Tại Sao Chầu Thánh Thể?

Bí tích Thánh Thể đến với chúng ta qua hy tế Thánh Thể, hy tế Thánh Lễ. Điều này thật hiển nhiên vì Thánh Lễ là sự đổi mới cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Trong hy tế này, Người từ bỏ mạng sống mình, hiến dâng mình và máu của Người để cứu chuộc chúng ta. Chính tại Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích và hy tế này….


Một trong những vấn đề được giải quyết bởi công đồng Vatican II là làm thế nào để xây dựng sự hiệp nhất các Kitô hữu hay làm thế nào để chữa trị sự chia rẽ trong Hội Thánh Chúa Giêsu đã thiết lập.

Trong sắc lệnh về Đại Kết, công đồng đã nỗ lực để cho người công giáo thấy được chúng ta có bao nhiêu điểm chung với các Hội Thánh Kitô giáo khác, công đồng Vatican II nhấn mạnh đến những tín điều chúng ta hòa hợp với họ hơn là tập trung vào những khác biệt về niềm tin và thực hành. Đây là một ý tưởng hay, nhưng vấn đề không lường trước đã nảy sinh. Với những cố gắng nhìn nhận những điều chúng ta cùng nhau tin, đã phát sinh xu hướng đổ thêm nước vào đức tin công giáo, tức là tín lý đã bị pha loãng và những khác biệt bị bỏ qua, giả tưởng như không có gì khác biệt để dễ nên thân thiện và dễ chấp nhận anh em Kitô hữu không công giáo hơn. Kết quả là nhiều người trong chúng ta có thể trở thành những tín hữu công giáo ương ương dở dở. Có những người công giáo phát hiểu thế này : “Bao lâu bạn chân thành thì chẳng có gì khác biệt với những gì bạn tin cả” hoặc “Bao lâu nó làm bạn cảm thấy tốt thì OK”. Một số người công giáo, bị cám dỗ bởi những lời tự tuyên bố của các nhà thần học đã bắt đầu khăng khăng không còn chân lý tuyệt đối nữa. Không có đúng hay sai, chẳng có trắng hay đen nữa, mọi thứ là màu xám tất.

Niềm tin của chúng ta có những điểm chung với những anh chị em Kitô hữu khác, nhưng cũng nên biết rằng thật sự là có những khác biệt, phải nhận ra kho tàng đức tin chúng ta có; kho tàng đã bị các anh chị em Kitô giáo khác phản bác và loại trừ.  Điểm khác biệt so với đa số Giáo Hội Kitô khác chính là niềm tin của chúng ta vào sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô nơi nhiệm tích Thánh Thể. Đối với chúng ta, bí tích Thánh Thể không chỉ là một biểu tượng, không chỉ là một sự tưởng niệm, không chỉ là một lời hứa, nhưng đích thực là Chúa Giêsu Kitô, là Đức Chúa và là Thiên Chúa chúng ta. Tất cả các bí tích đều ban cho chúng ta ân sủng của Chúa Kitô, nhưng bí tích Thánh Thể ban cho chúng ta chính Chúa Giêsu. Đó là đức tin của người công giáo. Tại sao chúng ta tin? Không phải bởi vì các nhà thần học nói, thậm chí không phải vì Hội Thánh nói nhưng chỉ vì chính chúa Giêsu đã nói như thế và chúng ta tin vào Người.    

Chẳng có gì ngạc nhiên khi ngày nay nhiều người không tin vào phép Thánh Thể. Chính vào thời Chúa Giêsu, một số các môn đệ của Chúa đã không chấp nhận khi nghe Người nói sẽ ban thịt và máu Người làm của ăn của uống nuôi dưỡng linh hồn. Họ không tin Người và đã rời bỏ Người. Chúa Giêsu đã không gắng công gọi họ lại. Người đã không nói, “Nào, chờ cái đã! Anh em hiểu lầm Thầy đấy! Thầy chỉ đang nói một cách biểu tượng thôi”. Không! Người cứ để họ bỏ đi. Nếu họ không tin Người, họ không thể trở thành môn đệ của Người.

