Tọa đàm lần thứ 21 của các Giám mục
tại Trung Tâm Đạo Đức Sinh Học Công giáo Quốc gia
Dallas, Texas — ngày 8 tháng 2 năm 2007
VAI TRÒ CỦA HUẤN QUYỀN TRONG ĐẠO ĐỨC SINH HỌC
Hồng y William Levada,
Bộ Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin
1. DẪN NHẬP
Tôi vui mừng có được cơ hội nói với chư huynh về vấn đề tế nhị nhưng quan trọng này, đó là Vai trò của Huấn quyền trong Đạo Đức Sinh Học. Đề tài hợp thời không chỉ vì ngành sinh học hiện đại dường như có các khám phá mới và hấp dẫn gần như mỗi ngày, mà còn vì các khám phá mới này dường như đặt ra các câu hỏi hóc búa ngày càng phức tạp cho các Kitô hữu, những người đang sống trong xã hội ngày càng tục hóa. Vì thế, đối với tôi dường như quan trọng hơn bao giờ hết cho chúng ta, là các giám mục, những người được gọi để thực thi sứ vụ giảng dạy (Huấn quyền) trong Giáo hội, để bảo đảm rằng chính chúng ta, và những người được trao phó cho sự chăm sóc của chúng ta, cách riêng là các linh mục, các thầy dạy về thần học luân lý, và tất cả những ai đang làm việc trong lãnh vực đạo đức sinh học, là những người được đào luyện trong truyền thống luân lý của Giáo hội.
Không còn đủ cho Giáo hội khi chỉ đơn giản đáp trả vài khám phá hay tiến bộ mới mỗi khi bị thách đố phải đáp trả. Nếu Dân Chúa không được đào luyện trong truyền thống luân lý của Giáo hội, nếu họ không nắm vững sự liên kết chính yếu giữa các nguyên tắc của giáo huấn luân lý Công giáo và Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, thì họ sẽ không có khả năng để đáp trả một cách đầy đủ đối với các vấn đề luân lý ngày nay. Việc giảng dạy cho các giáo sĩ và cho dân Chúa về các nguyên tắc luân lý tổng quát phải là một tiến trình tiếp diễn và phải là một ưu tiên. Bởi vì chỉ khi các giáo hữu hiểu biết nhãn quan luân lý của Giáo hội thì họ mới sẽ có thể thực hành chúng trong đời sống của họ, và làm chứng thuyết phục về các nguyên tắc luân lý trong xã hội rộng lớn.
Trong bài nói chuyện này, vì thế, tôi không thảo luận các vấn đề khoa học đặc thù – tôi sẽ dành các vấn đề này cho các chuyên viên trong các lãnh vực chuyên môn riêng của họ. Tôi cũng không có ý định cung cấp một đánh giá đạo đức về các kỹ thuật y sinh học khác nhau, vốn là đề tài được thảo luận rất nhiều trong thời gian này- những vấn đề này là chủ đề thích hợp dành cho sự phân định của các thần học gia luân lý. Đúng hơn, trong bài nói chuyện này, tôi đơn giản ước mong trình bày một số nguyên tắc nền tảng mà tôi tin rằng chúng hữu ích trong việc xác định vai trò và phạm vi của Huấn quyền trong lãnh vực đạo đức sinh học, và có thể phục vụ như cột trụ hướng dẫn không thể thiếu được cho dân Kitô giáo. Tôi sẽ rút ra các nguyên tắc này từ các tài liệu Gaudium et Spes (GS), Evangelium Vitae (EV), Donum Vitae (DV) và sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG), và thông điệp đầu tiên của Đức Giáo hoàng Benedict XVI, Thiên Chúa là Tình Yêu (Deus Caritas Est). Với cách thức này, tôi hy vọng sẽ có thể đáp trả vài phê phán thường gặp về giáo huấn luân lý của Giáo hội công giáo.
2. GHI CHÚ CÁ NHÂN
(đoạn này người dịch bỏ qua vì chỉ là kỷ niệm riêng của tác giả, không liên quan chủ đề)
3. KỶ NIỆM 20 NĂM BAN HÀNH HUẤN THỊ HỒNG ÂN SỰ SỐNG (DONUM VITAE)
Tháng này đánh dấu năm thứ 20 ban hành huấn thị Hồng Ân Sự Sống (Donum Vitae), một tựa đề được lấy từ các từ đầu tiên của Huấn thị của Bộ Giáo lý Đức Tin về Sự Tôn Trọng đối với Sự Sống Con Người trong Nguồn Gốc của nó và Phẩm giá của Việc Truyền Sinh: Trả Lời một số Vấn nạn thời nay. Hòa hợp với việc thực thi thông thường đối với các tài liệu giáo huấn quan trọng của Bộ, Huấn thị này được chuẩn nhận bởi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Người đã ra lệnh ban hành Huấn thị như là thuộc Huấn quyền Giáo hoàng của Ngài. Khi đọc lại Donum Vitae với khoảng cách 20 năm sau, đối với tôi dường như Huấn thị này vẫn không mất tính thời sự. Các nguyên tắc mà tài liệu đề ra là bền vững: chúng là các nguyên tắc của luật luân lý tự nhiên vốn phản ánh giáo huấn của Tin Mừng. Chúng có nguồn gốc trong Mười Điều Răn, và nhất là trong giới răn yêu thương- Yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự , và yêu tha nhân như chính mình.
