Đền thờ thánh Phêrô
Chúa nhật 04.04.2021
Chúc mừng anh chị em nhân ngày lễ Chúa Phục Sinh, chúc anh chị em an lành và thánh đức!
Hôm nay khắp nơi trên thế giới vang lên lời loan báo của Hội Thánh: “Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh, đã sống lại, như lời Ngài đã phán. Alleluia!”
Lời công bố Chúa phục sinh không trình bày một ảo vọng, không tỏ lộ một công thức ma thuật, cũng không chỉ vẽ cách trốn tránh tình cảnh khó khăn mà chúng ta đang trải qua. Cơn đại dịch vẫn đang hoành hành; cơn khủng hoảng xã hội và kinh tế vẫn còn gay gắt, nhất là đối với người nghèo; tuy nhiên, điều gây tai tiếng là các cuộc xung đột vũ trang vẫn đang tiếp diễn, các kho vũ khí quân sự vẫn được tăng cường. Và đây mới thực sự là điều tai tiếng của thời nay.
Đứng trước, hay đúng hơn, giữa thực tại phức tạp này, lời công bố ngắn gọn về việc Chúa phục sinh, bao hàm một sự kiện mang lại niềm hy vọng không gây thất vọng: “Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh, đã sống lại”. Lời loan báo đó không nói với chúng ta về các thiên thần hay các bóng ma, mà nói về một con người bằng xương bằng thịt, với dung mạo và danh xưng cụ thể: Chúa Giêsu. Phúc Âm làm chứng rằng, chính Chúa Giêsu, chịu đóng đinh dưới thời Phongxiô Philatô bởi đã xưng mình là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa, và ngày thứ ba đã sống lại, theo lời Sách Thánh và như chính Ngài đã báo trước cho các môn đệ của Ngài.
Chính Đấng chịu đóng đinh, chứ không phải là ai khác, đã sống lại. Chúa Cha đã cho Chúa Giêsu Con của Ngài được phục sinh bởi vì Chúa Giêsu đã hoàn thành đến cùng ý muốn cứu độ của Chúa Cha: Ngài đã mang lấy nơi mình sự yếu đuối, thương tích cùng cái chết của chúng ta; Ngài đã chịu những nỗi đau khổ của chúng ta, đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Do đó, Chúa Cha đã tôn vinh Ngài và giờ đây Chúa Giêsu Kitô sống muôn đời và Ngài là Chúa.
Các chứng nhân đã thuật lại một chi tiết quan trọng, đó là Chúa Giêsu Phục sinh mang thương tích ở chân, tay và cạnh sườn. Những thương tích này là dấu ấn vĩnh cửu tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Tất cả những ai chịu thử thách đau khổ về thể xác hay tinh thần, đều có thể tìm nương ẩn nơi những thương tích này và từ đó đón nhận được ân sủng hy vọng không gây thất vọng.
Chúa Kitô Phục sinh là niềm hy vọng cho tất cả những ai còn đang đau khổ bởi đại dịch, cho các bệnh nhân và cho những ai đã mất người thân. Xin Chúa an ủi họ và xin Chúa nâng đỡ các bác sĩ và nhân viên y tế đang vất vả phục vụ. Tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, cần được hỗ trợ và có quyền hưởng những chăm sóc cần thiết. Đòi hỏi đó càng hiển nhiên hơn trong thời điểm này khi tất cả chúng ta được kêu gọi đấu tranh chống đại dịch mà khí cụ chủ yếu là các vắc xin. Do đó trong tinh thần “quốc tế hóa vắc xin”, tôi kêu mời toàn thể cộng đồng quốc tế cam kết khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc phân phối vắc xin và tạo điều kiện thuận lợi để phân phối, đặc biệt cho những quốc gia nghèo nhất.
