ĐTC gặp các linh mục, tu sĩ, phó tế, giáo lý viên của Giáo hội Sýp (02-12-2021)

Ngọc Yến

Đức Thánh Cha mời gọi các linh mục, tu sĩ, phó tế, giáo lý viên của Giáo hội Sýp, theo gương thánh Barnaba: Trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cần sự kiên nhẫn và sống tình huynh đệ.

Sau khi được chào đón chính thức tại sân bay quốc tế Larnaca, vào lúc 16:00 giờ thứ Năm 02/12/2021, Đức Thánh Cha đến Nhà thờ Chính tòa Maronite Đức Mẹ Ban Ơn ở Nicosia, để gặp các linh mục, tu sĩ nam nữ, phó tế, giáo lý viên, các hiệp hội và phong trào của Giáo hội Sýp.

Nhà thờ Chính tòa Maronite Đức Mẹ Ban Ơn

Thành phố Nicosia

Nicosia là thủ đô của của Sýp, nằm ở đồng bằng Mesoria, giữa những ngọn núi của Kyrenia ở phía Bắc, cao nguyên Troodos ở phía Nam và dọc theo sông Pedieos. Thành phố trung tâm của đảo Sýp, đảo lớn thứ ba ở Địa Trung Hải. Năm 1974, sau cuộc xâm lược của người Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố bị chia cắt thành hai, một phần thuộc Sýp và một phần thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày nay, Nicosia, thủ đô bị chia cắt cuối cùng trên lục địa châu Âu, là một trong những trung tâm kinh tế và tài chính quan trọng của Đông Địa Trung Hải. Ngoài những điểm chính liên quan đến lịch sử, Nicosia được bao quanh bởi các bức tường thành bằng đá sa thạch do người Venice xây dựng vào thế kỷ XVI. Các bức tường được gia cố bởi mười một pháo đài hình trái tim và được bảo vệ bởi một con hào rộng 80 mét. Bên trong, có khu phố truyền thống của Laiki Geitonia, với các quán rượu, cửa hàng, nhà hàng và các phòng trưng bày. Các bức tường xung quanh có ba cổng lịch sử. Những con hào xung quanh khu phức hợp từ lâu đã được chuyển đổi thành một công viên.

Nhà thờ Chính tòa Maronite Đức Mẹ Ban Ơn

Nhà thờ Chính tòa Maronite Đức Mẹ Ban Ơn

Khi tới Nhà thờ Chính tòa Maronite Đức Mẹ Ban Ơn ở Nicosia, Đức Thánh Cha được Đức Tổng Giám mục Maronite đón tại lối vào chính và cả hai cùng tiến vào nhà thờ.

Nhà thờ Chính tòa Maronite Đức Mẹ Ban Ơn ở Nicosia được xây dựng vào thế kỷ XVII, và được trùng tù và khánh thành vào ngày 28/10/1961. Những lần trùng tu tiếp theo có liên quan đặc biệt đến bàn thờ, theo các tiêu chuẩn của phụng vụ Maronite; rồi các cửa sổ kính màu nghệ thuật được lắp đặt mô tả theo cuộc đời của các vị thánh Maronite và đã được thực hiện khảm ở mặt ngoài. Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã đến thăm nhà thờ vào ngày 06/6/2010.

Buổi gặp gỡ

Buổi gặp gỡ được bắt đầu với bài hát, lời chào mừng của Đức Hồng y Béchara Boutros Raï, Thượng phụ của Antiochia của các tín hữu Maronite, lời chứng của hai nữ tu đại diện.

Trong bài diễn văn trước những người hiện diện, Đức Thánh Cha cám ơn các linh mục, tu sĩ, phó tế, giáo lý viên và các thành viên của các hiệp hội, phong trào về thừa tác vụ và sự phục vụ họ đang thực hiện. Ngài đặc biệt cám ơn các nữ tu về hoạt động giáo dục mà các chị đang thực hiện trong các trường học, nơi có nhiều trẻ em trên đảo tham gia. Đây là nơi gặp gỡ, đối thoại và học biết nghệ thuật xây những cây cầu.

ĐTC gặp các linh mục, tu sĩ, phó tế, giáo lý viên của Giáo hội Sýp

Hành hương theo vết chân thánh Barnaba

Đức Thánh Cha nói ngài đến đây như một người hành hương theo vết chân Tông đồ vĩ đại Barnaba, người con của dân tộc này, môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến và một người loan báo Tin Mừng dũng cảm. Ngài giải thích: “Khi đến thăm các cộng đoàn mới được khai sinh, thánh Tông đồ đã thấy ân sủng Chúa đang hoạt động; ngài vui mừng và “khuyên nhủ mọi người bền lòng gắn bó cùng Chúa” (Cv 11, 23). Tôi đến đây cùng với ước muốn đó: thấy ân sủng Chúa đang hoạt động trong Giáo hội và trong vùng đất của anh chị em, để vui mừng với anh chị em về những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện, và mời gọi anh chị em luôn kiên trì, không mệt mỏi hay nản lòng”.