Nhân chủng học cơ bản của đức tin Kitô giáo nhìn thấy trong mọi nhân vị một hữu thể được dựng nên và được yêu thương bởi chính Thiên Chúa, và được dành cho sự sống vĩnh cửu. Hơn nữa, con người tự bản chất bao hàm tinh thần và thể chất, một sự kết hợp hồn và xác mang tính hữu thể (a substantial union of soul and body). Trong một thế giới bị cuốn hút bởi các tiến bộ của các kỹ thuật vi sinh học, nhãn quan nhân học cơ bản về nhân vị rất thông thường không được biết đến hay bị lờ đi. Nhưng kế hoạch của Thiên Chúa dành cho các thụ tạo của Người thật sự là “tin vui” trong một thế giới bị thống trị bởi một não trạng kỹ thuật quá thường chịu sự dẫn dắt bởi những ảo tưởng về tiến bộ khoa học, hay bởi các lời hứa lợi ích kinh tế, hay bởi cái nhìn thực dụng về con người như là một sản phẩm có thể vứt bỏ hay chuyển nhượng. “Tin vui” này ở ngay trọng tâm của Tin Mừng mà chúng ta được trao phó phải loan truyền và giảng dạy.
Dường như đối với chúng ta ngày nay, các vấn đề đặc thù được nói đến trong Donum Vitae bị giới hạn trong phạm vi so sánh với các phát triển kỹ thuật của 20 năm qua. Donum Vitae đã có mục đích áp dụng các nguyên tắc cơ bản của luân lý Kitô giáo trong hai lãnh vực: lãnh vực nghiên cứu và tác biến trên phôi, đặc biệt trong các kỹ thuật sinh sản, như là thụ tinh trong ống nghiệm, chẩn đoán tiền sinh…; và lãnh vực thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh trợ giúp cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, hoặc dị ngẫu hay đồng ngẫu. Ngày nay dĩ nhiên chúng ta đối mặt với cả một tổng thể các thách thức đạo đức sinh học: nhân bản, liệu pháp điều trị gene, nghiên cứu và sản xuất tế bào gốc, chẩn đoán tiền cấy phôi, ngân hàng tinh trùng và trứng dành cho sử dụng thương mại, .. .Nhưng các đáp trả của chúng ta đối với nhiều thách thức mới, cũng như đối với các thách thức cũ, phải giúp dân Chúa hiểu biết các kỹ thuật này trong ánh sáng của các nguyên tắc cơ bản hòa hợp với kế hoạch và dự định của chính Thiên Chúa. Chính là dựa trên các nguyên tắc này mà tôi muốn tập trung chú ý trong bài nói chuyện này.
4. NĂM NGUYÊN TẮC CƠ BẢN
Nguyên Tắc thứ nhất: Luân Lý và Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô
Ngày nay người ta thường nghe nói rằng Giáo hội Công giáo rất thường nói quá nhiều về các vấn đề luân lý. Giáo huấn của Giáo hội trong lãnh vực này thường bị phê phán rằng quá khắt khe, quá nặng nề, và gần như không thể thực thi được. Trong cái nhìn này, sứ điệp thật sự của Giáo hội, tức là công bố Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, một cách nào đó đã bị lu mờ bởi một sự tập trung quá mức như vậy về các vấn đề luân lý.
Trả lời cho phê phán này, trước hết tôi đồng ý rằng điều chính yếu của người Kitô hữu, và như thế, chính yếu của Tin Mừng, không phải một bộ quy ước luân lý, nhưng đúng hơn, là một ngôi vị, đó là Đức Giêsu Kitô. Như Đức Thánh Cha đã phát biểu trong Thông điệp Deus Caritas Est của ngài, “là Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một tư tưởng cao quý, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một ngôi vị, Đấng ban cho đời sống một chân trời mới và một đường hướng mang tính quyết định” (s.1; x. GS 22). Tuy nhiên, cũng không kém chân thật, rằng sự hiệp thông với Ngôi vị đó, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, thông qua đức tin, cầu nguyện và các bí tích, liên hệ đến một cách thức sống mới- một chọn lựa để sống theo Tin Mừng. Sự thực hành này được minh họa một cách đẹp đẽ trong Tin Mừng với cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu và người thanh niên giàu có, anh ta tự thấy mình không thể chấp nhận cách thức làm môn đệ mà Chúa mời gọi. Sách GLHTCG tóm kết việc áp dụng của cuộc gặp gỡ này với Đức Kitô : “Khi lấy đức tin mà nhìn nhận phẩm giá mới của mình, các Kitô hữu được mời gọi ‘ăn ở xứng đáng với Tin Mừng của Đức Kitô’ ” (x. Pl 1, 27). “Nhờ các bí tích và kinh nguyện, họ nhận được ân sủng của Đức Kitô và các hồng ân Chúa Thánh Thần, để có thể sống đời sống mới này” (GLHTCG, s. 1692; x. Veritatis Splendor, I, 6-27).