Đấng chịu đóng đinh và phục sinh là niềm an ủi cho những ai mất việc hoặc gặp khó khăn nghiêm trọng về kinh tế cũng như thiếu sự hỗ trợ xã hội thích đáng. Cầu xin Chúa soi trí mở lòng các nhà cầm quyền biết làm thế nào để mọi người, đặc biệt là các gia đình lâm cảnh ngặt nghèo, nhận được những trợ giúp cần thiết để sinh sống. Thật đáng buồn và thảm thương, cơn đại dịch đã làm tăng thêm muôn ngàn người nghèo đói và tuyệt vọng.
Thánh Gioan Phaolô II đã nói trong chuyến tông du ở Haiti rằng: “Người nghèo, thuộc mọi dạng nghèo, cần phải có lại niềm hy vọng”. Tôi cũng đang nhớ đến những người Haiti quý yêu và muốn động viên họ để họ không đầu hàng trước nghịch cảnh, nhưng biết nhìn về tương lai với niềm cậy trông và hy vọng. Tôi muốn đặc biệt gửi đến họ những suy nghĩ của tôi lúc này: anh chị em Haiti rất yêu quý, tôi gần gũi với các anh chị em và tôi mong muốn rằng những vấn đề của anh chị em được giải quyết dứt điểm. Anh chị em Haiti thân mến, tôi cầu nguyện cho anh chị em.
Chúa Giêsu Phục sinh cũng là niềm hy vọng cho biết bao bạn trẻ buộc phải trải qua thời gian dài không được đến trường để học hành và chung vui cùng bạn bè. Tất cả chúng ta cần phải sống những mối tương quan thực giữa con người với nhau chứ không chỉ là tương quan ảo, nhất là ở lứa tuổi đang hình thành tính nết và nhân cách. Chúng ta nhận ra điều đó vào thứ Sáu Tuần thánh vừa rồi khi suy niệm Đàng Thánh giá do các thiếu nhi biên soạn. Tôi gần gũi với các bạn trẻ trên toàn thế giới và, trong lúc này, cách riêng là các bạn trẻ Myanmar đang dấn thân cho dân chủ, cất lên tiếng nói và mong muốn tiếng nói của mình được lắng nghe cách hòa bình, ý thức rằng chỉ có tình yêu mới có thể xua tan hận thù.
Ước gì ánh sáng của Đấng Phục sinh là nguồn tái sinh cho những người tị nạn chiến tranh và nghèo khổ. Nơi gương mặt họ, chúng ta nhận ra dung mạo biến dạng và đau khổ của Chúa khi lê bước lên đồi Canvê. Ước chi nơi họ không thiếu vắng những dấu chứng cụ thể của tình liên đới và huynh đệ, dấu chỉ sự sống chiến thắng cái chết mà hôm nay chúng ta cử hành. Tôi cám ơn các quốc gia đã quảng đại đón nhận những người khổ đau đang tìm nơi trú ẩn, đặc biệt là Liban và Jordan đã đón tiếp vô số người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc xung đột tại Syria.
Xin cho người dân Liban, đang trải qua một thời kỳ khó khăn và bất ổn, cảm nhận được sự an ủi của Chúa Phục sinh và được cộng đồng quốc tế hỗ trợ trong sứ mạng trở thành nơi gặp gỡ, chung sống và đa nguyên.
Xin Chúa Kitô, là niềm an bình của chúng ta, làm ngưng tiếng súng tại Syria dấu yêu và thống khổ, nơi hàng triệu người đang sống trong những điều kiện vô nhân đạo; và tại Yemen, với các sự kiện bị bao trùm bởi sự im lặng gây nhức nhối và công phẫn; cũng như tại Lybia, cuối cùng đã thoáng thấy lối thoát cho một thập kỷ tranh chấp với những cuộc xung đột đẫm máu. Xin cho tất cả các bên liên quan thực sự cam kết chấm dứt các xung đột và đi đến thỏa thuận với nhau để các dân tộc đã kiệt quệ bởi chiến tranh được sống an bình và khởi công tái thiết đất nước.
