Câu chuyện chiều thứ bảy: Chẳng qua chỉ là một bát cơm

Cuộc sống có rất nhiều điều khiến ta muộn phiền, giải pháp để giải quyết những muộn phiền đó vô cùng đơn giản, chỉ cần tâm niệm rằng: “chẳng qua chỉ là một bát cơm”, chúng ta có thể vì nó bỏ đi những điều khiến ta đau đầu để tìm một cuộc sống khác; hay chúng ta có thể vì nó mà kiên trì nhẫn nại giải quyết mọi rắc rối.

Có hai chàng trai trẻ tuổi, cuộc sống không được như ý lắm cùng đến thăm người thầy của họ, và cùng nhau hỏi thầy: “ Thưa thầy, chúng con đi làm thường xuyên bị chèn ép, mệt mỏi lắm, xin thầy góp ý cho chúng con xem chúng con có nên từ bỏ công việc hiện giờ không?”.

Người thầy nhắm mắt suy nghĩ một lúc rồi vẽ một cái gì đó lên một tờ giấy trắng và ra hiệu cho hai chàng trai trẻ lại gần và xem. Hai chàng trai xem xong, hóa ra thầy của họ vẽ hình một bát cơm. Ngay sau đó, hai người họ trở lại công ty, một người từ chức về quê làm nông, còn một người vẫn ở lại công ty của mình tiếp tục công việc.

Chớp mắt đã mười năm trôi qua, người từ chức về quê làm nông ứng dụng các phương pháp nuôi trồng hiện đại nên sau này trở thành một chuyên gia trong ngành nông nghiệp. Còn chàng trai ở lại công ty tiếp tục làm việc thì không ngừng nỗ lực học hỏi, chịu thương chịu khó nên thăng quan tiến chức làm giám đốc.

Một ngày, hai người này găp lại nhau, anh chàng chuyên gia nông nghiệp nói: “Thật kỳ lạ, thầy vẽ cho chúng ta hình ảnh một bát cơm, tôi nhìn cái hiểu ý thầy ngay, chẳng qua chỉ là miếng cơm, tội gì ta phải cố bám lấy công ty nên tôi đã từ chức, nhưng còn anh? Tại sao anh không nghe lời thầy chứ?”

Chàng trai còn lại trả lời: “ Tôi đâu phải không nghe lời thầy, ý thầy là vì kiếm miếng cơm ăn, bực mình làm gì, đừng cái gì cũng để ý chấp vặt thì ta sẽ vui vẻ, nên tôi vẫn ở lại làm việc tiếp”.

Cùng là nhận thức đúng thế nhưng do kiến thức của mỗi người, do nhu cầu, do cảm nhận tâm lý… khác nhau nên cùng một sự việc sản sinh những phản ánh và ý thức khác nhau. Ý thức khác nhau lại khiến con người có những hành động khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau.

Cũng giống như câu chuyện trên, hai người cùng nhìn thấy một hình ảnh một bát cơm, nhưng lại có hai cách hiểu khác nhau, hai ý thức khác nhau dẫn đến hai sự lựa chọn cuộc sống khác nhau.

Trong thực tế, tất cả những rắc rối khiến chúng ta muộn phiền đều là do chúng ta cố níu kéo. Một khi chúng ta quyết định buông bỏ, chúng ta cũng sẽ không mất mát đi vật gì, thứ mà chúng ta mất đi chỉ là sự muộn phiền.

Mỗi người có một cách hiểu khác nhau với cùng một sự vật sự việc hay cùng một câu nói, đồng thời sử dụng nó như một bài học khích lệ bản thân, để dù cho có gặp phải chuyện gì khiến mình phiền lòng cũng sẵn sàng bỏ qua, không để những tổn thương làm mình mềm yếu. Vì thế, đừng vội vã với thành công mà hãy từng bước từng bước chắc chắn để bắt đầu, hãy tin vào chính mình, thành công sẽ nằm trong tầm tay của bạn.

Cuộc sống luôn đầy đủ các thi vị, đi hoặc ở, nắm lấy hay từ bỏ, thị thị phi phi, ân ân oán oán… chẳng qua chỉ là ở trong suy nghĩ của mỗi con người. Chính vì vậy, khi ta quyết định làm một việc gì đó hãy suy nghĩ nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn, đừng vì mới bắt đầu nỗ lực mà chưa thấy kết quả như ý đã chán nản từ bỏ, và cũng đừng cho rằng thành công là do số trời ban tặng mà không cần làm gì cả, chỉ cần há miệng chờ sung, hãy nên nhớ rằng người thành công nhất là người vấp ngã nhiều nhất.

Sưu Tầm

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*