Ngày 19/6/2021, trong cuộc tiếp kiến dành cho Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, Đức Thánh Cha đã cho phép Bộ công bố sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của ông Robert Schuman, một trong những người thành lập liên minh châu Âu, cũng như công nhận sự tử đạo của 10 nữ tu người Ba Lan bị hồng quân Liên Xô sát hại vào cuối thế chiến thứ II.
Robert Schuman (1886-1963), người thành lập châu Âu và Chủ tịch đầu tiên của Nghị viện Âu châu
Robert Schuman
Ông Robert Schuman sinh năm 1886 và qua đời năm 1963. Ông là một tín hữu Công giáo người Pháp dấn thấn vào hoạt động chính trị như việc truyền giáo và phục vụ, một hành động vâng theo thánh ý Chúa, được thực hiện trong kinh nguyện và được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể hàng ngày. Từ tháng 9/1940 đến tháng 4/1941 ông bị mật vụ Gestapo của Đức bắt và giam tù. Sau khi trốn thoát, ông đã sống như một người nhập cư bất hợp pháp cho đến khi chiến tranh kết thúc, chủ yếu ẩn náu trong các đan viện và tu viện.
Sau chiến tranh, ông được bầu vào Quốc hội Lập hiến năm 1945 và 1946; sau đó với tư cách là thứ trưởng, ông đảm nhận các chức vụ quan trọng trong chính phủ Pháp: bộ trưởng tài chính, thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng tư pháp, trở thành điểm tham chiếu đạo đức cho đất nước và dấn thân xây dựng một hệ thống chung để phát triển kinh tế và xã hội.
Cùng với Konrad Adenauer và Alcide De Gasperi, ông Schuman được coi là cha đẻ của châu Âu thống nhất. Công việc của họ đã dẫn đến Hiệp ước Roma, thành lập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu vào ngày 25/3/1957. Năm 1958, ông được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Nghị viện châu Âu mới. Năm sau đó ông bị một dạng xơ cứng não nặng. Không thể tiếp tục sứ vụ của mình, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch danh dự của Hội đồng Nghị viện Châu Âu. Ông qua đời tại Scy-Chazelles (Pháp) vào ngày 4/9/1963, hưởng thọ 77 tuổi.
10 nữ tu dòng các Nữ tu thánh Elizabeth bị hồng quân Liên Xô sát hại
Đức Thánh Cha cũng cho phép Bộ Phong thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận sự tử đạo của 10 nữ tu dòng các Nữ tu thánh Elizabeth, bị sát hại ở Ba Lan trong thời Xô Viết chiếm đóng. Như thế các chị sẽ được tuyên phong chân phước. Tất cả các chị bị hồng quân Liên Xô sát hại tàn bạo ở nhiều nơi khác nhau, từ tháng 2 đến tháng 5/1945, khi đang phục vụ chăm sóc người bệnh và người già. Một trong số họ, sơ Maria Rosaria Schilling, bị khoảng 30 binh lính hãm hiếp và bị giết vào ngày hôm sau.
Bạo lực của quân đội Liên Xô đối với các nữ tu cho thấy sự căm ghét của họ đối với đức tin và đặc biệt là người Công giáo. Được truyền bá bởi một nền văn hóa vô thần và chủ nghĩa Mác, họ đã sử dụng hãm hiếp như một vũ khí hạ nhục những người mang tu phục. Các nữ tu nhận thức được những rủi ro mà họ đang phải đối mặt, nhưng không một ai muốn từ bỏ sứ mệnh ở bên cạnh người dân của mình. Các tín hữu ngay lập tức xem họ là các vị tử đạo. Những ngôi mộ của họ vẫn được nhiều người hành hương kính viếng.
Nhìn nhận phép lạ của cha Johann Philipp Jeningen
Cùng ngày 19/6, Bộ Phong thánh cũng nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của một linh mục dòng Tên người Đức, cha Johann Philipp Jeningen. Nhờ cha, một ngôi nhà nguyện nhỏ kính Đức Mẹ trên đồi Schönenberg ở miền Württemberg đã trở thành đền thánh Đức Mẹ nổi tiếng, điểm đến của nhiều tín hữu hành hương.
Bên cạnh đó, một linh mục và 3 nữ tu cũng được nhìn nhận các nhân đức anh hùng và được tôn lên bậc Đấng Đáng kính. (CSR_4480_2021)
Hồng Thuỷ
(vaticannews.va 21.06.2021)
Để lại một phản hồi