Từ ngày 22.11 đến ngày 27.11.2021 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

22.11.2021

THỨ HAI TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN

Thánh Cêcilia trinh nữ, tử đạo

Lc 21,1-4

Lời Chúa:

“Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết.” (Lc 21,3).

Câu chuyện minh họa:

Ngày xưa, lâu lắm rồi, một ông vua ở Ấn Độ, nhân ngày lễ, mời Phật vào cung làm lễ. Hôm ấy vua cho đốt biết bao đèn dầu trong cung vị Phật ngự và suốt dọc hành lang từ cung vua đến cung Phật ở. Hôm ấy cũng có một bà cụ nghèo khó muốn dâng lên Phật ngọn đèn dầu, song bà chẳng còn đồng tiền nào. Bà đi ăn xin một ngày ròng, khắp kinh đô để đến tối mới được hai đồng. Bà lấy hai đồng tất tả ra phố mua dầu, đốt một đĩa đèn dâng lên Phật. Bà khấn: “Nếu đời sau con được thành đạo, thì xin ngọn đèn này sáng suốt đêm không tắt”.

Sáng hôm sau, khi một nhà sư lên cung Phật tắt đèn thì thấy mọi ngọn đèn của vua đã tắt tự bao giờ, riêng dĩa đèn của bà ăn xin vẫn tỏa sáng ngời ngợi, không làm cách nào tắt được. Nhà sư thấy sự lạ, lên thưa với Đức Phật. Người bảo: “Bà cụ tâm thành tu thân tích đức, về kiếp sau sẽ trở thành Phật Như Lai”.

Vua nghe chuyện, hỏi một vị quan trong triều, tại sao vua cúng đèn nhiều như sao sao vậy mà chẳng được như bà lão chỉ dâng có một đèn? Quan đáp: “Bởi vì bà của ít lòng nhiều, bà dâng có một dĩa đèn, nhưng tấm lòng bà thành kính thiết tha”.

Suy niệm:

Thiên Chúa giàu có biết bao, nhưng những gì chúng ta dâng cho Ngài, Ngài trân trọng và đón nhận. Không phải Ngài trân trọng những đồng tiền nhưng trân trọng giá trị của đồng tiền là tấm lòng quảng đại, thành tâm, hy sinh âm thầm… Đồng tiền của bà góa không đáng là bao, nhưng bà dâng cho Chúa với cả tấm lòng thành, và Chúa đã khen ngợi bà ấy, vì bà “rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”. Hai đồng tiền ấy là tất cả gia tài của bà, nó gắn liền với bà, nó là thứ để chi tiêu cần thiết. Thế mà bà đã không luyến tiếc, nhưng quảng đại dâng cho Chúa tất cả, có thể nói đó là sự sống của bà, vì đó là tất cả những gì bà trang trải cho cuộc sống. Lòng quảng đại ấy còn là biểu hiện của sự phó thác, một niềm tin vào Thiên Chúa quan phòng.

Còn tôi thì sao? Tôi đã dâng cho Chúa những gì? Tôi đã chia sẻ những gì tôi có cho những người nghèo khó?

Lạy Chúa, không có điều gì mà chúng con không nhận lãnh từ nơi Chúa, xin giúp chúng con biết mở lòng ra với tha nhân, biết trao ban, để đáp lại tình Chúa yêu thương chúng con.

 

 

 

 

 

23.11.2021

THỨ BA TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

Lc 21,5-11

Lời Chúa:

“Sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”. (Lc 21,6)

Câu chuyện minh hoạ:

Nữ tu Briel Martina Dòng Thánh Clara kể lại một kinh nghiệm của người bạn linh mục. Vị linh mục truyền giáo đó qua Châu Mỹ Latinh xây bệnh viện và trường học để phục vụ người nghèo. Ngài miệt mài suốt mười năm và ngạc nhiên thấy nhiều người trong giáo đoàn đến các giáo điểm của các nhà truyền giáo khác. Ngày kia, Ngài kết thân với một ông lão rất ngoan đạo lúc nào cũng luẩn quẩn ở nhà thờ và giúp các linh mục.

Ông nhìn Ngài mà khóc. Ông nói: thưa cha con không muốn làm cha đau lòng nhưng con phải nói thật với cha, cha đem đến cho chúng con nhiều thứ tốt đẹp, cha làm việc thật vất vả, nhưng cha không đem Chúa Giê-su đến với chúng con, chúng con cần Chúa Giê-su.

Suy niệm:

Nếu chúng ta chỉ lo cho đời sống vật chất đầy đủ mà đời sống thiêng liêng trống rỗng thì hoàn toàn không có giá trị gì đối với người Kitô hữu. Bởi điều chính yếu của người Kitô hữu là chính Chúa Giêsu. Còn tất cả vật chất sẽ không tồn tại mãi.