Thế rồi, Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? “. Người cũng đã sẵn sàng để các tông đồ bỏ đi. Nhưng chúng ta biết rằng thánh Phêrô đã đáp thay cho nhóm : “Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”Các tông đồ làm theo lời của Chúa Giêsu và chúng ta cũng làm thế.

Bí tích Thánh Thể đến với chúng ta qua hy tế Thánh Thể, hy tế Thánh Lễ. Điều này thật hiển nhiên vì Thánh Lễ là sự đổi mới cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Trong hy tế này, Người từ bỏ mạng sống mình, hiến dâng mình và máu của Người để cứu chuộc chúng ta. Chính tại Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích và hy tế này. Vào đêm trước khi chịu chết, Chúa Giêsu biết rằng Người sắp phải rời bỏ bạn hữu của mình, những người mà Chúa quá đỗi yêu thương, Người đã muốn để lại cho họ điều gì đó để họ tưởng nhớ Người, nhưng Người đã thực hiện một điều tốt hơn thế, Người đã để lại chính mình Người.

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nhìn trước biến cố ngày hôm sau là Người sẽ phải chết trên thánh giá. Bởi thế, Người đã nói, “Đây là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Đây là Máu Thầy, sẽ đổ ra cho các con”. Rồi Người truyền rằng:“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúng ta thi hành lệnh truyền này mỗi ngày. Vì trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nhìn trước lên đồi Canvê, cho nên trong hy tế Thánh Lễ, chúng ta sẽ nhìn trở lại Canvê. Vì vậy, thánh Phaolô mới nói:“Khi chúng ta ăn bánh và uống chén này, chúng ta công bố Chúa đã chịu chết”. Trên thánh giá và trong Thánh Lễ, chúng ta có cùng một hy tế là Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã chọn một cách thế đặc biệt để ở lại với chúng ta. Không phải là một lời hứa xuông khi Ngài nói:  “Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Ngày nay, Chúa Giêsu vẫn ở lại đây với chúng ta trong Thánh Lễ như là Đấng Cứu Độ chúng ta, ở trong tâm hồn khi chúng ta rước lễ như là lương thực thiêng liêng cho chúng ta và ở trong nhà tạm như người bạn của chúng ta. Chúa đã chết trên thập giá để trao ban cho chúng ta bí tích sự hiện diện của Người giữa chúng ta. Đó là bí tích tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Mẹ Têrêsa Cancutta nói rất hay rằng: “Khi nhìn lên thánh giá, chúng ta biết Chúa Giêsu đã yêu chúng ta dường bao. Khi nhìn lên nhà tạm, chúng ta biết Người đang yêu chúng ta dường nào”.

Nhiều người công giáo nghĩ rằng chúng ta tham dự Thánh Lễ và nhận được ân sủng từ Thánh Thể chỉ trong Thánh Lễ khi lên rước lễ. Tư tưởng này giới hạn quyền năng và tình thương của Chúa Giêsu rất nhiều. Chắc chắn việc tham dự vào hy tế Thánh Thể và hiệp lễ là nguồn ân sủng mạnh mẽ nhất cho chúng ta nhưng nó không phải là nguồn ân sủng Thánh Thể duy nhất. Sau khi Thánh Lễ hoàn tất, bí tích vẫn tiếp tục. Chúa Giêsu, trong Mình và Máu Thánh bí tích của Người vẫn ở đây với chúng ta như là bạn hữu.  Vì lý do này, chầu Thánh Thể thật là quan trọng.

Bởi thế, chúng ta nên viếng thăm bạn của chúng ta, Chúa Giêsu, Người đang ở trong nhiệm tích Thánh Thể, để đáp trả tình yêu Người dành cho chúng ta và để rút được sức mạnh, chất bổ dưỡng và sựnâng đỡ từ tình yêu ấy.

