Một Trang Huyết Lệ trong lịch sử Tỉnh Quảng Trị – Tháng chín tây năm 1885

Tôi vừa đến nhận việc tại trú sứ Quảng Trị thì tôi liền tiếp nhiều lá đơn kêu ca về những sự trộm cướp trâu bò xảy ra, nhất là tại địa hạt Cam Lộ và Gio Linh.

Lúc bấy giờ, các Nam quan thưa với tôi về sự tái lập trong mỗi một làng những xích-hậu (điểm canh) tại các ngả ba, ngả tư đường sá để phòng ngự trộm cướp. Dân trong mỗi một làng phải chia phiên lo việc tuần phòng.

Lúc đó, trong một làng lương giáo tham bán kia thuộc về miền Bái-trời, một viên lý trường bất mãn vì thấy giáo dân không chịu canh tuần, nên trong cơn xung giận, tuyên bố rằng sự tái lập các xích hậu là cái triệu sẽ có giặc giã mà nhân sự giặc giã ấy hết thảy giáo dân sẽ bị tàn sát như hồi năm 1885 vậy. Nghe nói như thế, không suy nghĩ hư thiệt thể nào, hết thảy người có đạo trong làng, tất nam, phụ, lão, ấu đua nhau lìa bỏ nhà cửa, đồ đạc, áo quần, trâu bò, mùa màng, không thèm mang theo mình một mảy may gì hết, họ kéo nhau đi trốn và đến xin vị linh mục thừa sai Pháp gần hơn hết đang coi sóc Hội giáo Phước Sơn cứu giúp và che chở họ cùng.

Sự xảy ra đó, may không có kết quả hệ trọng gì. Các vị linh mục Thừa sai và quan địa phương hiểu lẽ cho họ, nên họ trở về làng mà lo an cư lạc nghiệp.

Đối với một người không rõ nguyên do thật là một chuyện không thể tin được: chỉ nhớ đến năm 1885 thì có thể làm cho giáo dân ở miền ấy lập tức kinh khủng.

Vậy năm 1885 đến nay là 54 năm rồi, đã xảy ra việc gì ghê gớm mà nhớ đến thì đã sinh ra cảm xúc lạ lùng như thế?

Chúng ta biết rõ quan phụ chánh Tôn Thất Thuyết mưu ám sát đối Pháp tại Huế bị bại lộ, đem vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Cùa) gần Cam Lộ, v.v.

Chúng ta cũng biết rằng sự xây đắp đồn lũy tại Cùa sắp đặt đã lâu, trong hai năm trời dân chịu khổ sở vì phải làm vô số tư ích; nhưng những điều kể trên cũng không giải cho chúng ta rõ cái nguyên cớ sự kinh khủng hốt hoảng của các giáo dân nhớ đến năm 1885.

Chỉ nhớ một vài vị linh mục Thừa sai và ít quan lại, nên tôi mới rõ rằng năm 1885, và nhứt là trong tháng chín Tây năm ấy, tỉnh Quảng Trị là một cái trường tàn sát các giáo dân, dự định và tổ chức có qui củ do đảng Văn Thân, lại được một (mà có lẽ cả hai) quan phụ chánh khuyến khích và ủng hộ, nên hầu hết các họ đạo, trừ chủng viện An Ninh, đều bị cướp của, đốt nhà; còn những người công giáo nào mà lọt vào tay đảng đều bị giết một cách tàn nhẫn.

Những thời ấy, trong một tháng mà hơn tám ngàn người bị chém giết như ta sẽ thấy sau nầy, làm cho ta hồi tưởng đến những trang thê thảm trong lịch sử La-mã Đế-quốc.

Sao mà lương dân thình lình nổi dậy? Có phải tại Công Giáo có thế lực hơn và càng ngày càng truyền bá khắp nước Nam? Những nam, phụ, lão, ấu mà người ta đốt và chém có phải chỉ vì họ không chối Đức Chúa Giêsu, vì họ một lòng trung thành với đạo Công Giáo hay sao?

Lược xét sự giao tế của Nam Triều với các nước Âu Châu và nhất là với nước Pháp trong thế kỷ XIX, thì hiểu rõ cái nguyên do vì sao năm 1885 xô đẩy một hạng người Nam đem dã tâm tàn sát người đồng chủng. Cũng vì tin rằng những người ấy nguy hiểm cho họ và chánh sách họ.

Gia Long Hoàng Đế hết phương khôi phục ngôi báu, nên xin đức Thầy Phêrô giúp mình. Ngài biết ơn, không phải biết ơn chính phủ Pháp, vì chính phủ Pháp lúc ấy vô lực, ngài biết ơn những người Pháp có lòng quyết định giúp ngài rất công hiệu mà ngài khôi phục ngôi báu và và trị an trong nước. Những người Pháp ấy biến lìa rất nhanh chóng khỏi trường chính trị An Nam.

Dẫu sao đi nữa vua Gia Long cũng có thịnh tình đối với người Pháp hết thảy. Ngài tiếp kiến một cách lãnh đạm những người Anh-cát-lợi, vì ngài biết họ muốn chiếm đảo Côn Lôn và cửa Hàn. Còn đối với người Pháp, thì ngài ban chức tước, coi họ như người hoàng tộc vậy.

Ngài tỏ lòng khoan dung đối với sự truyền bá đạo Công Giáo, vì Hoàng-đế cũng đồng ý với quốc dân cho rằng người Pháp là người Công Giáo mà đãi người Pháp tử tế thì cũng phải đãi đạo Công Giáo như vậy (Xem J.B. Chaigneau, do A. Salless soạn và đăng trong tạp chí Thần-kinh Hiếu-cổ năm 1923, tr.66 và tiếp theo).

Chúng ta đá động đến một ý kiến – và tôi rõ ý kiến kiến tôi nhiều nhà danh vị không toàn biểu đồng tình, cũng có dính vào những sự tôi sẽ kể sau nầy. Xem đó thì rõ cái căn do vấn đề tôn giáo ở nước Nam. Tùy theo chánh sách bài Pháp hoặc thân Pháp mà đạo Công Giáo sẽ bị bắt bớ hoặc hoan nghênh, vì nước Nam không khi nào phân biệt đạo với những đấng đem đạo ấy qua; cho rằng đạo Công Giáo là một cái đạo phương Tây, là một thứ đạo nhập cảng, vậy những người tín đồ đạo ấy dẫu có muốn hay không, dẫu có biết hay không, cũng là tương thân cũng là đồ đệ, cũng là đại diện cho phương Tây, lúc nào bất mãn với người Tây phương thì cho giáo hữu là đồng đảng của các “Tây quỉ” vậy.

Âu là vì chút ý tưởng ấy mà toàn lịch sử giao tế của nước Nam tự diễn giải một cách rất rõ ràng; vì không ai mà nghĩ rằng sự phảm đối cái đạo từ Âu-châu truyền qua là do lòng sùng đạo bổn quốc, vì những sự tín ngưỡng khác nhau tùy ý mỗi người lấy trong Phật-giáo và Lão-giáo, thực ra không phải như những tôn giáo Hồi-giáo và Công Giáo ở bên Tây-phương.

Chúng tôi rõ biết rằng nước Nam thình tình với đạo Công Giáo hay không, tùy theo sự giao tế của nước Nam với châu Âu và nhất là với nước Pháp khi thân mật hoặc lãnh đạm.

Về triều Gia Long sự thân Pháp là một câu chuyện thích thời: đạo Công Giáo được thịnh vượng; các vị linh mục Thừa sai được tự do lai vãng, ký ngụ và được các quan vị nể. Nhưng mà những cái đặc ân một vài người Pháp được hưởng tại triều Gia Long làm cho phái Văn Thân oán hận chua chát, mà họ là những nhà quân sư và cũng là tay sai của nhà vua. Nên không chầy kíp đã xảy ra sự phản động đối với ảnh hưởng các người châu Âu trong cuối triều Gia Long (Xem tạp chí Thần Kinh Hiếu-cổ, năm 1923, tr.70 và tiếp theo).

Về triều Minh Mạng hoàn cảnh thay đổi rất chóng (Xem T.C.T.K.H.C. năm 1923, tr.87,93 và tt.).

Ông Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau) trở lại nước Nam làm lãnh sự mang theo một bức thư của nhà vua Luis  thứ mười tám, yêu cầu sự tự do thương mại. Vua Minh Mạng hằng để ý đến người Anh-cát-lợi ở Ấn-độ và chuyện mạo hiểm của Tippo-Sahid mà người Pháp ủng hộ một cách vô hiệu, nên không phúc thơ đáp lại những lời yêu cầu. Năm 1822, ảnh hưởng bài ngoại rất bành trướng. Ông Coursen de la Ville Hélio đáp tàu Cléopâtre đến xin bệ kiến. Chính mình ông Chaigneau cũng khuyên chưa nên cho tàu buôn qua, để tránh sự xung giận của hàng quan lại. Ít lúc về sau, sứ thần Crawford cũng không được tiếp kiến một cách sốt sắng. Sau hết, ông Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau) và ông Nguyễn Văn Chấn (Vanner) thấy các quan phản đối ngấm ngầm và những sự miệt thị biểu lộ ra với họ, nên họ lìa bỏ triều đình Minh Mạng mà về nước nhà.

Tháng ba năm 1825, ở nước Nam chỉ còn những vị linh mục thừa sai đại biểu cho Âu-châu.

Nhưng mà cái dụ thứ nhất mà gọi là “Dụ bắt đạo” thì đã hạ trong tháng hai tây năm 1825. Vua chưa dám đả động đến các vị linh mục thừa sai, vì các vị ấy đã giúp và đã mục kích các thời gian lao của tiền Triều; nhưng mà đã lần lần nhượng bộ theo phái bài ngoại, nên cấm các cố khác tự hậu không được vào trong nước. Chẳng phải là người ta ghét và bài đạo Công Giáo vì là một tôn giáo. Người ta ra sức bài trừ cái “tả đạo” của đối Âu-châu làm mê hoặc lòng dân, nên những tầu Pháp phải bị xem xét coi có chở những vị linh mục thừa sai không, kẻo họ đổ bộ lên được (Xem E.louvel: nam-kỳ tôn giáo, quyển nhì, trang 41).

Như thế chúng ta có thể theo từng bước mà giãi bày về lịch sử ngoại giao của nước Đại Nam và chỉ rõ những kỳ bắt bớ các giáo dân và các vị thừa sai, thì khi nào cũng vì cái tình cảm gay gắt của sự giao tế giữa nước Nam với Âu-châu; nhưng đây chúng ta vội nói đến cái thời kỳ trước loạn Văn Thân, là trước năm 1885 cho rồi.

Đến lúc người Pháp đánh nước Nam và vua Nam mất Nam Kỳ Lục tỉnh, thì mới hết thời kỳ bắt đạo nước Nam.

Phái Văn Thân và quan trường không có thể ngăn cản một nước Âu-châu can thiệp việc nước mình, nên họ muốn cho người Công Giáo phải chịu trách nhiệm của những thời cục chính họ không biết phòng trước, và không đủ sức ngăn cản. Họ coi các giáo dân là những kẻ thông mưu với người Pháp, vì phần nhiều các vị thừa sai là người Pháp.

Trong tờ lịch truyền khắp mọi nơi, phái Văn Thân nói rằng: “Bọn giáo dân là quân phản quốc, là kẻ thông mưu cùng người Pháp, làm lợi cho nước Pháp: hễ trừ được quân “tả đạo” nội công đó, thì tự nhiên người Pháp phải trơ trọi yếu thế, như cua mất càng không bò, không kẹp được nữa” (Xem cái hịch nầy năm 1886, trong tiểu sử Đức Cha Puginier, do cố E. louvel soạn, in tại nhà in Schneider Hanoi năm 1894, trang 395).

Cửa thuận An thất thủ, tờ hòa ước nhận chánh thể bảo hộ làm cho phái Văn Thân uất ức cực điểm nhất là quan Phụ chánh Tôn Thất Thuyết và quan phị chánh Nguyễn Văn Tường (Xem sách đề là nước Nam từ ngày 5 tháng bảy tây năm 1885 đến ngày 4 tháng tư tây năm 1886, do quan tướng X*** soạn; in tại Paris, tại nhà in Chaelot năm 1901, trang 9 và trang 128), nhưng mà ông Nguyễn Văn Tường hành động một cách bí mật, họ cứ cố giữ cái nảo ấy chờ cơ hội hành động.

Cửa Thuận An thất thủ (năm 1883), người ta liền dùng hai định kế để cứu tương lai nước nhà, nên một mặt dời triều đình và chánh phủ đến một nơi có thành trì kiên cố, địa thế hiểm trở, binh Pháp không đánh tới được; còn mặt khác, mật dụ Văn Thân khắp trong nước hẹn nhau lấy một ngày cùng nổi lên giết người Pháp và bọn nội ứng của họ là giáo dân.

Lúc bấy giờ, họ quyết định lợi dụng chốn hiểm trở của xứ Cùa để lập một tân đô (tân -sở), cách Cam Lộ chừng tám, chín cây số, để vua lánh ẩn, giấu kín của quí và những vị yếu nhơn trong triều chính.

Còn về sự “bình Tây sát tả”, thì tất cả tỉnh đều thi hành một lượt và mưu ấy đã sắp đặt kỹ lưỡng trước (xem Thần-kinh Hiếu-cổ năm 1920, trang 159 và tiếp theo: Prise de Huế par les FranÇais, le 5 Juilliet, par Ad. Delvaux).

công việc ghê gớm ấy thì phú cho phái Văn Thân, hạ thủ, nên họ thừa dịp thúc giục bọn phấn nghĩa cùng dân, lúc nào cũng săn cướp phá giáo dân và các hội giáo vì tưởng rằng rất nhiều tiền của.