Sự Phục sinh đương nhiên đưa chúng ta đến Giêrusalem. Chúng ta hãy nài xin Chúa ban cho Giêrusalem được thái bình và an lạc (x. Tv 122) để đúng với tên gọi là nơi gặp gỡ, nơi mọi người đều cảm thấy mình là anh chị em với nhau, nơi người Israel và người Palestine tìm lại sức mạnh đối thoại giúp đạt đến một giải pháp vững bền để hai nhà nước có thể sống an bình và thịnh vượng bên nhau.
Trong ngày lễ này, tôi cũng nhớ đến Iraq, nơi tháng trước tôi đã vui mừng viếng thăm. Tôi nguyện xin cho quốc gia này có thể tiếp tục tiến trình hòa giải để thực hiện giấc mơ của Thiên Chúa về một gia đình nhân loại hiếu khách biết mở rộng tay đón nhận tất cả con cái mình.
Cầu xin quyền năng của Đấng Phục sinh nâng đỡ các dân tộc ở Châu Phi đang thấy tương lai của họ bị tổn hại bởi tình trạng bạo lực nội bộ và nạn khủng bố quốc tế, đặc biệt là ở Sahel và Nigeria, cũng như ở khu vực Tigray và Cabo Delgado. Ước chi những giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột vẫn được nỗ lực tìm kiếm, với sự tôn trọng quyền con người và tôn trọng sự sống thánh thiêng, thông qua cuộc đối thoại huynh đệ mang tính xây dựng trong tinh thần hòa giải và liên đới thực sự.
Trên thế giới vẫn còn quá nhiều chiến tranh và bạo lực! Xin Chúa, là bình an của chúng ta, trợ giúp chúng ta vượt thắng não trạng chiến tranh. Xin Chúa ban cho các tù nhân trong các cuộc xung đột, nhất là ở miền đông Ukraina và ở Nagorno-Karabakh, được bình an vô sự trở về với gia đình, và thôi thúc các vị lãnh đạo trên khắp thế giới giảm bớt việc chạy đua trang bị vũ khí mới. Hôm nay, ngày 4 tháng Tư, ngày thế giới chống lại mìn sát thương, vốn là loại vũ khí hiểm ác và tàn độc, hàng năm giết hại và gây thương tật cho nhiều nạn nhân vô tội, cản trở nhân loại “cùng nhau bước đi trên nẻo đường sự sống, không lo sợ trước bẫy giăng của sự hủy hoại và cái chết”. Thế giới sẽ tốt đẹp hơn biết mấy khi không có những công cụ gây chết chóc này!
Anh chị em thân mến, năm nay, lại một lần nữa, các Kitô hữu tại nhiều nơi đã mừng lễ Phục sinh với những hạn chế nghiêm ngặt và đôi khi còn không thể tham dự các cử hành phụng vụ. Chúng ta hãy cầu nguyện để những hạn chế đó, cũng như mọi hạn chế về quyền tự do thờ phượng và tôn giáo trên thế giới được cất bỏ để mỗi người có thể tự do cầu nguyện và ngợi khen Thiên Chúa.
Giữa vô vàn khó khăn đã trải qua, chúng ta không bao giờ quên rằng chúng ta đã được chữa lành nhờ những vết thương của Chúa Kitô (x. 1Pr 2,24). Nhờ ánh sáng của Đấng Phục sinh, những đau khổ của chúng ta được chuyển hóa. Nơi chết chóc thành nơi có sự sống, nơi khóc than thành nơi được ủi an. Khi ôm lấy thập giá, Chúa Giêsu đã mang lại ý nghĩa cho những đau khổ chúng ta chịu và giờ đây chúng ta hãy nguyện xin cho hiệu quả phúc lành của việc chữa lành này lan rộng khắp thế giới. Chúc anh chị em một mùa Phục sinh an lành và thánh đức!
WHĐ (14.04.2021)
Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng chuyển ngữ
Để lại một phản hồi