraqosh, đặc biệt là Ninive, địa điểm được nhắc đến trong Kinh Thánh. Ông nói: “Rõ ràng là có những kế hoạch hồi sinh và nhắc nhớ các dấu chỉ căn tính và làm mới lại vị trí của chúng trong ký ức chung nhân danh Ki-tô giáo. Có thể thấy rõ hơn ý nghĩa của chuyến thăm đến những vùng này khi xem xét rằng sứ mạng mới của Giáo hội Công giáo trong thiên niên kỷ thứ ba yêu cầu Kitô giáo hóa các vùng này”.
Gia tăng chia rẽ giữa các nhóm Hồi giáo Shiite
Ngay cả cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với Đại Ayatollah cũng bị bình luận là “một bước đi chiến lược làm gia tăng sự tách biệt giữa các nhóm Hồi giáo Shiite, gia tăng sự cạnh tranh hiện có bằng cách làm đảo lộn sự cân bằng giữa các nhóm và chuẩn bị cho xung đột.” Bài viết của giáo sư Gongur cũng cáo buộc Đức Thánh Cha là thiếu nhạy cảm trước đau khổ của các cộng đồng Hồi giáo ở Trung Đông.
Tăng cường “sự hiện diện của Công giáo” trong khu vực
Một bài viết được đăng tải bởi báo Hurryiet hôm 7/3 xem chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là nhằm mục đích tăng cường đối thoại với Hồi giáo và hỗ trợ các cộng đồng Ki-tô giáo và trong nỗ lực tăng cường “sự hiện diện của Công giáo” trong khu vực.
Cần nhắc rằng, trước khi Đức Thánh Cha thăm Iraq, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ cạnh Tòa Thánh, Lütfullah Göktaş, đã khen ngợi những đóng góp tích cực mà cuộc viếng thăm có thể mang lại “cho sự ổn định của vùng này”. (Fides 09/03/2021)
Hồng Thủy
(vaticannews.va 10.03.2021)
Để lại một phản hồi