Sự xây đắp thành trì Tân-sở cũng là một dịp cho phái Văn Thân lợi dụng để khuấy phá giáo dân. Họ bảo với nhân dân đến xây đắp thành trì rằng: công việc lao khổ nặng nề nầy cũng bởi giáo dân, là quân nội công của người Pháp, là bọn phản quốc gây nên, buộc vua quan bất đắc dĩ phải phòng bị và dời đô đi nơi khác. Nhiều mật dụ truyền cho phái Văn Thân và những làng lương dân chắc chắn trung thành phải rèn đúc khí giới để trị tội những “nội pháp” (chỉ người giáo dân), và thừa cơ ai nấy phải tuân theo lịnh các tướng truyền xuống. Thoạt tiên hễ có lệnh truyền, thì thuyền bè, đò ngang tam bản đều tịch thu để lo việc vận tải, và những lệnh truyền phải tuân hành lập tức, nếu không thì hào mục và nhân dân phải bị xử trảm. Những mật dụ ấy nói cách mờ mờ, nhưng các vị Thừa sai cũng hiểu được ít nhiều. Giáo dân hoảng hốt vội vàng bày tỏ sự bối rối mình với các linh mục. Đức Cha Lộc (Mgr Gaspar) lo sợ nên yêu cầu quan Tây xin thu hồi các mật dụ ấy.

Xem dưới đây một đoạn lý thú mà một vị võ quan lúc bấy giờ đóng tại Hải Phòng, ngày 26 tháng ba tây năm 1885 gởi đăng trong báo Thời Thế như vầy: “Có mật dụ tại Huế truyền ra định qua tháng tư năm 1885 khắp nơi sẽ có cuộc chém giết. Về điều này tôi không bối rối chút nào hết, vì từ khi tôi đến xứ này, những mật dụ như vậy đã tầng có năm sáu lần rồi, khi nào họ cũng định tàn sát chúng tôi hết (citépar Huarl, Guerre du Tonkin, page 568).

Vậy Đức Cha Gaspar (Lộc) hết sức can thiệp, yêu cầu bộ Lễ thu hồi mật dụ hạ hồi tháng tư năm 1883, vì mật dụ ấy trái với quan Tuần để đợi ngài về. Cố sắp muốn ở lại, thì một người giáo dân báo tin rằng: tỉnh thành chốc lát nữa bị thất thủ, và nếu cố cứ ở đó thì tánh mạng ngài sẽ bị eo le.

Quả nhiên một lũ đông, nhưng không khí giới, rảo xung quanh thành mà cửa chánh đã mở rộng. Cố Thiện mới ra khỏi cửa đi về hướng Cổ Vưu, thì phái Văn Thân nhập thành do cửa bên kia, không ai kháng cự lại hết, lập tức họ chiếm kho súng đạn rồi phân phát cho nhau.

Vì cố Thiện can thiệp, thì quan án làm bộ kháng cự mà vô hiệu. Quan án truyền bắt một vài người Văn Thân, và sắp đặt thâu phục tỉnh thành, nhưng khi thấy những bọn khác ẩn núp trong các trại lính vây xung quanh quan và buộc quan phải lập tức thả những người bị bắt, nên phải nhượng bộ.

Từ lúc đó, phái Văn Thân làm chủ tỉnh thành và toan mưu bắt quan Tuần-vũ. Tức thì một đoàn binh do phái Văn Thân tổ chức và chỉ huy, có khí giới hẳn hoi, đi về phía Chợ-Sải mà quan Tuần-vũ đang ở đường ấy trở về, có đông quân llính mang khí giới theo hầu. Quan Tuần không kháng cự gì hết, lại đầu phục bọn Văn Thân, nên họ không làm hại, và chỉ yêu cầu đóng ấn vào tờ, để truyền cho binh lính cứ giữ khí giới, dầu khi ấy đã có lệnh ở Huế truyền phải giải binh.

Họ nhắc lại cho các làng mật lệnh năm 1883, giục nhân dân trốn các làng phải lo chu cấp khí giới, binh lính, lương thực, tiền của, ghe thuyền, vân vân… tuỳ theo sự nhu cầu các vệ binh, và phải xem xét kỹ lưỡng những người lạ mặt vãng lai. Cố Thiện vừa đến Cổ-vưu, thì nghe một tiếng nổ dội trời long đất do trong thành bắn ra. Đó là dấu hiệu báo sự thắng trận của phái Văn Thân và sự tuyên bố thiết quân luật.

Lập tức cố Thiện viết thư báo cho quan tướng De Courcy ở Huế rõ những việc xẩy ra và những nỗi eo le của giáo dân, và ngài cũng viết cho Đức Cha lộc (Mgr Gaspar) mảnh giấy sau nầy: “Kính lạy Đức Cha, phái Văn Thân đã lấy tỉnh thành Quảng Trị rồi, tình cảnh chúng con rất eo le. Đức Cha có thể làm gì cứu chúng con được không? Nếu chúng ta không gặp nhau ở đời này nữa, thì xin giã Đức Cha, con đã quyết hy sinh “chiều Chúa nhựt””.

Rồi chiều lại, cố Thiện chiêu tập con chiên của mình hội lại trong nhà thờ đông gần tám trăm, ngài giảng cho họ nghe, khuyến khích họ và giải tội lòng lành cho họ. Nhưng cái tấm kịch một đàn chiên, mà đại đa số là đàn bà và con nít, sắp sửa bị chết một cách chắc chắn làm cho ngài suy nghĩ và liền thúc giục ngài quyết định dìu dắt họ đào nạn. Ngài tỏ cho họ biết những nỗi lo sợ vì cái cảnh eo le, đoạn ngài khuyến khích họ hợp lại từng đoàn mà theo đường núi hiểm trở để chạy vào trốn trong hội giáo ở địa đầu tỉnh Thừa Thiên. Ngài đem hết lòng hăng hái và quả quyết mà thực hành cái định kế ấy, lúc thì hăm doạ, lúc lại khẩn nài đoàn chiên mình phải theo gót mình để bảo toàn tính mạng. Dẫu nghe lời cố nói lý gì, dẫu thấy sự hiểm nghèo sắp đến, cũng không làm cho họ hết do dự: người thì không đành trốn nơn chôn nhau cắt rún, bỏ nhà lìa cửa, người lại đã lâu ngày nghe hăm doạ bắt bớ, nên coi những sự ấy làm thường, không có thể tin rằng có một ngày người ta thực hành những điều hăm doạ ấy. Tại không muốn nghe, lại tại lầm, nên làm cho gần sáu trăm (600) giáo dân phải thiệt mạng.

Cố Thiện đã chọn xóm La-vang làm nơi gặp nhau trước khi do đường núi chạy vào Huế. Theo thì giờ đã định, chiều ngày mồng sáu, ngài cải trang ra đi với một vài người đồng hành. Cha phó của ngài là cha Bửu, phải dẫn những giáo dân còn lại mà theo ngài. Khi đã đi ngang qua các làng lương dân, khỏi bị chúng nhìn nhận và khuấy nhiễu, cố Thiện bây giờ sai người báo tin cho cha Bửu phải vội vàng đi cho kịp. Khi cha Bửu và các bạn đồng hành vừa đến La-vang, thoạt nhiên họ nghe những tiếng la kêu inh ỏi, họ kinh hủng nên chạy tan tác, cha Bửu trở lui vì tin chắc chắn rằng: điều ấy không sao giải được, cố Thiện đã bị phái Văn Thân bắt rồi.

Về sau, người ta rõ rằng những tiếng la inh ỏi đó là những tiếng của các người kêu nhau và không dính líu gì hết với sự giáo dân đào nạn. dẫu sao đi nữa, cha Bửu với các bạn đồng hành bị làng Long-hưng bắt và trói lại, có lẽ cha Bửu được thả ra, nên ngài trở về nhà thờ mình mà chịu chết.

Còn cố Thiện ẩn núp trong bụi mà đợi, nhưng vô ích, cha phó mình và các bạn đồng hành của ngài không thấy đến. Cố Thiện không dám ngủ lại trong xóm La-vang, nên ngài nằm ngoài đồng và hôm sau ngài gặp một số ít bổn đạo đã theo ngài.

Ngài tỏ cho họ biết cái sự quyết định của ngài là phải do đường núi mà vào Huế. Dẫu cực khổ đến đâu cũng phải thực hành cái định kế ấy, vì phàm người giáo dân nào mà lọt vào tay phái Văn Thân thì phải giết hại một cách thảm khốc.

Một người lương dân ở xóm La-vang, có lòng thương, xin thân hành đầu giáo dân đào nạn cho những con đường hiểm trở mình tầng thuộc biết. Sau hết quyết định khởi hành ngày hôm sau để đợi cha Bửu có thì giờ mà theo.

Cố Thiện trốn trong một nhà có đạo, bất ngờ nghe những sự bàn tán của đồng đảng của phái Văn Thân, ngài muốn tránh sự thù hằn đã luỵ đến chủ nhà, nên ngài vội vàng chạy ra ẩn núp cả đêm ngoài bịu. Gần hai trăm giáo dân theo ngài, nhưng dẫu mà ngài khẩn nài thế nào, họ cũng từ chối không chịu theo ngài chạy vào Huế vì họ nói rằng họ muốn ở lại La-vang mà xem những thời cục xoay vầy ra sao. Cố Thiện thấy họ cứng cỏi không muốn nghe, mà mình khuyên bảo mấy cũng vô hiệu, ngài liền khởi hành ngày mồng bảy tháng chín tây với một vài người mà thôi. Đứng trên những đồi núi lúp xúp, ngài thấy các làng giáo dân thuộc về miền Dinh-cát bị đốt phá tan tành.

Ngày hôm sau, mồng tám tháng chín tây, đoàn ngài trốn nạn, nào bị đói khát, nào bị say nắng, nhiều giáo dân phải nằm ngay giữa đường và vì sức mỏn, nên không theo được nữa. Sau hết người hướng dẫn họ báo cho họ biết rằng họ đã gần đến họ Ba Trục, ở đất người ta thấy cái tình cảnh khốn đốn của cố Thiện và các bạn đồng hành của ngài, làm cho người ta kinh khủng và vội vàng đi đón những người trì hoãn cùng cấp cứu những người đã ngã dọc đường vì đói mệt.

Ai nấy đều tưởng cố Thiện đã bị giết, nhưng ngài đến Huế ngày 9 tháng 9 tây. Ngày hôm trước, là mồng tám tháng ấy, quan tướng De Courcy đã phái một toán binh ra tái chiếm tỉnh thành Quảng Trị. Cố Lý (về sau là Đức Cha Lý, Giám mục địa phận Huế) đồng đi với toán binh ấy. Ngài còn ghi nhớ rõ ràng những cái thời cục thảm hại ấy (xem l’Annam… par le Général X, page 31: Compagnie Roy-M. Hamelin haranguant les lettrés renfermés dans la citadelle de Quangtri).

Sau khi khuyến khích mà ít ai nghe, cố Thiện lìa địa sở Cổ Vưu, ngài đi rồi, thì tám trăm giáo dân, một phần giải tán khắp làng, còn một phần khác mà đại đa số là đàn bà với con nít chạy vào nhà thờ đóng bịt cửa lại mà ẩn núp.

Buổi mai ngày 7 tháng 9 tây, ông Đội Cự, tướng Văn Thân, chia toán quân mình ra làm hai đoàn: đang lúc đoàn nọ bổ vây làng Cổ Vưu, thì đoàn kia lùng khắp đàng sá để đuổi giáo dân về ngả nhà thờ. Những giáo dân nào đang ở trong nhà thì bị tàn sát, còn nhà cửa thì bị phóng hoả huỷ phá. Có lệnh truyền thi hành một cách rất nghiêm nhặt, nên vào lúc trưa những giáo dân còn lại chạy về nhà thờ mà đã chật cứng những người đang đọc kinh lơn tiếng, và họ đoán trước rằng giờ chết đã gần đến.

Nhưng phái Văn Thân còn do dự, chưa dám xông chiếm nhà thờ. Cửa lớn và cửa nhỏ đều đóng bịt lại một cách rất kiên cố, đó là lần thứ nhứt mà phái Văn Thân mục kích một lũ giáo dân đông đúc đáng sợ, tập trung lại như muốn để kháng cự vậy.

Từ trước đến bây giờ, ở miền Nam Huế và Bắc Trung-kỳ, người ta chỉ đuổi bắt những giáo dân lẻ loi trong nhà họ. Sự giáo dân tập trung đông đúc như thế, đây là một dấu hiệu muốn kháng cự hay sao? Họ có khí giới không? Đó là những câu hỏi làm cho phái Văn Thân rất lo ngại. Không ai dám đề xướng và thực hành ngay sự tàn sát, nên phải lui binh để tránh mũi đạn bắn ra quá gần, vì tưởng ở trong nhà thờ có nhiều súng đạn.

Lúc bấy giờ, một đàng Văn Thân la lên rằng: “Cứ tiến mà! Họ không có khí giới đâu, có gì mà sợ?” Phái Văn Thân liền tiến, một thần công, hầu bắn cho đích, họ đem chĩa vào cửa chính thánh đường rồi bắn hai phát. Lại gần cửa sổ, phái Văn Thân chĩa súng bắn đám đông giáo dân đang chen chúc nhau trong nhà thờ mà họ không thèm kháng cự và đào thoát. Bấy giờ phái Văn Thân muốn cho sự tàn sát kết liễu, nên họ đem rơm do cửa lớn cửa nhỏ tống vào mà phóng hoả. Bởi thế nhà thờ liền hoá ra đống than lửa rất lớn. Hễ người nào không bị chết cháy, thì bị chết ngột vì khói bao phủ, hoặc bị mái nhà đang cháy đổ sụp xuống đè chết. Một vài giáo dân muốn đào thoát, thì bị phái Văn Thân dùng mác xô đẩy vào trong đám cháy, hoặc bị giết lập tức.

