Từ ngày 20.09 đến ngày 25.09.2021 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

20.09.2021

THỨ HAI TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolo Chong Hasang và các bạn tử đạo

Lc 8,16-18

Lời Chúa:

“Chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện” (Lc 8,17)

Câu chuyện minh họa:

Sau khi chiếm được thành Babylon rồi, Alexandre đem quân vào Ba Tư, ông đi với 1000 kỵ binh và một đội lục quân trang bị sơ sài. Vì tính khinh thường nguy hiểm, ông không chuẩn bị, thành thử đoàn quân của ông bị một trận rét cắt ruột ở trong hang núi. Vừa cố ra khỏi hang núi thì lại gặp một vùng rét buốt quanh năm. Nước đóng thành băng giá. Quân sĩ của ông hết sức chán chường, cứ tưởng như là chết rét đến nơi. Họ kinh hãi nhìn những vùng tuyết giá mênh mông, không hề có một dấu chân người, làm cho họ vô cùng khiếp sợ. Họ không chịu tiến bước nữa. Họ muốn quay trở lại. Tiến nữa là chỉ có chết.

Thấy lòng dạ quân sĩ như vậy, Alexandre không hề tác oai tác quái, mà cũng không hề đe lời trừng phạt người nào. Ông tự động xuống ngựa, một mình đi bộ tiến về phía trước, về phía những vùng đầy băng tuyết giá lạnh. Những cận thần của ông thấy vậy thì nghĩ rằng nếu không tiến theo ông thì là kẻ hèn nhát, nên cũng đành phải tiến lên. Kế đó, các tướng tá cũng bắt chước, và cuối cùng quân sĩ cũng tiến theo.

Nhà vua luôn giữ vị trí hàng đầu, cầm quốc phá băng, khai mở một con đường. Thấy nhà vua làm như thế, chẳng còn ai dám phàn nàn. Và rồi sau đó ai cũng sắn tay bắt chước nhà vua làm việc. Chính vì thế đội quân của Alexandre đã vượt được rặng núi cheo leo và tới được một địa điểm có bóng người. Cả đội quân thoát chết: Đó là nhờ ý chí cương quyết và lòng can đảm của Alexandre đại đế.

Suy niệm:

Chính việc làm gương mẫu của Alexandre đại đế đã thuyết phục được đội quân của mình, và đã thoát chết. Do đó, những lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau thì mới thuyết phục được người khác.

Qua hình ảnh chiếc đèn trong đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn mỗi Kitô hữu trở nên ngọn đèn đặt ở nơi cao và luôn tỏa sáng, để nhiều người được đón nhận Tin Mừng. Chúa Giêsu chính là tấm gương và là ánh sáng cho chúng ta noi theo vì Người đã sống và làm điều Người dạy. Lời ấy luôn tồn tại mỗi ngày và trở nên sống động hơn khi chúng ta tiếp nhận, lắng nghe, suy gẫm và nhất là đem vào đời sống. Chính lúc ấy là lúc đèn được đặt trên giá cao. Nếu khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa một cách sốt sắng nhưng rồi Lời ấy không đi vào đời sống thì giống như chiếc đèn đặt dưới gầm giường, lấy hũ che lại.

Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi bóng tối của tội lỗi để chúng con luôn bước đi trong ánh sáng của tình thương Chúa.

21.09.2021

THỨ BA TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

Thánh Matthêu tông đồ, tác giả sách Tin mừng

Mt 9,9-13

Lời Chúa:

 “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 9,13)

Câu chuyện minh họa:

Abbé Pierre chuyên giúp những người nghèo và vô gia cư để họ tự lực cánh sinh từ những vật dụng phế thải. Cha kể lại câu chuyện sau đây:

“Có một cựu tù nhân sống lang thang không nhà cửa nên thất vọng dùng dao cắt mạch máu của mình. Có người gọi điện thoại cho Cha. Cha lập tức đến nơi. Cha không một lời an ủi nhưng nói với ông ta như ra lệnh: “Anh đừng tự vẫn. Còn quá nhiều người kém may mắn cần sự giúp đỡ của tôi. Tôi cũng đang bệnh và cần sự giúp đỡ của anh.” Nghe những lời đó, đôi mắt lờ đờ của người đàn ông sáng lên và từ đó ông trở thành một trong những cộng sự viên đắc lực nhất của cha.

