Trong suốt những năm tháng hoạt động, Đức Joseph Ratzinger sẵn sàng trả lời những cuộc phỏng vấn gồm đủ loại. Nhiều bài trả lời phỏng vấn, diễn ra trong một bối cảnh đáng chú ý và mang tầm vóc quan trọng đến mức cần phải được đưa vào Opera Omnia (“Joseph Ratzinger Toàn tập”).
Nhiều người có thế giá trong lĩnh vực chuyên môn hoặc do trách nhiệm mình gánh vác đã nhận được đề nghị trả lời phỏng vấn của các phóng viên hoặc những người làm truyền thông. Còn trường hợp các nhà thần học hoặc các vị đại diện văn hóa thì hiếm hơn, ngoại trừ những người thấy cần thiết cho công việc của mình hoặc những nhà bình luận các vấn đề hoặc các sự kiện thời sự đang gặt hái thành công, hoặc những người thích xuất hiện trên mặt báo hoặc màn ảnh truyền hình, do đó giữa họ và giới điều hành truyền thông hình thành mối liên hệ đáp ứng qua lại, đôi bên cùng có lợi, vì giới điều hành truyền thông không ngừng tìm kiếm những gương mặt, tiếng nói, bình luận nhằm thu hút sự chú ý của công chúng.
Chắc chắn Đức Joseph Ratzinger không bao giờ bị lôi cuốn vào việc đi tìm sự nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông, trái lại, rất minh bạch và có phương pháp, không đánh mất mình trong những chuyện vô thưởng vô phạt, ngài không ngừng theo đuổi mục tiêu dành ưu tiên cho công việc nghiên cứu, và sứ mạng phục vụ văn hóa và mục vụ của mình. Nếu sau đó có được công chúng rộng rãi, không chỉ qua trước tác thần học, mà còn qua những bài phỏng vấn, thì chắc chắn là do một sự chọn lựa mang tính cá nhân, và do bản thân ngài ý thức sử dụng con đường này nhằm đạt mục đích thực thi sứ vụ của một nhà thần học, một vị mục tử, và người gánh vác trách nhiệm trong đời sống của Giáo Hội.
Nhưng bảo rằng ngài sẵn sàng sử dụng hình thức truyền thông này thì chưa đủ. Cũng cần phải biết ngài sử dụng hình thức ấy một cách hoàn hảo nữa. Ý nghĩa quan trọng và sự thành công của các bài Đức Ratzinger trả lời phỏng vấn là một trong những xác nhận rõ rệt nhất về tính chất sáng sủa nơi tư tưởng của ngài và tính chất khúc chiết trong cách ngài diễn tả. Những phẩm chất này, vốn từng được biểu lộ một cách đáng khâm phục trong các hội nghị và các trước tác của ngài (chúng ta hãy nhớ lại sự thành công vượt bực của tác phẩm Dẫn nhập Kitô giáo), một cách nào đó, đều được hiển lộ trong cuộc đối thoại. Đức Ratzinger không những là một nhà tư tưởng sâu sắc, có tầm văn hóa sâu rộng, mà còn là một người có khả năng diễn tả tư tưởng một cách sáng rõ và gãy gọn, không chỉ khi ngài trình bày các bản văn được soạn trước mà còn trong những câu trả lời trước những câu hỏi được đặt ra khi trao đổi, trò chuyện. Câu trả lời đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, không rườm rà vô ích, không lòng vòng rắc rối, không chữ nghĩa hàn lâm nặng nề, thể hiện một khả năng tổng hợp thực sự xuất sắc. Theo tôi, về phương diện này, người ta chưa nhấn mạnh đủ, đó là Đức Ratzinger chính là một nhà truyền thông vĩ đại, lỗi lạc.