Ngày 12 tháng 9 tây, lúc quân Pháp đến, thì họ chỉ thấy một đống bốn trăm thây chết hôi hám. Di thể của cha Bửu khó mà nhìn nhận, vì đã bị chém một cách ghê gớm; còn những xác khác, nhất là đàn bà con trẻ, đều bị tan xương nát thịt. Phía sau nhà thờ cuối cùng mới đổ sụp, đè vùi những người sống sót lại sau. Cố Lý thấy trong nơi ấy có xác một đứa trẻ kia còn buộc với xác mẹ nó. Cách đó vài bước, một bà già bị trọng thương ghê gớm nơi cổ mà đã sảng sốt, nên vừa thấy ngài thì kêu lên rằng: “Xin cứ giết tôi đi, tôi không bỏ đạo đâu”. Một người trai mà cố Thiện đã giao vài đồng bạc trước khi ngài lánh nạn, thì lúc bấy giờ đã hai ngày nằm trốn dưới hồ sen trước mặt nhà cha sở, rày là chỗ nhà phúc mấy chị Mến Thánh Giá.

Người ấy nghe những tiếng rên rỉ của những kẻ hấp hối, những chuyện bàn bạc của phái Văn Thân, nên về sau tường thuật lại những vai tuồng các yếu nhân trong đảng Văn Thân đã đóng trong tấn tuồng tàn sát thảm khốc kia.

Chúng ta đã thấy nhiều giáo dân đã lìa Cổ Vưu mà theo cố Thiện còn ẩn núp trong miền sơn cước gần làng họ. Nhưng sợ toán binh Văn Thân đi tuần thám, thì họ phải chạy vào trốn trong rừng xanh. Vì quá đói khát nên một vài người đánh liều lén về đồng nội kiếm môn khoai độ khẩu, nhơn đó mà nghe tiếng kèn tây thổi về hướng tỉnh thành. Mầng quá họ chạy về ngả ấy vừa gặp cố Lý, ngài cho ăn uống đỡ đói, rồi họ vội vàng trở lại rừng xanh báo tin để các bạn lánh nạn biết cho khỏi lo sợ.

Được tin mầng, giáo dân lánh nạn từ rừng xanh kéo nhau về Quảng Trị, không ngờ đàng sá đảng Văn Thân còn phòng triệt, nên độ ba mươi người bị bắt và tàn sát thêm nữa.

Bởi thế ông Thoàn bị giết, nhưng mà trước khi chết ông xin cái đặc ân chết trên đất của nhà thờ La-vang đã bị đốt phá. Hai mươi chín bạn đồng hành bị trói lại rồi đốt thiêu trong nhà thờ.

Tám ngày sau khi quân Pháp chiếm giữ tỉnh thành, những giáo dân tản lạc hoặc sơ sa vào tay đảng Văn Thân, mới đến Quảng Trị mà đã kiệt sức rồi.

Nói rút lại, trong số tám trăm giáo dân của hội giáo Cổ Vưu, sáu trăm đã bị tàn sát, còn nhà thờ và nhà cửa của giáo dân, thì chỉ còn lại những đống tro tàn khói lên nghi ngút.

Những họ nhánh của địa sở Cổ Vưu, là Hạnh-hoa, Tri-lễ (rày là Qui-thiện), Ngô-xá, Đá-hàn, Chợ Sải, cả thảy có 4 trăm giáo dân. Trong số ấy chỉ còn lại 80 người sống sót. Hạnh-hoa và Đá-hàn cũng đã chịu một cái số phận đốt phá như Cổ Vưu vậy.

Những giáo dân ở Chợ Sải bị tàn sát không sót một người. Còn bổn đạo họ nhánh Ti-lễ, thì bị đảng Văn Thân đồng hương chém giết, những đảng Văn Thân làng ấy rất tàn ác. Chính mình họ khi thấy giáo dân Cổ Vưu tan tác chạy trốn ngoài đồng, họ bắt lại mà chém giết. Bởi thế quân Pháp và cố Lý thấy những tử thi giáo dân rải rác ngoài đồng ruộng.

HỘI GIÁO NHU-LÝ

Nhu-lý là một làng toàn giáo dân. Đó là chánh quán của đấng chơn phước Simon Hoà.

Năm 1885, hội giáo ấy có chừng 430 hoặc 440 bổn đạo và một nhà phúc có 58 chị nữ tu.

Ngày 7 thánh 9 tây, trống giục liên thanh trong các làng lân cận, những toán Văn Thân có khí giới tiến về hướng Nhu-lý mà chốc lát bị bổ vây.

Ngày hôm trước, các chị nhà phúc, vị linh mục bổn quốc (cha Khoan) và cha phó của ngài (cha Huấn nhỏ) cùng hai phần ba bổn đạo đã chạy trốn tại Dương-lộc, là nơi đã định kháng cự nên có xẩy ra sự nguy hiểm. Tám mươi giáo dân biết rằng Dương-lộc là nơi không chắc chắn, nên do đường biển chạy vào Huế trốn.

120 giáo dân, dầu sao cũng trụ tín ở lại Nhu-lý. Họ bị bổ vây, giết từng người hoặc bị xô đẩy vào nhà thờ. Họ toan kháng cự, nhưng mà những luỹ ải đơn sơ quá, họ không đủ sức kháng cự lại với những người bổ vây đông hơn họ nhiều lắm, nên họ phải thất bại, nhà thờ bị đốt phá, còn giáo dân bị vùi dập dưới đống tro tàn. Chiều thứ hai, không còn một người giáo dân nào sống sót tại Nhu-lý. Nhà thờ, nhà phúc, nhà của giáo dân đều bị đốt phá tan tành. Đảng Văn Thân không tìm được tiền bạc vật quí gì hết trong nhà phúc, nên thất cọng, họ liền chặt cây trong vườn và chia trâu bò. Nhà phúc Nhu-lý chỉ còn lại một chị lúc bấy giờ ở ngoài Quảng Bình (Massacres … II, page 46-50).

Họ Giáo-liêm là một nhánh thuộc bổn sở Nhu-lý, lúc ấy có 130 giáo dân. Đảng Văn Thân làm cho họ mắc mưu: một viên quan hồi hưu, nguyên Sơn-phòng Cam-lộ, lấy cớ rằng chiêu tập họ để lánh nạn, đảng Văn Thân thừa cơ ấy mà đẩy họ vào nhà rồi thiêu đốt. Chỉ còn một giáo dân lúc ấy ở tại Huế và ba bốn người đàn bà hoặc con nít như nhờ có phép lạ nên mới thoát khỏi.

Họ Phan-xá cũng là một họ nhánh thuộc bổn xứ Nhu-lý, thiệt mất hết 120 giáo dân. Sau hết họ Phụ-tài, ngày 7 tháng 9 tây, hao hết 80 giáo dân, còn sống sót 7 người mà thôi.

Nói rút lại, địa sở Nhu-lý (họ sở tại và các họ nhánh) cả thảy thiệt hại tám trăm mốt giáo dân.

HỘI GIÁO BỐ-LIÊU

Cha Huấn lớn, chính xứ Bố-liêu, 40 chị nhà phúc và 400 giáo dân do đường biển, chiều Chúa nhựt mồng 6 tháng 9 tây, đem nhau chạy vào Huế trốn; độ 100 người giáo dân và vài chị nhà phúc trẩn lại trong nhà không muốn chạy trốn.

Mới phỏng văn đến sự tàn sát, họ vào nhà thờ đóng bịt cửa lại. Ngày hôm sau, là ngày thứ hai, mồng 7 tháng 9 tây, vâng lệnh truyền của đảng Văn Thân, những làng lân cận đến bổ vây hội giáo Bố-liêu và đốt nhà thờ. Có những giáo dân ra sức đâm thủng vòng vây, nhưng mà họ bị xô đẩy lui, và người thì bị đốt cháy, kẻ lại bị đạn bắn chết, hoặc bị mác lào đâm thủng mà thiệt mạng (Massacres… II, pages 51-53- V, pages 7,8: Fuite du Père Huấn Painé avec ses chrétiens à Huế).

Họ thánh An-lộng thiệt hại hết một trăm giáo dân, họ bị tàn sát hoặc trong nhà thờ, hoặc ngoài vườn, hoặc ngoài bụi tre.

Họ nhánh An-lộng thuộc địa sở Bố-liêu, lúc ấy có 150 giáo dân ở lẫn lộn với lương dân. Những người ấy đối với họ từ trước đến đây cũng có vẻ thịnh tình. Đi ngang qua họ An-lộng, cha chính xứ Bố-liêu khẩn nài giáo dân phải theo ngài vào Huế mà lánh nạn. Họ không chịu theo ngài. Viên chánh tổng và bọn lương dân đồng hương nói với họ rằng: chớ lo sợ làm gì, vì không ai dám xâm phạm đến họ đâu: “Chúng tôi sẵn lòng bảo vệ tánh mạng các giáo dân đồng hương, nên anh em cứ ở lại trong làng. Đừng thấy những họ Cổ Vưu, Bô-liêu, Nhu-lý và Dương-lộc bị tiêu sát mà kinh khủng làm chi”. Giáo dân nghe lời khuyên dỗ nên bị thiệt mạng (Masacres… II, pagé 54-56).

Quả thật binh Pháp đến Quảng Trị đánh đuổi đảng Văn Thân; nhưng mà không tuyệt trừ họ được. Đảng Văn Thân bị đánh bại tại Chợ Sải, chạy về ngả An-lộng tàn sát giáo dân để trả thù. Họ truyền cho làng An-lộng đừng cho phép giáo dân chạy trốn, nếu ai không tuân lệnh ấy sẽ bị xử trảm. Họ cũng quyết dụ được làng Bích-la theo họ. Lúc giáo dân thấy những toán Văn Thân đông rải rác từ Chợ Sải đến An-lộng, thì họ toan chạy trốn, nhưng than ôi! Muộn qua rồi! Lương dân đồng hương sợ sự thù hằn của đảng Văn Thân, nên chận đường giáo dân không cho họ lánh nạn và bắt nộp cho Văn Thân. Ngày 12 và ngày 13 tháng 9 tây, Văn Thân tàn sát hết 176 giáo dân. Chỉ 40 người giáo dân thoát được mà thôi.

Lúc ấy, chú Tôma Khiêm, học sinh chủng viện An Ninh, được phép cố Héry (Y) ở Đồng Hới cho về thăm mẹ. Ngày 6 tháng 9, chú ấy ở tại Bố-liêu. Hôm ấy, chú Tôma Khiêm và 6 anh em bạn học phải ra tựu tràng tại An Ninh. Vì đường sá bị đảng Văn Thân phòng triệt, chú ấy phải chạy qua An-lộng, ở đó song thân chú và chhú bị giết chết tại nhà ông trùm. Tên Chương mà sau lãnh binh Quế, có lẽ là người đã giết chú Khiêm (xem Monographie du séminaiste Thomas Khiêm, par le R. Pè re Cadière).

HỘI GIÁO ĐẦU-KÊNH

(Massacres… II, pages 57-61)

Giáo Hội Đầu-kênh ở trên hữu ngạn sông Quảng Trị (Thạch-bản), gần đại đồn của đảng Văn Thân. Từ ngày 6 tháng 9 tây, đường giao thông với lị sở Dinh-cát đã bị cắt đứt. Được tin tỉnh thành Quảng Trị thất thủ, và quan Tuần-vũ sa vào tay Văn Thân, giáo dân họ Đầu-kênh toan lánh nạn, vì họ đoán trước nếu họ không đào thoát, thì phải giết thê thảm. Một phần giáo dân chạy xuống trốn tại Đại-lộc, còn phần khác đi về ngả Dương-lộc; còn cha bổn sở của họ, là cha Cần, thấy bổn đạo không đạn dược, không lương thực, vô phương kháng cự, bèn chạy lên núi trốn, dẫu Văn Thân tuần thám rất nghiêm nhặt, họ chạy cũng được. Ngày 7 tháng 9, đảng Văn Thân hiệp với các làng lân cận, tiến bổ vây giáo dân Đầu-kênh. Một trăm giáo dân lúc ấy chưa chạy trốn được, bèn vào nhà thờ bịt cửa lại mà ẩn núp.

Nhà thờ bị đốt, 90 giáo dân bị chết ngột, hoặc bị thiêu. Cướp của phá nhà các giáo dân, đoạn Văn Thân phóng hoả.

Họ nhánh Phước-lộc, thuộc địa sở Đầu-kênh, có 300 giáo dân bị bổ vây và thiệt hại hết hai trăm năm mươi mạng. Họ bị thiêu sát trong nhà thờ.

Họ nhánh Bích-khê cũng thuộc địa sở Đầu-kênh, ở gần Chợ Sải và đại đồn của Văn Thân. Vì địa thế eo le, bị bổ vây lập tức, 60 giáo dân Buổi sớm ngày Chúa nhựt đã chạy vào rừng trốn. Có 130 người không theo gót họ được, nên bị thiếu sát, ngày 7 tháng 9 tây.

Ái-tử, họ nhánh thứ ba của địa sở Đầu-kênh, cũng bị bổ vây, 35 giáo dân bị thiêu sát.

VIỆC XẢY RA TẠI ĐẠI-LỘC

(Massacres… II, pages 62,63)

Buổi chiều ngày 7 tháng 9 tây, một toán Văn Thân đốt phá Cổ Vưu đoạn họ đi về ngả Đại-lộc. Trước khi binh Pháp đến, đảng Văn Thân vội vàng thực hành định kế của họ, họ đoán rằng cố Mathey (Thiện) chạy vào Huế cầu viện, thì không chầy kíp binh Pháp sẽ ra Quảng Trị. Khi thấy đảng Văn Thân đến, một phần giáo dân hoảng hốt chạy qua Dương-lộc. Ở đó, số giáo dân lánh nạn, càng lâu càng đông. Hội giáo Đại-lộc lúc ấy có 580 giáo dân, mà chỉ có còn lại 200 người ẩn núp trong các nhà, hoặc trong nhà thờ.

