ĐGH Phanxicô đã có “Con đường Công nghị” cho Italia

Sau 6 năm kiên trì, ĐGH Phanxicô đã có “Con đường Công nghị” cho Italia. Kế hoạch 5 năm của Giáo hội Ý được coi là một mong muốn đã được ấp ủ từ lâu nhằm dựa trên Hội nghị toàn quốc năm 1976 mà giúp cho giáo dân có “tiếng nói” lớn hơn.

Sáu năm sau khi ĐGH Phanxicô nêu lên khả năng này – và sau những nỗ lực bền bỉ của ngài vào những năm sau đó nhằm biến nó thành hiện thực – các giám mục của Ý đã có kế hoạch khởi động “Con đường Công nghị” kéo dài 5 năm của mình.

Dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào cuối năm nay, tiến trình Công nghị của Ý có thể sẽ hài hòa với Thượng hội đồng Giám mục thể hiện tính công nghị nơi Giáo hội hoàn vũ trong hai năm sắp tới.

Theo “Hiến chương Chủ định” mà Hội đồng Giám mục Ý đã đồng lòng thông qua tại Đại hội Giám mục vào tháng 5, tiến trình Công nghị này sẽ có cách tiếp cận tương tự như tiến trình được hoạch định cho Giáo hội hoàn vũ kéo dài từ năm 2021 đến năm 2023 nhưng sẽ diễn ra trong một thời gian dài hơn.

Các giám mục của Ý hình dung Con đường Công nghị của họ bắt đầu với cái mà họ gọi là cách tiếp cận “từ dưới lên” liên quan đến “dân Chúa với những khoảnh khắc lắng nghe, tìm kiếm và đề xuất” (“chủ đề ba điều” này được lặp lại trong suốt tài liệu) trong các giáo phận và giáo xứ. Giai đoạn đó sẽ kéo dài đến năm 2022.

Giai đoạn thứ hai, “từ ngoại vi đến trung tâm,” sẽ bao gồm “khoảnh khắc hiệp nhất khi tụ họp, đối thoại và gặp gỡ tất cả các tín hữu Công giáo Ý” sẽ diễn ra vào năm 2023.

Giai đoạn thứ ba và cuối cùng, được mô tả là “từ trên xuống dưới”, nhằm mục đích “tổng hợp các vấn đề” được thảo luận ở cấp khu vực và giáo phận, cùng với việc đánh giá và giám sát hoạt động mục vụ. Điều đó sẽ diễn ra vào năm 2024, với sự lượng định và xác minh cuối cùng sẽ diễn ra ở cấp quốc gia vào năm 2025.

Trong “Hiến chương Chủ định”, các giám mục nhấn mạnh rằng, con đường được đề xuất cho Giáo hội hoàn vũ, mang tên “Cho một Giáo hội Công nghị: Hiệp thông, Tham gia và Truyền giáo, có thể hài hòa với “Con đường Công nghị” của Giáo hội tại Ý.”

ĐGM Vincenzo Corrado, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Ý, nói với tờ Register ngày 18-6-2021 rằng ngài không thể nói nhiều về quá trình này, vì nó chỉ mới chỉ bắt đầu, và Đại hội đồng Giám mục họp vào tháng 5-2021 đã “chuyển vấn đề qua Ban thường trực của Hội đồng Giám mục Ý sắp họp trong những tuần tới.”

Nhưng ĐGM Vincenzo Corrado nói thêm: “Như các giám mục Ý đã xác định, chắc chắn sẽ có vấn đề làm cho con đường công nghị này hài hòa với Thượng hội đồng Giám mục phổ quát khi Ban Thư ký chung của Thượng hội đồng Giám mục đưa ra một bản cập nhật trong những ngày sắp tới.”

Sự thận trọng của Hàng Giáo phẩm

Vào năm 2019, ông Sandro Magister – nhà nghiên cứu kỳ cựu về Vatican người Ý – đã báo cáo rằng: Con đường Công nghị của Ý đã xuất hiện sau sự phản kháng đáng kể từ Hàng Giáo phẩm Ý. Magister viết: “Khác với những vị tiền nhiệm, ĐGH Phanxicô đã muốn có con đường công nghị bằng mọi giá – nhưng Hội đồng giám mục Ý lại tiếp tục làm ngơ.”

