Kinh Truyền Tin – Chúa Nhật 31 TN: Ước gì chúng ta yêu mến Thiên Chúa trọn con tim, tâm trí, hết sức lực…

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha
Ngày 31.10.2021, Chúa Nhật 31 Mùa Thường niên

 Ước gì chúng ta yêu mến Thiên Chúa
trọn con tim, tâm trí, hết sức lực và yêu tha nhân như bản thân mình

       Giuse Trần Đức Anh, O.P

Trưa Chúa Nhật 31/10/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự kinh Truyền tin với gần 20.000 tín hữu hành hương từ các nơi, cùng với các tín hữu ở Roma, tại Quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Marco (Mc 12,28-34), đọc trong thánh lễ Chúa Nhật thứ XXXI thường niên năm B, thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và nhà kinh sư chuyên về Kinh Thánh.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Phụng vụ hôm nay, Tin Mừng kể lại một kinh sư đến gần Chúa Giêsu và hỏi Ngài: “Thưa Thầy, đâu là giới răn quan trọng nhất trong tất cả các giới răn?” (Mc 12,28). Chúa Giêsu trả lời bằng cách trưng dẫn Kinh Thánh và khẳng định rằng: giới răn đầu tiên là yêu mến Thiên Chúa; và từ đó, hệ luận tự nhiên, đưa tới giới răn thứ hai, đó là yêu thương tha nhân như chính mình (vv.29-31). Sau khi nghe câu trả lời đó, kinh sư không những nhìn nhận đó là đúng, nhưng đã lập lại hầu như cùng những lời Chúa Giêsu đã nói: “Thưa Thầy, Thầy nói đúng lắm, và theo sự thật, yêu mến Chúa với trọn tâm hồn, với tất cả trí khôn và tất cả sức mạnh, và yêu mến tha nhân như bản thân mình thì giá trị hơn tất cả mọi lễ toàn thiêu và hy tế” (vv.32-32).

Ý nghĩa việc lập lại của kinh sư

Tại sao khi biểu lộ sự đồng thuận, kinh sư ấy cảm thấy cần phải lặp lại cùng những lời của Chúa Giêsu? Sự lặp lại này dường như càng đáng ngạc nhiên nếu chúng ta nghĩ rằng, chúng ta đang ở trong Tin Mừng theo thánh Marco, là vị có một lối hành văn rất chính xác. Vậy thì, việc lặp lại như thế có ý nghĩa gì? Đó là một bài học cho chúng ta, là những người nghe. Vì Lời Chúa không thể được lãnh nhận như bất kỳ tin tức thời sự nào: cần phải lặp lại, và nhập tâm, cẩn giữ. Truyền thống đan tu dùng một từ táo bạo nhưng rất cụ thể: Lời Chúa cần phải được “nghiền ngẫm”. Chúng ta có thể nói rằng: Lời Chúa có sức bổ dưỡng đến độ phải đi tới mọi lãnh vực trong cuộc sống: phải bao gồm trọn con tim, trọn linh hồn, tâm trí và trọn sức lực (vv.30) như Chúa Giêsu nói hôm nay. Lời Chúa phải vang âm bên trong chúng ta. Khi có âm vang trong nội tâm như thế, có nghĩa là Chúa ở trong tâm hồn. Và Ngài nói với chúng ta, như với vị kinh sư giỏi giang kia trong Tin Mừng: “Ông không xa Nước Thiên Chúa” (v.34)

Cần ngoan ngoãn đón nhận Lời Chúa

Anh chị em thân mến, Chúa không tìm kiếm những nhà chú giải khéo léo về Kinh Thánh, nhưng Ngài tìm những tâm hồn ngoan ngoãn, đón nhận lời Ngài, để cho mình được thay đổi từ bên trong. Đó là lý do tại sao cần quen thuộc với Tin Mừng, luôn để sách Tin Mừng trong tầm tay, đọc đi đọc lại, say mê Lời Chúa. Khi chúng ta làm như thế, thì Chúa Giêsu, Lời của Chúa Cha, đi vào trong tâm hồn, trở nên mật thiết với chúng ta và chúng ta mang lại hoa trái trong Ngài. Ví dụ, chúng ta hãy lấy Tin Mừng hôm nay: đọc và hiểu cần phải yêu mến Chúa và tha nhân mà thôi thì vẫn chưa đủ. Cần phải làm sao để giới răn này, “giới răn cao cả” vang âm trong chúng ta, được hấp thụ, trở nên tiếng nói của lương tâm chúng ta. Như thế, lời Kinh Thánh không phải là một chữ chết, vì Chúa Thánh Linh làm cho Lời ấy nảy mầm trong chúng ta. Và Lời Chúa hoạt động, sinh động và hiệu năng (Dt 4,12). Như thế, mỗi người chúng ta có thể trở thành “một bản dịch” sinh động, khác biệt và đặc sắc, của Lời Tình Thương duy nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Noi gương kinh sư

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Vì thế, hôm nay, chúng ta hãy noi gương người kinh sư. Chúng ta hãy lập lại những lời của Chúa Giêsu, để cho những lời ấy âm vang trong chúng ta: “Yêu mến Thiên Chúa với trọn con tim, với tất cả linh hồn, và tất cả tâm trí và hết sức lực và yêu tha nhân như bản thân mình”. Và chúng ta hãy tự hỏi: giới răn này có hướng dẫn thực sự cuộc sống của tôi hay không? có tìm được âm hưởng trong những ngày của tôi hay không? Thật là tốt nếu buổi tối, trước khi đi ngủ, chúng ta xét mình về Lời này, xem ngày hôm nay chúng ta đã yêu mến Chúa và làm một chút điều thiện cho người mà chúng ta gặp hay không.”

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, nơi Mẹ Lời Thiên Chúa đã nhập thể, dạy chúng ta đón nhận trong tâm hồn những lời sinh động của Tin Mừng.”

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Đức Thánh Cha liên đới với các nạn nhân bị lũ lụt tại Việt Nam và miền Đông đảo Sicilia ở cực Nam nước Ý. Đức Thánh Cha nói: “Tại nhiều nơi ở Việt Nam, mưa nhiều kéo dài trong những tuần lễ gần đây đã tạo nên những trận lũ lụt rộng lớn, làm cho hàng ngàn người phải di tản. Tôi cầu nguyện và nghĩ tới nhiều gia đình đang chịu đau khổ và đồng thời khích lệ chính quyền và Giáo hội địa phương đang hoạt động, để đối phó với tình trạng khẩn cấp này. Tôi cũng gần gũi với dân chúng tại đảo Sicilia bị bão lụt”.

Đức Thánh Cha không quên kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng quên Haiti, đang phải chịu nhiều đau thương.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến Hội nghị Thượng đỉnh COP26 về sự thay đổi khí hậu, tại thành phố Glasgow bên Ecosse, bắt đầu từ ngày 01/11.

Sau cùng, Đức Thánh Cha cũng nhắc đến lễ phong Chân Phước sáng thứ Bảy, 30/10 vừa qua, tại Nhà thờ Chính tòa giáo phận Tortosa, Tây Ban Nha, phong Chân Phước cho bốn linh mục Tử Đạo trong thời nội chiến tại nước này. Đứng đầu danh sách, là cha Francisco Castor Sojo Lopez. Các vị bị giết hại vì sự thù ghét đức tin.

Đức Thánh Cha chào thăm tất cả các tín hữu Roma và khách hành hương. Ngài cầu chúc mọi người một Chúa Nhật tốt đẹp và xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Nguồn: vietnamese.rvasia

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*