Họ bị thiêu sát hoặc trong các nhà, hoặc trong nhà thờ. Chỉ độ 30 người còn sống sót lại mà thôi.

Còn hội giáo Dương-lệ trong một ngày mà bị thiệt hại hết 230 giáo dân. Ngày 7 tháng 9 tây, hơn 3000 giáo dân bị thiệt mạng.

HỘI GIÁO DƯƠNG-LỘC

(Massacres… II, pages 64-73)

Lúc bấy giờ, có 400 giáo dân ở quây quần xung quanh tiểu thánh đường; ban chiều ngày 6 tháng 9 tây, vâng theo lệnh đã truyền, ai nấy đều tụ tập để tìm cách kháng cự, nên hơn 1000 giáo dân đã tụ tập tại đó. Ngày 7 tháng 9 tây, đã có 2000 người, ngày hôm sau, số giáo dân tăng lên quá hai ngàn rưởi. Địa thế Dương-lộc thật bất lợi về đàng kháng cự với đảng Văn Thân: đất cứng vì hạn hán, lại thiếu nước uống, cùng thiếu lương thực khí giới. Chỉ vì cái thanh thế của cha Tuyên, là một vị linh mục có nghị lực có mặt tại đó, bảo người ta phải chọn nơi Dương-lộc làm nơi căn cứ trong việc kháng cự. Cha Tuyên đã tầng du lịch Pháp, và làm Tham biện Thượng chánh tại Hải Phòng, ấy là một đấng chăn chiên rất lịch duyệt, ai nấy đều kính sợ và vâng phục. Ngài ra sức dùng hết phương kế để bảo vệ giáo dân ở đó. Hết thảy các người cường tráng đêm ngày phải việc đào hào, đắp nải, sửa luỹ tre lại cho kiên cố, vạc nhọn tre để làm giáo đâm. Ngày 6 tháng 9, đảng Văn Thân đã tịch thu các đò đậu dưới sông gần đó, người giáo dân không dùng được ghe thuyền ấy mà đào thoát hoặc xông đánh.

Ngày 7, hơn 2000 Văn Thân dùng thuyền đò ấy mà sang đóng trước làng Dương-lộc. Giáo dân không có súng, nên phải dùng những thanh tre vạc nhọn mà kháng cự. Đảng Văn Thân xông đánh mất nửa ngày, mà cũng bị giáo dân kháng cự lại rất hăng hái, nên phải thối binh. Luỹ ải rất kiên cố, Văn Thân không phá nổi. Tự đắc rằng thế nào họ cũng thắng lợi, nên họ không phòng đem hoả hổ theo. Sau trận ấy, bốn vị linh mục bổn quốc hội hiệp tại Dương-lộc chiêu tập viên chức giáo dân lại mà bàn luận.

Cha Vịnh, cha Khoan và cha Huấn nhỏ bàn rằng phải dùng vũ lực mà cắt đứt vòng vây để chạy vào Huế trốn. Một đoàn ngàn rưởi người thật đủ sức mà kháng cự lại với bất kỳ làng nào muốn ngăn cản họ, không cho họ đào nạn. Như thế có thể trong một đêm và một ngày cũng đến tận Huế, mà chắc rằng không hao hại bao nhiêu người dọc đường. Nhưng mà cha Tuyên, chính xứ họ Dương-lộc, tự đắc vì đã thắng lợi lần đầu không chịu hưởng ứng, ngài quả quyết bảo giáo dân ở lại mà kháng cự đến cùng. Ngài trông cậy không chầy kíp sẽ có quân cứu viện ở Huế ra. Giáo dân theo ý kiến ngài, bởi thế người ta rất hăng hái sửa sang các công việc bảo vệ.

Chiều ngày 7 tháng 9 tây, đảng Văn Thân thúc giục rất nghiêm nhặt các làng lân cận phải tuân theo mật dụ năm 1883, nếu không tuân theo, phải bị trừng trị thẳng tay. Họ hẹn nhau ngày 8 tháng 9 sẽ gặp gỡ nhau tại đồng Dương-lộc. Họ lấy rất nhiều hoả hổ tại tỉnh thành Quảng Trị. Buổi sớm ngày 8, trống giục liên thanh, đó là dấu hiệu các làng và đảng Văn Thân tập trung độ chừng 4000 người, nào thần công, nào súng trường, nổ tứ tung, nào phóng hoả các bở rào; nhưng mà các giáo dân không núng, cứ kháng cự. Bấy giờ đảng Văn Thân quyết định dùng hoả hổ phóng vào các nơi, lửa cháy lan mau chóng lạ lùng. Bị cháy áo, nóng chịu không nổi, giáo dân hoảng hốt xô đẩy nhau chạy tán loạn, đàn bà và con nít la kêu inh ỏi giữa ngọn lữa vô tình sát nhơn kia. Nhà thờ cũng bị cháy, những giáo dân ở trong ấy đạp nhau chạy trốn. Đảng Văn Thân thừa dịp lộn xộn ấy, xông vào chém giết những người còn sống sót.

Bốn vị linh mục bổn quốc và hai ngàn rưởi giáo dân đều bị thiêu sát tại Dương-lộc. Một vài người sống sót về sau tường thuật lại sự thiêu sát thê thảm ấy. Đức Cha Lộc đã thuật lại cái cử chỉ can đảm của bà bề trên nhà phúc Nhu-lý, tên là bà Hớn, không biết vì sao mà bà với người cháu của bà khỏi bị chết thiêu. Một viên Văn Thân bảo bà nếu theo nó thì nó để bà sống. Bà bề trên xứng đáng ấy nổi cơn thạnh nộ mắng lại nó và không chịu nhận lời nó yêu cầu. Khi mới nghe lần đầu lệnh truyền phải khuất phục, cả hai chị nhà phúc ấy nằm xuống dưới hố mà đã có đầy nhiều xác chết rồi, cả hai đều bị chôn sống.

Họ nhỏ Đồng-giám, gần Dương-lộc, vì bị canh giữ, nên giáo dân không thể đào nạn, 240 giáo dân bị chém giết tại nhà thờ.

Kẻ-nghĩa (bây giờ Hoan-thịnh), cũng một họ nhánh thuộc địa sở Dương-lộc, ở bên kia sông, gần Đông Hà, cũng bị thiệt hại hết 60 mạng người và nhà cửa bị đốt phá.

ĐỊA PHẬN THANH HƯƠNG

Địa phận Thanh-hương và Kẻ-văn (Miền nam Quảng Trị-Giáo hội Thanh-hương (Massacres… V, pages 9-13)

Địa sở Thanh-hương có 7 họ nhánh và ở giữa những làng ghét đạo. Phái Văn Thân dùng hịch văn thúc giục họ làm càn. Cố Bonnad (Bổn) thấy lương dân và giáo dân găng nhau, tình hình càng lâu càng nghiêm trọng, nên ngài thi hành những công việc bảo vệ. Những người giáo dân cường tráng phải dùng tre khô vạc nhọn để kháng cự. Mỗi một đêm, phải có người tuần phòng nghiêm ngặt.

Phái Văn Thân uất ức lúc được tin một đoàn đò, trong đêm mồng tám rạng ngày mồng chín tây, chở một toán binh bộ Pháp do thiếu tá Roy chỉ huy, mà quan tướng De Courcy phái ra dẹp Văn Thân tại Quảng Trị.

Những người tai mắt thúc giục cố Bổn phải đem giáo dân đi đào nạn, nên ngài định dắt đại đa số con chiên mình đi trốn trong đêm mồng chín rạng ngày mồng mười tháng chín tây. Sự đào nạn ấy kết quả quá sự ước vọng. Quan tướng De Courcy phái một toán binh lấy lại trại Thuận-an, hộ vệ cố Bổn và dân ngài về lị sở. Nhưng về sau còn bị hăm doạ, ngài lo sợ nên dẫn một đoàn giáo dân vào trốn tại Thuận-an và Huế. Ở đó, ngài được cái hân hạnh nhà cầm quyền cho phép thiết lập một đồn lính Pháp đóng thường xuyên tại Thanh-hương, để bảo tồn trị an. Nhờ đồn lính ấy, giáo dân chỉ bị thiệt hại một đôi chút mà thôi.

Một người lính Pháp đến đóng ở đó ít lâu rồi từ trần được an táng trong nghĩa địa Nhất-đông (Remarque communiquée par le P.Lefèvre).

GIÁO HỘI KẺ-VĂN

(Massacres… v, pages 14-15)

Địa sở nầy  và những họ nhánh ở gần phủ Hải Lăng do cha Tuyển coi sóc. Phái Văn Thân xông đánh Kẻ-văn, hôm 7 tháng 9 tây. Sau lúc giao chiến lần đầu, đại đa số giáo dân bỏ nhà cửa, của cải mà chạy vào Huế trốn. Sự lánh nạn ấy thực hành hơi muộn quá, nên hậu quân giáo dân bị đánh đuổi thiệt hại một phần lớn người cường tráng và thiện chiến.

Phái Văn Thân không tuyệt trừ được giáo dân của địa sở Thanh-hương như ý, và uất ức vì thấy họ thoát khỏi tay mình, nên đốt nhà thờ và cướp phá nhà cửa giáo dân hơi có vẻ phong phú, 264 giáo dân bị thiêu sát. Hết thảy các người lánh nạn còn sống đều được Đức Cha Lộc và giáo dân họ Kim-long cấp dưỡng gần một năm trời.

MIỀN BÁI-TRỜI VÀ CAM-LỘ

Họ Gia-bình Massacres… II,

pages 1-5 – Relations sur le siège de

Bái-sơn, par le diacre Cang (6 p.)

Ngày 5 tháng chín tây, Văn Thân nhóm đại hội tại Yên-dã, gần Gia-bình. Cái tin tỉnh thành Quảng Trị thất thủ đến Gia-bình chiều 7 tháng 9 tây. Lập tức, Văn Thân gởi hịch văn khắp làng lân cận, thúc giục lương dân phải sẵn sàng tuân theo mật dụ năm 1883. Cam-lộ và Yên-dã, là hai đại đồn của Văn Thân, có đủ khí giới đạn dược do Tân-sở (Cùa) tải đến. Biết rõ định kế và sự hành động tàn ác của phái Văn Thân, nên các vị linh mục bản quốc ở Bái-trời rất lấy làm lo ngại. Buổi sớm ngày 6 tháng 9 tây, cha Châu sai cha phó ngài, là cha Thành ở tại Mai-xá-rú (Nam-tây), vào tỉnh Quảng Trị tỏ bày cùng cố Thiện rõ những thời cục sắp xảy ra tại Bái-trời. Cha Thành đi mà không về. Bị viên chánh tổng Mũng bắt tại quán cơm ở Ái-tử, gần đường thiên lý. Tên ấy đoạt con ngựa ngài và giải ngài vào tỉnh Quảng Trị. Phái Văn Thân bắt ngài tấn khảo đủ bề để ngài thú nhận rằng ngài đã thông mưu cùng những người Pháp. Sự điềm đạm và cương quyết của ngài làm cho họ uất ức cực điểm. Buổi sớm ngày 7, ngài bị sử trảm ngoài cửa hậu trước mặt lò rèn, ngài được an táng tại chỗ thánh đường Cổ Vưu bị đốt, mà quân Pháp lúc đóng tại Quảng Trị đã quét dọn tiêm tất rồi. Cha Thành là vị linh mục thứ nhứt trong 9 vị linh mục bổn quốc tỉnh Quảng Trị bị hành hình, hoặc bị tiêu sát trong những thời cục tháng chín tây năm 1885 (Massacres… III, pages  11,12; Notice sur les prètres annamiles tués en 1885-1886 p.3).

Ngày mồng 7 tháng chín tây, hơn 1000 Văn Thân đến bổ vây họ Gia-bình. Họ thi hành công cuộc tiêu sát ở đó cũng như ở các họ khác vậy. Sau lúc chém giết các giáo dân lẻ loi, cướp của đốt nhà, họ tập trung về hướng nhà thờ. Giáo dân bơ vơ không khí giới, không đạn dược, vô phương kháng cự, toan chạy về ngả Bái-sơn và Mai-xá trốn.

Những người cường tráng mau chân lẹ bước nên trốn khỏi, còn 250 giáo dân khác bị xô đẩy vào nhà thờ, phải chết thiêu hoặc chết ngột. May thay, 500 giáo dân khác chạy trốn tại Bái-sơn và Mai-xá, nên khỏi thiệt mạng.

Họ nhánh nhỏ An-định thiệt hại hết 146 giáo dân bị chém hoặc bị thiêu trong nhà thờ. Một họ nhánh khác của địa sở Gia-bình cũng thiệt hại hết 50 mạng. Chỉ trong một ngày mồng bảy tháng chín, mà địa sở Gia-bình thiệt hại gần 500 giáo dân.

Cha Long, chính xứ Gia-bình, biết rằng vô phương kháng cự, nên hôm mồng năm rạng mồng sáu, bỏ địa sở mình mà chạy ra Quảng Bình trốn với ba người bạn đồng hành.

Cả bốn người lánh nạn đi lẩn quẩn mất hết 15 hôm mới đến Quán-bút (miền nam Quảng Bình). Ở đó, họ bị Văn Thân bắt, cha Long bị giải về tại đại đồng đóng tại xứ Đất-đỏ, còn ba người kia thì bị tàn sát tại Hạ-cờ. Bọn Văn Thân tấn khảo cha Long đủ cách để buộc ngài thú nhận những điều có thể làm liên luỵ đến giáo dân. Ngài đáp rằng: ngài không hề hay biết gì đến việc chính trị cả, ngài chỉ chuyên lo việc giảng đạo mà thôi. Ngài yêu cầu được cái đặc ân xử trảm gần chủng viện An Ninh mà lúc ấy Văn Thân bổ vây. Văn Thân nhốt cha Long trong cũi, dẫn ngài đến trước mặt chủng viện An Ninh. Có lẽ ngài đến An Ninh ngày 28 tháng chín tây. Ngày ấy, ngài được cái hân hạnh lớn mục kích sự thất bại của phái Văn Thân. Vì bị thất bại, Văn Thân đem cha Long ra khỏi cũi, xúm xít nhau lấy mác lào đâm ngài và chôn ngài lúc ngài đang hấp hối để trả thù. Ít lúc về sau, nhờ những người ở xung quanh đó chỉ, và nhờ những hạt chuổi của ngài mà người ta đã chôn với di thể ngài, nên mới nhận ra nơi an táng di thể ngài.

