Vị linh mục bước vào … và lấy đá bàn thờ(2) ra, bỏ vào túi, rồi với những tấm vải len thấm dầu, ngài đốt dầu thánh và ném tro ra bên ngoài. Ngài đổ hết chai nước thánh, thổi tắt đèn chầu và để nhà tạm trống, như thể từ nay trở đi luôn luôn là Thứ Sáu Tuần Thánh.
Thứ ba tuần trước – ngày đầu tiên không có thánh lễ cộng đồng nào trong giáo phận – tôi đã nhớ lại cảnh tượng này trong cuốn tiểu thuyết Brideshead Revisited của Evelyn Waugh, khi vị linh mục đến đóng cửa nhà nguyện của gia đình Marchmain. Cách riêng, dòng cuối cùng trong cuốn tiểu thuyết vang lên trong tâm trí tôi: cứ như thể từ giờ trở đi luôn là Thứ Sáu Tuần Thánh.
Đúng là sự so sánh loại suy này không hoàn hảo. Tình hình của chúng ta không hoàn toàn giống như Thứ Sáu Tuần Thánh. Thánh lễ vẫn còn được cử hành (mặc dù riêng tư), Chúa Thánh Thể vẫn hiện diện, và các nhà thờ vẫn mở cửa cho mọi người đến cầu nguyện. Tuy nhiên, mặc dù cần thiết, việc ngừng Thánh lễ cộng đồng thực sự tạo ra một nỗi buồn không kém gì Thứ Sáu Tuần Thánh. Nó giống như bị lưu đày phải rời xa người thân yêu: chúng ta biết Chúa ở đâu, nhưng không thể ở với Ngài.
Có một cuộc lưu đày khác cũng đau đớn không kém: cuộc lưu đày của vị linh mục khỏi giáo dân của mình. Các tín hữu trên khắp thế giới phải chịu nỗi đau của cuộc sống không có Thánh lễ, các linh mục phải chịu nỗi đau của cuộc sống không có giáo dân. Linh mục đã hiến mạng sống của mình cho đàn chiên của Đức Kitô. Giờ đây các ngài đang chiến đấu để hiểu cuộc sống của mình khi phải xa đàn chiên. Thánh Phêrô khích lệ các mục tử của Giáo hội: Hãy chăn đàn chiên của Chúa ở giữa anh em (1 Pr 5, 2). Nhưng phải làm gì khi đàn chiên không còn ở giữa linh mục … và ‘không được phép’ ở bên linh mục ?
Toàn bộ tình hình rõ ràng làm nổi bật một chân lý về chúng ta – các linh mục quản xứ : chúng ta được phong chức vì giáo dân (propter homines) – để phục vụ dân Chúa. Cuộc sống chúng ta sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có dân chúng để phục vụ hoặc đàn chiên để chăm sóc. Khi được hỏi cảm tưởng về giáo dân, Thánh Gioan Henri Newman đã có nhận xét nổi tiếng: “Giáo hội sẽ trông thật buồn cười nếu không có giáo dân”. Hóa ra, chúng ta là những linh mục trông buồn cười nhất trong kịch bản đó.
Chúng ta đau đớn nhận thức được điều gì sẽ xảy ra khi một linh mục mất đi cái nhìn siêu nhiên và ý thức về sự thánh thiêng. Linh mục ấy không chỉ trở nên vô dụng nhưng còn nguy hiểm. Trước hết, một linh mục phải hướng về và chú ý đến những gì linh thánh. Nhưng bây giờ chúng ta nhận thấy rõ hơn mặt khác của nan đề. Linh mục duy trì sự định hướng và tập trung vào điều thánh thiêng không phải cho chính mình mà cho những người khác. Vì thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội (Hr 5, 1). Khi không có sự hiện diện của những người mà linh mục phục vụ, thì linh mục có thể quên mất mục đích của mình.
Việc ngừng Thánh lễ cộng đồng, giống như bất kỳ thập giá nào mà chúng ta đang vác, đều có thể và nên trở thành cơ hội tăng trưởng đời sống thiêng liêng. Chúng ta cần rút ra những gì tốt đẹp có thể có từ đau khổ này. Điều này có thể có ý nghĩa gì đối với linh mục?
Vâng, để khởi đầu, sự vắng mặt của cộng đoàn có thể nhắc nhở các linh mục rằng trong Thánh lễ, họ hiện diện trước nhan thánh Chúa thay mặt cho giáo dân. Tất nhiên, giáo dân không hiện diện ở đó. Nhưng linh mục ở đó thay cho họ và thay mặt họ. Điều này làm nổi bật sự khác biệt giữa một người hướng dẫn cầu nguyện và một linh mục. Người hướng dẫn chỉ đơn giản là điều phối, hướng dẫn hành động của cộng đoàn. Tất cả những gì họ cần là sự ủy quyền, không phải là sự xác nhận của Thiên Chúa.