Suy niệm:

Chính tình yêu thương đã hoán cải lòng người, và của lễ đẹp lòng Chúa nhất cũng chính là tình thương. Việc cử hành phụng vụ sẽ rỗng tuếch nếu chúng ta không biết yêu thương và tha thứ. Chúng ta chia sẻ tình yêu thương nơi: công sở, làm việc, sinh sống… Chính hành động ấy, chúng ta làm cho Chúa hiện diện cách sống động.

Thánh Matthêu được Chúa kêu gọi, khi ông còn là người tội lỗi. Chính việc kêu gọi, Chúa đã cải biến con người ông. Ông lập tức đứng dậy đi theo Người mà không chút do dự. Ông theo Chúa với sứ mệnh là một lương y, để chăm sóc những con chiên đau ốm và bị thương tích. Chúa Giêsu đã dùng tình thương và sự cảm thông mà đối xử với Matthêu để ông nhận ra lòng thương xót của Chúa. Bởi Chúa luôn quan tâm đến người tội lỗi, để họ quay về với đường ngay nẻo chính, vì “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 9,13)

Ngày nay Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta làm tông đồ cho Chúa dưới nhiều hình thức, chúng ta có đáp lại tiếng Chúa không? Chúng ta có bước ra khỏi những vướng mắc của tội lỗi và những bám víu vật chất để đi theo Chúa không?

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết lắng nghe lời mời gọi yêu thương của Chúa để chúng con tránh xa điều tội lỗi, và mau mắn vứt bỏ mọi sự để bước theo Chúa trên con đường thánh thiện.

 

 

 

 

 

22.09.2021

THỨ TƯ TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

Lc 9,1-6

Lời Chúa:

“Anh em đừng mang gì đi đường…” (Lc 9,3)

Câu chuyện minh họa:

Nhân dịp kỷ niệm bốn mươi năm cuộc Cách mạng tháng Mười, chủ tịch Kruschev của Liên Xô đã dành cho ba ký giả người Mỹ một cuộc phỏng vấn gần bốn tiếng đồng hồ. Với một giọng ôn tồn và thao thao, chủ tịch Kruschev có câu trả lời cho mọi vấn đề. Sau ba giờ tranh luận, ông còn tươi tỉnh hơn bao giờ hết, và có vẻ càng nói càng dồi dào sức khỏe hơn.

Thế nhưng, bầu không khí bỗng trở nên căng thẳng khi một ký giả đặt câu hỏi:

– Thưa Tổng bí thư, ông thường ám chỉ đến Thiên Chúa, đến linh hồn, đến tự do tâm linh, thế thì làm sao giải thích được sự kiện một thanh niên có tín ngưỡng lại không được đề bạt thăng cấp trong hàng ngũ đảng?

Chủ tịch Kruschev trả lời: “vì tình cảnh không tương hợp, chúng tôi là những người vô thần, chúng tôi sử dụng danh Chúa để nguyền rủa ông Kitô, đó chỉ là một thói quen.”

Giọng nói của chủ tịch Kruschev mỗi lúc một lớn dần. Ba ký giả Mỹ ngỡ ngàng trước sự giận dữ bất thần của ông, và họ biết được đâu là kẻ thù mạnh nhất, đáng sợ nhất của ông.

Tin hay không tin, cách này hay cách khác, không ai có thể tránh khỏi Thiên Chúa. Chối bỏ hay nguyền rủa Ngài cũng là cách gọi Danh Ngài.

Suy niệm:

Giọng nói của chủ tịch Kruschev mỗi lúc một lớn dần có lẽ để khỏa lấp và phủ định Thiên Chúa. Ông chối bỏ Thiên Chúa nhưng thực ra ông đang phải đối diện với sự thật.

Nhiều khi chúng ta theo Chúa, chúng ta chỉ lo làm công kia việc nọ nhưng không lo làm theo ý Chúa, và lúc đó có lẽ chúng ta đã đánh mất chính mình. Lệnh truyền của Chúa là rao giảng Tin mừng, Ngài bảo các môn đệ không mang theo bất cứ vật gì đi đường để khỏi vướng víu, mà quên đi mục đích chính của mình. Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi những cám dỗ, và cạm bẫy của thế gian mà dường như những cám dỗ đó thường dẫn chúng ta đến sự hưởng thụ. Vì thế chúng ta cần tỉnh thức và lựa chọn thái độ nào để xứng đáng với ơn gọi Kitô hữu.

Lạy Chúa, xin cho chúng con sống tinh thần nghèo khó, không bám víu vào của cải vật chất, để con thanh thoát bước theo Chúa và làm chứng cho Chúa.