Về sau, hài cốt cha Long được đem về tái táng tại họ Gia-bình (Massacres… III, pages 6-10; Notice sur les prètres annamiles tués en 1885-1886 p.4).

ĐỊA SỞ MAI-XÁ-RÚ (Nam-tây)

VÀ VẠN-THIỆN

Tiêu sát họ Gia-bình đoạn, 1000 Văn Thân xông đến đánh phá họ Mai-xá-rú. Bổn đạo họ nầy đã bỏ nhà cửa chạy qua Bái-sơn trốn, vì họ đã chọn chỗ đó làm nơi căn cứ trong việc kháng cự, nên khi phái Văn Thân đến, thì chúng thấy phần nhiều nhà giáo dân đã bỏ hoang.

Ngày 8 tháng 9, phái Văn Thân đốt nhà và cướp phá nhà của giáo dân.

Ở Vạn-thiện, Văn Thân cũng đốt nhà thờ và nhà cửa giáo dân; phần nhiều giáo dân đã qua Bái-sơn lánh nạn, nên chỉ một vài người bị thiệt mạng mà thôi. Họ nhánh Tân-yên, thuộc địa sở Bái-sơn, thiệt hại hết 120 giáo dân. Quịt-xá thiệt hại hết 20 giáo dân; còn phường Nhu-lý cũng thiệt hại hết 60. Làng Cùa, là nơi Tân-đò (Tân-sở) mà vua Hàm Nghi tạm ngự ẩn với quan phụ chánh Tôn Thất Thuyết, lúc ấy có 45 giáo dân. Những người nầy bị lính nhà vua tàn sát, còn nhà của họ bị đốt há tan tành. Từ ngày mồng bảy đến ngày mồng mười tháng chín tâ, 6 họ trên nầy thiệt hại tất cả 245 giáo dân (Massacres… III, pages 13,14).

ĐỊA SỞ BÁI-SƠN VÀ AN-HOÀ

(Massacres… III, pages 15-25 – V, pages 16-17;

Siège de Bái-sơn, récit du diacre Cang;

lettre du P.Mathey dans le comple rendu des travaux des Missions Etrangères, pages 94-99).

Những thời cục tàn sát hơi tạm yên sau khi tán phá đại đa số hội giáo thuộc địa sở Bái-sơn.

Hầu hết Văn Thân đã mộ quân để đi bổ vây chủng viện An Ninh mà họ muốn tàn phá trước khi quân Pháp đến. Mặc dầu trong những hội giáo bị tàn phá và chết nhiều lắm, mà thực ra thì giáo dân còn sống sót cũng khá đông. Cha Châu được tin cha phó của mình (là cha Thành) đã bị thiệt mạng và phần đông con chiên mình chạy vào rừng trốn. Ở đó không nguy hiểm mấy và có thể ăn uống sơ sịa để mà sống. Vài hôm sau, những người lánh nạn được tin rằng những họ Bái-sơn và An-hoà còn được nguyên vẹn, hơn 500 bổn đạo quây quần xung quanh nhà thờ và cha Luận đã nỗ lực bảo thi hành các công cuộc bảo vệ. Mặc dầu đất khô, mà có vườn, có hàng rào kiên cố, nên nơi đó âu là một chỗ rất thuận tiện cho việc đề kháng. Ngày 11 hoặc 12 tháng chín tây, cha Châu dẫn con chiên mình đến, bởi thế số giáo dân tăng kên đến gần 1000. Họ lo thiếu lương thực hơn là thiếu đạn dược.

Buổi sớm ngày 14, một cựu sinh viên đại chủng viện, quê ở Tân-yên (Cam-lộ), đem tin kinh khủng sau nầy: một toán Văn Thân, do đồn Tân-sở đã cấp cho khí giới hẳn hoi, đang tiến về ngả Bái-sơn. Hồi một giờ chiều, phái Văn Thân đã đến trước nhà thờ. Lập tức họ xông đến đánh phá, vì họ chắc rằng thế nào họ cũng được thắng lợi. theo sau một lũ đàn bà rất đông, mình mang ít nhiều đồ dùng cho bọn Văn Thân, bụng bảo rằng: sẽ được chia nhau của giáo dân và mục kích một tấn kịch lý thú hoạ hiếm. Văn Thân chĩa nhiều súng thần công gần trước mắt những người bị vây và bày la liệt một cách tự đắc, nào là đạn dược, nào là mác lào, nào lương thực.

Hai vị linh mục và thầy phó tế Cang lo lắng rất nhọc nhằn giữa sự hỗn độn của giáo dân. Các vị ấy bảo đàn bà con nít hãy vào nhà thờ, và phân phát một phần việc cho mỗi người cường tráng. Bọn Văn Thân khởi sự phá rào ải. Than ôi! Họ đã phá được một nơi rồi, giáo dân bấy giờ thấy sự kháng cự không chầy kíp sẽ vô hiệu và không sao tránh khỏi cái chết được. Bấy giờ hai cha và thầy sáu Cang lui sau phòng nhà thờ, mặc áo lễ đỏ, bảo thắp hết các đèn trên bàn thờ như để hành lễ trọng vậy.

Hai cha đứng trước tiền đường giải tội lòng lành sau hết cho bổn đạo, đang lúc họ ai nấy cũng đọc kinh ăn năn tội lớn tiếng. Tiếng đọc kinh  to lớn khả hiếp ấy dội ra xa một cách lạ lùng, nên phần đông Văn Thân tụ tập trong con đường  sủng ở trước nhà thờ, thấy nào bàn thờ sáng choang, nào trước tiền đường những người lạ mắc áo đỏ và một vị (âu là cha Luận) có bộ râu sum suê.

Thoạt nhiên một tiếng kêu: “Ớ bây có Tây! Có Tây!” Lập tức, khắp đây đó có tiếng ấy lặp đi lặp lại làm cho phái Văn Thân kinh khủng, nên trong giây lát bỏ trại giáo dân mà chạy tán loạn. Khi giáo dân rõ biết cái tình thế ấy, họ liền tuôn ra giết được bảy tám người Văn Thân và chiếm lấy được nhiều khí giới và lương thực. Hai vị linh mục lẫn lộn với giáo dân, vì quá hăng hái đuổi quân Văn Thân, nên khi đến bờ suối kia, mới biết rằng mình đang còn mặc áo lễ đỏ.

Sự thắng lợi đầu tiên bất ngờ nầy, làm cho giáo dân càng thêm can đảm, cùng nhờ sự chỉ huy khôn khéo của cha Châu và khí giới đã chiếm lấy, giáo dân xuất  chiến nhiều lần được kết quả mỹ mãn. Trong một trận xuất chiến ấy, 22 người Văn Thân bị chết trôi khi qua suối, vì nước lên lơn sau những trận mưa to.

Dần dân số Văn Thân giảm bớt, trong mười lần giao chiến, họ đều bị đánh lui, dẫu mà bên nào cũng bị thiệt hại ít. Trái lại lương thực càng lâu càng tiêu mòn, đến đổi những người bị vây phải nhai lá cỏ cây cho đỡ đói. Vả giáo dân thừa lúc ban đêm ra kiếm lương thực, phần nhiều bị tiêu sát, bởi thế cái tình cảnh giáo dân rất chóng eo le. Cha Châu sai hai người vào tỉnh lị cầu viện binh, nhưng mà không người nào trở về hết. Ngày mồng sáu tháng mười tây, thầy sáu Cang thân hành vào tỉnh lị. Khi đến đó, thầy ấy xin yết kiến ông Hamelin. Ông nầy rất lo ngại cho cái số phận binh Pháp mà một vài ngày ông đã phải ra giải vây chủng viện An Ninh. Sau hết, chiều 11 tháng 10 tây, một toán binh, gồm tất cả 40 người lính bộ Pháp và 60 lính khố xanh, do quan Đại-uý Dallier chỉ huy, xuống 30 chiếc tam bản đem cố Mathey (Thiện) theo họ. Sớm 12 tháng 10, toán binh ấy khởi hành tại Cam-lộ. Giữa đàng, họ được tin phái Văn Thân đã chiếm trại của giáo dân. Những công việc đã xảy ra như sau nầy: ngày mồng 10 tháng 10, phái Văn Thân bị đánh lui tại chủng viện An Ninh bày mưu cho các kỳ hào các làng lương dân lân cận giả vờ đến xin làm hoà với giáo dân. Cái mục đích thật của họ âu là cái dã tâm lợi dụng cơ hội chiếm lấy trại giáo dân, mà không nguy hiểm bao nhiêu. Họ đổ lỗi tàn sát cho quan phụ chánh Tôn Thất Thuyết, viện lẽ rằng họ bị chém giết, nên phải tuân theo mệnh lệnh tàn bạo của ngài; rày họ tỉnh ngộ, nên họ xin làm hoà. Để chứng minh điều ấy, họ cho giáo dân vài  gánh gạo và khoai. Hai bên phải hội đàm dưới suối khe ở giữa An-hoà và Bái-sơn, họ buộc cha Châu và những người tai mắt trong giáo dân phải đến dự những cuộc hội đàm ấy.

Những người bị vậy đã rõ binh Pháp đến chủng viện An Ninh rồi, nên họ hy vọng chày kíp sẽ được giải vây. Dẫu biết rõ cái dã tâm của lương dân, cha Châu và năm yếu nhân, trong số ấy có ông thợ Giả, quê ở An-hoà, thầy Xuân và ông trùm Nhung, quê ở Bái-sơn, chỉ cốt ý để cho binh cứu viện có thì giờ đến, quyết định chịu nhận đến hội đàm tại nơi đã hứa hẹn. Khi ra đi, cha Châu dặn cặn vặn rằng: đừng mở trại cho ai vào hết và cứ đợi binh Pháp đến cứu. Bọn Văn Thân mời những đại diện giáo dân dùng trà và rượu, đoạn chốc lát họ thiết đãi một bữa cơm thật tử tế; nhưng cha Châu dẫu bụng đói, cũng từ chối không dùng đến. Sự trưng cầu ý kiến cứ kéo dài mãi, gần 1000 Văn Thân nép mình trong lách, trong lùm, thừa cơ rẽ lách vạch lá lại gần nơi hội đàm.

Thoạt nhiên, do một ám hiệu quân Văn Thân bắt và trói cha Châu và các bạn của ngài tại đó. Viên chánh tổng Mũng, đầu đảng Văn Thân, bảo cha Châu truyền cho giáo dân mở cửa trại ra hàng phục, nếu không thì ngài phải bị giết. Ngài nhất thiết không nghe lời yêu cầu hăm doạ ấy. 800 Văn Thân bấy giờ đến trước cửa vườn nhà thờ, bảo giáo dân phải khuất phục, nếu không sẽ giết và mổ ruột sáu người bị giam cầm làm bảo đảm. Giáo dân không chịu khuất phục, cha Châu bị xử trảm với năm người bạn của ngài, tại dưới khe, nơi gọi là Hố-cút, đoạn bọn Văn Thân bêu sáu đầu trước mặt Bái-sơn. Họ định rằng hôm sau sẽ tổng công lần cuối cùng. Thừa cơ đêm tối, cha Luận và 60 giáo dân cường tráng ra khỏi trại mà đi vào tỉnh lị Quảng Trị. Khi được tin cha Luận đã đi vào Quảng Trị, 600 giáo dân chạy vào rừng lánh nạn, chỉ còn bỏ lại những người tàn tật già cả mà thôi.

Ngày hôm sau, 11 tháng 10 tây, phái Văn Thân trở lại đánh phá. Họ chỉ thấy 200 hoặc 250 giáo dân ốm gầy liệt sức, nhưng họ cũng hành hạ những người ấy đủ cách. Nhà thờ và nhà cửa cùng rào trại đều bị đốt huỷ.

khi binh Pháp đến Bái-sơn, họ thấy gần 200 tử thi tả tơi nằm ngổn ngang khắp đây đó. Cố Mathey (Thiện) săn sóc cấp cứu cho vài mươi người bị trọng thương nằm rên trong cỏ cao tốt. Vài người lính khố xanh trình với quan Đại-uý hay rằng: gần đó nhiều tướng Văn Thân đang lẩn quẩn; quan Đại-uý liền phái một thập binh đi tầm nã. Tầm nã một lúc mà không thấy tăm dạng ai hết, nhưng thoạt nhiên người ta thấy một đảng viên Văn Thân trốn trong lùm lá rậm một cây mít to kia. Nó không muốn trả lời và không muốn xuống khỏi đó, nên một người lính chĩa súng bắn nó một phát, nó liền rớt xuống như lá khô lìa cành vậy. Nhìn rõ mới biết đó là cai tổng Mũng độc ác, một người trong những yếu nhân đã âm mưu giết cha Thành và cha Châu.

Quân Pháp ra sức thổi kèn chiêu tập giáo dân, nhưng ít người nghe mà ra khỏi chỗ ẩn núp. Quan Đại-uý Dallier phải đem quân lính về Cam-lộ trước tối, vì ở đó có 30 chiếc đò ngang đợi quân Pháp. Thầy sáu Cang tận tâm chờ đợi ba ngày cho những người lánh nạn trở về. Độ 15 tháng 10 tây, thầy ấy dẫn vào tỉnh thành Quảng Trị 400 giáo dân đã thu hợp. Dọc đường, gần 100 người khốn nạn vì đói khát và kiệt sức phải ngã chết, những tử thi nằm rải rác cùng đường. Còn một nửa những người sống sót mắc bệnh lị hoặc bệnh dịch tả, mà thiệt mạng, họ được an táng bên lề đường thiên lý.

