Đền thánh Đức Mẹ Mariazell ở Áo
Hồng Thủy
Cũng như tại các nước châu Âu khác, tại Áo, Đức và Slovenia, lòng tôn sùng Đức Mẹ đã có từ lâu đời và đi liền với lịch sử của các nước này. Các đền thánh Đức Mẹ tại 3 quốc gia này kể câu chuyện về châu Âu vẫn giữ vững đức tin Kitô giáo bất chấp các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ; về các quốc gia nơi Công giáo phản kháng lại phong trào cải cách của Tin Lành hay kiên trì dưới chế độ cộng sản.
Một mặt, cuộc Cải cách Tin Lành thâm nhập vào các quốc gia và ảnh hưởng đến đức tin của người dân. Mặt khác, cuộc xâm chiếm của người Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển, thậm chí đến tận cổng thành Vienna của Áo vào năm 1683. Ở giữa hai tình cảnh này, là một lòng sùng kính Đức Mẹ sinh động lan tràn khắp nước Áo và vẫn tồn tại ở Đức, bất chấp mọi điều. Mọi người ngước nhìn Mẹ Maria khi họ cần tìm sự giúp đỡ. Và Mẹ luôn luôn đáp lời họ.
Lòng sùng kính Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu của tín hữu Áo
Vào thế kỷ IX, sau khi bị xâm lược bởi người Frank, người Avars và người Xlavơ, nước Áo tự xưng là một quốc gia. Ngay lập tức, lòng sùng kính Đức Mẹ trở thành trung tâm tại đây. Vào thời Trung cổ, những nơi cư trú của các giám mục luôn có một nhà thờ liền kề dâng kính Đức Mẹ.
Vào thế kỷ XVI, chính vua Carlo V và thánh Phêrô Canisio của Dòng Tên đã khôi phục Công giáo sau cuộc Cải cách Tin Lành. Chính trong thời kỳ đó, các huynh đoàn của Đức Mẹ đã lan rộng. Đặc biệt, lòng sùng kính đối với Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu được lan truyền rộng rãi. Do đó, vào năm 1647, nước Áo do Hoàng đế Ferdinando III lãnh đạo đã được thánh hiến cho Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.
Năm 1683, 200.000 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đến cửa thành Vienna. Mục tiêu của họ là mở một cuộc tấn công trên bộ, trên toàn châu Âu. Nhưng tất cả mọi người tập hợp lại xung quanh đội quân của Đức Mẹ, bao gồm cả vua Ba Lan John Sobieski và đã chiến thắng quân Thổ. Chiến thắng được cho là nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Phù hộ các tín hữu.
“Cuộc Thập tự chinh Mân Côi vì Hòa bình Thế giới”
Sau Vienna, các đền thánh Đức Mẹ tiếp tục gia tăng. Các đền thánh này có một phong cách chung, nét đặc trưng là phong cách baroque đặc biệt.
Chính từ Áo, “Cuộc Thập tự chinh Mân Côi vì Hòa bình Thế giới” đã được phát động vào năm 1955, bởi tu sĩ dòng Phanxicô, Petrus Pavliceck. Trong 60 năm trước, Áo đã trải qua sự sụp đổ của đế quốc, sự khủng bố của Đức Quốc xã, Chiến tranh thế giới thứ hai và sự chiếm đóng của các cường quốc kéo dài đến năm 1955. Cuộc Thập tự chinh lập tức thành công.
Đền thánh Đức Mẹ Mariazell
Có rất nhiều đền thánh ở Áo, trong đó, đền thánh Mariazell có lẽ là nổi tiếng nhất. Nó bắt nguồn từ căn phòng của đan sĩ Magnus (chữ zell trong tiếng Đức có nghĩa là căn phòng) ở trên núi với tượng Đức Mẹ bằng gỗ vôi. Đây là điểm đến của các cuộc hành hương lớn của gia đình hoàng gia, giữa thế kỷ XVII và XVIII, một truyền thống bắt đầu từ năm 1370, khi Louis thành Anjou, vua của Hungary, đến viếng đền thánh.
Mariazell là cầu nối giữa Đông và Tây. Trong những năm dưới chế độ cộng sản, người dân Xlavơ và Hungary lân cận không thể viếng thăm đền thánh, nhưng những người Công giáo Áo có nhiệm vụ truyền đạt cho những người anh em phương Đông của họ, bày tỏ sự quan tâm và yêu thương của Giáo hội dành cho họ.
