Tiếp kiến chung 22-9-2021: ĐTC Phanxicô chia sẻ chuyến tông du Budapest và Slovakia

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung
Ngày 22.9.2021

ĐTC PHANXICÔ: CHIA SẺ
CHUYẾN TÔNG DU BUDAPEST VÀ SLOVAKIA

  Văn Yên, S.J

Sáng thứ Tư 22/9, tại Hội trường Phaolô VI, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến chung dành cho các khách hành hương. Như thường lệ, sau mỗi chuyến tông du, vào buổi tiếp kiến chung ngay sau đó, Đức Thánh Cha chia sẻ với những người hiện diện về chuyến tông du ngài vừa thực hiện.

Sau bài đọc trích từ sách Công vụ Tông đồ, Đức Thánh Cha bắt đầu bài chia sẻ: “Anh chị em thân mến, chào anh chị em! Hôm nay tôi muốn nói với các anh chị về chuyến tông du mà tôi đã thực hiện đến Budapest và Slovakia, vừa kết thúc cách đây một tuần, vào thứ Tư tuần trước. Tôi sẽ tóm tắt chuyến viếng thăm đó như thế này: đó là một cuộc hành hương của cầu nguyện, một cuộc hành hương về cội nguồn, một cuộc hành hương của hy vọng.”

Đức Thánh Cha lần lượt chia sẻ 3 ý: cầu nguyện, nguồn cội và hy vọng.

Cuộc hành hương của cầu nguyện

  1. Điểm dừng chân đầu tiên là ở Budapest, cho Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế, bị hoãn lại đúng một năm do đại dịch. Việc tham dự buổi cử hành này thật tuyệt. Dân thánh của Chúa, trong ngày của Chúa, đã quy tụ trước mầu nhiệm Thánh Thể, từ đó họ không ngừng được sinh ra và tái sinh. Dân Chúa được ôm lấy bởi Thánh giá phía trên bàn thờ, quay về cùng một hướng mà Bí tích Thánh Thể chỉ ra, đó là con đường của tình yêu khiêm nhường và vô vị lợi, của tình yêu quảng đại và tôn trọng đối với tất cả mọi người, của đức tin thanh tẩy khỏi tính thế gian và dẫn dắt đến điều thiết yếu. Đức tin này luôn luôn thanh tẩy chúng ta và giúp chúng ta tránh khỏi tính thế gian vốn hủy hoại chúng ta. Nó là một con mọt phá hủy chúng ta từ bên trong.

Và cuộc hành hương cầu nguyện đã kết thúc tại Slovakia vào ngày Lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Ở Šaštin cũng vậy, tại Đền thờ Đức Trinh Nữ Bảy Sự Thương khó, rất đông con cái đã đến để mừng lễ Mẹ, đây cũng là ngày lễ tôn giáo của quốc gia. Vì vậy, chuyến viếng thăm của tôi là một cuộc hành hương cầu nguyện đến trái tim của châu Âu, bắt đầu bằng sự tôn thờ và kết thúc bằng lòng đạo đức bình dân. Cầu nguyện, bởi vì trên hết, Dân Chúa được kêu gọi để thờ phượng, cầu nguyện, bước đi, hành hương, làm việc đền tội; và nơi tất cả những điều đó, cảm nhận được sự bình an, niềm vui mà Chúa ban cho chúng ta. Cuộc sống của chúng ta phải như thế: thờ phượng, cầu nguyện, bước đi, hành hương, làm việc đền tội. Và điều này có một tầm quan trọng đặc biệt ở lục địa Châu Âu, nơi mà sự hiện diện của Chúa bị ngấm chìm trong chủ nghĩa tiêu thụ và trong “làng hơi” của một tư tưởng duy nhất xuất phát từ sự pha trộn của các hệ tư tưởng cũ và mới. Và điều này ngăn cách chúng ta khỏi sự thân tình với Thiên Chúa. Ngay trong bối cảnh này, câu trả lời cho việc chữa lành được tìm thấy từ việc cầu nguyện, từ chứng tá, từ tình yêu thương khiêm nhường.

