Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu tin vào điều tốt, ngay cả khi phải đối mặt với sự khép kín và bị từ chối, đồng thời vượt qua những định kiến, biết sẵn sàng và khiêm nhường đón nhận Chúa trong những hoàn cảnh sống hàng ngày, nơi những người ở bên cạnh chúng
Lúc 12:00 giờ trưa Chúa Nhật 30/1/2022, như thường lệ, Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ Dinh Tông tòa và cùng đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô.
Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha đã chia sẻ với các tín hữu một vài suy tư dựa trên đoạn Tin Mừng thánh Luca được đọc trong Chúa Nhật 4 Thường niên, thuật lại việc Chúa Giêsu đã gặp phải sự không hiểu và thù địch của những người cùng quê Nazareth. Ngài mời gọi các Kitô hữu tin vào điều tốt, ngay cả khi phải đối mặt với sự khép kín và bị từ chối, đồng thời, vượt qua những định kiến, biết sẵn sàng và khiêm nhường đón nhận Chúa trong những hoàn cảnh sống hàng ngày, nơi những người ở bên cạnh chúng ta.
Bài huấn dụ
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: Trong Phụng vụ hôm nay, Tin Mừng thuật lại cuộc rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu tại làng quê Nazareth của Người. Kết quả thật cay đắng: thay vì nhận được sự đồng thuận, Chúa Giêsu lại gặp phải sự không hiểu và thù địch (Lc 4, 21-30). Những người dân làng của Người muốn thấy các phép lạ, những dấu lạ phi thường, hơn là nghe một lời sự thật. Chúa không thực hiện những điều này và họ đã từ chối Người, bởi vì họ nói rằng, họ đã biết Người từ khi Người còn là đứa trẻ: con ông Giuse (c. 22). Vì vậy, Chúa Giêsu đã tuyên bố một câu mà nay đã trở thành tục ngữ: “Không có ngôn sứ nào được tiếp đón tại quê hương mình” (c. 24).
Đức Thánh Cha giải thích: Những lời này cho thấy rằng, đối với Chúa Giêsu, thất bại không là điều hoàn toàn bất ngờ. Chúa biết người dân của mình, biết lòng của họ, Người biết rủi ro mà Người đang gặp, Người đã nghĩ đến việc bị từ chối.
Hãy tin vào điều tốt
Trước câu hỏi chúng ta có thể đặt ra: “nếu Chúa thấy trước thất bại, tại sao Người vẫn đi về quê hương của mình? Tại sao lại tốt với những người không sẵn sàng chào đón bạn?”, Đức Thánh Cha nói: Đó là một câu hỏi mà chúng ta cũng thường tự hỏi, nhưng đó là một câu hỏi giúp chúng ta hiểu Thiên Chúa hơn. Trước sự khép kín của chúng ta, Người không thoái lui: không dừng yêu thương. Trước sự đóng kín lòng của chúng ta, Người vẫn tiếp tục yêu thương. Chúng ta thấy điều này được phản chiếu nơi các bậc cha mẹ, những người ý thức về sự vô ơn của những đứa con, nhưng không vì thế mà họ không yêu thương chúng và không làm điều tốt cho chúng. Thiên Chúa là như thế, nhưng ở một mức độ cao hơn rất nhiều. Và hôm nay, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy tin vào điều tốt, đừng bỏ qua ý định làm điều tốt nào.
Những mẫu gương đón nhận Thiên Chúa
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha lưu ý: trong những việc xảy ra ở Nazareth, chúng ta thấy một điều gì đó khác: sự thù địch của những người dân của Chúa Giêsu đối với Người chất vấn chúng ta: họ không chào đón Người, thế còn chúng ta? Và ngài mời gọi chúng ta xác minh điều này bằng cách quan sát các mô hình đón nhận mà hôm nay Chúa Giêsu đề xuất cho những người đồng hương và cho chúng ta. Họ là hai người ngoại quốc: một góa phụ ở Sarepta thuộc Sidon và ông Naaman, người Syria. Cả hai đều chào đón các ngôn sứ: trước tiên là Êlia và sau đó là Êlisê, dù đó không phải là một sự chào đón dễ dàng nhưng đã trải qua những thử thách.