 

 

 

 

 

23.09.2021

THỨ NĂM TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

Thánh Piô Pietrelcina, linh mục

Lc 9,7-9

Lời Chúa:

“Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu”. (Lc 9,9)

Câu chuyện minh họa:

Đây là một cuộc đối thoại độc đáo giữa một người tân tòng Công giáo và một người vô thần.

– Anh đã theo đạo Công giáo rồi sao?

– Vâng, nói đúng và rõ hơn, tôi đã xin theo Đức Kitô.

– Thế thì chắc anh biết rất nhiều về ông ta, vậy anh hãy nói cho tôi biết ông ta sinh ra trong quốc gia nào?

– Tôi rất tiếc là tôi đã có học những chi tiết này trong một khoá giáo lý, nhưng tôi lại quên mất.

– Thế khi chết, ông ta được bao nhiêu tuổi?

– Tôi không nhớ rõ lắm nên cũng không dám nói.

– Vậy anh có biết ông ta đã thuyết giảng bao nhiêu bài, có bao nhiêu tác phẩm ông ta để lại, nói chung, về cuộc đời sự nghiệp của ông ta?

– Tôi không nhớ hết được.

– Như vậy, anh biết quá ít, quá mơ hồ để có thể quả quyết là anh đã thực sự theo ông Kitô.

– Anh chỉ nói đúng một phần. Tôi rất hổ thẹn vì mình đã biết quá ít về Đức Kitô. Thế nhưng, điều mà tôi biết rất rõ là thế này: ba năm trước, tôi là một tên nghiện rượu, sáng say chiều xỉn, nợ lút đầu lút cổ. Gia đình tôi xuống dốc một cách kinh khủng. Mỗi tối khi trở về nhà, vợ và các con tôi đều tức giận và buồn tủi. Thế mà, bây giờ thì tôi đã dứt khoát bỏ rượu và đã cố gắng trả được hết nợ nần, gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc, các con tôi ngong ngóng chờ đợi tôi về nhà mỗi tối sau giờ làm ca. Tất cả những điều này, không ai khác hơn, chính Đức Kitô đã làm cho tôi. Và đó là tất cả những gì tôi biết về Ngài.

Suy niệm:

Chúa Giêsu bị nhiều người hiểu không đúng về Ngài, vì thế, là những môn đệ của Chúa, chúng ta đóng vai trò giới thiệu Chúa cho mọi người. Hêrôđê cũng không hiểu về Chúa nên muốn gặp Người để hiểu tường tận, để thoải mãn tính tò mò. Trong xã hội ngày nay cũng thế, có nhiều người không biết Chúa Giêsu là ai, vì thế vai trò của người Kitô hữu rất quan trọng. Chúng ta có thể làm chứng cho Chúa, giới thiệu Chúa bằng nhiều cách, đó là sứ mạng của chúng ta. Chúng ta làm sao để người khác muốn tìm gặp Chúa. Để được như thế, chúng ta cũng cần gặp Chúa trước đã, rồi chúng ta mới có kinh nghiệm giới thiệu Chúa cho người khác.

Lạy Chúa, xin cho chúng con tìm gặp Chúa trong mọi biến cố đời, trong cách sống và cách ứng xứ với tha nhân.

 

 

 

 

 

24.09.2021

THỨ SÁU TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

Lc 9,18-22

Lời Chúa:

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Lc 9,20)

Câu chuyện minh họa:

Lúc ban đầu bà Golda Meir rất thất vọng vì mình chỉ là một cô gái trời bắt xấu. Thế nhưng về sau, bà mới nhận ra rằng: không được đẹp đối với bà lại là một may mắn, bởi vì điều đó đòi buộc bà phải phát triển những tài năng sâu kín hơn. Cuối cùng bà hiểu ra rằng phụ nữ không được ỷ lại vào sắc đẹp của mình, nhưng trái lại phải làm việc chăm chỉ, nhờ đó mang lại lợi ích cho bản thân. Nói cách khác, bà đã biết chấp nhận thập giá của mình, can đảm vác nó lên vai để rồi cuối cùng bà đã trở thành vị nữ thủ tướng đầu tiên của người Do Thái.