Không may là có nhiều người trong Hội Thánh ngày nay chẳng thấy được nhu cầu hay giá trị của chầu Thánh Thể. Một số người còn chống đối, họ cho rằng chầu Thánh Thể đã lỗi thời trong một Hội Thánh hiện đại hôm nay. Do vậy, điều tối quan trọng đối với chúng ta là nhận thức rằng chầu Thánh Thể rất phù hợp với giáo huấn của Hội Thánh và đặc biệt, của công đồng Vatican II.

Một trong những điểm chính yếu của Vatican II là nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phụng vụ Thánh Thể trong việc tôn thờ Thiên Chúa và trong sự phát triển đời sống thiêng liêng của cá nhân chúng ta. Công đồng Vatican II mạnh mẽ loan báo cho chúng ta rằng hy tế Thánh Thể, tức Thánh Lễ, phải là sự diễn tả đức tin chủ chốt và tất cả những việc sùng kính đạo đức Thánh Thể nên bắt nguồn từ Thánh Thể và dẫn trở lại với Thánh Lễ. Chầu Thánh Thể thực hiện một cách chính xác điều đó.

Tất cả kinh nghiệm tỏ cho thấy cầu nguyện và chầu Thánh Thể riêng tư sẽ dẫn đến việc tham dự Thánh Lễ thường xuyên hơn và tích cực hơn.

Mặc cho có những giáo huấn này của Vatican II về bí tích Thánh Thể, hầu như ngày lập tức sau công đồng , chúng ta đã thấy bắt đầu một thảm họa xảy ra đó là lòng kính trọng đối với Thánh Thể bị suy yếu. Trong một số trường hợp, Thánh Lễ dường như đã bị biến chuyển từ phụng thờ Thiên Chúa thành ra trò giải trí của dân chúng.

Lòng cung kính đối với bí tích Thánh Thể giảm sút. Việc bái gối diễn tả đức tin của chúng ta trước sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu hầu như biến mất. Sự thinh lặng cầu nguyện trong các nhà thờ chúng ta nhường chỗ cho những vấn đề xã hội. Đối với nhiều người, nhà thờ đã biến thành một hội trường dân sự hơn là một nơi thánh thiêng dùng cho cầu nguyện và phụng tự. Thánh Lễ thường được vận dụng cho những phát biểu chính trị. Lòng sùng kính Thánh Thể bị chê bai thuộc về một Hội Thánh già nua và hầu như đã mất tăm khỏi công giáo. Một số thế hệ chẳng bao giờ thấy ban phép lành Mình Thánh Chúa. Chống lại tình trạng này, ĐGH Gioan Phaolô II đã phục hồi bằng việc đặt bí tích Thánh Thể vào vị trí đúng đắn trong đời sống phụng tự và thiêng liêng của Hội Thánh. Mỗi năm, ngài đều viết thư mục vụbàn về bí tích Thánh Thể để gởi tới tất cả giám mục và linh mục. Trong những bức thư này, ĐGH yêu cầu chấm dứt những lạm dụng chống lại nhiệm tích Thánh Thể. Ngài cầu xin Thiên Chúa để sự cung kính Thánh Thể và các truyền thống của quá khứ trở lại với Hội Thánh, đặc biệt là chầu Thánh Thể. ĐGH củng cố lời ngài bằng hành động. Vào năm 1991, ngài đã bắt đầu chầu Thánh Thể thường xuyên tại Vương Cung Thánh Đường Phêrô ở Rôma. Cũng năm đó, ngài đã chuẩn nhận thiết lập theo giáo luật một Hội Giáo Dân Chầu Thánh Thể thường xuyên nhằm thăng tiến việc chầu Thánh Thể tại các giáo xứ trên toàn thế giới. Đức thánh cha nói: “Hội Thánh và thế giới có một nhu cầu phụng thờ Thánh Thể rất lớn”. Chúa Giêsu chờ đợi chúng ta trong bí tích tình yêu này. Vậy chúng ta hãy quảng đại dành thời giờ của mình để đến gặp gỡ Chúa trong giờ chầu. Hãy chú ý là ĐGH đang xin chúng ta quảng đại thời giờ thế nào. Ngài đã không xin chúng ta tiền bạc, nhưng một thứ quý giá hơn nhiều – thời giờ của chúng ta. Tại Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế ở Tây Ban Nha, trong những phát biểu vào lúc khai mạc Đại Hội, Đức thánh cha trước hết cảm tạ tất cả giáo xứ và dân chúng đã giúp cho việc chầu Thánh Thể được lớm mạnh trong việc chuẩn bị  Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế. Sau đó, ngài cầu nguyện  cho việc đặt Mình Thánh Chầu được thiết lập  trong mọi nhà thờ công giáo khắp thế giới.