Sẵn sàng và khiêm nhường
Đức Thánh Cha giải thích: Bà góa đã tiếp đãi ngôn sứ Êlia, bất chấp nạn đói và mặc dù ông bị bắt bớ; ông bị bách hại chính trị tôn giáo (1V 17,7-16). Ngược lại, ông Naaman, mặc dù là người ở đẳng cấp cao nhất, đã chấp nhận yêu cầu của ngôn sứ Êlisê, yêu cầu ông phải khiêm nhường, xuống tắm bảy lần dưới sông (2V 5,1-14). Tóm lại, bà góa và ông Naaman đã chào đón họ qua sự sẵn sàng và khiêm nhường. Cách thế đón nhận Thiên Chúa luôn là sẵn sàng đón tiếp Người và khiêm nhường.
Theo Đức Thánh Cha, đức tin đến qua sự sẵn sàng và khiêm tốn. Bà góa và ông Naaman không chối từ các đường lối của Thiên Chúa và các ngôn sứ của Người; họ ngoan ngoãn, không cứng nhắc và khép kín.
Chúng ta có đang đón nhận Chúa?
Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: Thưa anh chị em, Chúa Giêsu cũng theo cách của các ngôn sứ: Người xuất hiện không giống như chúng ta chờ đợi. Những người tìm kiếm các phép lạ, nếu chúng ta tìm các phép lạ chúng ta sẽ không tìm thấy Chúa Giêsu; những người tìm những cảm giác mới, những kinh nghiệm lạ thường, những điều lạ lùng, tìm một đức tin được tạo nên từ sức mạnh và những dấu hiệu bên ngoài, sẽ không gặp được Người. Ngược lại, ai đón nhận đường lối và những thách đố của Người, không phàn nàn, không nghi ngờ, không chỉ trích với khuôn mặt chảy dài, thì tìm thấy Người. Nói cách khác, Chúa Giêsu yêu cầu bạn đón nhận Người trong thực tại hàng ngày mà bạn đang sống; trong Giáo hội ngày nay như nó là; trong những người gần gũi với bạn mỗi ngày; trong sự cụ thể của người nghèo khổ, trong những vấn đề của gia đình, của cha mẹ, con cái, ông bà, hãy đón nhận Thiên Chúa ở đó. Ở đó có Người, Đấng mời gọi chúng ta thanh tẩy bản thân trong dòng sông của sự sẵn lòng và trong nhiều bồn tắm lành mạnh của sự khiêm nhường. Chúng ta cần khiêm nhường để gặp gỡ Thiên Chúa, để để cho mình được gặp Người.
Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: Và chúng ta đang đón nhận Chúa hay chúng ta giống những người dân làng của Người, những người tin rằng họ biết mọi thứ về Người? Chúng ta nói: “Tôi đã học thần học, tôi đã tham gia khóa giáo lý đó… Tôi biết mọi thứ về Chúa Giêsu, chúng ta nghĩ giống như một “kẻ ngốc”… Đừng là kẻ ngốc, bạn không biết Chúa Giêsu.
Tâm trí cởi mở, trái tim đơn sơ
Đức Thánh Cha kết luận: Có thể là sau nhiều năm là tín hữu, chúng ta nghĩ mình biết rõ về Chúa, với những ý nghĩa và những nhận định của mình. Có nguy hiểm là, chúng ta trở nên quen thuộc quá với Chúa Giêsu, trở nên đóng kín vào giây phút Người gỡ cửa để nói với chúng ta một điều mới mẻ, để muốn gặp gỡ chúng ta. Chúng ta phải đi ra khỏi cái tôi này, khỏi việc bám chặt vào các quan điểm của chúng ta. Ngược lại, Chúa yêu cầu một tâm hồn rộng mở và một trái tim đơn sơ. Khi một người có tâm trí cởi mở, một trái tim đơn sơ thì có khả năng ngạc nhiên. Chúa luôn làm chúng ta ngạc nhiên và đây là điều tuyệt vời của việc gặp gỡ Chúa Giêsu.
Đức Thánh Cha xin Đức Mẹ, mẫu gương khiêm nhường và sẵn sàng, chỉ cho chúng ta cách thế để đón nhận Chúa Giêsu.
Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Để lại một phản hồi