Người Pháp thiết một đồn nhỏ tại An-gia, và cha Luận ở đó đến cuối năm 1887, là lúc người ta triệt giảm đồn ấy.

Sau tết nguyên đán năm 1889, cha Luận lo qui hài cốt cha Châu và những giáo dân bị tiêu sát trong các họ thuộc địa sở Bái-trời, táng một nơi tại Bái-sơn.

Cách tám tháng sau lúc họ Bái-sơn bị vây, người ta xét lại kỹ lưỡng sổ sách, thì thấy số giáo dân thuộc về miền Bái-trời và Cam-lộ bị tiêu sát hoặc thất tích hết 2013 người.

ĐỊA PHẬN ĐẤT-ĐỎ

Họ Gia-môn và những họ nhánh

(Massacres… III, pages 26-30).

Họ nầy và hai họ nhánh có 570 giáo dân. 12 người trong số ấy nhờ làng lân cận Cam-phổ ẩn giấu mới khỏi tiêu sát, còn lại bao nhiêu đều bị tiêu sát với cha sở của họ, là cha Lành.

Làng Gia-môn chỉ có một phần giáo dân; lúc nào lương dân làng ấy cũng ghét cái tiểu số giáo dân đó. Bởi thế những lệnh truyền của phái Văn Thân đều được các làng lân cận tuân vâng một cách dễ dàng. Họ khởi sự biệt ngoại giáo dân làng Gia-môn; họ tịch thu ghe thuyền và tuần tiễu rất nghiêm nhặt các đò ngang và sông hói. Mục đích họ âu là ngăn cản không cho giáo dân chạy về ngả An Ninh, vì nơi nầy chỉ xa 7,8 cây số mà thôi.

Đầu tiên, trong những ngày 6,7 tháng 9 tây, phái Văn Thân giả vờ không để ý đến làng Gia-môn. Buổi mai ngài 8 tháng 9 tây, đang lúc cả họ đang hội họp xem lễ tại nhà thờ, những toán Văn Thân do tứ phía xông vào và hoàn toàn bổ vây giáo dân. Tiếng chuông báo sự hành lễ cũng là một cái dấu hiệu cho phái Văn Thân tiên quân. Sau khi đốt nhà đoạn, họ tiến tới và xô đẩy mọi người vào nhà thờ.

Vì lễ gần làm, nên nhà thờ chật ních giáo dân. Thấy sự nguy hiểm không sao tránh được, cha Lành khuyên lơn con chiên mình. Nhưng ngài nói chưa dứt lời, phái Văn Thân miệng la kêu inh ỏi, xông đến đánh giết tứ tung. Họ đem rơm chất xung quanh nhà thờ mà tiêu sát giáo dân.

Cha Lành lúc ấy 68 tuổi, một vị cao niên khả kính, bị phái Văn Thân bắt tại bàn thờ và dẫn đến trước mặt các tướng Văn Thân để họ giả vờ xử án ngài. Cất tiếng vang dậy như tiến sấm, ngài mắng các vị quan toà giả, hăm doạ họ rằng họ sẽ bị trời hành vì tích ác phùng ác. Các tướng Văn Thân tức giận, truyền giam giữ ngài lại, chờ kết liễu việc tàn sát họ Gia-môn rồi sẽ đem ra xử. Chiều đến, cha Lành rình lúc quân canh sơ ý, trốn thoát. Nhưng một viên hào mục là Gia-môn đuổi theo kịp đâm trúng một mũi mác lào vào hông ngài. Ngài quị xuống và bất tỉnh. Đến tối tỉnh lại, ngài lấy cái khăn quàng cổ rịt chặt vết thương và lết vào trong rú ở cách đó 200 thước tây.

Sáng ngày 9 tháng 9 tây, phái Văn Thân nhìn theo vết máu chảy đi tìm gặp ngài còn sống. Ngài hỏi xin một bát nước để uống và rửa vết thương. Vì ngài nằm dưới cái hố (đào bên đường để ngăn trâu bò qua lại), nên phái Văn Thân bảo nhau rằng: “Cần chi đập đánh người gần chết?” Họ gọi vài người lấp đất chôn sống ngài.

Sau khi đốt phá họ Gia-môn, phái Văn Thân cũng đốt phá hai họ nhánh Cao-xá và An-lộc. 60 giáo dân của hai họ nầy bị chết thiêu. Gần 500 giáo dân thiệt mạng tại Gia-môn.

HỘI GIÁO DI-LOAN

(Massacres… IIi, pages 31-41).

Những công việc đảng Văn Thân thi hành đã chiếm đốt Di-loan thật tương quan với công việc họ thi hành để xâm chiếm làng và chủng viện An Ninh, cách Di-loan không đầy hai cây số. Kỳ thuỷ Di-loan và An Ninh tự về một cách rời rạc, cũng có khi tiếp cứu lẫn nhau cho đến ngày 13 tháng 9 tây.

Ngày ấy, giáo dân đã bỏ Di-loan, nên quân Văn Thân tập trung tổng công kích An Ninh, là nơi lánh nạn của giáo dân cả miền lân cận đó.

Họ Di-loan và hai họ nhánh gồm có hơn 1500 giáo dân ở rải rắc trên vùng đất dài ba cây số và rộng hơn một cây số, dọc theo bờ sông. Họ ấy âu là họ đẹp nhất cả và địa phận, vì cách tổ chức hoàn toàn và có những di tích quan hệ. Cố chính Đăng coi sóc họ Di-loan và làm bề trên địa phận Đất-đỏ gồm có 5000 giáo dân.

Hội giáo Di-loan thành lập đã hơn 100 năm, hương chức trong làng là người công giáo. Người ta nói và đoán rằng: họ ấy phong phú tích lắm của quí. Nhưng mà những làng lân cận không ghét giáo dân bao nhiêu. Phái Văn Thân hết sức cổ động các làng ấy, khi thì hứa hẹn nọ kia, lúc lại hăm doạ để họ sợ mà khuấy nhiễu tàn phá giáo dân. Ngày 8 tháng 9 tây năm 1885, cố chính Đăng làm lễ lần đầu trong nhà thờ mới cấu tạo rồi. Lễ ấy cũng là lễ sau hết. Những tin khủng bố đã đến tận Di-loan, nên lúc nào người ta cũng sợ quân Văn Thân đến đánh phá. Xung quanh Di-loan, người ta nghe tiếng của những đoàn người la kêu inh ỏi, không còn hồ nghi nữa, quân Văn Thân sắp đến.

Những người có của vội vàng chôn của. Một ngàn giáo dân khởi sự xây dựng luỹ ải xung quanh làng, còn con nít vào nhà thờ đọc kinh. Lúc mặt trời đã lên cao, phái Văn Thân đợi những toán quân từ Gia-môn qua, rồi bắt đầu đánh. Một số đông gần 2000 chia ra làm ba toán, do những tướng Văn Thân chỉ huy và có lính sành nghề ở Cùa đến trợ chiến.

Khi thấy họ đến, cố chính Đăng bảo rung chuông báo hiệu và thu họp giáo dân. Những người ấy ra sức lui về ngả nhà thờ, nhưng mà cũng bị thiệt hại ít nhiều; còn những người trì hoãn chưa bỏ nhà lánh nạn, thì bọn Văn Thân chém giết. Thấy được thắng lợi một cách dễ dàng, giặc Văn Thân phá luỹ ải, lấy những đầu họ chém mà quăng trên giáo dân. Nhưng mà giáo dân cũng không núng, cứ kháng cự hăng hái đến đỗi đánh lui được quân Văn Thân phải chạy tán loạn và có lúc đuổi họ đến tận cuối làng. Toán quân thứ nhứt bỏ chạy, hai toán kia cũng bắt chước. Trong cơn hỗn loạn, họ bỏ lại nhiều khí giới đạn dược. Chiều lại làng lương dân Tùng-luật, trước có giúp Văn Thân, đến xin giải hoà với giáo dân và giao kết rằng họ không làm hại Di-loan dữa.

Ngày 9 tháng 9 tây, quân Văn Thân trở lại đánh, mà cũng có dân làng Tùng-luật trợ chiến, giáo dân tức giận vì bị đánh lừa, nỗ lực kháng cự rất hăng hái rồi xuất chiến rất lanh chóng. Phái Văn Thân kinh khiếp bỏ chạy tán loạn. Giáo dân đuổi đến tận làng Tùng-luật, họ nhất định đại phục thù trị dân Tùng-luật bội tín, nhưng mà cố chính Đăng hạ lệnh thu quân và cấm nhặt giáo dân không được đi quá làng mình.

Ngày 10 tháng 9 tây, quân Văn Thân đến đánh lần thứ ba, nhưng cũng bị đánh lui. Giáo dân cắt đứt vòng vây và đánh đuổi quân Văn Thân phải chạy trốn.

Trưa lại chủng viện An Ninh, ở gần Di-loan, cũng bị quân Văn Thân đánh. Cố Hoà (Girard), lúc ấy là bề trên chủng viện, xin giáo dân tiếp ứng, nên một phần giáo dân Di-loan tiến về ngả An Ninh, để tiếp ứng An Ninh và đánh đuổi quân Văn Thân. Quân nầy phải thối binh một lần nữa.

Ngày 12 tháng 9 tây, quân Văn Thân nhờ quân cứu viện và dân Tùng-luật trợ chiến, ra sức đánh một hồi lâu, để phá huỷ rào ải Di-loan. Giáo dân lần nầy phải giữ thế thủ mà không khởi thế công như mấy lần trước để đánh lui quân địch. Vả lại những nhà rải rác của giáo dân bị đốt phá. Mục kích như thế, giáo dân khỉ sự thối chí. Trong lúc hỗn chiến, vài giáo dân bỏ chạy lên An Ninh trốn, còn những người khác thì nhảy xuống đò do đường biển ra Đồng Hới hoặc vô Huế trốn.

Cố chính Đăng thấy tình thế càng lâu càng eo le, quyết đính bảo với một ngàn rưởi giáo dân phải tập trung về ngả chủng viện An Ninh, cách đó hơn một cây số. Đoàn lánh nạn khởi hành như sau nầy: 600 đàn bà con nít đi trước với 60 chị nhà phước, còn những người đàn ông cường tráng đi theo sau để phòng hộ vệ và đánh trả với quân Văn Thân. Nhưng sự lánh nạn nầy thực hành một cách quá vội vàng, nên không có thì giờ đem theo những vật quí của hội giáo: ảnh tượng, sổ sách, tiền bạc gì hết.

Ngày hôm sau, là ngày 13 tháng 9 tây, khi quân Văn Thân đến tận Di-loan, họ thấy làng không người, nên chỉ cướp phá và thiêu huỷ hết thảy nhà ở và nhà thờ.

Cũng một ngày ấy hội giáo Hoà-bình bị cướp phá và thiêu huỷ. Hội giáo Loan-lý, ngày 10 tháng 9, cũng đã chịu một cái số phận ấy. Hai họ nhánh nầy thuộc địa sở Di-loan, thiệt hại hết 100 giáo dân bị tiêu sát.

TRƯỜNG AN-NINH VÀ HỌ AN-NINH

Massacres… II, pages 48-63;

V, pages 20-57 – Ad. Launay:

la Société des Misions-Etrangères pendant

la guerre du Ton kin, Paris 1886, pages 72-89.

Hội giáo An Ninh, hồi giặc Văn Thân cũng như ngày nay, có một chủng viện mà lúc bấy giờ do cố Girard (Hoà) giám đốc; cố Closset vị giúp ngài.

Hội giáo nầy ở trên đường gò núi lúp xúp về phía tây, còn hội giáo Di-loan ở về triều đông.

Cái tin tỉnh Quảng Trị thất thủ đến chủng viện An Ninh ngày 7 tháng 9 tây, âu là ngày học sinh tưu trường. Hồi tưởng những cuộc tàn sát giáo dân xảy ra tại miền nam Trung-kỳ, các vị linh mục thừa sai hiểu từng cái giờ nghiêm trọng đã đến nơi. Bởi thế các vị ấy quyết định trong một buổi hội hiệp tại nhà thờ, cố chính Đăng ở Di-loan, chiêu tập hội giáo cả miền Đất Đỏ tại Di-loan và An Ninh, hai nơi yếu địa thuận tiện cho việc bảo vệ. Có những vị linh mục bổn quốc đến dự hội đồng.

Lúc bấy giờ, các vị linh mục vội vàng cho một chiếc ghe vào Huế xin Đức Giám mục tiếp ứng, và một chiếc ghe khác ra Đồng Hới xin cố Y (Héry) trợ lực. Vài học sinh mới trở về An Ninh phải xuống ghe ra Quảng Bình, hầu cứu ít nữa vài vị linh mục tương lai khỏi bị tàn sát.

Ở tại An Ninh, giáo dân bó tay mà mục kích cái sự phá huỷ những hội giáo lân cận, như Gia-môn, Cao-xá, An-lộc; họ thấy ngọn lửa độc ác thiêu đốt các nơi ấy lên cao mù mịt, nghe mùi khét tứ tung.

Những giáo dân thuộc địa phận Dinh-cát chạy ra lánh nạn đưa tin rằng: một vị linh mục bổn quốc bị giết dọc đường. Vị ấy âu là cha Thành, cha phó của cha Châu. Số người lánh nạn càng lâu càng đông, nên người ta phải dọn nhà cho các giáo dân và nhà thờ để cho họ trú ngụ.

Ngày 8 tháng 9 tây, vài mươi giáo dân đi về ngả An Ninh giữa đường bất ngờ bị bắt và bị tàn sát.