Lòng sùng kính Đức Mẹ của tín hữu Đức
Lịch sử của nước Đức thì khác. Nước Đức đã được truyền đạo vào giữa thế kỷ VII và VIII bởi hai thánh Ruberto và Bonifaxio. Trong thời gian đó, nhiều nơi thờ phượng của người ngoại giáo đã được biến thành nhà nguyện của Đức Mẹ. Sau đó, vua Charlemagne đã mang lại sự huy hoàng hơn nữa cho lòng sùng kính Đức Mẹ.
Ở Aachen, trong cung điện của Hoàng đế, có Nhà nguyện Palatine dâng kính Đức Mẹ, với các thánh tích của Đức Mẹ từ Constantinople, bao gồm một chiếc áo choàng và một chiếc thắt lưng có lẽ của Đức Mẹ.
Những hình ảnh Đức Mẹ đầu tiên được đưa đến Đức vào năm 1100. Cũng trong thời kỳ đó, các nhà thờ chính tòa của Đức đã được xây dựng, và nhiều nhà thờ dâng kính cho Đức Trinh Nữ, chẳng hạn như nhà thờ Speyer, của Mainz, của Basel (ngày nay thuộc Thụy Sĩ) và của Strasbourg (ngày nay thuộc Pháp). Nhiều đan viện dâng kính Đức Mẹ cũng ra đời. Trong số này, có đan viện ở Cologne, Trier, Rechenau, Regensburg và Maria Laach, nơi có truyền thống nghiên cứu thần học và phụng vụ liên tục.
Ở Cologne, nhà thờ chính tòa huy hoàng, theo phong cách Gothic du nhập từ Pháp cũng được xây dựng, dâng kính cho Đức Mẹ. Ngày nay, trong một thời kỳ khủng hoảng, điều này có vẻ lạ. Nhưng vào thế kỷ XIV, sức sống tôn giáo của người Đức rất mạnh mẽ. Hàng ngàn người hành hương đã đến Roma, Santiago de Compostela, Thánh Địa.
Khi Tin Lành đến đã phá bỏ các bàn thờ và đốt các tranh ảnh thánh. Các bức tranh và tượng ảnh ở các nhà thờ đã chuyển sang Tin Lành cải cách không bị phá hủy, nhưng ở các thành phố và khu vực đã chuyển sang Tin Lành, những biểu hiện điển hình của lòng đạo đức bình dân đã bị dẹp bỏ.
Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ XVI, có một cuộc phục hưng tôn giáo lớn trong các khu vực Công giáo. Khi đạo Công giáo được tổ chức lại, các tu sĩ Dòng Tên và các dòng Capuchino có công rất lớn trong việc đưa lòng sùng kính Đức Mẹ thịnh hành trở lại. Đặc biệt, thánh Phêrô Canisio đã viết một bộ sách để khẳng định tính hợp pháp của việc sùng kính Đức Mẹ Maria.
Lòng sùng kính Đức Mẹ Phù hộ của tín hữu Đức
Ở Đức cũng tương tự như ở Áo, hình ảnh Đức Mẹ Phù hộ các tín hữu đã được phổ biến rộng rãi. Ngay cả vào năm 1800, sau một thời gian khủng hoảng, các cuộc hành hương kính Đức Mẹ đã được thực hiện lại. Chúng cũng là một phương tiện chống lại những tuyên truyền xã hội chủ nghĩa và các vấn đề công nhân. Các phong trào như của Schoenstatt và của Đức cha Mosterts được thành lập, các Hội dòng Đức Mẹ được phát triển. Chủ nghĩa Quốc xã đàn áp tất cả các hiệp hội này, nên chúng phải hoạt động âm thầm.
Sau Thế chiến thứ hai, nhiều đền thánh đã bị phá hủy, ví dụ như nhà thờ thánh Columba ở Cologne, nơi có tượng Đức Mẹ vẫn còn nguyên vẹn.
Năm 1954, cuộc hành hương Đức Mẹ được tổ chức, kết thúc tại Fulda với việc thánh hiến nước Đức cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria. Những người theo Tin Lành đã từ bỏ cuộc bút chiến chống Đức Mẹ, và thậm chí một hiệp hội, tương tự như một dòng tu Tin Lành, lấy cảm hứng từ Đức Trinh Nữ, đã nảy sinh ở Darmstatt. Công việc Đại kết chủ yếu được thực hiện bởi các Nữ tu của Đức Maria.
Đền thánh Đức Mẹ ở Altoetting
Trong số các đền thánh được biết đến nhiều nhất là đền thánh Đức ở Altoetting. Được thành lập bởi thánh Ruperto, đền thánh có một “Nhà nguyện ân sủng”, bên trong có hình Đức Mẹ từ những năm 1300. Trong những năm sau chiến tranh, ở Đức, nơi bị tàn phá một nửa và đầy những người tị nạn từ phương Đông, Altoetting đại diện cho một dấu hiệu của niềm an ủi và hy vọng.