Theo các kế hoạch được trình bày vào ngày 1- 6-2021, kế hoạch của Ý dường như có phạm vi rộng hơn so với Con đường Công nghị đang có nhiều tranh cãi ở Đức, vốn xuất phát từ cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Quá trình đó, kéo dài đến năm 2022, đang tranh luận về các vấn đề quyền lực, luân lý tính dục, đời sống linh mục và vai trò của phụ nữ trong Giáo hội như một phần của nỗ lực xóa bỏ tận gốc nạn lạm dụng.

Các nhà phê bình đã cảnh báo rằng quá trình của Đức có nguy cơ dẫn Giáo hội ở Đức đến ly giáo, vì các giám mục và những tham dự viên đang sử dụng Con đường Công nghị để thúc đẩy các ý tưởng trái ngược với giáo huấn và truyền thống của Giáo hội, chẳng hạn như phong chức phụ nữ, chấp nhận quan hệ đồng tính và chấm dứt đời sống độc thân bắt buộc của giáo sĩ.

Ngược lại, tiến trình Công nghị của Ý, có tiêu đề là “Rao giảng Tin Mừng trong Thời kỳ Tái sinh”, có khởi điểm rất khác và, ít là bề ngoài, dường như tránh được những vấn đề gây tranh cãi như vậy.

Nhưng giống như Con đường Công nghị Đức và Con đường Công nghị của Thượng hội đồng Giám mục thế giới, điểm xuất phát sẽ là các tín hữu, hoặc Dân Chúa và các tình huống hiện tại của họ, chứ không phải là Lời Chúa hay Mặc khải của Thiên Chúa – một khía cạnh phù hợp với điều ĐGH Phanxicô mong muốn về một Giáo hội mang tính tập thể, phi tập trung và “lắng nghe” hơn và tầm nhìn về một “kim tự tháp ngược” trong việc quản trị Giáo hội.

Các vấn đề chính

Đối với các giám mục Ý, điều này trước hết có nghĩa là xem xét các tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 mà theo họ, đã khiến các giáo phận và giáo xứ phải biết khiêm tốn (quỳ gối). “Hiến chương Chủ định” xác định: Tình huống này đòi hỏi phải lắng nghe nhu cầu của những cộng đồng này trong “chức năng ngôn sứ và phát biểu thẳng thắn” để “xác định các câu hỏi mới và thử nghiệm ngôn ngữ mới” mang tính đa dạng vùng miền.

Tài liệu nói tiếp: Kỷ nguyên hậu coronavirus cũng kêu gọi “củng cố những điều tốt đẹp đã được hoàn thành trong những năm gần đây,”, “khơi lại niềm đam mê mục vụ, nghiêm túc thực hiện lời mời gọi đổi mới hành động của Giáo hội thông qua sự phân định liên tục của cộng đồng.”

Các giám mục Ý nói rằng họ muốn Con đường Công nghị xác định được “các dấu hiệu đổi mới cho thời kỳ hậu đại dịch”, hướng đến các vùng ngoại vi, và “bắt nguồn từ đức tin được diễn tả trong Kinh thánh”. Các ngài bày tỏ sự cần thiết phải gieo Lời Chúa qua “các kênh lắng nghe được đổi mới” cũng như đề xuất “việc đọc Lời Chúa và suy niệm cá nhân như là nguồn nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng” và “đào tạo lương tâm”.

Các ngài kêu gọi “phục hồi khía cạnh cánh chung của đức tin Kitô giáo liên quan đến thế giới mai hậu và hy vọng vượt qua cái chết” nhưng đồng thời “việc dạy giáo lý được đề xuất theo những cách thức và địa điểm vượt ra khỏi mô hình học thuật”.

Các ngài nói về việc đồng hành với trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ qua những chặng đường của cuộc sống, “sự cấp bách cần có một thời đại mới của tình liên đới và bác ái, để đáp ứng sự gia tăng đáng kể có thể dự đoán được về nghèo đói vật chất và cô đơn tinh thần,” cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của các tín hữu thực hiện các trách nhiệm dân sự và chính trị của họ trong thời kỳ khủng hoảng này.

Theo sự hướng dẫn của Đức Giáo hoàng

Các giám mục Ý nói thêm rằng ĐGH Phanxicô đã truyền đạt cho họ “sự nhiệt thành mong muốn suy xét lại hiện tại và tương lai của đức tin và Giáo hội ở Ý,” và dựa trên cả Tông huấn Evangelii Gaudium năm 2013 và những điểm chính trong bài diễn văn năm 2015 của ngài tại Florence về cải cách Giáo hội.

