Kiệt tác Thánh Tâm được khắc bằng móng tay trong nhà tù Auschwitz

KIỆT TÁC THÁNH TÂM ĐƯỢC KHẮC BẰNG MÓNG TAY
TRONG NHÀ TÙ AUSCHWITZ

Tác giả: J-P Mauro
Chuyển ngữ: Tóc Ngắn
Từ: aleteia.org (06.5.2021)

Phòng giam số 21 của Auschwitz vẫn còn mang hình chạm khắc Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Những dấu chạm khắc trên bức tường sần sùi này cũng gây xúc động và tạo cảm hứng chẳng khác gì kiệt tác của Caravaggio.

Trong suốt dòng lịch sử, nghệ thuật Công giáo đã phục vụ cho nhiều lãnh vực, từ giáo dục đức tin đến linh cảm thiêng liêng.

Tuy nhiên, ngay cả các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và được đánh giá cao nhất lại vẫn nhạt nhòa so với một bức chạm khắc đơn giản trên tường trại tù của Đức Quốc xã. Mặc dù không có màu sắc và ít nét, tác phẩm đã được chạm khắc trong thời điểm tuyệt vọng nhất của người nghệ sĩ. Tác phẩm thể hiện niềm hy vọng và sự tin tưởng vào Đấng Kitô – đã bay bổng lên khi đối mặt với sự khủng bố và tuyệt vọng do các trại tập trung gây ra.

Thánh Maximilian Kolbe

Trong trại tù khét tiếng Auschwitz trong Thế chiến II, không thiếu những câu chuyện truyền cảm hứng về sự kiên trì của người Công giáo khi đối mặt với sự bách hại. Chính nơi đó, Thánh Maximilian Kolbe đã hy sinh bản thân để cứu một người đàn ông Do Thái, người đã sống sót sau khi bị giam cầm và tiếp tục tham dự lễ phong chân phước cho Thánh Kolbe. Tấm gương của Thánh Maximilian Kolbe đã và sẽ truyền cảm hứng cho lòng mộ đạo trong nhiều thế hệ.

Các dấu chạm khắc

Quanh góc phòng giam nơi Thánh Maximilian Kolbe qua đời, có một dấu ấn khác về sự kiên trì trong đức tin Công giáo. Ở đó, trong phòng giam số 21 của nhà tù, có hai bức chạm khắc: Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đóng đinh vào Thập giá.

Nữ tu Kathy DeVico, Tu viện trưởng Tu viện Redwoods xác định nghệ sĩ điêu khắc này là Stephan Jasienski, thiếu úy của Lực lượng vũ trang Ba Lan. Jasienski, một tù nhân chiến tranh, đã chạm khắc những hình ảnh này bằng chính các móng tay của mình. Anh qua đời tại trại Auschwitz vào năm 1944, nhưng tuyên ngôn đức tin của anh vẫn còn trên bức tường cho đến ngày nay.

Nói về nhà điêu khắc này, nữ tu viện trưởng DeVico viết:

Điều gì đã làm cho trái tim Stephan không trở nên chai cứng vì cay đắng? Điều gì đã khiến cho anh ta không “căm ghét” kẻ thù của mình? Rõ ràng, chính lời cầu nguyện và mục tiêu của anh ấy, khi anh ngồi trong phòng giam khắc chạm hình ảnh này bằng móng tay của mình, đã làm cho trái tim anh trở nên giống trái tim Chúa Kitô. Trái tim “Chúa Giêsu” là hình ảnh chân thật nhất của trái tim chúng ta… có lẽ Stephan đã tìm thấy trái tim của mình qua trái tim Chúa Kitô.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*