Nguyên tắc đầu tiên phác họa vai trò của Huấn quyền trong lãnh vực Đạo Đức Sinh Học, do đó, là Huấn quyền được gọi để công bố Đức Giêsu Kitô, Đấng mời gọi chúng ta bước theo Ngài. Luân lý Kitô giáo không gì khác hơn là “luật của đời sống” của người môn đệ. Giáo huấn luân lý của Giáo hội xuất phát từ cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Chúa trong đức tin, cầu nguyện, và các bí tích dưới sự hướng dẫn của Thần Khí, Đấng dẫn dắt người môn đệ và cộng đồng các môn đệ vào trong việc hăng say đón nhận ngày càng sâu xa hơn ý muốn của Thiên Chúa.
Nguyên tắc thứ hai: Khoa học phục vụ con người
Người ta cũng nghe phê phán rằng Huấn quyền của Giáo hội đã cản trở và tiếp tục cản trở sự tiến bộ của khoa học, trên hết là trong lãnh vực các kỹ thuật y sinh học mới mẻ và đầy hứa hẹn. Khi làm như thế, Giáo hội dường như mắc lỗi đã lan truyền một xung đột “loại Galileo” giữa khoa học và tôn giáo, giữa đức tin và lý trí.
Không khó để nhớ lại các tình huống lịch sử trong đó Giáo hội thật không dễ dàng để thích nghi với các dữ kiện và lý thuyết khoa học. Nhưng Giáo hội nhìn nhận trên nguyên tắc tính tự quyết của khoa học. Thật vậy, sự hình thành các đại học lớn ở châu Âu minh chứng việc giảng dạy khoa học không những tương hợp với giáo huấn triết- thần của Giáo hội mà còn cùng phát triển một nhịp với chúng, cùng nhau hình thành “ từ trong lòng Giáo hội” (ex corde Ecclesiae).
Cùng lúc, tuy nhiên, Giáo hội kiên định rằng khoa học phải phục vụ con người, chứ không phải ngược lại. Vì lý do này mà Giáo hội đã luôn nhấn mạnh tầm quan trọng không những của việc giáo dục khoa học kỹ thuật mà còn của việc đào luyện đạo đức và nhân chủng học, để có thể bảo đảm rằng các tiến bộ kỹ thuật không hủy hoại con người nhưng hỗ trợ thăng tiến thiện ích toàn vẹn nhân vị .
Đức Thánh Cha trong một cuộc phỏng vấn khi viếng thăm mục vụ Bavaria, Đức, đã nói như sau:
Tiến bộ trở thành tiến bộ thật sự chỉ khi nó phục vụ con người, và nếu con người tăng trưởng: không chỉ về mặt sức mạnh kỹ thuật, mà còn là về ý thức luân lý của mình. Tôi tin rằng vấn đề thực sự của thời khắc lịch sử chúng ta hệ tại ở chỗ bất quân bình giữa sự tăng trưởng quá nhanh của sức mạnh kỹ thuật và của khả năng luân lý chúng ta, vốn không tăng trưởng cân xứng.
Đó là lý do tại sao việc đào luyện con người là một phương thế chân thực, là chìa khóa cho tất cả, và đây là điều mà Giáo hội nhắm đến. Nói ngắn gọn, việc đào luyện này có hai chiều kích: dĩ nhiên, chúng ta phải học tập, mở rộng kiến thức, khả năng, nắm bắt cách thức vận hành. Trong chiều kích này, châu Âu, và trong những thập kỷ sau này, châu Mỹ, đã thực hiện rất nhiều, và điều đó quan trọng. Nhưng nếu chúng ta chỉ giảng dạy về tri thức và cách thức nắm bắt tri thức, nếu chúng ta chỉ dạy về cách thức chế tạo và sử dụng máy móc, làm thế nào sử dụng các biện pháp ngừa thai nhân tạo, thì chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta phải đối diện với chiến tranh, với đại dịch AIDS; bởi vì chúng ta cần cả hai chiều kích: đồng thời, chúng ta cần đào luyện tâm hồn, nếu tôi có thể diễn tả như thế, với chiều kích này, con người nắm bắt được các điểm quy chiếu và học làm sao có thể ứng dụng kỹ thuật cách đúng đắn. Và đó là điều chúng ta cố gắng thực hiện.
