Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 tại Budapest, Hungari (5-12/9/2021)

ĐẠI HỘI THÁNH THỂ QUỐC TẾ LẦN THỨ 52
TẠI BUDAPEST, HUNGARI (5-12/9/2021)

“Tất cả nguồn mạch của con ở nơi Chúa” (Tv 87,7)

 Nguồn: https://www.iec2020
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Thanh Phong

Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 tại Budapest, Hungagy, được dự định tổ chức từ 13 – 20/9/2020, theo chu kỳ 4 năm một lần. Tuy nhiên, vì tình hình y tế thế giới năm 2020, nên được dời sang năm 2021 và sẽ diễn ra từ ngày 5 đến ngày 12 tháng 9 năm 2021.

Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 34 (25-30/5/1938) đã tổ chức tại Budapest với chủ đề “Thánh Thể, nguồn nối kết yêu thương”. Vì thế, đây là lần thứ hai, Đại hội Thánh Thể Quốc tế được tổ chức tại nước Hugary.

Lịch sử Đại hội Thánh Thể Quốc tế

“Vào giữa thế kỷ XIX ở các nước châu Âu, đặc biệt tại Pháp, các sáng kiến nhằm cổ vũ lòng tôn kính Thánh Thể đã bắt đầu phát triển với một tốc độ phi thường. Sự canh tân này về linh đạo Thánh Thể như một phản ứng chống lại những thay đổi xã hội theo sau sự thất bại trong lối sống khắc khổ của phái Jansenist và chế độ chính trị xã hội phong kiến quý tộc ở Pháp thời đó, cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp. Sự canh tân này đặt trọng tâm vào việc tôn thờ Thánh thể và ơn hòa giải với Đức Giêsu Kitô, vị Thiên Chúa ẩn mình nơi Bí tích Thánh Thể, Đấng đã “bị sỉ nhục bởi những kẻ kiêu ngạo và bị những người nắm giữ công quyền bỏ qua, những người đã lấy việc tục hóa xã hội làm mục tiêu của họ.”

(R. Aubert, Eucharistic congresses from Leo XIII to Paul VI, in Concilium 1, 1960, p. 118.)

Trong bối cảnh lịch sử này, ý tưởng về Đại hội Thánh Thể trở nên sống động ngay sau năm 1870. Sự kiên trì của nữ giáo dân Émilie-Marie Tamisier (1834-1910) đã có một vai trò then chốt trong việc hình thành Đại hội Thánh Thể. Bà Émilie-Marie Tamisier là học trò của Thánh Pier Giuliano Eymard (1811-1868) và Cha Antoine Chevrier (1826-1879), và cũng được nâng đỡ bởi Đức Cha Gaston de Ségur (1820-1880) vốn là tông đồ của linh đạo Thánh Thể và là một đại diện nổi bật của Công giáo nhiệm nhặt ở Pháp.

Mục đích của Đại hội là hợp nhất lòng tôn kính Thánh Thể cực trọng và các sự kiện đông người để giúp mọi người trở nên nhạy bén với “sự hiện diện” của Thánh Thể, và cho những tín hữu Công giáo thấy được sự đông đảo và mạnh mẽ của mình. Vào thời điểm đó, những kế hoạch này khó thực hiện vì sự căng thẳng giữa Giáo hội và chính phủ Pháp. Tuy nhiên, nhờ các tín hữu Công giáo miền Bắc nước Pháp, nơi các hiệp hội Thánh Thể bắt đầu phát triển mạnh mẽ, Đại hội Thánh Thể đầu tiên đã được tổ chức tại Lille vào tháng 6 năm 1881. Ngoài các tín hữu Pháp và Bỉ, còn có các phái đoàn đến từ tám quốc gia khác nhau. Ban tổ chức đã quyết định thành lập một ủy ban để đảm bảo tính liên tục của phong trào này và họ đã hoạch định chương trình của các đại hội trong tương lai, bao gồm bài thuyết trình, bài tường thuật, các cử hành thờ phượng và cuộc rước kiệu kết thúc.

Một năm sau, Đại hội thứ 2 diễn ra tại Avignon (Pháp), nhờ sự hỗ trợ của Huynh đoàn sám hối (Grey Penitents). Năm 1883, Đức Tổng Giám mục Doutreloux, giáo phận Liège (Bỉ), đã đón tiếp những người tham dự Đại hội, và cuối cùng, một cuộc rước long trọng cũng được diễn ra tại thành phố Liège. Sự kiện này đã trở thành dấu chỉ hữu hình đối với lòng tôn kính Thánh Thể ở quy mô xã hội theo ý hướng của những người tổ chức.

Đại hội lần thứ 4 đã diễn ra tại Fribourg, Thụy Sĩ vào năm 1885, dưới sự hướng dẫn của Đức Cha Mermillod, sau đó, trở thành Chủ tịch Ủy ban Thường trực của Đại hội. Những Đại hội tiếp theo đã quay trở lại Pháp: tại Toulouse (1886), tại Paris (1888), tiếp theo tại Bỉ một lần nữa (Antwerp, 1890).

Theo yêu cầu của Đức Lêô XIII, vị Giáo hoàng nhìn nhận Bí tích Thánh Thể như là bí tích tái lập sự hợp nhất Công giáo ảnh hưởng đến các nghi lễ, Đại hội lần thứ 8 đã diễn ra tại Giêrusalem vào năm 1893. Ngài đã cử đặc sứ chính thức đến Đại hội là Hồng y Langénieux, và chỉ ra rằng: tầm quan trọng của sự kiện là khát vọng hợp nhất.

