Thánh George (Gio-giô) đã đâm con rồng, con cá sấu hay con quỷ?

Chúng ta thường thấy Thánh George được mô tả cầm cây giáo đâm một con rồng trên tranh ảnh, và mặc dù đa số mọi người đều đồng ý về điều đó, kỳ thực là có nhiều sự thật hơn phía sau đó.


Con rồng phương Tây bắt đầu phổ biến từ thời trung cổ, ngày nay thường được xem là biểu tượng của ma quỷ, của sự dữ, cụ thể nhất là trong sách Khải Huyền (phiên bản Kinh Thánh của nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là “con Mãng Xà”). Nhiều học giả cho rằng hình tượng con rồng bắt nguồn từ hoá thạch của khủng long mà người xưa tình cờ thấy được hoặc truyền thuyết về các sinh vật giống cá sấu.

Vì các câu chuyện về rồng phát sinh chủ yếu ở vùng Trung Đông và Bắc Phi (nơi mà cá sấu có thể dài đến 6 mét), có thể những vị Thánh được kể thực sự đã giết một “con rồng” gây hại cho dân làng. Những “con rồng” này thường được mô tả là sống gần nước hoặc lưỡng cư, giúp củng cố sự thật chúng có thể chính là loài cá sấu. Một trong những vị Thánh đó là Thánh George.

Thánh George và con cá sấu

Thánh George là một quân nhân La Mã sống vào thế kỷ III, và câu chuyện ngài giết con rồng được mô tả rõ nhất trong quyển “Huyền Thoại Vàng” (Golden Legend).

“George, một người miền Cappadocia (Cáp-pa-đô-ki-a”, giữ quân hàm hộ dân quan. Xảy ra là trong một lần ngài đi đến thành phố Silena, tỉnh Lybia. Gần thành ấy có một cái hồ, trong đó có một con rồng mang bệnh dịch ẩn nấp; nhiều lần con rồng đã khiến dân chúng phải bỏ chạy khi họ vũ trang chống lại nó, nó từng xông lên các bức tường thành và đầu độc tất cả những ai đến gần hơi thở của nó. Để làm dịu sự dữ tợn của con quái thú này, người dân phải cho nó ăn hai con cừu mỗi ngày. Nhưng George, cưỡi ngựa và vũ trang với dấu Thánh Giá, can đảm đối đầu con rồng đang đến gần, cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa, giơ cây giáo đâm con thú một vết thương nặng và đè bẹp nó.”

Một câu chuyện tương tự được kể về Thánh Mácta cũng trong “Huyền Thoại Vàng” (Golden Legend): “Thời ấy, trong khu rừng cạnh dòng sông Rhone giữa Aries và Avignon, có một con rồng nửa thú nửa cá, to hơn con bò, dài hơn con ngựa, răng nó sắc như sừng, có hai tấm giáp hai bên sườn của nó. Con thú này ẩn nấp dưới sông, chờ chực giết những người đi thuyền bè ngang qua.”

Trong đa số truyện về các Thánh giết rồng, thì con cá sấu đều có vẻ chính là con vật được kể.

Về Thánh George, cũng có thể chuyện ngài giết rồng là cách nói ẩn dụ về việc ngài đã trừ quỷ hay bệnh dịch đã giày vò thành phố, khi mô tả ngài “vũ trang với dấu Thánh Giá”. Như các nhà trừ quỷ cho biết, ma quỷ ghét dấu Thánh Giá. Nếu đúng như vậy thì Thánh George vừa là một chiến binh về phần xác vừa là chiến binh về phần hồn.

Điều quan trọng nên nhớ là đừng nghĩ tất cả những truyền thuyết và huyền thoại đều sai. Chắc chắn có một phần sự thật sau những huyền thoại đó.

Theo Aleteia

Gioakim Nguyễn biên dịch

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*