Trong bài phát biểu đó, ĐGH nói rằng ngài thích “một Giáo hội Ý không ngơi nghỉ, ngày càng gần hơn với những người bị bỏ rơi, bị lãng quên, những người không hoàn hảo.” Ngài cũng nói rằng “thật vô ích khi tìm kiếm các giải pháp trong chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa quá khích, trong việc khôi phục các thực hành và các hình thức lỗi thời mà ngay cả về mặt văn hóa cũng không thể có ý nghĩa.”

Lấy những lời ấy làm nguồn cảm hứng, các giám mục Ý viết, “Chúng tôi được yêu cầu chuyển từ cách thức suy diễn và ứng dụng để tiến tới một phương pháp nghiên cứu và thử nghiệm nhằm xây dựng hoạt động mục vụ bắt đầu từ phía dưới và lắng nghe các vùng miền.” Các ngài muốn Con đường Công nghị “đánh thức ý thức truyền giáo” của Giáo hội, khi nhắc lại những lời của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI và của vị linh mục thần học gia Romano Guardini sống vào thế kỷ 20.

Các ngài nói về sự “can đảm dám sống tự do”, có “khả năng cắt bỏ những gì đã thối chết, tạo ảnh hưởng trên những gì thực sự cần thiết hay cần được tích hợp hoặc thống nhất,” và một lần nữa, bắt tay vào một quá trình “lắng nghe”, “tìm kiếm” và “đề xuất”.

Trong một bài xã luận ngày 17-6-2021 phản ánh về con đường được đề xuất của Ý, linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, cố vấn của Đức Giáo hoàng, đã dẫn lời ĐGH Phanxicô nói với các giám mục rằng: tiến trình công nghị là một “đặc quyền phân định, và nếu có Chúa Thánh Thần hoạt động, thì ngài sẽ ‘xóa bàn làm lại’.”

“Vậy đây là câu hỏi,” Cha Spadaro viết. “Chẳng phải hôm nay chúng ta đang cảm thấy cần một cú hích từ Chúa Thánh Thần, để đánh thức chúng ta ra khỏi trạng thái mê ngủ hay sao?”

Cả ĐGH Phanxicô và Cha Spadaro đều chú ý đến Cha Bartolomeo Sorge của Dòng Tên, người đã tham gia một Đại hội của Giáo hội Ý vào năm 1976 với chủ đề “Phúc âm hóa và Thăng tiến con người”. Đại hội đó được Cha Sorge và nhiều người khác coi là tiền đề cho một Công nghị, sẽ mang lại tiếng nói lớn hơn cho giáo dân và những mối quan tâm của họ, và theo quan điểm của các ngài, sẽ thúc đẩy việc canh tân Giáo hội và thúc đẩy một cuộc truyền giáo mới.

Viết vào năm 2019 trên tạp chí La Civilta Cattolica của Dòng Tên, linh mục Sorge, người vừa qua đời năm ngoái, nói rằng cha tin rằng một Công nghị như vậy chưa bao giờ thành hiện thực bởi vì, theo lời ĐGH Phanxicô, các giám mục Ý đã thua cuộc trong hai lần bị cám dỗ: lần thứ nhất là khi giáo phái Pelagio tin tưởng vào sự an toàn của các cấu trúc, và lần thứ hai khi “chủ nghĩa tâm linh quái gở” đã dẫn đến sự rút lui và quy ngã – cái mà Đức Phanxicô gọi là Thuyết Ngộ đạo.

Cha Sorge tin rằng một Công nghị gặp gỡ và đối thoại sẽ khắc phục được “sự phân chia bất khả thi giữa “Giáo hội cơ cấu” và “Giáo hội đích thự” – một tình huống mà Cha Spadaro nói rằng vẫn đang tiếp diễn ngày nay.

“Rồi những đề xuất này đã không thành công”, cha Spadaro đã viết như thế. Vào năm 2017, cha là người đã chỉ trích các tín hữu Công giáo và Tin lành Mỹ vì đã quảng bá cái mà cha gọi là “chủ nghĩa đại kết xung đột” đã dẫn đến một “chủ nghĩa đại kết bất khoan dung của lòng căm thù”.

“Hôm nay đã có đủ điều kiện cho sự chọn lựa tốt đẹp,” cha nói. “Và chúng ta biết rằng, hành trình công nghị sẽ có hoa trái nhờ ân huệ của Chúa Thánh Thần. Công nghị, cuối cùng cũng đã đến! ”

Tác giả: Edward Pentin
Chuyển ngữ: Vi Hữu
Từ: 
ncregister.com (21.6.2021) 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*