Khắp Phi châu và trong nhiều nước Á châu, chúng ta có một mạng lưới rộng lớn ở mọi cấp học đường nơi mà người ta có thể trước hết học tập, đào luyện lương tâm, và đạt được khả năng chuyên môn giúp họ có được tính tự quyết và tự do. Tuy nhiên trong những trường học này, chúng ta đã cố gắng truyền đạt nhiều điều hơn là cách thức nắm bắt và ứng dụng tri thức; đúng ra cần nỗ lực huấn luyện con người có được khả năng hòa giải, những con người biết rằng chúng ta phải xây đắp, chứ không phải phá hủy, những con người có được các tham chiếu, điều căn bản cần thiết để có thể sống chung với nhau (bài phỏng vấn Đức Benedict XVI, 5/8/ 2006).
Nguyên tắc thứ hai, vì vậy, có thể được phát biểu như sau: Huấn quyền thật sự nhìn nhận tính tự quyết của khoa học và kỹ thuật, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi rằng để khoa học và kỹ thuật có thể thực sự phục vụ nhân vị, chúng phải tuân thủ các yếu tố cơ bản của luân lý. Sách GLHTCG nói điều này như sau : “Việc nghiên cứu khoa học, lý thuyết hay ứng dụng là một cách biểu lộ đầy ý nghĩa quyền làm chủ của con người trên các thụ tạo. Khoa học và kỹ thuật là những phương tiện quý giá khi phục vụ và phát triển toàn diện con người để mưu ích chung; nhưng khoa học kỹ thuật không đem lại ý nghĩa cho cuộc đời và cho sự tiến bộ của loài người. Khoa học và kỹ thuật quy hướng về con người, xuất phát từ con người và tiến bộ nhờ con người, vì thế chính con người và các giá trị luân lý của con người là mục đích và là những giới hạn cho khoa học kỹ thuật.. .Từ ý nghĩa nội tại của chúng, khoa học và kỹ thuật phải tôn trọng vô điều kiện các tiêu chuẩn căn bản của luân lý, phải phục vụ con người cũng như các quyền bất khả nhượng, lợi ích đích thực và toàn vẹn của con người, theo đúng kế hoạch và ý muốn của Thiên Chúa (GLHTCG s. 2293-4)
Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes (s. 36) của Công đồng Vatican II cũng đề cập đến vấn đề này trong một bản văn quan trọng xứng đáng được nhấn mạnh, ngay cả lập lại, trong giáo huấn của chúng ta, để thách thức một trong các lối hiểu sai về tương quan giữa đức tin Kitô giáo và khoa học hiện đại. Tôi sẽ trích dẫn chỉ hai đoạn từ bản văn này:
Việc khảo sát có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách khoa học thực sự và theo các tiêu chuẩn luân lý, sẽ không bao giờ thực sự trái nghịch với đức tin, vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra.
Nhưng, nếu “sự độc lập của thực tại trần thế” có nghĩa là: các thụ tạo không lệ thuộc Thiên Chúa và con người có thể sử dụng chúng mà không cần quy hướng về Đấng Tạo Thành thì không một ai tin vào Thiên Chúa lại không thấy rằng lập trường đó hết sức sai lầm. Thực vậy, không có Đấng Tạo Thành, thụ tạo ắt đều tiêu tan. Ngoài ra mọi tín hữu, dù thuộc tôn giáo nào đi nữa, cũng luôn nghe tiếng Thiên Chúa qua tiếng nói của các thụ tạo. Hơn nữa, mất ý thức về Thiên Chúa, mọi thụ tạo đều trở nên mờ tối (Gaudium et Spes, s. 36).
Nguyên tắc thứ ba: Tôn trọng phẩm giá của mọi con người
Một gốc rễ khác nữa của sự bất đồng của một số người ngày nay là tiếng “KHÔNG” của Giáo hội đối với một số tiến bộ khoa học, có thể kể vài vấn đề đương thời như nghiên cứu phôi người, nhân bản trong điều trị, sản xuất tế bào gốc từ phôi thai. Thái độ này lan rộng, một cách đáng buồn, ngay cả trong số nhiều người Công giáo có đức tin và sống đức tin, họ cho rằng Huấn quyền giáo hội quá tiêu cực, rằng “ ông già trong thành Vatican” đang chống lại sự tiến bộ ngay cả khi các tiến bộ này nhằm giúp đỡ những người bệnh tật, hiếm muộn, hay tương tự như thế.
