Ngày bác ái của Đức Giáo hoàng: 27/6/2021

Vatican News (27.6.2021) – Chúa Nhật hôm nay, 27/6, trong các Thánh lễ tại nhiều giáo phận trên thế giới, theo lời kêu gọi của các vị Bản quyền địa phương, có các cuộc lạc quyên để trợ giúp Đức Thánh Cha Phanxicô trong các hoạt động bác ái và điều hành các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Các cuộc lạc quyên năm nay có một tầm quan trọng đặc biệt trước tình trạng khó khăn của Tòa Thánh về tài chánh.

Vài nét lịch sử

Cuộc lạc quyên này có truyền thống từ lâu đời và quen gọi là “Obolo di San Pietro”, “Đồng tiền thánh Phêrô”, tiến hành hằng năm vào Chúa Nhật gần lễ kính thánh Phêrô và Phaolô 29/6. Tiền quyên góp không những được dùng vào các công tác bác ái của Đức Thánh Cha, nhưng còn để hỗ trợ các hoạt động của ngài và Tòa Thánh.

Thói quen hỗ trợ vật chất cho những người có sứ mạng loan báo Tin Mừng, vốn có từ thời đầu của Kitô giáo, để họ có thể hoàn toàn dấn thân trong sứ vụ và chăm sóc người nghèo, như được thuật lại trong Tông đồ công vụ đoạn 4, câu 34: “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa đều bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu”. Và đoạn 11 câu 29: “Các môn đệ quyết định là mỗi người tùy theo khả năng, sẽ gửi quà giúp đỡ anh em ở miền Giuđêa”.

Cuối thế kỷ thứ 8, những tín hữu Anglosaxon ở các nước nói tiếng Anh, sau khi trở lại, cảm thấy rất gắn bó với Giám mục Roma, nên họ quyết định gửi những đóng góp thường niên cho Đức Thánh Cha một cách đều đặn. Từ đó nảy sinh điều gọi là “Đồng tiền thánh Phêrô” (Denarius Sancti Petri), và thói quen này chẳng bao lâu được phổ biến sang các nước Âu Châu.

Qua nhiều thăng trầm, tập quán tốt đẹp đó được Đức Giáo Hoàng Piô IX chúc lành với thông điệp “Saepe venerabilis” ngày 5/8/1871.

Đức Giáo hoàng Biển Đức 16

Ngày 25/2/2006, khi tiếp kiến các thành viên Hội Bác ái Thánh Phêrô (Circolo di San Pietro), Đức Giáo hoàng Biển Đức 16 nói rằng: “Đồng tiền Thánh Phêrô” là biểu hiện tiêu biểu nhất sự tham gia của tất cả các tín hữu vào những sáng kiến thiện hảo của Giám mục Roma đối với Giáo hội hoàn vũ. Đó là một cử chỉ không những có giá trị thực tiễn, nhưng còn có giá trị biểu tượng mạnh mẽ, như một dấu chỉ tình hiệp thông với Đức Giáo hoàng và quan tâm đến những nhu cầu của anh chị em; vì thế, việc phục vụ của anh chị em có một giá trị cao độ về mặt Giáo hội”.

Đức Giáo hoàng Biển Đức 16 cũng coi những sáng kiến làm điều thiện như thế là điều tự nhiên đối với Giáo Hội, như ngài viết trong đoạn số 29 của Thông điệp đầu tiên “Deus caritas est” (Thiên Chúa là tình thương), ngày 25/12/2005: “Giáo Hội không bao giờ có thể được miễn chuẩn khỏi thi hành bác ái như hoạt động có tổ chức của các tín hữu, và đàng khác, sẽ không bao giờ có một tình trạng, trong đó không cần lòng bác ái của mỗi Kitô hữu, vì con người, ngoài đức công bằng, còn cần và sẽ luôn cần tình thương”.

Tình trạng khó khăn của Tòa Thánh về tài chánh

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican ngày 12/3 năm nay (2021), cha Juan Antonio Guerrero, dòng Tên, Bộ trưởng Kinh tế của Tòa Thánh, cho biết ngân sách dự chi năm 2021 này của Tòa Thánh ở mức độ thấp nhất trong lịch sử, nhưng không giảm bớt việc phục vụ sứ mạng của Đức Thánh Cha, và bảo vệ lương bổng cũng như công ăn việc làm của các nhân viên. Vì thế, cần có sự hỗ trợ của các tín hữu.

Ngân sách này được Đức Thánh Cha phê chuẩn hôm 16/2 trước đó, sau khi được Hội đồng Kinh tế của Tòa Thánh thông qua, theo đó, năm nay Tòa Thánh sẽ bị thiếu hụt gần 50 triệu Euro và nếu không có ngân khoản gọi là “Đồng tiền thánh Phêrô” do các tín hữu đóng góp, thì mức thiếu hụt sẽ lên tới 80 triệu Euro.