Những lợi ích đã đến với những ai tham dự chầu Thánh Thể là rất lớn. Không những cho bản thân họ mà cho cả gia đình của họ nữa. Các cha sở cũng nói đến sự tăng tiến về đời sống tinh thần và thiêng liêng trong các giáo xứ của các ngài từ khi giáo xứ bắt đầu chầu Thánh Thể. Chẳng hạn số người tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật và cả những ngày trong tuần tăng lên, đời sống hôn nhân và gia đình hạnh phúc và vững chắc hơn, số ơn gọi tu sĩ và linh mục gia tăng. Đặc biệt có cha chia sẻ rằng số người đi lễ Chúa Nhật trong giáo xứ của ngài tăng lên gấp đôi và số tiền đóng góp thu được gấp ba lần trước đó.

Dĩ nhiên, không tránh khỏi một số người phản bác chầu Thánh Thể. Một vài người phàn nàn chầu Thánh Thể quá riêng tư, cá nhân và quá tĩnh lặng. Phàn nàn này dường như dựa trên cơ sở cho rằng phụng tự Thiên Chúa của chúng ta phải luôn luôn là một thực hành mang tính cộng đoàn, nó phải luôn dính líu tới nhiều người, với nhiều hoạt động và thậm chí thật nhiều ồn ào. Cầu nguyện không phải luôn luôn theo cách đó. Chính Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta như vậy. Hãy nhìn vào gương mẫu cuộc đời của Người. Người là một tín hữu Do Thái tốt lành và thực hành đạo. Người trung thành tham dự những buổi phụng tự công cộng tại đền thánh Giêrusalem hoặc tại các hội đường địa phương y như chúng ta tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Tuy nhiên Người vẫn thường xuyên tìm nơi thanh vắng như trong hoang địa, trên núi, lúc sáng sớm …để cầu nguyện riêng trong tĩnh lặng với Cha của Người, để thờ phượng, cảm tạ Chúa Cha, xin Chúa Cha trợ giúp và ban sức mạnh cho Người, đặc biệt trước những biến cố lớn lao và quyết định quan trọng trong cuộc sống của Người. Chúa Giêsu đã cầu nguyện riêng suốt 40 ngày trước khi bắt đầu sứ vụ công khai. Rồi trước khi chọn 12 tông đồ trong số các môn đệ, Người cũng cầu nguyện riêng suốt đêm. Vào đêm trước khi chịu chết, Chúa Giêsu đã cầu nguyện một mình cùng Chúa Cha để xin thêm sức mạnh chịu đựng những khổ hình Người biết sẽ đến trên Người vào ngày hôm sau.