Trả lời những than trách như thế, đó là và phải là công việc của Huấn quyền bảo vệ giáo huấn kiên định của Giáo hội về phẩm giá của mỗi một và mọi sự sống con người. Chính xác từ điểm quy chiếu này, khi giáo lý Công giáo bắt đầu phân tích về Điều răn thứ Năm (“chớ giết người”), bằng một trích dẫn từ Huấn thị Donum Vitae được nhắc đến ở trên “Sự sống con người là thánh thiêng vì từ khởi đầu nó liên hệ tới hành động tạo dựng của Thiên Chúa và nó vẫn luôn duy trì trong mối tương quan đặc biệt với Đấng Tạo Thành, Đấng là mục tiêu duy nhất của đời sống con người. Duy mình Thiên Chúa là Chúa của sự sống từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc: không ai có thể dưới bất cứ hoàn cảnh nào tự cho mình quyền trực tiếp phá hủy con người vô tội” (GLHTCG, s. 2258; DV, Dẫn nhập, 5). Nguyên tắc này- nền tảng cho mọi xã hội văn minh—phải hòa hợp với tất cả các nguyên tắc của lý trí và luận lý, cũng có giá trị cho mọi phôi thai người. Như sách GLHTCG đã nêu: “Vì phôi thai phải được đối xử như một con người ngay từ lúc thụ thai, nên phôi thai phải được hết sức bảo vệ tính toàn vẹn, được chăm sóc, và được chữa lành như mọi con người khác” (GLHTCG, s. 2274; x. DV, 1, 1, EV, s.81).
Vì vậy nên nhấn mạnh rằng tiếng “KHÔNG” của Giáo hội đối với một số thực hành kỹ thuật không phải một phản ứng tiêu cực với sự hiện đại, nhưng đúng hơn là một tiếng “VÂNG” tích cực đối với phẩm giá của mỗi một và mọi con người. Trên tất cả, nó là một sự bảo vệ cho những ai không có tiếng nói, những người dễ bị tổn thương nhất, và những ai không có ai khác bảo vệ họ. Đó là nguyên tắc thứ ba của vai trò Huấn quyền trong đạo đức sinh học.
Nguyên tắc thứ tư: “VÂNG” với Hôn Nhân và tình yêu vợ chồng
Chúng ta không nên ngạc nhiên khi nghe những chống đối rằng Giáo hội, khi phản đối thụ thai nhân tạo, là thiếu lòng thương xót đối với các cặp vợ chồng mặc dù mong mỏi điều thiện ích cơ bản là con cái mà vẫn không thể mang thai theo phương thế tự nhiên, và với những người mà đối với họ thụ thai nhân tạo hẳn là một phương thế giúp đạt được mục tiêu này.
Nhưng thực ra Giáo hội không thiếu lòng thương xót đối với các cặp vợ chồng không thể có con: Giáo hội đã khuyến khích và tiếp tục khuyến khích tất cả các nghiên cứu hợp luật để làm giảm nhẹ tình trạng này (GLHTCG, s. 2375). Ngoài ra, Giáo hội còn khuyến khích các cặp vợ chồng đã tận lực tìm các phương tiện để khắc phục vấn đề hiếm muộn, hãy “thực thi lòng quảng đại nhận nuôi dưỡng các trẻ bị bỏ rơi hay phục vụ tha nhân ” (GLHTCG, s. 2379).
Tuy nhiên, một cách cơ bản, Giáo hội phản đối bất cứ kỹ thuật nào liên quan đến việc người thứ ba xen vào trong hành vi vợ chồng, thí dụ các phương pháp can thiệp sử dụng đến người hiến tinh trùng hay hiến trứng (Thụ tinh nhân tạo dị ngẫu). Các kỹ thuật này xâm phạm quyền của con cái phải được sinh ra từ một cha và một mẹ đã hiểu biết nhau và liên kết với nhau trong hôn nhân. Các kỹ thuật này cũng phản bội lại đặc quyền của vợ chồng là trở thành cha và mẹ của con cái của họ chỉ nhờ lẫn nhau (GLHTCG, s. 2376). Vì thế, điều người ta gọi là điểm tiêu cực của Giáo hội về việc thụ thai nhân tạo liên quan đến kẻ thứ ba, thực ra lại là một bảo vệ cho hôn nhân như là một môi trường đúng đắn trong đó sự phát triển lành mạnh của con cái được bảo đảm. Ngoài ra, sự phản đối của Giáo hội đối với thụ thai nhân tạo đồng ngẫu nên được xem như một khẳng định tích cực. Vì những can thiệp như thế, mặc dù vẻ ngoài tốt lành, thực tế là một sự tách rời hành vi kết hợp khỏi hành vi truyền sinh. Hành vi mang đến sự hiện hữu của đứa trẻ không còn là hành vi qua đó một người ban tặng chính mình cho người khác, mà là một hành vi qua đó sự sống và căn tính của phôi thai được trao phó cho “quyền lực của các bác sĩ, và các nhà sinh học và thiết lập sự thống trị của kỹ thuật lên trên nguồn gốc và vận mệnh của nhân vị. Một loại tương quan thống trị như thế tự nó đối nghịch với phẩm giá và sự bình đẳng phải có đối với cha mẹ và con cái” (DV, 2, 8; GLHTCG, s. 2378).
