Đại hội thường niên cấp cao lần thứ 139 của Hội Hiệp Sĩ Colombo

Chân phước Michael Mc Givney, Đấng sáng lập Hội Hiệp sĩ Colombo  

ĐẠI HỘI THƯỜNG NIÊN CẤP CAO
LẦN THỨ 139 CỦA HỘI HIỆP SĨ COLOMBO

Giuse Trần Đức Anh, O.P

Tuy ở trong tình trạng đại dịch, Hội hiệp sĩ Colombo vẫn thực hiện được nhiều công trình bác ái, bảo vệ sự sống, bênh vực các tín hữu Kitô bị bách hại, và đặc biệt thăng tiến Năm Thánh Giuse do Đức Thánh Cha Phanxicô đề xương. Những thông báo trên đây cũng như nhiều hoạt động khác được đề cập đến trong Hội nghị thường niên cấp cao lần thứ 139 của Hội Hiệp Sĩ Colombo tiến dành dưới dạng trực tuyến tại thành phố New Haven, bang Connecticut, Hoa Kỳ trong hai ngày: 3 và 4/8/2021.

Vài nét về Hội Hiệp Sĩ Colombo

Hiệp sĩ Colombo là một hội nam giới Công giáo thuộc hàng đông nhất thế giới với hơn 2 triệu đoàn viên thuộc 16 ngàn chi hội tại 12 quốc gia, nhất là tại Bắc Mỹ và Philippines, theo các nguyên tắc bác ái, hiệp nhất, huynh đệ và yêu mến quê hương tổ quốc.

Hội do Chân Phước Linh mục Michael McGivney ở Mỹ thành lập tại New Haven, bang Connecticut. Cha sinh tại Waterbury cùng bang vào năm 1852. Sau khi thụ phong linh mục tại Baltimore năm 1877 lúc 25 tuổi, cha phục vụ cộng đoàn những người Ailen di cư sang Mỹ ở thành phố New Haven. Trong bầu không khí bài Công giáo bấy giờ, cha đã thành lập hội hiệp sĩ Colombo vào năm 1882 để giúp đỡ tinh thần cho các nam tín hữu Công giáo, và hỗ trợ vật chất cho các gia đình bị mất công ăn việc làm, đặc biệt là các góa phụ và gia đình họ sau khi chồng qua đời. Dần dần, Hội bác ái này lớn mạnh lan sang các nơi. Một đặc điểm của Hội là “lòng kính mến và trung thành không lay chuyển” của các hội viên đối với người kế vị thánh Phêrô. Cha McGivney qua đời năm 1890 lúc mới được 38 tuổi.

Năm ngoái, Cha McGivney được phong chân phước ngày 31/10, trong Thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa giáo phận Hartford, Connecticut, do Đức Hồng Y Joseph Tobin, Tổng Giám mục giáo phận Newark, đại diện Đức Thánh Cha, chủ sự. Trong bài giảng, Đức Hồng Y Tobin khẳng định rằng: “Cha McGivney là một linh mục yêu thương đoàn chiên và vui mừng khi thấy các giáo dân cộng tác với nhau như một cộng đoàn. Gia sản cha để lại là việc thành lập Hội Hiệp Sĩ Colombo, một công trình phát sinh từ sứ vụ của Cha như một cha sở để đáp ứng các thách đố mà giáo dân của Cha phải đương đầu. Ngày nay, hội có 2 triệu đoàn viên tại các nơi trên thế giới. Giống như Cha McGivney, chúng ta cũng được Chúa kêu gọi mỗi ngày, trong cuộc sống của chúng ta, trở thành máng chuyển lòng thương xót, và qua đó chúng ta bước vào gia sản thiên quốc của chúng ta”.