Vì vậy, nếu người phỏng vấn nghiêm túc và có đủ chuyên môn nghiệp vụ, suy nghĩ thấu đáo những vấn đề được nêu lên, những chủ đề dự định đưa ra, thì cuộc trò chuyện sẽ diễn ra một cách mạch lạc, không mất thời giờ, và sau đó dễ dàng viết lại thành bài đúc kết, chẳng cần nhiều công sức “dọn lại cho sạch” hoặc sắp xếp lại cho có thứ tự, kể cả cũng có khi thật ngoài mong đợi, chỉ cần sửa chữa chút ít hoặc chẳng phải làm gì…
Đức Joseph Ratzinger bao giờ cũng là người sẵn sàng đối thoại, đối chất trong những lĩnh vực chuyên môn của ngài, không sợ phải đối đầu với những vấn đề hóc búa. Hẳn điều này được định hình từ giai đoạn hoạt động đầu đời, khi ngài giảng dạy tại các phân khoa thần học trong các trường đại học Đức, nơi diễn ra một cách tự nhiên bàu khí gặp gỡ, đối thoại và tranh luận với những con người, các môn học và những trào lưu văn hóa khác nhau, khiến không ai có thể khép mình lại, sợ hãi, nhút nhát, và làm cho việc giảng dạy không thể không tiếp xúc với những động thái của văn hóa hiện đại và những thách đố đương thời. Nhưng quan trọng hơn chính là thái độ hết sức cẩn trọng của ngài, nói đúng hơn, sự trung thực về mặt tri thức và tinh thần của ngài trước mặt Chúa và con người, nhờ đó ngài tránh được hết sức có thể những vấn đề khó khăn và không dễ chịu. Hơn nữa, theo thời gian, càng tăng thêm trách nhiệm của một vị mục tử và người lãnh đạo trong lĩnh vực tín lý của Giáo Hội, đã khiến ngài phải đương đầu, trong khiêm nhường nhưng quả cảm, những vấn đề được công chúng và dân Chúa đặt ra ngày càng sâu rộng, nhằm “sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3, 15), như thánh Phêrô yêu cầu.
Đức Ratzinger sẵn sàng gặp những người phỏng vấn, và nếu họ thiện chí và nghiêm túc, thì thái độ sẵn sàng của ngài bao giờ cũng khiến họ bị chinh phục, ngỡ ngàng, vượt quá những gì họ mong đợi. Cuộc trò chuyện được khai triển một cách sâu rộng, dành chỗ cho phản biện, không gây sợ hãi, dù ngài đang đảm nhận thẩm quyền rất cao của Giáo Hội – Bộ trưởng Giáo lý Đức tin, và cả khi ngài đảm nhận sứ vụ tối cao là giáo hoàng – như trường hợp bốn cuộc “đại” phỏng vấn Đức Ratzinger đã được in thành bốn quyển “sách phỏng vấn” và được đưa vào chương XIII của Opera Omnia.
Các sách này được thực hiện trong những khoảng thời gian dài khác nhau: năm 1984, hai năm sau khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng; năm 1996, mười năm sau quyển trước đó; năm 2000; và năm 2010, lúc đang đảm nhận sứ vụ Phêrô. Mỗi lần như thế, vị được phỏng vấn rất có thế giá này đều muốn dành nhiều ngày cho những cuộc trò chuyện, với một nhịp độ chính xác về thời gian trao đổi và khoảng cách giữa hai lần gặp, trong một nơi êm ả, thích hợp cho việc tập trung và suy tư (đó là Chủng viện Bressanone, Điện Cavalletti ở Frascati, đan viện Montecassino, Điện Giáo hoàng Castel Gandolfo). Do đó không có gì vội vã hoặc không được dự định trước.
Điều thú vị là Đức Ratzinger đã nhận lời đề nghị về những cuộc gặp gỡ dài ngày này đúng vào lúc ngài nhận những trách nhiệm cao nhất trong Giáo Hội và khoảng cách thời gian giữa những lần phỏng vấn đó. Hẳn nhiên đây không chỉ là việc đồng ý đáp lại ước nguyện lớn lao của những người thực hiện cuộc phỏng vấn và của những nhà xuất bản, mà còn là sự chọn lựa có ý thức về một con đường truyền thông khác và bổ túc cho con đường ngài vẫn thường sử dụng – các cuộc hội nghị, các bài diễn văn, bài giảng, bài dạy giáo lý, các văn kiện thuộc Huấn quyền… – đồng thời là dịp ngài đưa ra lời giải thích và câu trả lời trước những vấn đề (và những ý kiến phê phán) được tích tụ theo năm tháng, gồm những quan điểm khác nhau về con người của ngài, về những chọn lựa và khuynh hướng của ngài.
