Đức Thượng phụ Công giáo Armeni khai mạc Tuần Cầu nguyện cho Kitô hữu hiệp nhất

Chúa Nhật 16/1,/2022, tại nhà thờ chính tòa thánh Elia và Gregorio của Công giáo Armeni ở thủ đô Beirut của Li-băng, Đức Thượng phụ Raphael Bedros của Công giáo Armeni mời gọi các tín hữu vượt qua những khác biệt bằng cách nhìn vào Chúa Kitô Cứu Thế và vào mầu nhiệm Thánh Thể, “điều giống nhau trong tất cả các nghi lễ và trong tất cả các Giáo hội”.


Đức Thượng phụ Raphael Bedros XXI Minassian

Nhắc lại lời mỗi Ki-tô hữu khi đọc kinh: “Xin tha tội cho con bởi vì con đã phạm tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”, Đức Thượng phụ Raphael nhấn mạnh rằng, liên quan đến vấn đề hiệp nhất, thông thường ý định và lời nói không tương ứng với hành động và mặc dù chúng ta mong muốn sự hiệp nhất, nhưng chúng ta không hiểu hết ý nghĩa thực sự của nó. Ngài nói: “Chúng ta đang bị phân tán trên mặt đất, và chúng ta đã rơi vào tình trạng hỗn loạn của lòng ích kỷ cá nhân và tập thể, chúng ta đã quên đi Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Chúng ta đã phân tích và giải thích mầu nhiệm Cứu Chuộc theo ý muốn và quan niệm cá nhân của chúng ta, nhưng chúng ta đã quên mục đích của nó, đó là ơn cứu độ”.

Chia rẽ vì tấm áo của Chúa Kitô

Đức Thượng phụ Raphael nhận xét rằng nhiều người đã làm việc chăm chỉ và kiên quyết vì sự hiệp nhất, nhưng đôi khi với mục đích đưa những người khác lại gần các nguyên tắc của riêng họ hơn. Ngài khẳng định: “Như những người lính La Mã đã làm dưới Thánh Giá vì tấm áo của Chúa Giêsu, chúng ta cũng tranh cãi vì tấm áo của Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô không sinh ra và không chịu đóng đinh vì một nhóm nào đó, vì một tầng lớp ưu tú, nhưng cho tất cả các quốc gia, cho ơn cứu độ của toàn thể nhân loại”.

Cầu nguyện là vũ khí chống lại chia rẽ

Đức Thượng phụ khẳng định rằng các Ki-tô hữu cần phải quay trở lại với “vũ khí cầu nguyện” để chống sự chia rẽ, bằng lời cầu nguyện chung với nhau và được hoàn tất bằng hành động. Ngài nói: “Lời cầu nguyện đó hướng dẫn chúng ta nói với nhau rằng không có bất đồng trong bí tích Rửa tội, không có bất đồng trong bí tích Thánh Thể, không có bất đồng trong việc cầu nguyện chung trong tất cả các Giáo hội, Công giáo và Chính thống giáo, và cả trong tất cả các Giáo hội khác”.

Truyền thống và di sản của các Giáo hội là bản giao hưởng tuyệt vời tôn vinh Thiên Chúa

Sau đó, Đức Thượng phụ nhận xét rằng, nếu đúng là mỗi Giáo hội có truyền thống và di sản riêng của mình, thì “tất cả chúng ta cùng là một phần của một bản giao hưởng hài hòa tuyệt đẹp phải tôn vinh Đấng Tạo Hóa”. Ngài khẳng định: “Các tranh chấp là do con người gây ra, do ích kỷ và chủ nghĩa bè phái và xa rời mọi nguyên tắc tâm linh và Ki-tô giáo.” Đức Thượng phụ hy vọng về một con đường hướng tới sự hiệp nhất không bị điều kiện hoặc hạn chế giữa các Ki-tô hữu.

Hồng Thủy

(Vatican News 17.01.2022)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*