Hội nghị thường niên cấp cao  

Hàng năm, vào trung tuần tháng 8, Hội Hiệp Sĩ Colombo vẫn nhóm Hội nghị thường niên cấp cao tại một thành phố khác nhau. Lần chót Hội nghị nhóm họp trực diện lần thứ 137 tại thành phố Minneapolis, Hoa Kỳ, hồi thượng tuần tháng 8/2019 với sự tham dự của 2.200 đại biểu hiệp sĩ và gia đình, cùng với 6 Hồng Y, 75 Giám mục và hơn 115 Linh mục.

Nhưng năm ngoái và năm nay, vì đại dịch, Hội nghị phải tiến hành dưới dạng trực tuyến. Hội nghị thứ 139 năm nay có chủ đề là “Được kêu gọi can đảm trong tinh thần sáng tạo”.

Thánh lễ khai mạc Hội nghị được cử hành sáng ngày 3/8/2021 tại Nhà Thờ Đức Mẹ Maria ở New Haven, nơi có mộ của Chân Phước sáng lập.

Sứ điệp của Đức Hồng Y Quốc vụ khanh

Trong Thánh lễ có công bố một sứ điệp của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh Đức Thánh Cha gửi Hội Hiệp Sĩ Colombo. Trong đó, Đức Hồng Y ghi nhận chủ đề Hội nghị năm nay lấy cảm hứng từ Tông thư của Đức Thánh Cha “Patris Corde” (Với tâm lòng người cha) về thánh Giuse, Bổn mạng Giáo Hội hoàn vũ.

Đức Hồng Y viết: “Gương thánh Giuse về lòng can đảm với tinh thần sáng tạo trong việc chu toàn ơn gọi như người Cha của Thánh Gia, khiến thánh nhân đặc biệt là một mẫu gương tốt lành cho tất cả mọi người nam, trong thời đại có nhiều bấp bênh và thiếu an ninh hiện nay, đang tìm cách kiên trì trong niềm trung thành với Chúa chúng ta và Giáo Hội của Ngài, phó thác cuộc sống bản thân và cuộc sống của gia đình họ cho sự hướng dẫn quan phòng và chăm sóc của Thánh Giuse”.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh cũng nhắc lại rằng: “Đức Thánh Cha một lần nữa cám ơn các Hiệp sĩ Colombo vì những hoạt động bác ái đa diện, đặc biệt những hoạt động được thi hành trong năm qua, khi cuộc khủng hoảng y tế trên thế giới càng gia tăng nhu cầu của rất nhiều anh chị em chúng ta trên thế giới. Đức Thánh Cha rất đề cao giá trị chứng tá này về tình huynh đệ đại đồng, phát sinh từ linh đạo hiệp thông của chúng ta trong Thân Mình Chúa Kitô. Ngài cũng biết rõ truyền thống của Hội Hiệp Sĩ Colombo về lòng kính mến không lay chuyển đối với người kế vị Thánh Phêrô và quảng đại cộng tác vào việc chu toàn sứ vụ tông độ của Người. Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn luôn biết ơn sâu sắc đối với các Hiệp Sĩ Colombo vì sự hỗ trợ không lay chuyển đối với các anh chị em chúng ta đang bị bách hại vì đức tin”.

Tường trình của tân thủ lãnh Hội Hiệp Sĩ Colombo

Đầu hội nghị, ông Patrick Kelly, thủ lãnh thứ 14 của Hội Hiệp sĩ Colombo, đã tường trình hoạt động của Hội trong năm qua và các dự án trong những tháng sắp tới. Ông vốn là một luật gia và có cao học thần học tại Học viện Gioan Phaolô II về hôn nhân và gia đình thuộc đại học Công giáo Hoa Kỳ ở thủ đô Washington. Ông đã phục vụ hơn 20 năm trong Hải quân Mỹ và về hưu với cấp bậc Đại tá trong đoàn thẩm phán của hải quân (JAG), chuyên về công pháp quốc tế. Ông gia nhập Hội Hiệp Sĩ Colombo năm 1983 và năm 2017 được bầu làm Phó Thủ lãnh Hội hiệp sĩ này. Trong tư cách đó, ông đã giữ vai trò hàng đầu trong các hoạt động của Hội Hiệp sĩ bênh vực tự do tôn giáo quốc tế. Tháng 3 năm nay, ông kế nhiệm thủ lãnh Carl Anderson.

