Vậy ông là vua sao? (21.11.2021– Chúa nhật 34 TN Năm B – Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ)

Lời Chúa: Ga 18, 33b-37

Khi ấy, Philatô trở vào dinh, cho gọi Ðức Giêsu và nói với Người: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” Ðức Giêsu đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Ông Philatô trả lời: “Tôi là người Do Thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” Ðức Giêsu trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng nay Nước tôi không thuộc chốn này”.

Ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Ðức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.

Suy niệm:

Chuyện làm vua của Đức Giêsu đã bắt đầu từ lâu,

từ lời truyền tin của sứ thần cho Đức Mẹ:

“Đức Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít.

Người sẽ trị vì nhà Gia cóp đến muôn đời,

và Nước của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32-33).

Ngay từ khi được thụ thai, Đức Giêsu đã là Thiên Tử,

là Con Đấng Tối Cao, là Vua của một Nước.

Nhưng Nước đó khác với những gì người ta mong đợi.

Chính vì thế khi dân chúng định bắt Ngài làm vua

sau dấu lạ bánh hóa nhiều,

Đức Giêsu đã rút lui lên núi một mình (Ga 6,15).

Ngài thấy đó không phải là con đường Cha muốn.

Ngài không làm vua theo nghĩa chính trị.

Khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối,

dân chúng cầm nhành lá thiên tuế ra đón Ngài tung hô:

“Chúc tụng vua Ítraen!” (Ga 12,13).

Nhưng Vua Giêsu lại không ngồi trên lưng ngựa,

mà hiền từ ngồi trên lưng một con lừa tơ (Ga 12,14).

Ngài biết cái chết kinh khủng đang chờ mình.

Ngài không phải là một vị vua khải hoàn chiến thắng,

nhưng là một tên tội phạm sắp bị xét xử.

Khi Philatô xử án Đức Giêsu,

câu hỏi đầu tiên của ông trong cả bốn Phúc Âm là:

“Ông  có phải là vua người Do-thái không?”

Ba lần Đức Giêsu trả lời một câu như nhau:

“Chính ông nói đó !” (Mt 27,11;  Mc 15,2;  Lc 23,3).

Có vẻ Ngài không minh nhiên nhận mình là vua,

nhưng Ngài cũng không rõ ràng từ chối.

Ngài không muốn Philatô hiểu Ngài là một vị vua,

muốn đứng lên để lật đổ đế quốc Rôma.

Nhưng Ngài vẫn là vua theo nghĩa rất đặc biệt.

Trước mặt Philatô đầy quyền uy,

ba lần Ngài nhắc đến “Nước của Ngài” (Ga 18,36).

Nước ấy có những đặc điểm không giống các nước khác.

Một Nước không thuộc về thế gian này,

không thấy trên bản đồ, nhưng lại chi phối cả thế giới.

Một nước không có binh lính chiến đấu để bảo vệ vua.

Dân của Nước này là những người thuộc về sự thật,

đã lắng nghe tiếng của vị Vua sinh ra và đến thế gian

để làm chứng cho sự thật (Ga 18,37).

Đó là vị Vua đầu đội vương miện bằng gai,

mình khoác áo choàng đỏ tía (Ga 19,5)

được Philatô đưa ra ngoài giới thiệu với dân chúng.

Đó là vị Vua chịu đóng đinh với tấm bảng trên đầu:

“Giêsu Nadarét, vua người Do-thái” (Ga 19,19).

Đức Giêsu đã xây dựng Nước của Ngài một cách lạ lùng,

không có bóng dáng của  vinh quang hay quyền lực,

trái lại, chỉ có những gì thế gian ruồng bỏ khinh chê.

Chúng ta thường cầu xin Cha cho “Nước Cha trị đến.”

Nước Cha với Nước của Vua Giêsu là một.

Khi Nước của Vua Giêsu được cả nhân loại nhận biết

thì Nước Chúa Cha được hiển trị.

Nhưng chỉ cầu xin thì không đủ, còn cần cộng tác nữa.

Người Kitô hữu phải cộng tác với Vua Giêsu

để xây dựng Nước Trời ngay trên mặt đất,

Nước của sự thật và sự sống,

của tình thương, công lý và hòa bình.

Như Thầy Giêsu, chúng ta phải làm chứng cho sự thật,

và chấp nhận mỗi ngày vác thập giá theo chân Thầy.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

những hạt cải Chúa gieo vãi cách đây hai ngàn năm

nay đã trở thành cây cao

cho chim trời rủ nhau trú ngụ.

Nhúm men nhỏ bé được Chúa vùi vào khối bột

đã làm bột dậy lên,

để trở nên tấm bánh thơm ngon cho thế giới.

Sau hai mươi thế kỷ,

các môn đệ Chúa

không còn là Nhóm Mười Hai bé nhỏ

Hôm nay, các kitô hữu chiếm gần một phần ba thế giới.

Chúng con được mời gọi

xây dựng Nước Chúa trên trần gian,

cho đến khi mọi người nhận biết và tin yêu Chúa.

Xin cho chúng con đừng mặc cảm 

vì người công giáo chỉ là thiểu số trên quê hương Việt Nam.

Nhưng xin cho chúng con mạnh dạn làm chứng cho Chúa

Trong việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ.

Hôm nay chúng con

phải tiếp tục làm việc như Chúa,

gieo hạt giống để làm nên những cánh rừng,

trở nên chất xúc tác

để biến đổi môi trường mình sống.

Và chúng con biết rằng sớm muộn cũng sẽ thành công

vì tin Chúa vẫn cần cù làm việc với chúng con. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*