Chào hai cộng đoàn Giáo hội

Tiếp đến, Đức Thánh Cha chào hai cộng đoàn Giáo hội hiện diện tại đây: Giáo hội Maronite, với nhiều thử thách, nhưng vẫn kiên vững trong đức tin. Ngài cám ơn các tín hữu vì những gì đang thực hiện tại đây tại Sýp. Đức Thánh Cha nói: “Cây tùng tuyết của Libăng được nhắc đến nhiều lần trong Kinh Thánh như một ví dụ về vẻ đẹp và sự hùng vĩ. Nhưng ngay cả cây tùng tuyết vĩ đại cũng mọc lên từ rễ và từ từ đâm chồi. Anh chị em là những gốc rễ đó, được bứng trồng ở Sýp để lan tỏa hương thơm và vẻ đẹp Tin Mừng”.

Với Giáo hội Latinh, Đức Thánh Cha nói: “hiện diện ở đây hàng thiên niên kỷ, theo thời gian, đã chứng kiến lòng nhiệt thành đức tin, cùng với sự tăng trưởng của con cái Giáo hội. Ngày nay, nhờ sự hiện diện của nhiều anh chị em di cư, đã thể hiện như một dân tộc ‘đa sắc’, một nơi gặp gỡ thực sự giữa các dân tộc và nền văn hóa khác nhau.”. Ngài giải thích: “Giáo hội cũng vậy, công giáo, nghĩa là phổ quát, là một không gian rộng mở, trong đó tất cả mọi người đều được chào đón và quy tụ bởi lòng thương xót và lời mời gọi yêu thương của Chúa. Trong Giáo hội Công giáo không có những bức tường. Vì Giáo hội là ngôi nhà chung, là nơi của những tương quan, là sự chung sống trong đa dạng”.

ĐTC gặp các linh mục, tu sĩ, phó tế, giáo lý viên của Giáo hội Sýp

Mẫu gương thánh Barnaba: Kiên nhẫn trong sứ vụ

Đức Thánh Cha nói về thánh Barnaba, đấng bảo trợ của các tín hữu tại đảo Sýp, bằng những từ mô tả cuộc đời và sứ vụ của ngài:

Đầu tiên là sự kiên nhẫn. Thánh Barnaba được Giáo hội Giêrusalem chọn đến thăm một cộng đoàn mới, Antiôkhia, được tạo thành từ một số người mới trở lại. Đến nơi, ngài thấy những người đến từ một thế giới, một nền văn hóa khác, một sự nhạy cảm tôn giáo khác. Những người có một đức tin đầy nhiệt thành, nhưng vẫn còn mong manh. Trong hoàn cảnh này, thái độ của thánh Barnaba là sự kiên nhẫn. Đó là sự kiên nhẫn không ngừng lên đường, để bước vào cuộc sống của những người chưa biết, để chấp nhận những gì là mới, không vội vàng phán xét. Kiên nhẫn phân định, biết nắm bắt những dấu hiệu hoạt động của Chúa ở khắp mọi nơi; kiên nhẫn để “nghiên cứu” các nền văn hóa và truyền thống khác. Đặc biệt, thánh Barnaba có sự kiên nhẫn đồng hành: ngài không áp đặt đức tin mong manh của những người mới đến bằng thái độ khắt khe và thiếu linh hoạt, hoặc bằng cách đưa ra những đòi hỏi quá nhiều về việc tuân thủ các giới luật. Ngài đồng hành và đối thoại với họ.

Chúng ta cần một Giáo hội kiên nhẫn. Một Giáo Hội không để cho mình bị xáo trộn và bối rối trước những thay đổi, nhưng thanh thản đón nhận tính mới lạ và phân định những tình huống dưới ánh sáng Tin Mừng. Trên hòn đảo này, công việc anh chị em làm trong việc chào đón những anh chị em mới đến từ những bờ biển khác của thế giới thật là quý giá. Giống như thánh Barnaba, anh chị em cũng được kêu gọi để vun trồng một cái nhìn kiên nhẫn và chú ý, để trở thành những dấu hiệu dễ thấy và đáng tin cậy của sự kiên nhẫn của Chúa, Đấng không bao giờ để bất cứ ai bên ngoài ngôi nhà, ngoài vòng tay yêu thương của Người.