Việc bầu chọn Đức Piô X, “vị Giáo hoàng của Bí tích Thánh Thể”, đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử các Đại hội Thánh Thể. Trong khi có sự gia tăng tham dự của đông đảo tín hữu, nhấn mạnh tính chất quốc tế của các Đại hội, thì phong trào Thánh Thể ngày càng được liên kết nhiều hơn với phong trào phụng vụ nổi lên trong thời gian này.

Sự gặp gỡ của hai phong trào này làm nổi bật mối quan hệ nền tảng giữa Giáo hội và Bí tích Thánh Thể, làm thúc đẩy lý tưởng “tham gia tích cực” mà tự sắc Inter Sollicitudines (1903) của Đức Piô X nhấn mạnh như một nguyên tắc Giáo hội học đích thực. Đồng thời, các Đại hội Thánh Thể sẽ minh họa và hỗ trợ các văn kiện Giáo hoàng về việc Rước lễ thường xuyên và Rước lễ lần đầu. Mười lăm Đại hội Thánh Thể đầu tiên đã diễn ra tại các nước nói tiếng Pháp. Tuy nhiên, Đại hội lần thứ 16 được Đức Piô X quy tụ tại Rôma vào năm 1905. Sau Tournai (Bỉ, 1906), ngài đã chọn ba thành phố tại các nước mà người Tin lành chiếm đa số: Metz, thành phố này là một phần của Đức vào thời điểm đó (1907), London (Anh, 1908) và Cologne (Đức, 1909).

Năm 1910, Đại hội đã vượt đại dương, và được tổ chức tại Montreal, Canada. Trong khi tầm quan trọng của các phái đoàn nước ngoài không ngừng tăng lên, thì tại Đại hội Madrid (Tây Ban Nha, 1911) và đặc biệt là tại Đại hội Vienna (Áo, 1912), các buổi cử hành quy mô và những cuộc rước Thánh Thể ấn tượng đã tác động mạnh mẽ đến dư luận.

Sau Thế chiến thứ nhất, truyền thống này được tiếp tục với Đại hội tại Rôma (1922) dưới triều đại của Đức Giáo hoàng Piô XI. Kể từ thời điểm đó, trong khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, các Đại hội không đối phó với các yêu cầu “thế tục” nữa, đúng hơn nhấn mạnh đến nhân chứng chắc chắn cho mầu nhiệm đức tin Kitô giáo.

Sau Thế chiến thứ hai, mối liên hệ giữa các Đại hội Thánh Thể và phong trào phụng vụ bắt đầu có hiệu quả vì Thánh lễ ngày càng trở thành trung tâm của Đại hội. Kỷ nguyên mới của Giáo hội phát triển tại Đại hội Munich (Đức, 1960), nhờ Đức Hồng y Doepfer và một nhóm các nhà thần học tận tâm, mọi biểu lộ tôn kính Thánh Thể đều có ý nghĩa qua Thánh lễ.

Hơn nữa, khi làm mới các nguyên tắc thần học cơ bản của các Đại hội Thánh Thể, Cha J.A. Jungmann, SJ đã gợi ý rằng, những sự kiện tại Đại hội, mà cao điểm là Thánh lễ do vị Đại diện Đức Thánh Cha cử hành, nên được coi là “Statio Orbis”, tức là “như một trạm, là nơi một cộng đoàn mời gọi Giáo hội phổ quát đến cầu nguyện và làm mới cam kết của mình”, gợi ý này có liên quan đến truyền thống Rôma về “Statio Orbis”. Bằng cách này, các Đại hội Thánh Thể được hoàn toàn hòa nhập trong tiến trình canh tân phụng vụ, thần học và tu đức của Công đồng Vaticanô II, và hình ảnh mới về Đại hội Thánh Thể đã được ghi lại trong sách Lễ nghi Rôma về việc rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ năm 1973 (đoạn 109-111).

Trong suốt thời kỳ sau Công đồng, các Đại hội Thánh Thể từ Bombay (Ấn Độ, 1964) đến Bogotá (Côlômbia, 1968), từ Melbourne (Úc, 1972) đến Philadelphia, (Mỹ, 1976) và Lộ Đức (Pháp, 1981) đã ngày càng mở ra đối với niềm vui, đau khổ, hy vọng và nhu cầu của thế giới, và đặt nền trên Bí tích Thánh Thể, các Đại hội đã đóng góp vào sự phát triển của một xã hội công bằng và nhân bản hơn.

Những giá trị phổ quát của gia đình, hòa bình và tự do, và nhu cầu Tân Phúc âm hóa được đặt ở trung tâm của các Đại hội Thánh Thể, trải dài trên toàn thế giới từ Nairobi (Kênya, 1985) đến Quebec, (Canada, 2008), thông qua các đại hội mẫu mực tại Seoul (Hàn Quốc, 1989), Sevilla (Tây Ban Nha, 1993), Wrocław (Ba Lan, 1997), Rôma (Năm Thánh 2000), Guadalajara (Mêxicô, 2004), Quebec (Canada, 2008), Dublin (Ireland, 2012). Tại Đại hội lần thứ 51 ở Cebu (Philippines, 2016), mối liên hệ giữa Bí tích Thánh Thể và sứ mạng của Giáo hội đã được nhấn mạnh.

Nguồn: giaophannhatrang.org/

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*