Hơn nữa, việc “sản xuất” các phôi thai đã làm nảy sinh một loạt các vấn đề đạo đức nghiêm trọng: việc đông lạnh các phôi người và sự phá hủy chúng sau đó hay sự phân tán chúng khắp thế giới- đôi khi sau nhiều năm; sự lạm dụng các phôi thai cho việc nghiên cứu hay mục đích thương mại. Thực vậy, toàn bộ lưỡng nan đạo đức về vận mệnh của các phôi thai đông lạnh nhấn mạnh thêm tính trầm trọng của các vấn đề liên quan trong lãnh vực này.
Nguyên tắc thứ tư, do đó, là sự từ chối rõ ràng của Giáo hội đối với các loại phương pháp khác nhau của thụ thai nhân tạo, trong thực tế lại là tiếng “VÂNG” đối với phẩm giá của hôn nhân và tình yêu vợ chồng, vốn không thể bị thay thế bằng kỹ thuật vào lúc tạo sinh sự sống.
Nguyên tắc thứ năm: Giáo hội phục vụ xã hội
Nhiệm vụ đầu tiên trước hết của các mục tử của Giáo hội là loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô: Đó là Tin mừng Sự Sống- phẩm giá và quyền lợi của mọi con người- cũng không kém hơn Tin mừng của tình yêu- giá trị và quyền lợi của hôn nhân và gia đình.
Nhiệm vụ thứ hai của các mục tử khởi phát từ nhiệm vụ đầu tiên, đó là thăng tiến các luật pháp công chính và bình đẳng và cố gắng phấn đấu cho việc bãi bỏ các luật bất công. Nhiệm vụ này được hoàn thành, trong chừng mực có thể, nơi một xã hội dân chủ, nhất là qua sự dấn thân của giáo dân trong đời sống chính trị.
Các nguyên tắc
Các nguyên tắc được Donum Vitae nêu ra trong phần thứ ba và phần cuối, với tựa : “Các giá trị và bổn phận luân lý mà luật dân sự buộc phải tôn trọng và phê chuẩn” ngày nay vẫn không kém giá trị như cách nay 20 năm. Ngay cả những phát triển gần đây đã mở rộng các lãnh vực của xung đột trong nhiều nền văn hóa vượt lên trên các vấn đề kỹ thuật liên quan, chẳng hạn, liên quan đến ngay cả định nghĩa về hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Huấn thị chỉ ra rằng công ích, sau cùng trong sự hòa hợp với quy phạm đạo đức dựa trên lý trí (điều mà giáo huấn Công giáo gọi là luật luân lý tự nhiên), như là mục đích đúng đắn của các luật dân sự mang tính nhân văn và công chính.
Chắc chắn, bảo đảm sự đồng thuận về những gì cấu thành công ích ngày nay không phải là một công việc dễ dàng trong nhiều xã hội. Thế nhưng sự khó khăn của công việc không được làm suy yếu việc giải quyết của những người trong chúng ta chịu trách nhiệm trình bày rõ ràng giáo huấn giáo hội trong lãnh vực đạo đức sinh học để tiếp tục đề nghị các tín hữu và mở rộng ra xã hội tiếng nói của lý trí trong việc bảo vệ sự sống con người và gia đình. Vì thế Donum Vitae cung cấp hướng dẫn hữu ích trong lãnh vực này khi tài liệu công bố:
Sự can thiệp của công quyền phải được khởi đi từ các nguyên tắc thuộc lý trí, vốn điều hợp mối tương quan giữa luật dân sự và luật luân lý. Công việc của dân luật là bảo đảm thiện ích chung của dân chúng thông qua việc nhìn nhận và bảo vệ các quyền cơ bản và thông qua việc thăng tiến hòa bình và nền luân lý đại chúng. Không lãnh vực nào trong đời sống mà dân luật có thể thay thế vị trí của lương tâm hay các quy phạm mang tính mệnh lệnh liên quan đến các sự vật ngoài tầm năng lực của luật. Đôi khi vì lợi ích trật tự công cộng, buộc phải chấp nhận những điều mà nếu luật cấm đoán sẽ gây ra điều xấu lớn hơn. Tuy nhiên, các quyền bất khả nhượng của con người buộc phải được nhìn nhận và tôn trọng bởi xã hội dân sự và thẩm quyền chính trị. Những quyền con người này không tùy thuộc vào những cá nhân riêng lẻ, hay vào cha mẹ; chúng cũng không đại diện cho sự nhượng bộ do xã hội và nhà nước thực hiện: chúng gắn liền với bản chất con người và cố hữu trong nhân vị qua tác động của hành vi tạo dựng mà từ đó con người mang lấy gốc rễ của mình. Trong số các quyền cơ bản đó nơi nhãn quan này, người ta nên chú ý: a/ quyền sống của mọi con người và tính toàn vẹn thể lý từ thời điểm thụ thai cho đến khi chết; b/ các quyền của gia đình và của hôn nhân như một thể chế, và trong lãnh vực này, quyền của đứa trẻ phải được thụ thai, sinh ra trong thế giới, và nuôi dạy bởi cha mẹ của trẻ (DV, s. 3)
[Huấn thị tiếp tục trình bày] Một phần bổn phận của công quyền là bảo đảm rằng dân luật được điều hợp theo các quy phạm cơ bản của luật luân lý trong các vấn đề liên quan đến nhân quyền, sự sống con người và thể chế của gia đình. Các chính trị gia phải dấn thân, thông qua các can thiệp của họ vào ý kiến quần chúng, để bảo đảm trong xã hội sự nhất trí rộng lớn nhất có thể về các điểm trọng yếu như thế và để củng cố sự nhất trí này ở bất cứ nơi nào nó có nguy cơ bị suy yếu hoặc nguy cơ sụp đổ.