Mời gọi các giám mục và linh mục kiên nhẫn trong sứ vụ

Tới đây, Đức Thánh Cha mời gọi các Giám mục: “Hãy là những mục tử kiên nhẫn trong sự gần gũi, không mệt mỏi tìm kiếm Chúa trong cầu nguyện, gặp gỡ các linh mục, các anh chị em của các hệ phái Kitô khác với sự tôn trọng và ân cần, các tín hữu nơi họ đang sinh sống”. Và ngài mời gọi các linh mục: “hãy kiên nhẫn với các tín hữu, luôn sẵn sàng khuyến khích họ, hãy là những thừa tác viên không biết mệt mỏi về sự tha thứ và lòng thương xót của Chúa. Đừng bao giờ là những quan tòa khắt khe, nhưng luôn là những người cha yêu thương. Công trình của Chúa hoàn thành nơi mỗi người là một ‘lịch sử thánh thiêng’: chúng ta hãy say mê hoạt động này”.

ĐTC gặp các linh mục, tu sĩ, phó tế, giáo lý viên của Giáo hội Sýp

Mẫu gương thánh Barnaba: Sống tình huynh đệ trong sứ vụ

Đức Thánh Cha nói tiếp về điểm thứ hai nơi con người của thánh Barnaba: Cuộc gặp gỡ giữa ngài với Phaolô thành Tarsô và tình bạn huynh đệ của họ, giúp họ cùng nhau thực hiện sứ vụ. Sau khi Phaolô trở lại, “mọi người đều sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ” (Cv 9,26), vì trước đây ông là kẻ bắt bớ các tín hữu. Ở đây Sách Công Vụ Tông đồ cho chúng ta biết một điều rất hay: “Barnaba đưa Phaolô đi cùng với ông” (c. 27), đưa ông đến với cộng đoàn, thuật lại những gì đã xảy ra với ông và bảo lãnh cho ông. Chúng ta hãy lắng nghe những lời đó, “ông đưa Phaolô đi cùng với ông”. Điều này gợi lên sứ vụ của chính Chúa Giêsu, vì Người đã đưa các môn đệ đi theo Người qua các đường phố của Galilê và mang lấy nhân loại của chúng ta bị thương tích bởi tội lỗi. Đó là thái độ của tình bạn và chia sẻ cuộc sống. Đưa đi cùng có nghĩa là cùng mang lấy lịch sử của người khác, dành thời gian để hiểu biết họ, không dán nhãn, mang họ trên vai khi họ mệt mỏi hoặc bị thương, như người Samari nhân hậu đã làm (Lc 10, 25-37). Đây là tình huynh đệ.

Barnaba và Phaolô, như hai anh em, cùng đi loan báo Tin Mừng. Lời Chúa tăng trưởng và lớn mạnh, không chỉ vì phẩm chất con người của hai ông, nhưng trên hết vì hai ông là anh em trong danh Chúa, và tình huynh đệ của họ làm giới răn yêu thương được tỏa sáng. Sau đó, như đã xảy ra trong cuộc sống, một sự kiện không mong đợi đã xảy ra: có sự bất hòa và chia tay nhau (Cv 15, 39). Giữa anh chị em cũng có những lần tranh luận và cãi nhau. Tuy nhiên, Phaolô và Barnaba không chia tay nhau vì lý do cá nhân, nhưng vì họ đang tranh luận về thừa tác vụ. Đây là tình huynh đệ trong Giáo hội: chúng ta có thể tranh luận về những quan điểm, những ý tưởng khác nhau. Trong một số trường hợp, thẳng thắn nói ra có thể mang lại ích lợi, vì đó là cơ hội để trưởng thành và thay đổi. Tuy nhiên, chúng ta hãy luôn nhớ rằng: chúng ta tranh luận không phải vì để gây chiến hay áp đặt ý kiến riêng của mình, nhưng để bày tỏ và sống sức sống của Thần Khí, là tình yêu và sự hiệp thông.

ĐTC gặp các linh mục, tu sĩ, phó tế, giáo lý viên của Giáo hội Sýp

Đức Thánh Cha mời gọi: “Chúng ta cần một Giáo hội huynh đệ, một Giáo hội là khí cụ tình huynh đệ cho thế giới. Ở đây, ở Sýp có rất nhiều sự nhạy cảm về tâm linh và Giáo hội, nguồn gốc, lịch sử, các lễ nghi và truyền thống khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta không được coi sự đa dạng như một mối đe dọa đối với căn tính; chúng ta không được ghen tị hoặc bận tâm đối với các vấn đề khác. Nếu chúng ta rơi vào cám dỗ này, thì nỗi sợ hãi sẽ lớn dần lên, và rồi sinh ra sự hoài nghi và rồi sớm muộn gì cũng dẫn đến chiến tranh”.

Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn với lời mời gọi: “Với tình huynh đệ, anh chị em có thể nhắc nhở mọi người, và toàn thể Châu Âu rằng, để xây dựng một tương lai xứng đáng với nhân loại, cần phải cùng nhau làm việc, vượt lên trên những chia rẽ, phá bỏ các bức tường, vun trồng ước mơ hiệp nhất. Chúng ta cần chào đón và hòa nhập, cùng nhau bước đi như những anh chị em!”.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*