Phàn nàn thứ hai thường là kêu thiếu thời gian vì đã có nhiều việc làm cho Chúa và dân của Người rồi. Một vài người nói :“Liệu chúng ta có thể tiêu phí xa hoa thời gian vào cầu nguyện riêng không? Tốt hơn nên dùng thời gian đó để thăm viếng bệnh nhân?”. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta nhìn vào cuộc đời của mẹ Têrêsa Cancutta. Cả thế giới này đều biết mẹ và các chị em của mẹ đã hiến dâng cuộc sống của mình để tìm kiếm và chăm sóc những kẻ không ai giúp đỡ, những kẻ bị bỏ rơi nhất trong những người nghèo, người bệnh và người vô gia cư. Nhiều người trên thế giới biết đến và khâm phục công việc của các nữ tu của mẹ. Tuy nhiên, có thể nhiều người lại không biết đến đời sống cầu nguyện trong cộng đoàn của họ. Mỗi ngày, trước khi ra ngoài đi tìm những bệnh nhân và những người sắp chết, họ đã dành 2-3 giờ để cầu nguyện trong Thánh Lễ và trong giờ chầu. Lần kia, một nhà phê bình nổi tiếng đã hỏi mẹ Têrêsa Cancutta là liệu có đúng đắn không khi các nữ tu của mẹ dành quá nhiều thời giờ để cầu nguyện riêng thay vì sử dụng thời gian đó để phục vụ bệnh nhân và người nghèo. Mẹ đã trả lời : “Nếu các chị em của tôi không dành thật nhiều thời gian để cầu nguyện, họ không thể phục vụ người nghèo và bệnh nhân chút nào.” Cầu nguyện trước Thánh Thể của họ là nguồn sức lực và là nhu cầu cần thiết để họ thi hành việc tông đồ cực kỳ khó nhọc của họ.

Tình yêu Thiên Chúa phải được diễn tả và củng cố trước để từ đó chúng ta mới có thể yêu mến những người hàng xóm láng giềng được.        

Một lần kia, khi mẹ Têrêsa Cancutta viếng thăm Mỹ quốc, một nhóm phụ nữ Mỹ đến hỏi mẹ là họ có thể làm gì để giúp đỡ công việc của mẹ. Mẹ đã đáp lại: “Sự giúp đỡ lớn lao nhất các bạn có thể dànhcho tôi là dành một giờ mỗi tuần thinh lặng thờ lạy trước bí tích Thánh Thể”.

Đôi khi những người bái bác việc chầu Thánh Thể phàn nàn rằng có quá nhiều “Chúa Giêsu và tôi” trong giờ chầu. Họ kết án ý định chầu Thánh Thể dễ tạo ra tâm tính ích lỷ, xoay hướng tất cả tư tưởng và ước muốn của chúng ta vào bên trong thay vì hướng ra tha nhân. Một lần nữa, lời giải đáp hiển nhiên là hãy nhìn vào các nữ tu của mẹ Têrêsa Cancutta và chỉ đề cập đến thời gian họ dành cho cầu nguyện riêng và chầu Thánh Thể. Ai dám nói công việc của họ là ích kỷ không? Bất kỳ cha sở nào, nơi có chầu Thánh Thể thường xuyên, cũng có thể làm chứng rằng những người chầu Thánh Thể đều đặn cũng chính là những thành viên tích cực nhất trong giáo xứ của ngài.

Năm 1996, ĐGH Gioan Phaolô II đã đưa ra một lá thư mừng kỷ niệm 400 năm việc sùng kính 40 giờ. Ngài viết rằng : “Sự gần gũi với Chúa Kitô Thánh Thể trong thinh lặng và chiêm ngắm không tách chúng ta xa khỏi những người đương thời, trái lại, nó làm chúng ta mở ra trước những niềm vui và nỗi khổ của nhân loại, mở rộng trái tim chúng ta vươn tới toàn cầu. Bất kỳ ai cầu nguyện với Đấng Cứu độ Thánh Thể sẽ kéo toàn thế giới vào với Người và nâng lên cho Thiên Chúa”. Hiển nhiên, không có gì ích kỷ khi chầu Thánh Thể cả.

Những sai nhầm liên quan đến chầu Thánh Thể cũng như những hình thức cầu nguyện và sùng kính cá nhân khác có thể là do người ta đọc và hiểu sai công đồng Vatican II.