Trang Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giê-su báo trước đền thờ Giê-ru-sa-lem là nơi cao quí thánh thiêng cũng sẽ bị tàn phá: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,16). Lời tiên báo này của Chúa Giê-su cũng là những dấu hiệu về ngày tận thế. Để nhận ra ngày ấy, Chúa nói đến việc xuất hiện các tiên tri giả, về chiến tranh, đói kém và sự bắt bớ… nhưng người tin Chúa không phải sợ hãi vì nếu những ai đã bền lòng thì họ sẽ nhận được sự sống đời đời.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết sống Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày, để chuẩn bị cho ngày Chúa đến. Amen.

 

 

 

 

 

24.11.2021

THỨ TƯ TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN

Lc 21,12-19

Các Thánh Tử  Đạo Việt Nam

Lời Chúa:

“Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12,25).

Câu chuyện minh họa:

Một thanh niên 19 tuổi bị tuyên án tử hình mà không được nói một lời để bào chữa mình. Người tuyên án là quan trấn tỉnh Phú Yên. Vào tháng 7 năm 1644 vị quan này từ triều đình nhà vua về, đem theo sắc lệnh cấm đạo và bắt đầu giam một ông già tên rửa tội là Anrê, rồi sai một toán lính đến nhà vị thừa sai Đắc Lộ để bắt thầy giảng số một là Inbaxu. Khi toán lính xông vào nhà tìm thầy Inbaxu thì chỉ gặp người thanh niên Phú Yên là người mà Cha Đắc Lộ đã rửa tội được ba năm và đã từng cho đi theo để giúp dạy giáo lý. Người thanh niên này đã can đảm nhận hết các tội chúng gán cho thầy Inbaxu và các thầy giảng, nên bị chúng trói lại và điệu đi. Anrê Phú Yên vui vẻ theo toán lính và trong suốt quảng đường không ngừng giảng cho những kẻ dẫn mình vào ngục biết đường tránh hỏa ngục hầu hưởng phúc Thiên Đàng.

Nhờ sự can thiệp của cha Đắc Lộ và một số thương gia người Bồ Đào Nha, ông già Anrê được tha bổng, còn Anrê Phú Yên thì không. Người thanh niên cường tráng này dám cương quyết thà chết chẳng thà bỏ đạo nên sẽ phải chết để nêu gương cho mọi người biết vâng lệnh nhà vua. Vậy lính dẫn Anrê Phú Yên tới thửa ruộng cách thành phố chừng nửa dặm. Mặc dầu đeo gông nặng, Anrê đi rất nhanh đến nỗi cha Đắc Lộ theo không kịp. Tới nơi hành quyết, thầy giảng trẻ tuổi Anrê quỳ xuống để chiến đấu cho can đảm hơn. Lính gác chung quanh không cho ai vào phía trong cả, nhưng viên đội trưởng cho phép cha Đắc Lộ được đứng cạnh thầy. Cha thấy rõ mắt thầy Anrê nhìn trời cao, miệng luôn hé mở và kêu danh thánh Giêsu.

Một người lính lấy giáo đâm thầy từ phía lưng, thâu qua ngực chừng hai bàn tay. Khi ấy thầy nhìn cha Đắc Lộ như để vĩnh biệt và cha khuyên thầy nhìn lên trời là nơi thầy sắp được Chúa Giêsu đón vào cõi phúc. Từ giây phút đó thầy chăm chú nhìn lên và không còn nhìn xuống nữa. Người lính rút lưỡi giáo ra đâm phát thứ hai, rồi đến phát thứ ba, hắn cố ý đâm trúng tim anh nhưng vẫn chưa chết. Thấy thế, một người lính khác lấy mã tấu chặt vào cổ anh, anh vẫn chưa xong, phải thêm một nhát thứ hai đầu anh mới lìa khỏi cổ, máu chảy tràn lai láng. Hành quyết xong, toán lính kéo nhau ra bờ sông để rửa các vết máu. Cha Đắc Lộ nhặt đầu anh gói lại kỹ càng như một báu vật, còn xác anh ngài tẩm liệm gởi xuống tàu buôn đưa về Macao chôn cất. Ngài biết đây là một thánh nhân, cần tôn trọng thi thể này để ngàn đời lưu danh. (theo “Người chứng thứ nhất” của Phạm Đình Khiêm).