Dấn thân theo cách thức này, Giáo hội không tìm cách áp đặt trên xã hội một loại luân lý hạn hẹp, nhưng đúng hơn là trao tặng một sự phục vụ quý báu, quan trọng cho nhân loại bằng cách bảo vệ những giá trị vốn được biểu lộ qua ánh sáng của lý trí con người và do đó chung cho tất cả mọi người thiện chí nam cũng như nữ. Hơn nữa, các câu hỏi về mối tương quan của giáo huấn Giáo hội với dân luật và các trách nhiệm chính trị, đã được nói đến trong Donum Vitae với việc ứng dụng đặc biệt trong vấn đề đạo đức sinh học, đã được trả lời mở rộng hơn trong “GHI CHÚ TÍN LÝ về một số vấn đề liên quan đến việc tham gia của người Công giáo vào đời sống chính trị” của Bộ Giáo lý Đức tin ban hành ngày 24/11/2002.
Vì vậy nguyên tắc thứ năm và là cuối cùng cho việc xác định vai trò của Huấn quyền trong lãnh vực Đạo đức Sinh học trở nên rõ ràng: Một hệ quả của bổn phận của Giáo hội loan báo Tin Mừng là trách nhiệm- thông qua các phương tiện dân chủ hiện có và đặc biệt là qua các dấn thân của các của các giáo dân trong hoạt động chính trị – hoạt động cho các luật công chính trong lãnh vực Đạo đức Sinh học. Công việc này cần được xem như là một phần của sự khẳng định cơ bản của Giáo hội về chủ nghĩa nhân văn chân chính và bền vững.
5. PHÚC ÂM HÓA NỀN VĂN HÓA HIỆN ĐẠI
Sau khi nhìn vào những gì dường như đối với tôi là năm nguyên tắc quan trọng nhất làm nền tảng cho giáo huấn Giáo hội trong lãnh vực Đạo đức Sinh học, tôi hầu như có thể nghe một tiếng tập thể các chư huynh đáp trả: “Vâng, nhưng…” Chắc chắn chúng ta tất cả đồng ý rằng việc áp dụng cụ thể các nguyên tắc này vào các vấn đề đặc thù sẽ gặp khó khăn lớn nhất trong việc thuyết phục người dân, những người rất thường được đào luyện bởi các giá trị văn hóa xã hội khiến cho các nguyên tắc nền tảng của luân lý Kitô giáo dường như xa vời hay khó đón nhận.
Một phân tích các lý do của sự tục hóa nền văn hóa hiện đại, cũng như của chủ nghĩa luân lý tương đối đang thịnh hành, không nằm trong phạm vi bài trình bày này, ít nhất như tôi đã hình dung. Nhưng thực tế là một điều mà tất cả chúng ta công nhận- một thực tế trong đó chúng ta sống và được gọi để rao giảng Tin Mừng…
(Người dịch bỏ qua vài đoạn phân tích tình huống chính trị cụ thể của Hoa Kỳ vào những năm 2004)
… Tôi đã nhấn mạnh trong phần trình bày của tôi, sự cần thiết phải cung cấp cho những người Công giáo sống đức tin, các công cụ, với các thông tin đầy đủ, để bước vào cuộc đối thoại với các đồng bào của mình về một số vấn đề ngày càng nhiều trong lãnh vực đạo đức sinh học, vốn đang bước vào tiến trình mang tính chính trị, dân chủ, hoặc qua tiến trình hành pháp, hoặc qua các cuộc bầu phiếu. Những vấn đề này không thể bị loại khỏi sứ vụ lớn lao thường hằng của Giáo hội- rao giảng Tin Mừng. Bởi vì mối tương quan của các vấn đề này với Tin Mừng sự sống, chúng trở thành một công việc quan trọng của tiến trình Phúc âm hóa nền văn hóa mà chúng ta đang sống.