Ông Kelly cho biết, trong 20 năm dưới sự lãnh đạo của vị tiền nhiệm, số thành viên Hội Hiệp sĩ Colombo đã tăng thêm hơn 400 ngàn người, và tài trợ bác ái của Hội tăng hơn 60%. Hội lan rộng sang Âu châu và Á châu.

Hội Hiệp sĩ Colombo tích cực tham gia và hỗ trợ Năm Thánh Giuse do Đức Thánh Cha Phanxicô ấn định. Hội nhiệt liệt đáp ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha: hãy noi gương can đảm trong tinh thần sáng tạo của Cha Nuôi của Chúa Cứu Thế. Ông Kelly nói: “Nơi Thánh Giuse, chúng ta thấy sứ mạng và công tác của chúng ta là gìn giữ gia đình, bênh vực chân lý. Thánh nhân hướng dẫn qua việc phục vụ và lòng can đảm trong tinh thần sáng tạo… Đó là con đường duy nhất để vượt thắng những chướng ngại mà các gia đình, Giáo hội và nền văn hóa của chúng ta đang phải đương đầu”.

Cũng trong ý hướng này, ông Kelly cho biết vào mùa Thu này, Hội Hiệp Sĩ Colombo sẽ tham gia việc thực hiện và trình chiếu trên truyền hình một phim về Thánh Giuse, trình bày tại sao thánh nhân là một mẫu gương lý tưởng cho nam giới Công giáo.

Trong bài tường trình, ông Patrick Kelly cũng cho biết trong năm qua, Hội Hiệp Sĩ Colombo đã trợ giúp hơn 150 triệu Mỹ kim cho việc bác ái và hơn 47 triệu giờ phục vụ thiện nguyện. Hội đặc biệt tài trợ các hoạt động bênh vực các tín hữu Kitô bị bách hại như tại Nigeria, đáp ứng các nhu cầu của nhiều nạn nhân đại dịch Covid-19, hỗ trợ 7 triệu 700 ngàn Mỹ kim cho các dự án bác ái của các giáo xứ trong lãnh vực này, cũng như khoảng 600 ngàn kilô thực phẩm.

Các chi hội đã tài trợ nhiều dự án địa phương trong kỳ đại dịch, trong đó có sự tài trợ các Tiểu Muội người nghèo, cung cấp thực phẩm trị giá hơn 335 ngàn Mỹ kim cho các thổ dân ở bang New Mexico, Arizona và Utah.

Đức Tổng Giám mục William Lori

Thứ Tư, 4/8/2021, lễ kính thánh Gioan Maria Vianney, ngày cuối của Hội nghị, Đức Cha William Lori, Tổng Giám mục Giáo phận Baltimore, Tổng tuyên úy của Hội Hiệp Sĩ Colombo, đã chủ sự Thánh lễ bế mạc. Trong bài giảng, ngài nêu bật những điểm tương đồng giữa thánh Vianney và Chân Phước Michael McGivney: cả hai đều là những vị mục tử nhiệt thành của đoàn chiên. Thánh Vianney dành nhiều giờ mỗi ngày để giải tội cho các tín hữu và đã làm cho giáo xứ “hoang tàn” của ngài trở nên sinh động vào cuối đời. Chân phước McGivney là vị mà Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi “lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng” và “nổi bật về chứng tá tình liên đới Kitô và trợ giúp huynh đệ”. Cả hai vị đều là những mục tử cảm thấy và sống những đau khổ của các giáo hữu và giúp họ hướng tâm trí tránh xa tội lỗi và lầm lạc. Đó cũng là đức bác ái chân thực mà các tín hữu chúng ta phải noi theo.

Nguồn: vaticannews.va/vi/

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*