Suy niệm:

Cảnh ngục tù, gông cùm, gươm giáo, đầu rơi, máu đổ, những cảnh hành hình dã man…, là cái giá mà các thánh Tử Đạo Việt Nam phải trả cho một niềm tin của mình. Đối với các ngài, Thiên Chúa là trên hết và là tất cả “chúng tôi thà chết chứ không thà bỏ đạo, bỏ Chúa”. Các ngài không phải vì không yêu quý mạng sống mình nhưng các ngài ý thức rằng cái chết của các ngài là cửa ngõ để bước vào sự sống. Và chính dòng máu của các ngài đã làm trổ sinh nhiều bông hạt khác.

Ngày nay chúng ta không còn tuyên xưng đức tin bằng cách đổ máu như các thánh tử đạo, nhưng chúng ta hy sinh bằng của cải vật chất, chức vụ, địa vị… Mỗi ngày chúng ta được đặt trước những chọn lựa: tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc… hay thập giá, hy sinh, từ bỏ mình…

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết làm chủ chọn lựa của mình để mai này chúng con cũng được sum họp với Chúa và với các thánh tử đạo trên quê trời.

 

 

 

 

 

25.11.2021

THỨ NĂM TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN

Lc 21,20-28

Lời Chúa:

“Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28)

Câu chuyện minh họa:

Ít năm trước đây, có một bác tài xế xe buýt ở bên Mỹ, đã đạt kỷ lục xuất sắc. Suốt hai mươi ba năm trong nghề, bác đã đi được trên một triệu năm trăm cây số mà không gây nên một tai nạn nào. Khi được hỏi làm sao mà bác đạt được kỷ lục ấy, thì bác đã trả lời một cách đơn giản đó là hãy nhìn đường.

Suy niệm:

“Hãy nhìn đường” đó là một lời khuyên hữu ích cho đời sống thường ngày và ngay cả trong đời sống thiêng liêng. Cuộc sống của chúng ta như một chuyến xe, khi lái xe chúng ta phải “nhìn đường”, phải quan sát, vì chúng ta mang một trách nhiệm không chỉ cho riêng mình nhưng còn cho những người xung quanh nữa. Trong đời sống thiêng liêng chúng ta phải “nhìn đường” để khám phá sự hiện diện của Chúa trong từng biến cố của cuộc đời.

Chúa Giêsu loan báo ngày Chúa đến mang niềm hoan lạc. Vì thế, chúng ta luôn trong tư thế tỉnh thức để sẵn sàng cho ngày Chúa đến: “anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”. Đó là thái độ vui mừng của người luôn đặt niềm tin vào Chúa ngay cả những lúc gian nan khốn khổ nhất.

“Đứng thẳng và ngẩng đầu lên” để giúp mỗi người chúng ta không nhìn về quá khứ tội lỗi mà mất đi niềm hy vọng, nhưng để đặt trọn tương lai vào tình yêu Chúa quan phòng, đó là động lực giúp chúng ta vươn tới. Trong mọi cơn gian nan nguy khó, Chúa muốn chúng ta ngẩng đầu lên vì chính Ngài là sức mạnh, ngẩng đầu lên thể hiện một niềm tin vào Chúa, một niềm cậy trông vững vàng.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống tâm tình ăn năn thống hối mỗi ngày và đặt trọn tình yêu vào Chúa để mỗi ngày con tiến xa hơn nữa trên con đường bước theo chân Chúa.

 

 

 

 

 

26.11.2021

THỨ SÁU TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN

Lc 21,29-33

Lời Chúa:

“Trời đất sẽ qua đi nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.” (Lc 21,33)

Câu chuyện minh họa:

Vị sư già ngồi cạnh bên một con đường nhỏ, hai mắt nhắm nghiền, chân xếp bằng, hai tay đặt trên gối và thả tâm hồn lặng trôi theo dòng suy tưởng.

Bất thình lình những suy tư của ông bị quấy rầy bởi một giọng nói khàn khàn và lộ vẻ thiếu kiên nhẫn của một kiếm sĩ Samurai: “Ông già! Hãy nói cho ta biết thế nào là thiên đường và địa ngục”! Ban đầu, như thể không hề nghe thấy lời nói của người võ sĩ đạo, vị thiền sư cứ thản nhiên như không, nhưng dần dần đôi mắt ông từ từ mở ra và thoáng hiện một nụ cười từ vành môi trong khi người võ sĩ đạo vẫn đứng đó, chờ đợi một cách thiếu kiên nhẫn. Sự bực bội của người võ sĩ cứ tăng dần, tăng dần theo từng giây, từng giây trôi qua.