Dĩ nhiên, công việc này không mới đối với chúng ta. Năm 1975 Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã quan sát rằng “sự tách rời giữa Tin Mừng và văn hóa, không chút nghi ngờ, là bi kịch của thời đại chúng ta, như cũng đúng như thế ở các thời đại khác. Vì vậy phải thực hiện mọi nỗ lực để bảo đảm một sự phúc âm hóa trọn vẹn của văn hóa, hay chính xác hơn, của các nền văn hóa (Evangelii Nuntiandi, s. 20). Như chúng ta đã cân nhắc làm thế nào chúng ta có thể một cách hiệu quả hơn thực hiện sứ vụ rao giảng Tin Mừng mà ơn gọi giám mục của chúng ta mời gọi, cách đặc biệt qua việc đào luyện tiếp diễn các anh em linh mục và qua việc hợp tác với các khoa học gia, nhân viên y tế, thần học gia, và triết gia Công giáo. Có lẽ ghi nhớ các nhận định sau đây sẽ hữu ích.
Trước hết, chúng ta cần nhớ lại tầm quan trọng lớn lao của chứng tá Kitô giáo trong công việc Phúc âm hóa các nền văn hóa. Lịch sử lâu dài của việc phục vụ bác ái của Giáo hội và sứ vụ chăm sóc sức khỏe, ngoài việc phải làm chứng tá của mọi môn đệ của Đức Giêsu thông qua tình yêu đối với tha nhân, còn phải sống chứng tá về tính khả tín đặc thù của cộng đồng tín hữu.
Thứ hai, mẫu gương của Thánh Phaolô tại tòa án tối cao ở Athens khuyến cáo chúng ta rằng chúng ta cần trân quý những gì tốt lành của các nền văn hóa trong đó chúng ta sống, không chỉ phê phán những khiếm khuyết. Rao giảng Tin Mừng Sự Sống phải luôn luôn và trước hết phải biểu lộ Tin Mừng Tình Yêu của chính Đức Giêsu.
Thứ ba, chúng ta cần giúp đỡ giáo dân tránh các căng thẳng, thậm chí các đối kháng, giữa việc ủng hộ sự sống và thăng tiến công bằng và hòa bình, rất thường rơi vào sự chia rẽ mang tính chính trị vốn nổi bật trong các nền văn hóa của chúng ta. Trên quan điểm này, thông điệp Deus Caritas Est cung cấp một giáo huấn quan trọng rằng biểu lộ cho thấy công bằng và tình thương hội nhập với nhau thế nào, đúng đắn hơn là sự đối kháng giữa chúng trong giáo huấn Kitô giáo.
Và thứ tư, khi giảng và dạy, chúng ta nên nhấn mạnh đến tín điều cuối cùng trong Kinh Tin Kính để nhen nhóm lại niềm hy vọng vào đời sống vĩnh cửu. Cũng như đối với dân thành Athens ngày xưa, đối với nhiều người thời nay, cuộc đời con người bị giới hạn, bị đóng lại, đóng lại trước hành động sáng tạo của Thiên Chúa lúc đầu đời, và đóng lại trước lời mời gọi của cuộc sống bên kia cái chết trong sự hiệp thông với tình yêu của Thiên Chúa.
Não trạng văn hóa này ảnh hưởng lên cả các tín hữu, và vì thế cần được nhen nhóm lại hơn bao giờ hết, niềm hy vọng của một thế giới không thể tiếp tục tồn tại mà không có một niềm tin sống động vào lời hứa sự sống đời đời mà Đức Giêsu đến để ban cho chúng ta. Niềm hy vọng đáng tin cậy này vào đời sống vĩnh cửu cũng cho ta niềm tin rằng- trong khi không phải mọi thứ mà khoa học có thể thực hiện đều là hợp luân lý- thì với sự trợ giúp của Thiên Chúa, các giải pháp luân lý cho các vấn đề của thời đại ngày nay có thể được tìm thấy.
Có lẽ kết luận thích hợp nhất cho bài nhận định của tôi là một quy chiếu về Thông điệp tuyệt vời bất hủ về Tin Mừng Sự Sống Evangelium Vitae của Tôi Tớ Thiên Chúa, Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người đã nhấn mạnh với một sự mạch lạc và đam mê: “Tin mừng Sự Sống không chỉ dành cho các tín hữu, mà là cho mọi người. Vấn đề sự sống cùng với sự bảo vệ và thăng tiến sự sống không phải là một quan tâm của riêng các Kitô hữu. Mặc dù đức tin cung cấp ánh sáng và sức mạnh đặc biệt, vấn đề này trổi lên trong mọi lương tâm con người vốn tìm kiếm sự thật và quan tâm về tương lai nhân loại.” Cùng với ngài, chúng ta hãy cầu nguyện “cầu mong cho một nền văn hóa mới của tình yêu và tình liên đới phát triển vì thiện ích đích thực cho toàn thể xã hội loài người.”
BS Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà, chuyển ngữ từ:
“The Role of the Magisterium in Bioethics” by Cardinal William Levada Prefect of the Congregation for the Doctrine of the Faith, ngày 8/2/2007, tại <vatican.va>
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 123 (Tháng 3 & 4 năm 2021)
WHĐ (09.02.2022)
Để lại một phản hồi