Đây là những gì tôi nhìn thấy trong cuộc gặp gỡ với Dân thánh của Thiên Chúa: một dân tộc trung thành, chịu đau khổ bởi cuộc bách hại vô thần. Tôi cũng nhìn thấy điều đó trên khuôn mặt của những anh chị em người Do Thái của chúng ta, nơi họ chúng ta tưởng nhớ đến Shoah (cuộc diệt chủng Do Thái). Bởi vì không có lời cầu nguyện nào mà không có sự ghi nhớ. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là, khi cầu nguyện, chúng ta phải nhớ lại cuộc sống của chính mình, của chính dân tộc mình, cuộc sống của bao nhiêu người đồng hành với chúng ta nơi thành thị, nơi dân tộc, đó là lịch sử.

Đến đây, Đức Thánh Cha đã nêu một ví dụ trong chuyến viếng thăm vừa qua, về việc một giám mục lớn tuổi người Slovakia, khi đến chào Đức Thánh Cha, đã kể với ngài rằng: “Tôi đã làm tài xế xe điện để ẩn mình khỏi cộng sản.” Đức Thánh Cha giải thích: “Thật hay, trong cơn bách hại, vị giám mục này đã làm một tài xế xe điện. Và, khi ẩn mình như thế, vị giám mục này đã làm nhiệm vụ giám mục và không ai biết ngài. Hãy nhớ rằng, không có lời cầu nguyện nào mà không có việc nhớ lại. Điều này giúp nhiều trong việc cầu nguyện.”

Cuộc hành hương về cội nguồn

  1. Khía cạnh thứ hai: chuyến tông du này là một cuộc hành hương về cội nguồn. Đức Thánh Cha nói: “Gặp gỡ các anh em Giám mục, cả ở Budapest và Bratislava, tôi có thể chạm vào ký ức biết ơn về những cội nguồn của đức tin và đời sống Kitô giáo, sống động về gương sáng của những nhân chứng cho đức tin, chẳng hạn như ĐHY Mindszenty và ĐHY Korec, như Chân Phước Giám mục Pavel Peter Gojdič. Nguồn cội bén rễ xuống thật sâu, rồi đến tận thời đại của chúng ta, đến công cuộc truyền giáo của hai anh em thánh Cyrillô và Mêtôđiô, những người đã đồng hành cùng chuyến tông du này như một sự hiện diện liên lỉ. Tôi nhận thấy sức mạnh của những cội nguồn này trong việc cử hành Phụng vụ Thánh Thể theo nghi lễ Byzantine, ở Prešov, vào ngày lễ Suy tôn Thánh giá. Trong những bài hát, tôi cảm thấy trái tim rung động của Dân thánh trung thành, được tôi luyện bởi bao đau khổ vì đức tin.

“Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh sự thật rằng, những cội nguồn này luôn luôn sống động, đầy nhựa sống, là Chúa Thánh Thần, và như vậy, chúng phải được gìn giữ: không phải là hiện vật trong bảo tàng, không bị tư tưởng hóa và bị lợi dụng vì uy thế và quyền lực, để củng cố một căn tính khép kín. Không. Điều này có nghĩa là phản bội và dìm chết truyền thống! Thánh Cyrillô và Mêtôđiô đối với chúng ta không phải là những nhân vật để tưởng nhớ, nhưng là những mẫu gương để noi theo, những người thầy mà từ đó chúng ta luôn có thể học hỏi về tinh thần và phương pháp loan báo Tin Mừng, cũng như dấn thân dân sự. Trong chuyến tông du này đến trái tim của Châu Âu, tôi thường nghĩ đến những người cha của Liên minh Châu Âu, như những gì họ đã mơ. Hiểu và sống như thế, nguồn cội là sự đảm bảo cho tương lai: từ đó, những nhánh hy vọng dày đặc sẽ trổ sinh. Chúng ta cũng có nhiều gốc rễ. Mỗi người có những gốc rễ riêng. Chúng ta có nhớ những gốc rễ của chúng ta không? Về ông bà, cha mẹ? Chúng ta là những mắc nối từ ông bà, họ là một kho tàng. Chúng ta có thể nói: “Nhưng, họ già rồi…”. Không, họ cho bạn nhựa sống, bạn phải đến với họ để lấy nhựa sống, để lớn lên và tiến về phía trước. Chúng ta không nói rằng: ‘Đến và nương tựa nơi nguồn cội’. Không, nhưng ‘đến cội nguồn, lấy nhựa sống và tiến bước. Đi đến chỗ của bạn.’ Đừng quên điều này.” Đức Thánh Cha lặp lại câu ngài đã từng nói nhiều lần, ngài nói rằng, “đây là một câu rất đẹp: ‘Tất cả những gì giúp cây cho hoa, đều đến từ những gì chôn vùi dưới đất.’”