“Ngươi muốn biết một điều bí mật rằng thế nào là thiên đường và thế nào là địa ngục ư?”, vị thiền sư trả lời “Một kẻ lôi thôi lếch thếch, tay chân vấy đầy những thứ bẩn thỉu, đầu tóc bù xù không chải chuốt, hơi thở thì sặc mùi hôi lê theo một thanh gươm cùn rỉ sét. Một kẻ ngu ngốc và bị mẹ cho ăn mặc tức cười như thế kia mà lại muốn hỏi ta về thiên đàng và địa ngục ư?” Võ sĩ đạo sau khi nghe những lời ấy liền nổi cơn tam bành, rút gươm ra và vung lên quá đầu. Gương mặt anh ta đầy giận dữ và dòng máu chảy trong huyết quản sôi lên ngay khi sắp chém đầu vị thiền sư.

“ĐẤY LÀ ĐỊA NGỤC”. Vị thiền sư ôn tồn nói khi thanh gươm vừa tới cổ. Chỉ trong một tích tắc, người võ sĩ đạo dừng nhát chém trong sự kinh ngạc tột đỉnh. Anh ta cảm thấy hối hận và cảm phục vị thiền sư, người dám đánh đổi cả mạng sống mình chỉ để cho anh ta một bài học. Anh ta buông thanh gươm và những giọt nước mắt ăn năn rơi trên khoé mắt.

“CÒN ĐÂY, LÀ THIÊN ĐƯỜNG”, vị thiền sư nói.

Suy niệm:

Thiên đàng, hỏa ngục hiện diện ngay trong cuộc sống mỗi người. Cũng vậy, triều đại Thiên Chúa luôn ở giữa nhân loại, ngay trong tâm hồn, trong cuộc sống và trong từng cách sống của mỗi người. Trời đất này, thế hệ này là vật chất sẽ qua đi, nhưng Lời Chúa vẫn luôn tồn tại và mang lại hạnh phúc cho những ai biết sống và thực hành Lời Chúa.

Ngày tận cùng của con người sẽ đến, vì chúng ta sống trong thế giới vật chất có khởi đầu và có kết thúc, nhưng còn thời điểm nào thì chúng ta không biết. Đó là quy luật của tự nhiên. Sự sống này qua đi để nhường chỗ cho sự sống mới. Do đó, chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng.

Lạy Chúa, Lời Chúa luôn bền vững, sắc bén và thích hợp với mọi thời đại. Xin Chúa giúp chúng con biết dọn dẹp mảnh đất đời mình để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.

 

 

 

 

 

27.11.2021

THỨ BẢY TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN

Lc 21,34-36

Lời Chúa:

“Anh em hãy tỉnh thức hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến” (Lc 21,36).

Câu chuyện minh hoạ:

Ngày xưa có một ông cụ già cố cứu kinh thành Sôđôm khỏi bị Chúa tiêu diệt bằng cách mỗi ngày đi gặp người dân trong thành để cảnh cáo và kêu gọi mọi người tin Chúa, thờ Chúa cho khỏi bị tiêu diệt. Không ai chịu nghe lời ông cụ mà còn chế giễu là mê tín dị đoan nữa. Ông cụ vẫn bền chí đi hết nhà này sang nhà nọ để kêu gọi họ thống hối ăn năn. Thấy chuyện vô tích sự của cụ, nên có người hỏi:

– Tại sao cụ nói cho họ biết làm gì cho mệt. Họ có nghe cụ và thay đổi gì đâu? Nói với họ cũng như nước đổ đầu vịt!

Ông cụ bình tĩnh đáp:

– Có lẽ tôi không thuyết phục nổi ai, cũng không thay đổi được ai đâu. Nhưng làm như thế cũng là giúp tôi, đừng lao vào cuộc sống sa đọa như họ.

Suy niệm:

Sau khi Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ biết khi nào Nước trời đến, Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ phải tỉnh thức và cầu nguyện để đón Chúa đến trong giờ cánh chung của mỗi người cũng như của toàn thế giới này. Sống tỉnh thức và cầu nguyện là hai thái độ sống phải song hành với nhau, bằng việc chúng ta sống tốt trong đời sống cầu nguyện qua việc đọc kinh, tham dự các nghi lễ phụng vụ, tham gia các đoàn thể công giáo tiến hành,… tất cả những công việc đó là phương thế giúp chúng ta sống tỉnh thức và sẵn sàng.

Tỉnh thức không phải là điều ai cũng thực hiện được bởi có những người nghĩ mình khỏe mạnh thì biết bao giờ mới chết, mình đang giàu có thì hãy hưởng thụ, cuộc đời còn dài lo chi phải sám hối… Chính vì những ý nghĩ đó đã dẫn nhiều người đến sự chết đời đời.

Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con luôn sống trong tâm trạng tỉnh thức và cầu nguyện, để vượt qua những cám dỗ đang từng ngày rảo bước trong cuộc đời con, nhờ đó con xứng đáng được vào hưởng hạnh phúc với Chúa mãi mãi.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*