Một trong những nét chính của Vatian II là nhấn mạnh đến bản chất xã hội của con người và hậu nhiên là của Hội Thánh. Con người là một hữu thể xã hội, được sống trong một cộng đoàn – gia đình, giáo xứ, thành phố quốc gia và thế giới. Hội Thánh cũng mang bản chất xã hội như vậy. Trong “Hiến chế Hội Thánh trong thế giới ngày nay”, Vatican II tuyên bố vai trò của Hội Thánh không phải là chống lại thế giới, không phải là chinh phục thế giới nhưng là lao tác cùng với thế giới để cải thiện nó. Đem khái niệm xã hội này vào trong lãnh vực phụng tự, Vatican II đưa ra “Hiến Chế về Phụng Vụ” trong đó nhấn mạnh đến bản chất xã hội và cộng đoàn của phụng tự Thiên Chúa. Tài liệu này cùng với những sắc lệnh áp dụng sau đó đã chỉ dẫn những thay đổi mà có lẽ là kết quả hữu hình nhất của Vatican II. Điều này đã có tác động lớn nhất đến công giáo mỗi ngày. Những thay đổi như thế đều nhắm làm cho các tín hữu hiểu biết nhiều hơn và tham dự tích cực hơn vào phụng vụ. Sự tham dự mang tính cộng đoàn luôn luôn là lý tưởng nhưng nó không phải dễ dàng hoàn thành viên mãn. Mặc dầu xảy ra những khó khăn vào những ngày đầu sau công đồng, nhưng bản chất xã hội của phụng thờ Thiên Chúa và sự tham dự mang tính cộng đoàn vào phụng vụ đã được chấp nhận một cách rộng rãi. Nhưng rồi một vấn đề mới – một hiệu quả phụ đáng tiếc – đã phát sinh. Bấy giờ, một số người công giáo có ý nghĩ rằng chẳng cần phải cầu nguyện cá nhân, riêng tư nữa. Thậm chí không cần thực hành nữa những những việc đạo đức như lần hạt mân côi, ngắm đàng thánh giá, tuần cửu nhật và nhận phép lành. Một số người còn đi xa hơn khi cho những việc sùng kính như vậy không còn được khuyến khích nữa hay đã bị cấm bởi công đồng Vatican II và trên hết chúng là vô nghĩa.

Công đồng Vatican II không ủng hộ bất cứ một tư tưởng nào như thế. Quả thực, công đồng chỉ nói những điều ngược lại. Trong Hiến Chế về Phụng Vụ, chúng ta đọc thấy: “Đời sống thiêng liêng không chỉ giới hạn vào việc tham dự phụng vụ. Kitô hữu thực sự được kêu gọi để cầu nguyện với anh chị em của mình nhưng họ cũng phải cầu nguyện cách riêng tư với Chúa Cha”. Trước công đồng Vatican II từ lâu, chúng ta đã có lời dạy và gương mẫu của chính Chúa Giêsu chứng thực cho nhu cầu này. Chúa Giêsu hằng giáo huấn các môn đệ của Người phải cầu nguyện. Như đã đề cập trước đây, Người vẫn thường đi một mình vào nơi thanh vắng hay lên núi để cầu nguyện. Chúng ta luôn luôn cần hiệp thông cá nhân với Thiên Chúa. Dù chúng ta đã cầu nguyện chung như thế nào, dù chúng ta có tham dự tốt đẹp vào đó như thế nào, chúng ta vẫn cần trò chuyện riêng tư với Thiên Chúa, điều này chỉ có thể đạt được qua cầu nguyện riêng. Cầu nguyện riêng giúp ích cho cá nhân và cho cả phụng tự cộng đồng. Phụng tự cộng đồng tùy thuộc vào cầu nguyện cá nhân. Nỗ lực để xây dựng việc cầu nguyện cộng đồng mà không có cầu nguyện cá nhân thì cũng giống như cố gắng xây một ngôi nhà thờ bằng gạch mà không có những viên gạch. Tham dự thích hợp vào việc tôn thờ trong phụng vụ (cầu nguyện cộng đồng) chỉ có thể đạt được bởi linh hồn đã được chuẩn bị và được tăng sinh lực qua cầu nguyện riêng và qua những việc đạo đức cá nhân. Những ai hay phê phán những lối xưa cũ và quá khứ thường kết án những người công giáo chỉ lo tập trung vào những thứ bề ngoài trong Thánh Lễ. Hiện nay, khi tham dự vào hy tế Thánh Lễ đúng là người ta rất hay chú trọng những thứ bề ngoài như âm nhạc, băng rôn, biểu tượng, và những cái mới lạ mà không nhận thức cách tỏ tường rằng mầu nhiệm và hy tế vĩ đại đang được diễn ra trên bàn thờ. Sự nhận thức này chỉ có nơi những ai cầu nguyện và suy niệm cá nhân.     

