Nhân dịp Chúa nhật Biển cử hành ngày 11/7, Tòa Thánh kêu gọi tôn trọng phẩm giá của những người làm việc trên biển, quan tâm đến những nguy hiểm họ phải đương đầu như đại dịch Covid-19, nạn hải tặc, đắm tàu, xa gia đình, đồng thời Tòa Thánh cũng kêu gọi tăng cường việc mục vụ cho họ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Sứ điệp của Bộ Phát triển nhân bản toàn diện
Trên đây là nội dung chính của sứ điệp của Đức Hồng Y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, và vị Tổng thư ký là Đức Ông Bruno Duffé, được công bố nhân Chúa Nhật Biển, cử hành hằng năm vào Chúa Nhật thứ hai của tháng 7.
Hai vị nhận định rằng đây là lần thứ 2 Chúa Nhật Biển được cử hành trong bối cảnh đại dịch Covid-19, một tai ương đã và đang thay đổi bộ mặt thế giới và cả công việc ở biển khơi: “Thực vậy, các tàu không bao giờ ngừng chuyên chở từ cảng này sang cảng khác các thiết bị y khoa và thuốc men tối cần thiết để hỗ trợ cuộc chiến chống lan lây virus corona. Điều này cho thấy kỹ nghệ hàng hải là thành phần sinh tử của nền kinh tế thế giới. Khoảng 90% hoạt động thương mại thế giới diễn tiến được nhờ các tàu bè, hay đúng hơn là nhờ 1 triệu 700 ngàn người làm việc trên các con tàu ấy”.
Từ đó, Bộ Phát Triển kêu gọi nhìn nhận công việc của giới công nhân trong ngành này, và tạo điều kiện cho sự thay đổi đoàn thủy thủ, dành ưu tiên cho một chính sách rõ ràng về việc chích ngừa”.
Những khó khăn của công nhân hàng hải
Sứ điệp của Bộ Phát Triển nhân bản toàn diện cũng không quên những khó khăn lớn mà những người hàng hải phải chịu vì những phong tỏa do đại dịch Covid-19: hồi tháng 9/2020, khoảng 400 ngàn công nhân viên hàng hải, lẽ ra được về quê hương, nhưng họ phải xa nhà trong 18 tháng trời. Đại dịch buộc họ phải làm việc nhiều hơn, chịu cảnh cách ly, cô đơn, lo lắng cho người thân yêu cùng với tương lai bất định cho bản thân. Những yếu tố đó càng gia tăng những căng thẳng thể lý và tâm lý cho các công nhân viên trên tàu, nhiều khi với những hậu quả bi thảm”. Trong tình trạng đó, Bộ Phát triển kêu gọi các giới hữu trách hãy nhìn các thủ thủy đoàn không phải chỉ là một “lực lượng lao động” nhưng như những con người, để phát triển các đường lối làm việc dựa trên phẩm giá con người hơn là dựa trên lợi nhuận. Trong chiều hướng đó cần quan tâm cung cấp tất cả những gì cần thiết để cải tiến an sinh về tâm trí, thể lý và tâm linh của những người làm nghề hàng hải”.
Kêu gọi các chính quyền
Trong sứ điệp, Đức Hồng Y Turkson và Đức Ông Duffé cũng kêu gọi các chính quyền tìm những giải pháp lâu bền đối với tệ nạn hải tặc trên thế giới, tuy giảm về số lượng, nhưng gia tăng cường độ bạo lực. Ngoài ra có hiện tượng đáng lo âu, đó là sự bỏ rơi các tàu và thủy thủ đoàn: năm 2019 có 40 tàu bị bỏ rơi, năm ngoái con số này tăng lên 85 tàu, quá gấp đôi. Các thủ thủy phải sống trong những điều kiện vô nhân đạo, vì thế Tòa Thánh kêu gọi các giới chủ tàu hãy khởi động bảo hiểm bó buộc cho các tàu và nhân viên trong trường hợp bị bỏ rơi trên biển cả, trả phí tổn lương thực, nước uống, săn sóc y tế và hồi hương”.
Các tuyên úy và thiện nguyện Sao Biển
Sau cùng, sứ điệp của Bộ Phát Triển nhân bản nhắc đến các vị tuyên úy và những người thiện nguyện trong ngành tông đồ “Stella Maris” (Sao Biển), vẫn luôn phục vụ dân biển và các ngư phủ cả trong thời kỳ đại dịch, đồng thời mời gọi cầu nguyện để họ tiếp tục là những tông đồ trung thành với sứ mạng loan báo Tin Mừng, biểu lộ khuôn mặt ân cần của Giáo Hội, một Giáo Hội đón tiếp và gần gũi với các thành phần Dân Chúa hoạt động trên biển.
Quan tâm từ lâu của Giáo Hội
Sứ điệp trên đây là một trong những dấu chỉ cụ thể nói lên mối quan tâm của Giáo Hội và Tòa Thánh đối với những người làm nghề hàng hải, thăng tiến việc tông đồ mục vụ cho những người làm nghề biển được Giáo Hội thể hiện qua việc thành lập Tổ chức “Stella Maris” (Sao Biển), làm tông đồ mục vụ cho dân biển và gia đình họ, tại 300 hải cảng thuộc 55 quốc gia trên thế giới, với hơn 200 vị tuyên úy các hải cảng và cùng với những người thiện nguyện thi hành công tác viếng thăm các thủy thủ trên các tàu.