Ngày thứ tư 9 tháng 9 tây, những đám cháy càng lâu càng gần, nên giáo dân vội vàng tụ họp tại hai nơi đã định; nhưng mà vì quá vội vàng và hoảng hốt, không phòng mang theo mình mảy may gì hết.

Quân Văn Thân hễ gặp người giáo dân nào giữa đường, thì chém giết một cách rất tàn ác. Lúc bấy giờ, chủng viện An Ninh chỉ có một súng bắn chim mà thôi. Lập tức, người ta vạc nhọn tre mà phân phát cho những giáo dân cường tráng.

Ngày 10 tháng 9 tây, Di-loan và chủng viện An Ninh đều bị đánh. Dân làng lân cận Tùng-luật dốc suất, nhưng mà phía nào cũng bị đánh lui. Giáo dân xuất chiến và đuổi theo, quân Văn Thân đều phải chạy tán loạn. An Ninh bị đánh riết quá, nên một đoàn người ở Di-loan phải đến tiếp ứng. Vì thất bại, quân Văn Thân đốt nhà thờ An Ninh ở tận ngoài luỹ thành chủng viện, để báo thù. Đang lúc hai bên giao chiến rất hăng hái, thì có một chiếc ghe ở phía bắc đến Cửa-tùng-luật, cách chủng viện An Ninh 2 cây số. Chiếc ghe ấy chở 2 tiểu thần công, 4 khẩu súng nạp đạn tiểu và một ít đạn dược. Đó là khí giới đạn được của cố Y gởi vào trợ chiến. 50 giáo dân lén xuống ghe mà đem những vật quí ấy lên An Ninh. Lập tức thần công và súng đều đặt trên luỹ đất; nhờ những khí giới nầy, giáo dân mới đánh lui quân địch xông lại gần bờ thành của chủng viện.

Từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều, quân Văn Thân xông đến đánh kịch liệt, nhưng lầu nào cũng bị đánh lui. Vả lại thoạt nhiên trời mưa dòng thật to, hạt mưa rơi xuống tạt vào mặt quân Văn Thân và làm cho chúng mù mịt và ướt như chim bị bão vậy. Giáo dân chết hết 20 người và bị thương chừng 50 người.

Ngày thứ sáu 11 tháng 9 tây, giáo dân cả buổi mai lo tu bổ luỹ rào. Ở phía sau hàng rào tre, người ta chất một hàng, nào cây gỗ, nào ván mỏng, v.v… Trưa lại, quân Văn Thân đã tiếp được quân cứu viện và trở lui vây luỹ và ra sức đốt phá những bờ rào. Họ đã đốt đặng một đoạn bờ rào rồi, nhưng nhờ tất cả phụ nữ giáo dân dùng chiếu nhúng nước dập tắt lửa. Quân Văn Thân xông đánh, nhưng mà bị hai tiểu thần công bắn tiếp, nên phải lui. Lúc 3 giờ chiều, quân Văn Thân phải trở về đại đồn đóng tại Tân-sài, cách An Ninh chừng 3, 4 cây số. Ông thống Kham ở tại đồn ấy, mà chỉ huy quân Văn Thân trong cả lúc bổ vây chủng viện An Ninh.

Đại đồn Văn Thân tại Tân-sài lúc nào cũng có gần 3000 quân thay đổi nhiều lần, nhờ những làng lương dân lân cân tiếp ứng.

Lúc ban đầu, quân Văn Thân chỉ giao chiến với 800 giáo dân cường tráng, mấy người nầy càng lâu càng giảm số vì giáo dân dần bị chết mỏn.

Ngày thứ bảy 12 tháng 9 tây, quân Văn Thân lại đánh Di-loan và An Ninh, kẻo hai hội giáo ấy đến giúp nhau như đã thấy ngày mồng 10 tháng 9 tây.

Di-loan bị đánh riết hơn, vì quân Văn Thân biết rằng ở đó giáo dân không có đạn dược và luỹ ải.

Lúc bấy giờ, cố chính Đăng quyết định bảo giáo dân bỏ Di-loan mà chạy lên An Ninh. Bởi thế hơn 1000 giáo dân bỏ Di-loan mà không thiệt hại gì hết, họ lên An Ninh trợ chiến. Đốt phá Di-loan đoạn, lúc 6 giờ chiều, quân Văn Thân tập trung về ngả An Ninh, nhưng lại có một trộ mưa làm tắt đuốc, nên quân Văn Thân xông đánh không được nữa.

Ngày Chúa nhựt 13, quân Văn Thân tàn phá bình địa hội giáo Di-loan. Giáo dân quần tụ tại An Ninh thừa cơ ấy tu bổ luỹ ải. Tại đó, lúc bấy giờ có ba vị linh mục thừa sai, là cố Đăng, cố Hoà và cố Closset (Vị), 5 cha bổn quốc, 7 chú lớp lớn, 60 chị nhà phúc và 4000 giáo dân, trong số nầy có 800 người cường tráng có thể mang và dùng khí giới.

Những học sinh của trường chủng viện thì mỗi người đốc suất một tiểu đoàn, còn các chị nhà phúc thì lo nấu thổi và phân phát lương thực. Những người đàn ông phải canh giữ luỹ ải, còn đàn bà con nít lo giữ nhà.

Nếu không thiết thực, thì lương phạn chỉ dùng được 6 ngày mà thôi, nhưng nếu thiết thực thì dùng được 20 ngày. Còn đạn dược hết đã nhiều, chỉ còn có thể dùng trong vài trận giao chiến nữa mà thôi. Trên tháp nhà thờ, mỗi đêm có người canh giữ để phòng ngự quân giặc xông đánh thình lình, và báo những sự động của địch quân.

Lúc trưa ngày thứ hai 14, quân Văn Thân xông đánh rất kịch liệt. Thần công cổ đạn bay qua mái nhà thờ. Quân Văn Thân mưu dùng rơm đốt hàng rào và dùng hoả hổ đốt nhà; nhưng giáo dân chữa lửa rất khéo, nên cuộc tàn phá ấy không thực hành được. Ba lần quân Văn Thân hợp với quân cứu viện xông đánh, nhưng lần nào cũng bị đánh lui.

Chiều tối lại, bên giáo dân chết hết 5 người và vài mươi người bị thương; nhưng đạn dược gần hết.

Ngày thứ ba 15 tháng 9 tây, và những hôm sau, quân Văn Thân chỉ bổ vây An Ninh, canh tuần rất nghiêm nhặt, không cho giáo dân tải lương thực vào và sắp đặt tổng công lần sau hết.

Ở tại An Ninh, người ta thấy quân Văn Thân tổ chức dưới bình nguyên có khí giới và đạn dược do đại đồn Cam-lộ cấp cho. Họ đang tập trung và các làng lương dân đem rơm tre đến để đốt rào. Trong những ngày ấy, các giáo dân còn ẩn núp ký ngụ tại nhà lương dân thừa lúc ban đêm bỏ các nơi ấy chạy đến An Ninh trốn. Phái Văn Thân truyền rằng: hễ người nào ẩn giấu một giáo dân, thì sẽ bị thiêu người lẫn nhà. Bên phe giáo dân cấp phái người ra Bắc, kẻ vào Nam xin cứu viện; những người ấy không đi luột, phải trở về lại An Ninh, vì hết thảy đàng sá đã bị quân Văn Thân phòng triệt, và họ đi tuần khắp mọi nơi.

Ngày thứ sáu 18, quân Văn Thân bổ vây cả ngày, kết cục 5 giáo dân bị tử trận và 10 người bị thương. NGày thứ bảy 19, tình cảnh cực điểm eo le, vì đạn dược đã dùng hết rồi. Giáo dân phải liều mình chết không cho quân Văn Thân tiến. Năng có những trận đánh giáp lá cà, đến nỗi người giáo dân phải dùng vành vải trắng buộc cổ để tránh sự đâm lầm trong lúc hỗn chiến. Nhà thờ bị đạn bắn hư nát nhiều nơi, nhưng đạn bắn không thấu đến tháp mà có người gác ở trên đó. Người giáo dân bảo rằng: sự che chở ấy là một phép lại của Đức Bà khởi hoàn, vì ở trên tháp ấy có treo bức ảnh Đức Mẹ.

Thấy lửa đã cháy rào ải nhiều nơi, người ta sợ quân Văn Thân xông đánh, nên phân phát tượng ảnh cho mỗi người giáo dân, giao kết rằng: hễ nghe ba tiếng trống báo hiệu, thì tứ phía phản công và đánh đuổi quân giặc được chừng nào tốt chừng nấy. Lúc ấy là 4 giờ chiều, quân Văn Thân xông đánh, và la kêu inh ỏi như đã toàn công thắng trận nầy; họ toan vượt qua khỏi luỹ ải nơi họ đã phóng hoả, giây phút ấy tất nghiêm trọng; các vị linh mục quyết định bảo giáo dân xuất chiến, ba tiếng trống báo hiệu vang dậy tứ tung, cả hai cửa đều mở ra, quân Văn Thân khủng khiếp phải dừng bước do dự một lát đoạn thối binh chạy thoát, nào thần công súng trường, nào hoả hổ đạn dược, nào vỏ đạn đều bỏ lại đó. Vì trời sập tối nên giáo dân không đuổi theo nữa. Họ mang về trại một thần công, một khẩu súng phá luỹ đã bắn chết nhiều giáo dân, hai khẩu súng kiểu khác, đạn, hoả hổ, những thùng thuốc súng dùng hết đã nhiều, đồ tiết việt của ông thống Kham, một hòm lương thực. Giáo dân chỉ bị thiệt hai mươi người chết hoặc bị thương mà không có người nào bị nạn trong lúc giao chiến.

Chúa nhật 20 tháng 9 tây, người ta thấy trước mặt chủng viện 40 thây chết của quân Văn Thân mà không kể cái số tử thi quân ấy thừa lức ban đêm đến chuyển đi. Nhờ có người giáo dân triệt được dọc đường một bức thư quân Văn Thân gởi cho đồn Cam-lộ, nên biết họ bị thiệt hết 85 mạng.

Ngày thứ hai 21, bên phe giáo dân mưu sai người xuất ngoại, nhưng vô hiệu.

Ngày 22, 200 giáo dân quyết định xuống Cửa-tùng-luật mà chiếm đoạt một chiếc ghe. Làng Tùng-luật bắn những người ấy và giết một giáo dân.

Ngày 23 tháng 9 tây, người gác trên tháp báo tin rằng: những đoàn quân Văn Thân đang tiến về ngả An Ninh. Độ lúc trưa hai bên giao chiến, quân Văn Thân ra sức thiêu huỷ luỹ tre, nhưng nhờ đàn ông, đàn bà giáo dân tương trợ hợp lực dập tắt lửa, nên họ thi hành điều tàn phá đó không được.

độ chừng 4 giờ chiều, giáo dân dùng đạn dược mà họ đã lấy trong mấy lần xuất chiến thắng lợi mà bắn quân Văn Thân, đoạn hạ lệnh xuất chiến. Lần nầy giáo dân cũng được toàn thắng lợi, nên quân Văn Thân tẩu thoát tán loạn, bỏ lại 30 thây chết, 3 thần công, một khẩu súng phá luỹ, 6 khẩu súng trường cùng bộn bề đạn dược, giáo mác, thêm 7 cái cáng, một con ngựa, nhiều lá cờ, những hoả hổ, những ấn tín và nhiều đống rơm. Thừa lúc ban đêm, những giáo dân can đảm tình nguyện xuống Cửa-tùng-luật đón một chiếc ghe ở Huế ra, họ được người dưới ghe nhìn nhận 5 người xuống ghe mà thẳng ra Đồng Hới. Ngày thứ năm 24 tháng 9 tây, có tin đồn rằng quân Văn Thân sẽ tiếp được binh cứu viện, nào súng thần công, nào tượng chiến. Giáo dân ra sức xây đắp luỹ để phòng ngự, đạn súng thần công, họ lại kết lưỡi hái lưỡi liềm vào đầu mút những cây tre dài hầu đâm voi đến đánh, sửa soạn hoả hổ để đốt những đống rơm trước lúc quân Văn Thân đem lại gần luỹ.

Ngày thứ sáu 25 tháng 9 tây, độ 30 giáo dân liều mình trở về thăm nhà cửa, nên bị bắt tại An-do rồi bị tàn sát.

Ngày thứa bảy 26, chiếc ghe đã sai ra Đồng Hới thì chính cố Y (Héry) thân hành đem trở lại trợ chiến. Ngài đã được quân Pháp ở Đồng Hới chu cấp khí giới, đạn dược như lời ngài yêu cầu, nên ngài đem những vật ấy đến miền Đất Đỏ.

Ngày Chúa nhật 27, cố Y sau lúc hiểu rõ tình hình và mục kích những điều thảm bại, trong đêm ấy ngài trở về Đồng Hới để xin nhà cầm quyền tiếp ứng đắc thật. Nhưng hai lần ngài bị bão đưa ra ngoài khơi, nên không trở lui Đồng Hới được, mà bị tấp vào Thuận-an. Ngài lên Huế yết kiến quan tướng De Courcy, yêu cầu vị thượng quan nầy can thiệp mà phái quân Pháp ra tiếp ứng chủng viện An Ninh. Lời yêu cầu của ngài được chuẩn y.

Ngày thứ hai 28, quân Văn Thân thừa lúc ban đêm đến bổ vây An Ninh và khởi sự đánh lúc 6 giờ sáng. Họ đã đặt chông nhọn gần các cửa, hễ giáo dân có xuất chiến thì sẽ đạp lủng chân. Hai đoàn quân Văn Thân ẩn núp kỹ lưỡng phải trèo luỹ mà lúc ấy không có người canh giữ; nhưng mà người gác trên tháp trừ mưu hiểm độc ấy. Lệnh truyền phải nhất định đứng một chỗ mà kháng cự; không được ra ngoài. Những khí giới đạn dược do cố Y đem đến giúp, giáo dân bắn chết nhiều hãm chiến và ngăn cản không cho phe địch quân tiến; nhưng quân Văn Thân cũng tiên được đôi chút, Trưa lại, quân Văn Thân đem những đống rơm hầu đốt rào, lửa sắp huỷ phá tan tành, song giáo dân mau tay dùng hoả hổ đốt những đống rơm trước lúc quân Văn Thân đem lại gần rào ải. Một khẩu súng thần công liên thanh bắn rất đích vì quá gần, làm cho quân Văn Thân kih khủng phải chạy tán loạn.

