Đức Thánh Cha Phanxicô thăm một nhà bếp
Ngọc Yến
Cô Anne luôn quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng lành mạnh và bền vững. Thông điệp Laudato si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô đã truyền cảm hứng cho cô viết một cuốn sách, lần đầu tiên, trong đó cô trình bày cách áp dụng cụ thể những hiểu biết sâu sắc về thông điệp của cô vào nghệ thuật ẩm thực
Cô Anne Moreau, năm nay 36 tuổi, vừa là chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia tâm lý, vừa là giáo viên tại Viện Paul Bocuse ở Pháp, một trung tâm nổi tiếng chuyên đào tạo nhiều đầu bếp tài giỏi trên thế giới.
Cô Anne luôn quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng lành mạnh và bền vững. Thông điệp Laudato si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô đã truyền cảm hứng cho cô viết một cuốn sách, lần đầu tiên, trong đó cô trình bày cách áp dụng cụ thể những hiểu biết sâu sắc về thông điệp của cô vào nghệ thuật ẩm thực. Trong cuốn sách có tựa đề “Bếp ăn nhỏ của tôi – Laudato si’”, Anne Moreau đưa ra 56 công thức nấu ăn ngon, với lời khuyên thiết thực để có một chế độ ăn uống lành mạnh, ngon, dễ tiếp cận và chống lãng phí.
Nấu ăn Laudato si’, theo cô Anne Moreau, có nghĩa là làm cho tất cả hương vị của bữa ăn trở lại trên bàn, trong mỗi món ăn. Nấu ăn Laudato si’ có nghĩa là làm sao trong khi chăm sóc sức khỏe, chúng ta tiêu thụ ít hơn, nhưng đem lại hiệu quả nhiều hơn cho cuộc sống. Đây cũng có nghĩa là dành thời gian để ngạc nhiên trước thành quả của công trình tạo dựng. Nấu ăn là một phần của “sự sáng tạo quảng đại và xứng đáng, tỏ lộ những gì tốt nhất của con người”, như Đức Thánh Cha đã viết trong thông điệp.
Trong sách, cô Anne đề cập đến con số 1/5 trường hợp tử vong là do ăn uống không lành mạnh. Từ đây cô cho rằng nếu chúng ta nấu ăn theo tinh thần Laudato si’ chúng ta sẽ quan tâm đến chất lượng nhiều hơn, ví dụ món thịt gà được chế biến từ gà nuôi thả tự do hơn là loại gà chúng ta hay gọi là gà công nghiệp. Trách nhiệm của các Kitô hữu là chăm sóc cơ thể bằng cách tiêu thụ tốt và lựa chọn đúng.
Ăn những món được sản xuất tại địa phương và theo mùa là một trong những quy tắc vàng của ẩm thực và có trách nhiệm với môi trường. Để làm được điều này người nấu ăn phải đi chợ, tiếp xúc với những người bán, người sản xuất để hiểu được rõ nguồn gốc của các loại thực phẩm. Sử dụng thức ăn địa phương mang lại hương vị mới cho món ăn. Nhưng nó cũng tạo ra tương quan, làm cho chúng ta hạnh phúc, đem lại điều tốt lành cho cả thể xác lẫn tinh thần.
Điều này cũng cho phép tạo ra mối liên kết giữa người sản xuất thủ công gần với thực tế nhất có thể. Đây cũng là tinh thần của Laudato si’… Ăn những món ăn của địa phương có nghĩa là mang lại màu sắc mới và hương vị mới cho món ăn của bạn, nhưng nó cũng tạo lại một mối quan hệ. Nó làm cho con người hạnh phúc và tốt cho cả thể chất và tinh thần.
Khi được hỏi làm thế nào để thực hiện được điều này, cô Anne nói: “Đối với tôi đó vẫn là vấn đề của sự cảm nhận. Đầu tiên, chúng ta không được rơi vào bẫy sợ bỏ lỡ. Chúng ta phải bằng lòng chỉ tiêu thụ những gì chúng ta cần. Đây là chìa khóa. Kitô hữu phải có một bước nhảy vọt về đức tin và tự nhủ rằng, mình không cần quá nhiều, không cần tích trữ quá mức cũng như tiêu thụ quá mức. Bình tĩnh và tự tin, sau đó, người tiêu dùng sẽ đi tìm thức ăn theo mùa, sẽ học cách đo lường đúng số lượng, đúng chất lượng và đúng nhu cầu. Thay vì đi nhanh, chúng ta cũng phải dành thời gian để ngạc nhiên trước công trình sáng tạo. Đối với tôi, đó là một quá trình từ những cử chỉ nhỏ, có thể thay đổi cơ bản cách chúng ta sống. Chúng ta không thể không nghĩ đến câu nói này của Đức Thánh Cha: Khi chúng ta vứt bỏ thức ăn, thì giống như chúng ta đã cướp nó từ bàn ăn của người nghèo, những người đang đói”.
Về đồ dùng trong nhà bếp, cô Anne chia sẻ: Cần phải đặt ra câu hỏi đơn giản: Tôi thực sự cần gì? Nếu chúng ta có thể loại bỏ những thứ không cần thiết, chúng ta sẽ có chỗ cho những thứ cần thiết và mọi thứ được sắp xếp lại trật tự. Có một nhà bếp chật kín những máy móc có nghĩa là không còn không gian. Việc nhồi bột bằng đôi tay khiến chúng ta chú tâm nhiều hơn vào nguyên liệu vì nó mang lại ý nghĩa. Nấu ăn mất thời gian ư? Phải, chắc chắn rồi. Nhưng thời gian này không phải là tốt hơn thời gian chúng ta lãng phí trên điện thoại mỗi ngày sao?
Hạnh phúc đòi hỏi phải biết cách giới hạn những nhu cầu nhất định làm chúng ta quay cuồng, do đó, giúp chúng ta sẵn sàng đón nhận nhiều khả năng mà cuộc sống mang lại. Đã đến lúc chúng ta phải nhận ra rằng, vui vẻ chóng qua chẳng mang lại điều gì cho chúng ta.
Cô Anne đã dành 50% tiền có được từ việc xuất bản sách cho hiệp hội Lazare, một hiệp hội hoạt động cho tình bạn giữa những người lao động trẻ và người vô gia cư. Cô Anne cho biết, khi đến chia sẻ cho các thành viên của hiệp hội về cách ăn uống tích cực, cô đã được mọi người khuyến khích viết cuốn sách làm sao để truyền cho mọi người tinh thần nấu ăn theo tinh thần của thông điệp Laudato si’. Những người bạn này đã góp phần cho ra đời “Bếp ăn nhỏ của tôi – Laudato si’. Cô Anne Moreau nhấn mạnh.
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Để lại một phản hồi