Đền thánh Đức Mẹ an ủi những người đau khổ ở Kevaler
Một đền thánh quan trọng khác là đền thánh Đức Mẹ an ủi những người đau khổ ở Kevaler. Đây là một trong những nơi thờ phượng được viếng nhiều nhất ở Đức. Đó là một đền thánh được xây lên xung quanh một nhà nguyện, nơi hai người lính, vào năm 1600, đã đặt một bản in nhỏ trên giấy mô phỏng hình ảnh Đức Mẹ được tôn kính ở Luxembourg. Đó là thời điểm của Chiến tranh 30 năm, và không dễ dàng đi lại. Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên, ngay lập tức, dòng người hành hương đã đổ về nơi đó. Do đó, nhiều nhà thờ khác nhau đã được xây dựng xung quanh nhà nguyện.
Trong Thế chiến thứ hai, đền thánh nằm trong khu vực hoạt động và đã được sơ tán. Dân làng cầu nguyện để nó sẽ không bị phá hủy. Khi quân đội Đức rút đi, một sĩ quan đến từ một thị trấn có giáo xứ dâng kính Đức Mẹ, không thực hiện lệnh cho nổ các quả mìn đặt xung quanh các nơi thánh. Nhờ vậy, đền thánh đã được cứu. Viên sĩ quan này bị bắt và bị kết án tử hình vì tội phản quốc, và chỉ có thể được cứu nhờ bị quân Đồng minh bắt làm tù binh.
Lòng sùng kính Đức Mẹ của tín hữu Slovenia
Tình hình ở Slovenia thì khác, nhưng cũng có nhiều điểm chung với Áo. Không chỉ bởi vì Tòa Thượng Phụ Aquileia bao phủ một khu vực hiện bao gồm hơn 40 giáo phận, từ Aquileia đến Regensburg, mà còn vì một số phần của lãnh thổ Slovenia nằm ở những địa điểm hiện nằm ngoài lãnh thổ của Áo.
Thánh Modesto được gửi đến Slovenia vào cuối thế kỷ VII bởi giám mục Salzburg. Ngài đã thành lập đền thánh Maria Saal từ một ngôi đền cổ của người ngoại giáo. Đền thánh này là trung tâm tôn giáo và cả chính trị của Slovenia. Công tước của Carinthia cũng được trao vương miện tại đó.
Lòng sùng kính Đức Mẹ là cầu nối giữa các dân tộc và quốc gia khác nhau
Nhưng lịch sử lòng sùng kính Đức Maria của Slovenia gắn liền với lịch sử của nhiều vùng lãnh thổ lân cận, khiến nó trở thành một cầu nối giữa các dân tộc và quốc gia khác nhau. Ví dụ, đền thánh Castelmonte, ở phía Đông của Friuli, đại diện cho một khu vực chung giữa người Ý và người Slovenia, và trên thực tế, nó cũng có một tên tiếng Slovenia là Stara Gora.
Ở Balaton, ngày nay thuộc Hungary, một nhà thờ chính tòa được xây dựng để thánh hiến cho Đức Trinh Nữ, trong khi vào những thế kỷ cuối thời Trung Cổ, các huynh đoàn của Đức Mẹ có tầm quan trọng to lớn trong đời sống tôn giáo của người dân, bao gồm dòng Bảy sự Thương Khó, dòng sự Thanh khiết của Rất thánh Đức Maria Ân sủng, Huynh đoàn Mân Côi.
Tôn giáo và chính trị
Phần lớn lịch sử của Slovenia nằm dưới sự thống trị của Áo, và cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lược của người Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào thủ đô Vienna. Vào thời kỳ đó, lòng sùng kính Đức Mẹ có một chức năng kép theo quan điểm tôn giáo và chính trị. Chiến thắng của Vienna năm 1683, tại Slovenia, được cho là nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm. Các nhà thờ và đền thờ Đức Mẹ ở Slovenia cũng phục vụ cho việc phòng thủ quân sự.
Theo truyền thống, đền thánh Ptujska Gora bị cháy đen và do đó quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã không nhìn thấy nhà thờ. Nhờ đó, dân cư trú ẩn ở đó đã được cứu. Sau biến cố này, nhà thờ được đổi tên thành Crna Gora, núi đen. Dưới sự cai trị của cộng sản, nhà thờ đã được chuyển đổi thành một viện bảo tàng. Khi cộng sản sụp đổ, lòng sùng kính Đức Mẹ đã nhận được một động lực mới.
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Để lại một phản hồi