Phụng tự bề ngoài, dù có xinh đẹp thế nào sẽ chỉ là trống rỗng nếu như nó không được linh hoạt bởi phụng tự bên trong. Bởi thế cầu nguyện cộng đồng cần đến và tùy thuộc cầu nguyện cá nhân.

 Cầu nguyện riêng cũng cần thiết cho chính nó. Sự thật, con người chúng ta là một hữu thể mang tính xã hội. Chúng ta phải sống và thờ lạy như một thành viên của cộng đồng, nhưng trước hết, như một cá nhân. Có một số những hoạt động trong đời sống con người mà chúng ta phải làm tự mình và cho chính mình. Ở đây có một sự tương đồng nào đó giữa đời sống thể lý và đời sống thiêng liêng, giữa nhu cầu thân xác và nhu cầu của linh hồn chúng ta.  Thân xác chúng ta cần của ăn, thức uống, không khí và nghỉ ngơi để duy trì sự sống cho chính mình. Không ai ăn, uống hay ngủ nghỉ thay cho chúng ta được. Chúng ta phải tự mình làm những hoạt động đó. Nếu không tự mình làm, chúng ta không thể hoàn thành vai trò của mình trong cộng đoàn như một hữu thể xã hội. Áp dụng vào đời sống thiêng liêng cũng tương tự như thế. Linh hồn cần thức ăn thiêng liêng là Thánh Thể, cần sự nghỉ ngơi thiêng liêng là suy gẫm và không khí thiêng liêng của cầu nguyện. Không có những chất nuôi sống này linh hồn chúng ta không thể trưởng thành và phát triển một cách thiêng liêng xét như một cá nhân và hậu nhiên là không thể hoàn thành vai trò của mình trong việc phụng thờ Thiên Chúa như một thành viên của cộng đồng. Cá nhân có thể trải qua những vận hành của cầu nguyện chung, hát, đứng, quỳ, nhưng chúng chỉ là phụng tự bên ngoài. Phụng thờ bên trong do từ truyền thông, trò chuyện với Chúa sẽ thiếu mất. Y như không khí bên ngoài là thiết yếu cho đời sống thể chất thì cầu nguyện cũng thiết yếu cho đời sống thiêng liêng như vậy. Khi ngưng thở, chúng ta sẽ chết về thể lý. Khi ngưng cầu nguyện, chúng ta chết về phương diện thiêng liêng.   

Đã đến lúc, do những triệu chứng hiện nay trong Hội Thánh, khiến chúng ta phải nghiêm chỉnh suy nghĩ về tặng phẩm biệt ly là bí tích Thánh Thể mà Chúa ban cho chúng ta. Thứ nhất, nhiều người không tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong bí tích Cực Thánh. Thứ hai, họ thiếu hiểu biết về những giáo huấn của Hội Thánh có liên quan. Ở đây, việc giáo dục của chúng ta có vấn đề và các giám mục đã nhận ra rằng đó còn là một thảm họa. Kết quả là hai cho đến ba thế hệ những người công giáo trẻ không biết gì về đức tin của họ. Họ không biết điều họ tin và tại sao tin. Những thế hệ trước chỉ nghe biết được chút í để củng cố những gì họ đã học khi còn trẻ. Hiển nhiên, chúng ta còn nhiều việc phải làm để tái giáo dục đức tin.