Chúng ta biết rõ Đức Ratzinger không bao giờ nhân nhượng khi đưa ra những phán đoán về việc làm của các nhà báo và các phương tiện truyền thông, nhất là, chẳng hạn, về vấn đề giới thiệu Công đồng Vatican II, khi ngài nói với một ý nghĩa tiêu cực rằng: “Có một Công đồng trên các phương tiện truyền thông”. Chúng ta cũng biết, nhất là vì ngài là bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, nên không được hưởng “ưu đãi” mà lại còn hứng những phản ứng tiêu cực từ phần lớn giới truyền thông trên thế giới. Chính vì lẽ đó, điều đáng ghi nhận là ngài đã chấp thuận và tự giác tìm kiếm sự trợ giúp của những chuyên gia về truyền thông (chủ yếu là hai vị: Messori và Seewald, vị thứ hai này có lợi thế riêng về ngôn ngữ) để nói với công chúng rộng rãi hơn, không bị giới hạn trong vòng nội bộ, kể cả những người Công giáo ngoan đạo, và ngài đã cố gắng trả lời với một tầm mức sâu rộng những câu hỏi của những người bình thường, được những người phỏng vấn diễn đạt lại, bằng một ngôn ngữ giản dị và mang cung giọng trò chuyện, trao đổi. Đức Ratzinger không bao giờ “chạy sau” các phương tiện truyền thông và cũng không hề để mình bị giới truyền thông bợ đỡ, nhưng hoàn toàn ý thức mình đang sống trong một thế giới phát triển sâu rộng các phương tiện truyền thông, do đó cần phải khai thác và sử dụng các phương tiện truyền thông nhằm mưu ích cho sứ vụ của mình và sứ vụ của Hội Thánh.
Người thực hiện phỏng vấn luôn tìm cách giới thiệu với công chúng về một con người cụ thể, nên các sách-phỏng vấn có lợi thế là hé mở những khe để độc giả thấy được cá tính của người được phỏng vấn, thấy được những khía cạnh cuộc sống hằng ngày, thấy được phương pháp làm việc và những mối liên hệ với mọi người (như mối quan hệ giữa vị Bộ trưởng với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II), những tâm tình và thái độ của ngài khi đứng trước những tình thế và các khó khăn trong đời sống Giáo Hội, Do đó tất cả đều đóng góp quan trọng vào việc giúp người đọc hiểu đầy đủ hơn về con người và tác phẩm của Ratzinger.
Đồng thời những sách-phỏng vấn này, với một giọng kể mạch lạc và một ngôn ngữ dễ đọc, đã mang lại những câu trả lời tổng hợp, rõ ràng và đôi khi dũng cảm về rất nhiều đề tài tranh luận quan trọng được gửi đến Đức hồng y bộ trưởng hoặc Đức giáo hoàng về lĩnh vực đức tin và về sứ vụ Giáo hoàng hoặc vấn đề điều hành Giáo Hội. Một cách nào đó, những sách-phỏng vấn này cho phép nhận định về tình hình Giáo Hội theo cách nhìn riêng của người trả lời phỏng vấn, đồng thời cũng là một bản “tổng kết” sứ vụ phục vụ Hội Thánh của ngài. Vì thế chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mỗi quyển sách này được giới thiệu dưới triều đại của ngài đều trở thành một “sự kiện xuất bản” quan trọng.
Vậy đó, trong trường hợp quyển sách-phỏng vấn đầu tiên, quyển Rapporto sulla fede (“Trò chuyện về đức Tin”), quyển sách đã là một nét độc đáo và táo bạo của vị bộ trưởng Giáo lý Đức tin (không còn gọi là bộ Thánh Vụ như trước đây) đã khiến người ta ấn tượng trước bản tổng kết về tình hình Giáo Hội sau Công đồng Vatican II, với những từ ngữ không hề lập lờ nước đôi khi nói rằng “cuộc khủng hoảng đích thực cần phải được điều trị và chữa lành”. Vị Bộ trưởng còn đi thẳng vào mối liên hệ sống động giữa thần học và huấn quyền, một vấn đề có liên quan đến gốc gác của ngài là một nhà thần học, vốn đang được đặc biệt mong đợi. Hơn nữa, ngài giải thích một cách sáng sủa tầm nhìn của ngài về những vấn đề liên quan đến Thần học Giải phóng, và như thế cũng là cách tiếp cận của Bộ Giáo lý Đức tin. Đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong những năm đầu đảm trách công việc Bộ trưởng.