Ngày thứ ba 29 tháng 9 tây và những ngày hôm sau, giáo dân hết lương thực, ra ngoài để tầm của ăn, chỉ đem về được vài củ khoai lang mà thôi: lương phạn thiếu hẳn.

Sau hết, ngày thứ sáu mồng 2 tháng 10 tây, người canh gác trên tháp báo tin rằng một đoàn quân lạ lùng tiến về ngả đại đồn quân Văn Thân đóng tại Tân-sài. Thoạt nhiên súng nổ vang trời dội đất, lửa cháy đồn ấy. Sự gì xảy ra như thế? Tại đồn Văn Thân có cuộc hỗn loạn hay sao? Hoặc đồn ấy bị quân Pháp đến đánh chăng? Người ta rất đỗi phân vân, trưa mới được tin chắc chắn quân Pháp đến đánh đuổi quân Văn Thân rồi tiến về ngả An Ninh do quan đại uý Dallier chỉ huy, có cố Thiện (Mathey) theo nữa, họ đang đi trên bờ đê nhỏ gần làng.

Giáo dân bị bổ vây một tháng trời. Ban đầu chỉ có 800 người cường tráng mà 7 lần đánh được quân Văn Thân đông hơn 2000 người, có đủ lương thực và có khí giới rất hẳn hoi; quân Văn Thân bắn vào An Ninh 1500 phát súng. kết cục, phái Văn Thân thiệt hơn 200 mạng và 500 người bị thương. 1200 giáo dân chạy vào chủng viện không kịp, nên bị tàn sát tại hội giáo của mình. Những người ấy bị hành hình đủ cách. Nhiều người bị thả chết trôi dây dưa giữa sông, nên khi quân Pháp đến An Ninh, thấy rất nhiều xác chết cột vào cây chuối hoặc cây tre trôi bập bềnh. Nhiều người khác lại bị chôn sống.

Yên ổn chưa được bao lâu, thì bệnh dịch tả phát rất dữ dội, nên nhóm giáo dân còn sống sót rải rác khắp trong tỉnh bị thiệt hại rất nhiều thật là hoạ vô đơn chí.

HỘI GIÁO AN-BẰNG

(Massacres… III, pages 53-60)

Hội giáo nầy rất nghèo. Nhân dân chỉ sống nhờ khoai sắn. Phái Văn Thân tuyên truyền rằng giết hết giáo dân âu là làm cho người ngoại quốc, người Pháp phải lìa khỏi đất nước Nam. Bởi thế họ An-bằng cũng chịu một số phận như các họ đạo khác.

Ngày mồng 7 tháng 9 tây, được tin những toán Văn Thân kéo về ngả Chợ Huyện và An-bằng, nên giáo dân kinh khiếp. Bổn đạo của ba họ nhánh thuộc địa sở An-bằng tập trung lại lị sở. Gần một ngàn rưởi Văn Thân dọc đường ngừng lại để tàn sát giáo dân họ Liêm-công.

Ngày mồng 8 tháng 9 tây, quân Văn Thân đến nhà thờ An-bằng mà trong ấy có bốn, năm chục giáo dân. Họ bị những mũi mác lào hoặc mã tấu đâm chết tại trước nhà thờ. Nhà cửa của giáo dân và nhà thờ đều bị thiêu huỷ. Cha sở, là cha Huệ, đã lánh nạn; quân Văn Thân quật lên và quăng xác của em ruột ngài, là cha Án, trước đã mai táng ở trong nhà thờ. Vài ba mươi giáo dân bị giết ở trong nhà thờ hoặc ngoài vườn, nên số người thiệt mạng tưng lên 80.

An-lễ, An-nghĩa, An-trí là ba họ nhánh của địa sở An-bằng. Ba họ này gần Chợ Huyện, nên Buổi mai ngày mồng 8 tháng 9 tây, quân Văn Thân giết hết 150 giáo dân ở trong nhà hoặc trong nhà thờ ấy.

BA HỌ NHÁNH THUỘC ĐỊA SỞ AN-NINH

(Massacres… III, pages 61-66)

Chỉ một mình họ An Ninh lúc bấy giờ gồm có 500 giáo dân. Liêm-công, An-do-đông và An-do-nam là ba họ nhánh thuộc địa sở An Ninh. Chúng ta đã thấy họ nhánh Liêm-công bị quân Văn Thân lúc kéo đến An-bằng, dọc đường tàn phá và 50 giáo dân họ ấy đều bị thiệt mạng.

An-do-đông gần An Ninh, ngày mồng 8 tháng 9 tây, nhờ những cơ hội đặc biệt nên khỏi tàn phá.

Ông thống Kham và quân Văn Thân hứa với nhau rằng: hễ lấy được của cải của An Ninh, thì sẽ phân phát cho mọi người. Quân Văn Thân tin chắc chắn, nên đem vợ con theo để dự cuộc cướp bóc và quân phân của cải sẽ lấy được. Bởi thế mấy ngày đầu giáo dân An Ninh đang bị quân Văn Thân bổ vây, họ đứng trên đồi cao ở xung quanh chủng viện, thấy rất nhiều lũ đàn bà và con nít mang thúng mủng theo để chứa của cải sau lúc chiếm lấy được An Ninh. Nhưng quân Văn Thân phải thất vọng vì họ bị đánh lui tại An Ninh. Bấy giờ họ hẹn nhau đánh An-do-đông để trả thù. Sự đổi chiến lược ấy làm cho An Ninh được tạm nghỉ. Quả nhiên ngày 9 và 10 tây, quân Văn Thân cướp phá và thiêu huỷ An-do-đông, gần 30 giáo dân bị tàn sát. Quân Văn Thân đốt phá Liêm-công đoạn đốt phá An-do-nam, ở đó gần 14 giáo dân bị thiệt mạng.

HỘI GIÁO BA-NGOẠT

(Massacres… III, pages 67-75)

Hội giáo nầy ngày 6 tháng 9 tây, không tiếp kịp những lời huấn thị của cố Đăng, vì họ ấy ở xa Di-loan trên 12 cây số. Họ nầy bởi triệt được thư từ phái Văn Thân gởi cho các làng lân cận, nên mới biết những định kế độc ác của các làng ấy.

Ngày 7 tháng 9 tây, giáo dân nhóm đại hội đồng tại nhà thờ để dự định phương kế phải dùng trong cơn nguy nan.

Vì quá tin cậy và nhu nhược, giáo dân không quyết định điều gì hết, chỉ làm luỹ xung quanh nhà thờ. Rồi ai nấy trở về nhà mà đợi thời cục xây vần.

Đêm sau, vị linh mục An-nam cha Thới, coi sóc địa sở Ba-ngoạt, thừa cơ lúc tối chạy ra Quảng Bình trốn bỏ bổn đạo.

Ngày mồng 8 tháng 9 tây, được tin cha sở mình đã chạy trốn rồi, giáo dân kinh khủng. 130 người có đạo quyết định chạy ra Quảng Bình trốn. Phần nhiều những người cường tráng trì hoãn, hy vọng rằng có đủ thì giờ mà lánh nạn. Thoạt nhiên họ nghe trống giục liên thanh, một đoàn giáo dân đi do tin tức bị phái Văn Thân bắt trói và dẫn về Ba-ngoạt.

Những toán Văn Thân khác ở Hoà-lạc qua, lúc bấy giờ gần 60 giáo dân quyết định bỏ làng chạy ra Quảng Bình trốn. Quân Văn Thân tiến rất chậm để đợi đồng đảng có đủ thời giờ để hợp lực bổ vây. Họ đông gần 2000 người có khí giới mà phần đông đâng say sưa. Lập tức họ bổ vây Ba-ngoạt. Quân Văn Thân tưởng Ba-ngoạt đã phòng bị để kháng cự, nên những người đầu đảng bảo đốt phá Hoà-lạc trước, hầu những người ở dưới quyền họ thêm can đảm. Khi bổn đạo còn ở tại Ba-ngoạt thấy nhà thờ họ Hoà-lạc bị thiêu huỷ rồi, ai nấy cũng muốn tẩu thoát, nhưng than ôi, muộn quá rồi vì lị sở Ba-ngoạt đã hoàn toàn bị bổ vây.

12 người giáo dân lánh nạn bị bắt và trói cục lại với nhau, rồi bị giết. Biết chắc chắn giờ chết sắp đến, giáo dân hội hiệp nhau tại nhà thờ, ở đó ông xã Lữ đọc kinh và khuyến khích họ dọn mình chết lành.

Trong số 600 giáo dân thuộc địa sỏ Ba-ngoạt, chỉ còn lại hai gia đình lúc bấy giờ tại Huế và 150 người sống sót trong số 172 người lánh nạn tại Quảng Bình. Những người lánh nạn nầy phải chịu đói khát và bệnh dịch tả.

Địa phận Đất-Đỏ bị thiệt hại tất cả 1660 giáo dân. Khi xóc sổ lại kỹ lưỡng, thì thấy số giáo dân bị thiêu sát hoặc thất tích trong cả tỉnh Quảng Trị tổng cộng là 8585 người. Những sự thiệt hại về của cải (động sản) bất động sản, lương phạn, vân vân… đánh giá phỏng được mười vạn đồng, thật là một số rất lớn đối với một thời cục kiết cứ và khủng hoảng về đường kinh tế: Đó là không kể những sự thiệt hại do sự bỏ trồng trọt, bỏ cầy bừa, bỏ làm nghề nghiệp.

Những tỉnh ở Trung-kỳ không kể tỉnh Bình Định (tỉnh nầy thiệt hại hết 8940 giáo dân ), thì tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nhiều hơn hết.

Trong số 70 địa sở, không só địa sở nào còn nguyên vẹn. 8000 giáo dân sống sót trong tỉnh Quảng Trị bơ vơ không nhà ở, không cơm ăn, gần một năm trời phải ký ngụ tại Huế hoặc tại Quảng Bình, nhờ bổn đạo hai nơi ấy cấp dưỡng cho qua ngày.

Đến đây, chúng tôi xin chung kết cái tiết mục thê thảm các công cuộc hoành hành của quân Văn Thân do đảng Cần Vương bài ngoại hiệu triệu cung cấp khí giới và có quan triều ủng hộ.

Chỉ vì quân Pháp can thiệp-nhưng can thiệp hơi muộn nên những bọn sát nhơn thiêu huỷ tài sản giáo dân phải giải tán. Trong quân Văn Thân cũng có người tưởng rằng: tàn sát giáo dân âu là cứu nước nhà khỏi ngoại quốc xâm chiếm; nhưng đại đa số chỉ vì lòng tham muốn hại người đoạt của. Những người ấy ngộ nhận rằng: các hội giáo rất giàu có, nhưng thực ra phần nhiều những hội giáo ấy rất nghèo khổ. Người ta lấy làm ngạc nhiên khi đọc đến những điều cặn kẽ thuộc về cuộc tàn sát nầy. Trong cơ hội ấy, phái nắm quyền bính đảng Văn Thân lúc bấy giờ tỏ lòng độc ác, óc ngu xuẩn. Người ta khó hiểu vì sao phái thượng lưu cầm quyền trong tay, phân chia nhau từ những địa vị tối thiểu đến những địa vị tối cao, mà có một cái cử chỉ qua ư độc ác, tàn sát một phần nhân dân, viện lẽ làm như thế để trục xuất người ngoại quốc ra khỏi đất nước nhà. Nhưng mà cái gương của xứ Nam-kỳ có thể chứng minh cho phái Văn Thân hiểu rằng: cái nhân quả các công việc của họ thật trái hẳn với sự của họ hy vọng.

Hoặc trời trên muốn hại họ điên cuồng không biết suy lý hay sao? Đó cũng là một cái gương cho ta hiểu cái lòng quá tự phụ của đồ đệ các nhà triết học có những ý tưởng mập mờ và viển vông, không khi nào thiết thực. Như thế mà cũng có người giống da vàng hoặc giống da trắng cứ hoan nghênh và hâm mộ cái học thuyết của họ.

Thật đáng khen cái lòng cương quyết và trung thành các người bị phái Văn Thân tàn hại đối với cái tôn giáo mà họ đã theo. Những người ấy bị tàn sát hàng nghìn, vì cái cớ bảo vệ tổ quốc mà họ cũng yêu mến ít nữa cũng bằng những người đã hành hình họ vậy.

Tám ngàn người bị thiệt mạng vì những thời cục đã xảy ra trong tỉnh Quảng Trị hồi tháng chín năm 1885 đã lấy máu mình tưới đất Trung-kỳ không phải là vô hiệu đâu. Con cháu họ được hưởng những hiệu quả của sự hy sinh đó, vì chưa đầy 40 năm sau, con cháu họ được hân hạnh thấy những hội giáo đã tu tạo, làng xóm mình thạnh vượng, sự thái bình trở về và có nền tảng kiên cố.

Họ cũng có thể tự đắc khi thấy một người công giáo được một vị vương giả rất trọng dụng, nên uỷ ban chức vị tối cao ở triều Nam. Người công giáo ấy nếu gặp thời đại loạn lạc, thì đã bị phái Văn Thân bắt chôn sống, dẫu mà không chắc chôn như thế, người ấy có thể chết hẳn hay không, họ cũng cứ nhắm mắt thực hành điều tàn sát ấy.

Ông JABUOILLE, nguyên Công sứ Quảng Trị

Tài liệu do Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang lưu giữ,

WTGP.Huế 14.11.2013

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*