Một lãnh vực cuối cùng phải được xem xét đó là việc dành giờ chầu bên Chúa Giêsu Thánh Thể không nên gây ra cho chúng ta một sự bất thường. Nó thực sự là một hoạt động tự nhiên của con người. Khi hai người yêu nhau, họ muốn dành giờ để thăm viếng nhau, để hiểu nhau nhiều hơn. “Vô tri bất mộ”, nghĩa là, không thể yêu người mà chúng ta không biết. Thờ lạy Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể là cơ hội để chúng ta biết Người nhiều hơn.       

Một trong những khía cạnh tốt đẹp nhất của chầu Thánh Thể là dành giờ ở bên Chúa Giêsu và nóhoàn toàn tùy thuộc chúng ta. Không có ai giảng, đọc, nói cho chúng ta điều gì khi đứng, ngồi, quỳ, hát hay bất cứ điều gì khác. Hầu hết các nhà nguyện – nơi trưng bày Mình Thánh chầu Thánh Thể – thường có sẵn những cuốn sách, sách giờ thánh, để trợ giúp chúng ta khởi đầu giờ cầu nguyện nếu chúng ta cần đến. Chúng ta dành giờ bên Chúa Giêsu theo bất cứ cách nào chúng ta muốn. Chúng ta có thể lần hạt mân côi, đọc Sách Thánh, đọc sách thiêng liêng. Thế nhưng điều cần nhớ là chúng ta ở đó để thăm viếng người bạn của mình là Chúa Giêsu. Hãy nói chuyện với Người. Kể cho Người nghe những vấn đề, nhu cầu và quan tâm của chúng ta. Cũng hãy nói với Người về niềm vui và hạnh phúc của mình. Bởi vì Người không được nghe những điều ấy thường xuyên cho bằng nghe những phàn nàn và đòi hỏi của con người. Điều quan trọng nhất là chúng ta dừng lại để lắng nghe, hãy để cho Chúa Giêsu nói với chúng ta. Người vẫn đang chờ đợi có cơ hội để thăm hỏi chúng ta đấy vì đời sống chúng ta quá bận bịu và vẫn cứ luôn luôn quay như chong chóng với những công việc, gia đình, trường học, công sở… Cứ như thế, Chúa Giêsu khó lòng hiểu được chúng ta. Đây là thời gian để chúng ta nghỉ ngơi.

Toàn bộ mục đích hiện hữu của chúng ta là để sống mãi mãi với Thiên Chúa Ba Ngôi trên thiên đàng, để tận hưởng muôn đời chiến thắng của Chúa Giêsu trên tội lỗi và sự chết. Chúng ta sẽ cảm nếm được hạnh phúc và bình an vĩnh cửu khi viếng thăm và tôn thờ Chúa Giêsu nơi nhiệm tích Thánh Thể. Đó là lý do tại sao hàng ngàn người khắp các quốc gia làm chứng rằng một giờ mỗi tuần bên Chúa Giêsu Thánh Thể là  một giờ bình yên nhất, mãn nguyện nhất trong suốt cả tuần.

Chúng ta trở lại với chủ đề của bài này “Tại sao chầu Thánh Thể?” Tại sao chúng ta nên dành thời giờ viếng Chúa Giêsu nơi bí tích Thánh Thể, đơn giản là bởi vì chính Chúa Giêsu, bạn hữu tốt nhất của chúng ta, mời gọi chúng ta. Người đã nói rất thiết tha rằng, “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”(Mt 11,28).  Ai có thể từ khước một lời mời như thế phát xuất từ một người bạn tốt nhất của chúng ta?

 

Tác giả: Lm. Robert Goedert, OP
Lm. Giuse Phạm Đình Ái,sss chuyển ngữ
Học Viện Thánh Thể

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*