Nhưng linh mục được đặt lên thay cho con người trong các mối tương quan với Thiên Chúa. Linh mục đứng trước Đấng Toàn Năng như hiện thân của những lời cầu nguyện và hy sinh của giáo dân – cho dù họ có ở đó hay không. Sự vắng mặt của giáo dân sẽ làm cho linh mục thấy rõ hơn chân lý này.
Một ánh sáng rạng rỡ khác là lòng quảng đại và sự khéo léo theo Tin mừng nơi rất nhiều linh mục khi không có giáo dân. Khi nước Anh bị ném bom trong Thế chiến thứ hai, Đức Ông Ronald Knox đã lui về ở Mells để dịch bản văn Kinh Thánh. Ngài đột nhiên thấy mình là tuyên úy của một trường nữ sinh đã được sơ tán từ London đến thị trấn vắng vẻ này. Đây không phải là một kịch bản tốt nhất với người ham đọc sách như Đức Ông và cũng không phải là những gì mà ngài đang tìm kiếm. Nhưng phản ứng của ngài lại quảng đại, sáng tạo và kiên trì. Từ việc làm tuyên úy bất ngờ đó, hai tác phẩm hay nhất của ngài đã ra đời: The Creed in Slow Motion và The Mass in Slow Motion.
Vì vậy, nhiều linh mục khi xa cách giáo dân đang làm tốt nhất những gì có thể. Tình hình thật đáng buồn, và đó không phải những gì họ đã chọn. Nhưng họ không bỏ cuộc. Các linh mục đang tìm cách truyền giáo theo những cách thức khác. Internet tạo ra các giải pháp sáng tạo khả thi và nhiều linh mục đã tìm thấy cơ hội này để tiếp cận đàn chiên không còn ở giữa họ nữa.
Hơn nữa, toàn bộ tình huống này cho thấy bản chất đích thực của thừa tác vụ linh mục – đó thực sự là vấn đề của tình phụ tử thiêng liêng, của một người cha hiện diện với dân chúng của mình. Việc không thể hiện diện trực tiếp với người dân làm nổi bật nhu cầu phải hiện diện với họ.
Điều này cũng cho thấy rằng khuynh hướng xem mọi công nghệ như giải pháp loan báo Tin mừng là không đầy đủ, công nghệ chỉ thay thế tạm thời. Có một nghịch lý thú vị trong tình huống này, cả linh mục và giáo dân đều phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ và hiểu biết sâu sắc hơn về giới hạn của nó. Dù hữu ích (email, livestream, các video, v.v.) nhưng chúng thực sự không thể giúp chúng ta liên lạc với nhau. Nó chỉ giúp chúng ta khắc phục cho đến khi sự giao tiếp đích thực – không qua trung gian, là diện đối diện, người với người – có thể được khôi phục.
Không có gì thay thế được sự hiện diện của mục tử ở giữa đoàn chiên của mình. Và trái tim linh mục không thể bằng lòng với một kết nối ảo bởi vì trái tim ấy khao khát điều chân thật.
Một điểm cuối cùng rút ra từ những khó khăn này: giáo dân gia tăng sự quý chuộng lòng đạo đức. Việc thiếu một Thánh lễ cộng đồng vào Chúa Nhật sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của tất cả các tín hữu Công giáo, cho dù họ có nhận ra điều đó hay không. Nhưng nhiều người nhận ra điều đó. Họ khao khát Thánh lễ, họ vẫn đến nhà thờ để cầu nguyện, và họ mong muốn nhận được tất cả những gì mà một linh mục mong muốn trao ban. Việc nhìn thấy nỗi đau và sự khao khát của giáo dân khích lệ chúng ta sống xứng đáng với họ.
Những đau khổ của chúng ta là một mùa Vọng bất ngờ. Chúng ta đang chờ đợi – và do đó cũng đang chuẩn bị – lúc vị linh mục của Đức Kitô có thể hiện diện trở lại với dân Ngài.
Tác giả: Lm. Cha Paul D. Scalia(1)
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Thanh Phong
Từ: thecatholicthing.org (22.3.2020)
Nguồn: giaophannhatrang.org
(1)Cha Paul D. Scalia thuộc Giáo phận Arlington, bang Virginia, USA. Ngài hiện đang là Đại diện Giám mục đặc trách giáo sĩ và là linh mục quản xứ Giáo xứ thánh Giacôbê.
(2)Altar stone: một phiến đá có thánh tích của các vị tử đạo, vốn là một phần của bàn thờ Công giáo Rôma
Để lại một phản hồi