Lúc 15:45, từ Đại chủng viện thánh Carlo Borromeo, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến Luník IX cách đó 6,6km để gặp cộng đồng người Rom. Luník IX là một trong 22 quận của thành phố Košice, nơi có mật độ người Rom cao nhất ở Slovakia. Theo luật năm 1990 của Hội đồng quốc gia Cộng hòa Slovakia, Luník IX được thiết lập như một quận tách biệt, với một chính quyền tự quản riêng. Hiện nay, vùng này có khoảng 4.300 người Rom sinh sống, nhưng con số chính xác thì khó xác định.
Đức Thánh Cha đến Luník IX, tại quảng trường trước Trung tâm Salegiêng lúc 16:00 giờ và được cha Peter Bešenyei, Giám đốc của Trung tâm cùng với hai trẻ em người Rom chào đón.
Buổi gặp gỡ bắt đầu với lời chào mừng ngắn của cha Peter, sau đó là lời chứng của một gia đình người Rom, người đã tìm được chỗ đứng trong thế giới công việc.
Chia sẻ của Đức Thánh Cha
Trong bài chia sẻ đáp lời, Đức Thánh Cha đã lặp lại lời cửa thánh Phaolô VI đã từng nói với cộng đồng người Rom năm 1965: “Anh chị em ở trong Giáo hội, anh chị em không ở bên lề… Anh chị em ở nơi con tim Giáo hội”, ngài khuyến khích: “Không ai trong Giáo hội nên cảm thấy lạc lõng hoặc bị bỏ rơi. Đó không chỉ là một cách nói, đó là cách hiện hữu của Giáo hội.”
Thiên Chúa nhìn thấy chúng ta là con cái: Người nhìn với cái nhìn của người Cha, cái nhìn yêu mến dành cho mỗi đứa con. Nếu tôi đón nhận ánh nhìn ấy lên tôi, thì tôi học được cách nhìn người khác tốt hơn: tôi khám phá ra rằng, còn có những người con khác của Thiên Chúa bên cạnh tôi và tôi nhận họ là anh em. Đây là Giáo hội, một gia đình gồm những anh chị em cùng một Cha, Đấng đã cho chúng ta Chúa Giêsu là người anh em, để chúng ta hiểu được Người yêu tình huynh đệ đến nhường nào. Và Người muốn toàn thể nhân loại trở thành một đại gia đình.
Đi từ lời chứng thực tế của anh Ján, Đức Thánh Cha nói rằng: Anh Ján và Beáta vợ anh đã chào tôi: anh chị đã cùng nhau đặt ước mơ của gia đình trước sự đa dạng tuyệt vời về nguồn gốc, phong tục, tập quán của mình. Hơn nhiều lời nói, chính cuộc hôn nhân của anh chị là minh chứng cho sự cụ thể của việc chung sống có thể phá đổ nhiều định kiến cho rằng, điều này dường như không thể vượt qua được. Không dễ gì vượt ra khỏi thành kiến, ngay cả giữa các Kitô hữu. Thật không dễ để đánh giá cao người khác, người ta thường nhìn thấy những trở ngại hoặc như kẻ thù, và diễn tả sự xét đoán mà không cần biết khuôn mặt và câu chuyện của họ.
Liên quan đến sự xét đoán, Đức Thánh Cha trích lời Chúa Giêsu: “Đừng xét đoán”. Ngài nói: “Đức Kitô nói với chúng ta: “Đừng xét đoán”. Tuy nhiên, đã bao nhiêu lần, chúng ta không chỉ ngồi lê hay đồn thổi, mà còn tự cho mình là công chính khi làm người phán xét khắt khe về người khác. Khoan dung với bản thân, nhưng lại cứng rắn với người khác. Thực tế, các xét đoán là định kiến bao nhiêu, thì chúng ta thường tô màu thêm bấy nhiêu! Đó là dùng lời nói làm biến chất vẻ đẹp của con cái Thiên Chúa, là anh em của chúng ta. Không thể hạ giảm thực tại về người khác thành những mô hình có sẵn của chính mình, không thể đóng khung người khác. Trên hết, để thực sự biết về người khác, chúng ta phải nhận biết họ: nhận biết rằng mỗi người đều mang nơi mình vẻ đẹp tuyệt vời của một người con Thiên Chúa, nơi đó phản chiếu hình ảnh Đấng Tạo Hóa.”