Suy niệm:

Đau khổ, thất bại quả là một cơ hội để chúng ta thành công, vì từ những đau khổ đó chúng ta cố gắng hơn. Bởi trong cuộc đời này không phải lúc nào cũng tốt đẹp cả, nhưng quan trọng là chúng ta có vượt lên trên những thất bại, những đau khổ hay không, như lời Khổng Tử đã nói: Ngọc không dũa không sáng, người không bị gian nan thử thách, thì cũng khó mà trở nên hoàn thiện. Cũng vậy, chúng ta dễ nhận ra Chúa khi chúng ta gặp đau khổ, vì nhờ chính những đau khổ chúng ta kêu cầu Chúa. Cũng như giữa ánh sáng ban ngày không thể làm chúng ta nhận ra những ánh sao, chỉ có màn đêm mới làm chúng ta dễ dàng nhận ra những ánh sao lấp lánh trên bầu trời. Nói như thế để chúng ta biết năng chạy đến với Chúa, nhất là những lúc tăm tối của cuộc đời, những hoạn nạn rủi ro, đau khổ Chúa luôn bên cạnh chúng ta.

Chúa Giêsu thăm dò dư luận để biết mọi người suy nghĩ về Chúa như thế nào, và nhất là quan niệm của các môn đệ là những người thân tín của Chúa, họ nghĩ về Chúa như thế nào. Phêrô đã đại diện cho những người kề cận Chúa trả lời một câu mà Chúa hằng mong muốn. Và Chúa Giêsu đã mạc khải thêm về sứ vụ của Ngài: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại”.

“Hôm nay, đối với tôi, Đức Kitô là ai?” Là câu hỏi mà mỗi người cần phải trả lời trước mặt Chúa bằng đời sống của mình. Hay tôi có một chọn lựa khác? Tôi còn chần chờ trước những lựa chọn của tôi?

 Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra Chúa trong cuộc đời con không như một thần tượng, không như những gì chúng con vẽ ra, nhưng xin cho chúng con nhận ra Chúa là chính Chúa, là Đấng Cứu Độ duy nhất của đời con, để chúng con bước theo Chúa mỗi ngày trong niềm tin yêu phó thác.

 

 

 

 

 

25.09.2021

THỨ BẢY TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

Lc 9,43b-45

 

Lời Chúa:

“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. (Lc 9,44)

Câu chuyện minh họa:

Sau quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki, ông Paul Nagai đã trở thành một con người bất hủ, vì sự tận tụy hy sinh vô bờ bến đối với nạn nhân. Ông để lại giòng tâm sự như sau: Từ một kẻ vô thần ông đã trở nên người Kitô hữu như thế nào: Kỳ nghỉ tết đầu năm, lúc tôi học năm thứ hai y khoa, mẹ tôi bị bệnh nặng. Tôi đến bên giường mẹ tôi. Mẹ tôi chỉ còn một chút hơi thở, nhưng cặp mắt vẫn âu yếm nhìn tôi. Cái nhìn cuối cùng của cặp mắt mẹ tôi, người đã sinh thành, dưỡng dục và yêu thương tôi, đã làm cho tôi xúc động và tin chắc chắn: Phải có một linh hồn tồn tại mãi mãi, và từ đó tôi thay đổi nếp sống. Chính cái nhìn của người đã cảm hoá được Paul Nagai.”

Suy niệm:

Chúa Giêsu là quà tặng cho thế gian, Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta. Đây là lần thứ hai Người loan báo cuộc thương khó, Người muốn dẫn chúng ta vào một mầu nhiệm mà Người sẽ thực hiện. Người sẽ bị giết chết và sẽ sống lại, đó là niềm tin và hy vọng của mọi Kitô hữu. Khi Chúa loan báo cuộc khổ nạn, các môn đệ không hiểu gì cũng không dám hỏi lại, chắc hẳn đây cũng là thái độ của mỗi chúng ta khi chưa nhận ra thánh ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời.

Chúa Giêsu đón nhận thập giá để cứu độ chúng ta. Vì thế, là những môn đệ của Chúa chúng ta cũng hãy noi gương Người mà vác lấy thập giá đời mình mỗi ngày, chấp nhận những hy sinh, đau khổ, bất công,… để sau cuộc đời này chúng ta được hưởng vinh quang phục sinh với Người. Chấp nhận hy sinh không phải là cúi mình cam chịu khổ nhục, nhưng Chúa muốn chúng ta bước theo Chúa trên con đường tình yêu. Yêu Chúa và yêu tha nhân.

Lạy Chúa, xin cho con biết dành thời gian để suy niệm về mầu nhiệm tình yêu của Chúa để từ đó chúng con bước theo Chúa cách sát gần hơn.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*