Kỷ niệm 100 năm tổ chức “Sao Biển”
Cách đây hơn 1 thế kỷ, ngày 4/10/1920, một nhóm các tín hữu Công Giáo ở thành phố Glasgow của Scotland đã quyết định phát động chiến dịch viếng thăm các tàu, tiếp xúc với các thủ thủy của các tàu này trong các giáo xứ dọc theo bờ biển. Sáng kiến này lan rộng, đưa đến việc thành lập ngành tông đồ “Sao Biển”.
Để kỷ niệm biến cố đó, chúa nhật 4/10/2020, Đức Cha Philip Tartaglia, Tổng giám mục giáo phận Glasgow, đã cử hành Thánh lễ tạ ơn. Theo dự tính ban đầu, lễ kỷ niệm 100 năm được mừng trọng thể tại Glasgow, cùng với một hội nghị quốc tế với sự tham dự của các đại diện Tông đồ “Sao Biển” từ các nơi, nhưng vì đại dịch, nên buổi lễ chỉ được cử hành dưới dạng trực tuyến.
Sứ điệp của Đức Hồng Y Turkson
Môt tuần trước đó, trong Sứ điệp công bố hôm 28/9/2020, Đức Hồng Y Peter Turkson, chào mừng hoạt động của ngành mục vụ quốc tế dân biển, bắt đầu từ năm 1920 tại Glasgow và hiện nay có sự dấn thân của hàng trăm linh mục cùng với đông đảo những người thiện nguyện tại hàng trăm cảng trên thế giới. Nhờ sự dấn thân của ngành “Sao Biển”, các thủy thủ Công Giáo của 70 ngàn tàu với hơn 1 triệu người được săn sóc về tinh thần và mục vụ.
Đức Hồng Y Turkson cũng nhắc đến số phận đau thương của ngành hàng hải vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19: người ta ước lượng có hơn 300 ngàn thủy thủ bị “kẹt” trên các tàu ở biển khơi, xa cách gia đình. Hồi tháng 7/2020, Tòa Thánh cũng đã nhắc đến và đề cao dịch vụ không thể thiếu được của các thủy thủ và dân biển. Họ đang chiến đấu ở tiền tuyến trong cuộc chiến chống virus corona.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô
Trước đó, ngày 17/6/2020, Đức Thánh Cha đã gửi một sứ điệp video để chia sẻ những khó khăn của dân biển và những người làm nghề hàng hải. Ngài nói:
“Anh chị em thân mến, đây là thời kỳ khó khăn đối với thế giới, vì chúng ta đang phải đương đầu với những khó khăn do virus corona gây ra. Công việc của anh chị em như những người thuộc ngành hàng hải và ngư nghiệp càng trở nên quan trọng, vì bảo đảm cho đại gia đình nhân loại lương thực và các nhu yếu phẩm khác. Chúng tôi biết ơn anh chị em về điều đó. Cũng vì anh chị em thuộc tầng lớp gặp nhiều rủi ro. Trong những tháng gần đây đời sống và công việc của anh chị em đã thay đổi nhiều và anh chị em đã và đang còn phải đương đầu với bao nhiêu hy sinh, những thời gian dài ở trên tàu không thể xuống đất. Sự xa cách gia đình, bạn hữu và quê hương, sự bị lây nhiễm, tất cả những yếu tố đó là một gánh nặng đối với anh chị em hiện nay hơn bao giờ hết.
“Tôi muốn nói với anh chị em rằng: anh chị em không lẻ loi và không bị quên lãng. Công việc của anh chị em, biển khơi, làm cho anh chị em ở xa, nhưng anh chị em hiện diện trong kinh nguyện và tư tưởng của tôi, cũng như nơi những vị tuyên úy và những người thiện nguyện thuộc ngành tông đồ “Sao Biển”. Chính Tin Mừng cũng thường nhắc nhở cho chúng ta điều ấy khi nói với chúng ta về Chúa Giêsu cùng các môn đệ đầu tiên của Ngài, tất cả đều là ngư dân như anh chị em. Hôm nay, tôi muốn gửi đến anh chị em một sứ điệp và một kinh nguyện hy vọng, một kinh nguyện an ủi chống lại mọi nghịch cảnh, và đồng thời khích lệ tất cả những người đang làm việc với anh chị em trong việc mục vụ dân biển.”
“Xin Chúa chúc lành cho mỗi người trong anh chị em, chúc lành cho công việc và gia đình anh chị em, và xin Đức Mẹ Maria, Sao Biển, luôn bảo vệ anh chị em. Tôi cũng chúc lành và cầu nguyện cho anh chị em. Và xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi”.
Giuse Trần Đức Anh O.P.
(Vatican News 11.07.2021)
Để lại một phản hồi