Đức Thánh Cha khuyến khích những người Rom sống trong sự hội nhập và phẩm giá. Ngài nói: “Sự bốc đồng và lời lẽ to tiếng chẳng giúp ích gì. Cô lập người khác không giải quyết được gì. Khi gia tăng sự đóng kín, thì sớm hay muộn cơn giận cũng bùng lên. Con đường để chung sống hòa bình là hội nhập. Đó là một quá trình hữu cơ, chậm rãi và quan trọng, bắt đầu với sự hiểu biết lẫn nhau, tiến bước với sự kiên nhẫn và hướng tới tương lai. Và tương lai sẽ thuộc về ai? Thuộc về con cái chúng ta. Chính chúng giúp định hướng chúng ta: những ước mơ lớn của chúng không thể va vào những bức tường chúng ta dựng lên. Chúng muốn phát triển cùng với những người khác, không có ngăn trở và không bị dập tắt. Chúng xứng đáng có một cuộc sống hòa nhập và tự do. Chúng là những người thúc đẩy những lựa chọn có tầm nhìn xa, vốn không tìm thấy sự đồng thuận ngay lập tức nhưng hướng đến tương lai của mọi người. Những lựa chọn can đảm phải được thực hiện vì con cái chúng ta: vì phẩm giá của chúng, vì sự giáo dục của chúng, để chúng lớn lên vừa bén rễ nơi nguồn gốc của chúng nhưng cũng đồng thời không bị ngăn trở trước những cơ hội.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha cảm ơn những người đang dấn thân giúp cộng đồng người Rom. Ngài nói: “Tôi cảm ơn những người thực hiện công việc hội nhập này, ngoài việc đòi hỏi không ít vất vả, đôi khi còn phải nhận sự hiểu nhầm và vô ơn, có lẽ ngay cả trong Giáo hội.
Các linh mục, tu sĩ và giáo dân và những người bạn thân mến! Xin cảm ơn anh chị em là những người đã cống hiến thời gian cho sự phát triển toàn diện của anh chị em của mình! Cảm ơn vì tất cả công việc với những ai ở bên lề. Tôi cũng đang nghĩ đến những người tị nạn và tù nhân. Tôi đặc biệt diễn tả sự gần gũi với những ai đang bị cầm tù. Xin cám ơn cha Peter kể về các Trung tâm Mục vụ, nơi không chỉ trợ giúp xã hội, mà còn đồng hành cá nhân. Hãy tiến bước trên con đường này, dù không thấy được tất cả thành quả ngay lập tức, nhưng nó có tính ngôn sứ, bởi vì nó bao gồm những anh chị em rốt hết, xây dựng tình huynh đệ, gieo hòa bình. Đừng ngại đi ra để gặp gỡ những người thiệt thòi. Anh chị em sẽ thấy mình bước ra để gặp Chúa Giêsu, Người chờ đợi anh chị em ở nơi người đang cần, nơi thiếu thốn; nơi phục vụ chứ không phải nơi quyền lực; nơi nhập thể chứ không phải nơi dễ chịu. Chính người hiện diện ở đó.”
Sau bài chia sẻ, Đức Thánh Cha đọc Kinh Lạy Cha và ban phép lành cho những người hiện diện.
Kết thúc buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha di chuyển đến sân vận động Lokomotiva để gặp gỡ giới trẻ.
Văn Yên, S.J
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Để lại một phản hồi