Sau đó mười năm, quyển sách-phỏng vấn thứ hai, Sale della terra (“Muối đất”), là dịp đưa ra bản tổng kết mới về tình hình Giáo Hội vào cuối thiên niên kỷ. Đức Ratzinger nói rõ vấn đề trung tâm chính là cuộc khủng hoảng đức Tin, nhất là Kitô giáo phương Tây, trong bối cảnh diễn ra sự thống trị của kỹ thuật và chủ nghĩa tương đối. Chúng ta đang đứng trước suy tư về tình hình văn hóa và tinh thần của thế giới, trong đó Giáo Hội phải chuẩn bị để sống ở vị trí thiểu số, nhưng chính vì thế, Giáo Hội ngày càng có khả năng loan báo Tin Mừng Phúc Âm, đưa thế giới đến với Chúa. Phải chăng người có thể bắt đầu nhìn thấy những đường lối lãnh đạo của triều đại giáo hoàng tương lai, những đường lối này chín muồi dần trong vài năm sau với quyển thứ ba Dio e il mondo (Thiên Chúa và trần gian).
Rồi còn một quyển sách-phỏng vấn được thực hiện dưới thời ngài làm giáo hoàng, đó là quyển Luce del mondo (“Ánh sáng trần gian”), một quyển sách gây chấn động. Đức Gioan Phaolô II cũng đã xuất bản, với sự cộng tác của Messori, quyển sách phỏng vấn Varcare la soglia della speranza (“Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”), thực ra đây là quyển trả lời phỏng vấn bằng văn bản viết, chứ không diễn ra cuộc trao đổi thực sự. Trái lại, Đức Bênêđictô XVI chấp nhận thách đố trò chuyện với nhà báo, dù ngài đã quen biết nhà báo này, và với cách thức đã được sử dụng thời ngài làm bộ trưởng. Nhưng giáo hoàng thì luôn là giáo hoàng … Quyển sách mới mang một ý nghĩa đặc biệt, vì Đức giáo hoàng chấp nhận, một cách hoàn toàn thanh thản và cương quyết, đi vào mọi vấn đề nhạy cảm nhất, kể cả đau đớn nhất của giai đoạn đầu triều đại giáo hoàng của mình, về những vấn đề đã khơi lên những cuộc tranh luận ồn ào trên các phương tiện thông tin, chẳng hạn những cuộc tranh luận về bài diễn văn nổi tiếng tại Regensburg, về nhóm Lefebvre và về vụ “Williamson”, về việc sử dụng bao cao su, về vụ những người thuộc hàng giáo sĩ lạm dụng tình dục… Rõ ràng trong trường hợp này, quyển sách-phỏng vấn trở thành công cụ thích hợp nhất, được Đức Bênêđictô XVI lựa chọn một cách có ý thức và can đảm, nhằm đưa ra cùng một lúc hàng loạt câu trả lời trước rất nhiều vấn đề về triều đại giáo hoàng của mình mà ngài cảm nhận cách bao quát và được nhà báo nêu lên một cách có hệ thống. Ở đây người ta tìm thấy những tuyên bố rất quan trọng. Riêng tôi, tôi nghĩ cần phải chỉ ra rằng, trong quyển sách này, Đức Bênêđictô XVI đã thể hiện một cách rõ ràng nhất và chính xác nhất, và đó là lần duy nhất ngài công khai làm điều đó, về khả năng từ nhiệm giáo hoàng, và những tiêu chí của việc từ nhiệm này. Có lẽ đó là khẳng định quan trọng nhất trong toàn bộ quyển sách.
Để kết luận, những cuộc phỏng vấn được Đức Joseph Ratzinger chấp nhận, nhất là những quyển sách-phỏng vấn, đều góp phần rất lớn, không phải là thứ yếu, vào sứ vụ phục vụ Hội Thánh của ngài, và chúng là một công cụ rất quan trọng đối với sự hiểu biết của ngài, cả trong lĩnh vực tín lý và việc đối đầu với nền văn hóa thời đại chúng ta, cũng như trong lĩnh vực những hoạt động điều hành Bộ Giáo lý Đức tin và Giáo Hội hoàn vũ. Đó là lý do vì sao những quyển sách này lại chiếm một vị trí trong toàn bức tranh lớn của bộ Opera Omnia.
Tác giả: Linh mục Federico Lombardi
Chuyển ngữ: Vương Nghi
(từ: benoit-et-moi.fr, và fondazioneratzinger.va)
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 100 (Tháng 5 & 6 năm 2017)
Để lại một phản hồi