ĐTC tiếp Phái đoàn Liên hiệp Tin Lành Luther Thế giới

Trong cuộc gặp gỡ Phái đoàn Liên hiệp Tin Lành Luther Thế giới sáng 25/6/2021, Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu tiếp tục nỗ lực trên hành trình đại kết, vượt qua chia rẽ xung đột để tiến tới sự hiệp thông giữa những khác biệt bằng việc cầu nguyện không ngừng, thực hành bác ái chia sẻ và tìm kiếm sự hiệp nhất hơn.

Cầu nguyện đại kết trong chuyến viếng thăm của ĐTC tại Thuỵ Điển vào năm 2016

Mở đầu diễn văn, Đức Thánh Cha chào các đại diện của Liên hiệp bằng lời thánh Phaolô nói với giáo đoàn Roma: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an”.

Bản Tuyên xưng đức tin Augsburg

Tiếp đến, Đức Thánh Cha cảm ơn phái đoàn đến Roma nhân dịp kỷ niệm Bản Tuyên xưng đức tin Augsburg, 25/6, để củng cố sự hiệp nhất. Nhân dịp này Đức Thánh Cha nhắc rằng tài liệu này là nỗ lực ngăn chặn sự chia rẽ của Kitô giáo Tây phương; nguyên thuỷ nó được soạn như một tài liệu hoà giải nội bộ Công giáo và sau đó mới có đặc điểm của bản tuyên xưng đức tin của Tin Lành Luther.

Đức Thánh Cha nói: “Năm 1980, nhân kỷ niệm 400 năm tài liệu được ban hành, các tín hữu Công giáo và Tin Lành Luther đã tuyên bố: “đức tin chung mà chúng ta đã khám phá trong Bản tuyên xưng Augsburg cũng có thể giúp chúng ta tuyên xưng đức tin này một lần nữa trong thời đại của chúng ta. Cùng nhau tuyên xưng những gì liên kết chúng ta trong đức tin: chúng ta được nhắc về lời của Thánh Tông đồ Phao-lô, “một thân thể… một phép rửa, một Thiên Chúa” (Ep 4, 4,5-6).

Một Chúa

Theo Đức Thánh Cha, lời tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi này có đề cập đến Công đồng Nicea, là lời tuyên xưng đức tin không chỉ của Tin Lành Luther và Công giáo, nhưng của cả Chính Thống và nhiều cộng đoàn Kitô giáo khác. Đức Thánh Cha kêu gọi nỗ lực để dịp kỷ niệm 1700 năm Công đồng vào năm 2025 sẽ là động lực mới cho hành trình đại kết, món quà của Chúa và cam kết không thay đổi của chúng ta.

Một phép rửa

Đức Thánh Cha khẳng định rằng mọi điều ơn Chúa ban cho chúng ta để vượt thắng chia rẽ, chữa lành ký ức, cộng tác hoà giải và huynh đệ, đều được đặt nền tảng trên “một phép rửa tha tội”. Do đó, đại kết không phải là hoạt động ngoại giao của Giáo hội nhưng là một hành trình ân sủng dựa trên ơn Chúa, hướng tới một sự hiệp nhất hoà giải giữa những khác biệt. Đức Thánh Cha “khuyến khích tất cả những ai tham gia vào cuộc đối thoại Công giáo-Luther hãy kiên trì với lòng tin tưởng, trong lời cầu nguyện liên lỉ, thực thi bác ái hỗ tương, và trong những nỗ lực nhiệt thành để đạt được sự hiệp nhất cao hơn giữa các chi thể khác nhau trong thân thể của Chúa Kitô.”

Một thân thể

Đức Thánh Cha đưa ra Quy luật của Taizé như lời kêu gọi tuyệt vời: “Hãy biến sự hiệp nhất của thân thể Chúa Giêsu Kitô là mối quan tâm nhiệt thành của bạn.” Đức Thánh Cha giải thích: “Niềm đam mê hiệp nhất được đào sâu qua đau khổ chúng ta cảm nghiệm trước những vết thương chúng ta đã gây ra trên thân thể của Chúa. Khi chúng ta đau đớn vì sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, chúng ta đến gần với kinh nghiệm của Chúa Giêsu khi thấy các môn đệ của Người vẫn bị chia cắt, chiếc áo của Người bị xé rách (x. Ga 19, 23). Đức Thánh Cha mời gọi tiếp tục với sự nhiệt thành trên hành trình từ xung đột đến hiệp thông. (CSR_4611_2021)

Hồng Thuỷ

(Vatican News 25.06.2021)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*