Cuộc hành hương của hy vọng

  1. Điểm thứ ba mà Đức Thánh Cha nói đến về của chuyến tông du này là “một cuộc hành hương của hy vọng.”, Ngài nói: “Tôi nhìn thấy rất nhiều hy vọng trong mắt của người trẻ, trong cuộc gặp gỡ khó quên tại sân vận động Košice. Điều này cũng cho tôi nhiều hy vọng, khi thấy nhiều cặp đôi trẻ, nhiều thật nhiều trẻ em. Tôi đã nghĩ về mùa đông dân số mà chúng ta đang sống; nhưng tại các đất nước đó, có nhiều cặp đôi trẻ và trẻ em, đó là dấu chỉ của hy vọng. Đặc biệt trong thời kỳ đại dịch, khoảnh khắc ngày lễ này là một dấu hiệu mạnh mẽ và đáng khích lệ, cùng với sự hiện diện của đông đảo các cặp vợ chồng trẻ, cùng con cái của họ. Chứng tá của Chân Phước Anna Kolesárová, một thiếu nữ người Slovakia đã phải trả giá bằng mạng sống để bảo vệ phẩm giá của mình trước bạo lực: một chứng tá mà đáng tiếc là hiện thực hơn bao giờ hết, bởi vì bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn đang là một vết thương hở.

Tôi đã nhìn thấy niềm hy vọng nơi rất nhiều người luôn âm thầm quan tâm và chăm sóc người khác. Tôi đang nghĩ đến các Nữ tu Bác ái Truyền giáo của Trung tâm Bethlehem ở Bratislava. Các nữ tu thật tuyệt, họ đón nhận những người bị xã hội loại bỏ: họ cầu nguyện và phục vụ; cầu nguyện và giúp đỡ. Họ là những anh hùng của nền văn minh này. Các nữ tu này chào đón những người vô gia cư. Tôi nghĩ đến cộng đồng người Rom và những người dấn thân với họ trong một hành trình của tình huynh đệ và hòa nhập. Thật xúc động khi chia sẻ ngày lễ của cộng đồng Rom: một buổi lễ đơn giản nhưng tràn ngập Tin Mừng.

Đức Thánh Cha diễn tả mong ước:

Anh chị em thân mến, hy vọng này trở thành hiện thực, cụ thể, chỉ khi nó được diễn đạt bằng một từ khác: cùng nhau. Ở Budapest và Slovakia, chúng ta thấy mình cùng với những nghi lễ khác nhau của Giáo hội Công giáo, cùng với những anh em thuộc những hệ phái Kitô khác, cùng với những người anh em Do Thái, cùng với những tín đồ của các tôn giáo khác, cùng với những người yếu đuối nhất. Đây là con đường, bởi vì tương lai sẽ là hy vọng nếu cùng nhau, không bao giờ một mình: đây là điều quan trọng.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha bày tỏ một “lời cảm ơn” lớn đến tất cả những ai cộng tác thực hiện trong chuyến viếng thăm của ngài. Ngài cảm ơn “các Giám mục và các cơ quan dân sự; cảm ơn Tổng thống Hungary và Tổng thống Slovakia; cảm ơn tất cả các cộng tác viên trong việc tổ chức; cảm ơn rất nhiều tình nguyện viên; cảm ơn mỗi người đã cầu nguyện.” Và ngài xin thêm một lời cầu nguyện nữa, “để những hạt giống gieo rắc trong chuyến tông du được trổ sinh hoa trái.”

Cuối buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha cùng đọc Kinh Lạy Cha với những người hiện diện và ban phép lành kết thúc.

Nguồn:  vaticannews.va/vi/

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*