Theo Cha Guerrero, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra là nguyên nhân chính khiến ngân sách năm nay của Tòa Thánh gặp nhiều khó khăn như vậy: số thu dự kiến sẽ giảm 30% so với năm 2019: nghĩa là hồi năm 2019 số thu của Tòa Thánh là 307 triệu Euro, nhưng năm nay chỉ có 213 triệu. Đàng khác, số chi dự kiến năm nay được giữ ở mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng vẫn làm sao để duy trì sứ mạng của Tòa Thánh. Sự giảm chi năm nay dự kiến là 8% nếu không kể lương bổng cho nhân viên và bảo vệ công ăn việc làm.

Trong năm ngoái 2020, ngân khoản “Đồng tiền thánh Phêrô” cũng bị giảm 25% so với con số 53 triệu Euro quyên được trong năm 2019 trước đó. Những quyên góp từ các giáo phận hoặc các dòng tu cũng bị giảm. Tình trạng này khiến Tòa Thánh phải dùng ngân khoản dự trữ để bù đắp số thâm thủng.

 Lương bổng nhân viên

Cha Guerrero cho biết khoảng 50% ngân sách của Tòa Thánh là để trả lương bổng cho nhân viên, một chi phí rất khó có thể uyển chuyển. Lương này tăng theo thâm niên, cứ 2 năm một lần, cùng với chỉ số đời sống đắt đỏ. Năm ngoái, 2020, chi phí nhân viên tăng 2% so với năm 2019. Việc bảo vệ công ăn việc làm và lương bổng cho nhân viên là một ưu tiên đối với Tòa Thánh. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng: tiết kiệm không có nghĩa là sa thải nhân viên, ngài rất nhạy cảm đối với tình trạng của các gia đình.

Linh Mục Bộ trưởng Kinh tế của Tòa Thánh cho biết năm ngoái, Tòa Thánh đã đề ra một loạt các biện pháp giảm chi: hạn chế tối đa chi phí tư vấn được 1,5 triệu Euro, hủy bỏ các hoạt động dự kiến cho năm 2020, kể cả các cuộc viếng thăm của các đoàn Giám mục về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh gọi là Ad Limina, bỏ các khóa họp toàn thể của các bộ, các Hội nghị, tiết kiệm được 1,3 triệu Euro. Tiếp đến là giới hạn tối đa các cuộc du hành, bớt được gần 3 triệu Euro, ngưng mua các vật dụng, các thiết bị, giảm được 900 ngàn Euro, ngưng việc tu bổ các bất động sản: 4,8 triệu vv…

Cắt giảm lương bổng

Ngoài những cắt giảm vừa nói, ngày 24/3 năm nay, Đức Thánh Cha đã ban hành tự sắc cắt giảm lương của các Hồng y, giáo sĩ, tu sĩ nhân viên… để giảm bớt chi phí nhân sự của Tòa Thánh, Quốc gia thành Vatican và các cơn quan liên hệ.

Các vị lãnh đạo các cơ quan Tòa Thánh như Bộ trưởng và Tổng Thư ký bị giảm lương căn bản 8%, không tính phụ cấp đắt đỏ và thâm niên cho đến nay. Các giáo sĩ và tu sĩ bị giảm lương 3% theo mức lương chót.

Sử dụng “Đồng tiền thánh Phêrô”

Trong những năm trước đây, mỗi năm, cuộc lạc quyên “Đồng tiền Thánh Phêrô” trong toàn Giáo hội góp được khoảng 70 triệu đô la Mỹ, nhưng ngân khoản này dự đoán sẽ bị giảm sút vì đại dịch, tín hữu tại nhiều nơi không thể tham dự thánh lễ trực diện. Cha Juan Guerrero dự kiến năm nay quyên được 47 triệu Euro, tương đương với 55 triệu 700 ngàn đô la, tức là ít hơn 6 triệu Euro so với năm 2019.

Theo dự kiến, trong số 47 triệu Euro từ “Đồng tiền thánh Phêrô”, 15,5 triệu được dành cho các hoạt động bác ái của Đức Thánh Cha; 1,5 triệu dành cho chi phí hành chánh và quản trị, phần còn lại 30 triệu Euro, tức là 2 phần 3, dành cho các hoạt động của các cơ quan Trung ương Tòa Thánh, các Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở các nước. Vì các cơ quan này không có tiền thu nhập, nên càng cần được sự hỗ trợ của Giáo hội hoàn vũ.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican hôm 24/6 vừa qua, Cha Juan Guerrero nói rằng, cho đến nay Bộ đã nhận được 21 triệu Euro cho năm nay: 8 triệu đã được phân phối cho việc loan báo Tin Mừng và hỗ trợ các Giáo phận túng thiếu tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Giuse Trần Đức Anh O.P

Nguồn: vaticannews.va/vi/

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*