Đi tìm một nền tảng: Hồng ân đời sống thánh hiến

Đức Giáo hoàng Phanxicô cử hành thánh lễ trong Ngày Đời Sống Thánh Hiến (01.02.2022) tại Vatican,

Ảnh: Maria Grazia Picciarella/Ropi via ZUMA Press.

ĐI TÌM MỘT NỀN TẢNG: HỒNG ÂN ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
Lời khấn của chúng ta hỗ trợ ra sao đối với sự thánh hiến và sứ mạng của thánh chức linh mục.

Lm. Norbert Keliher, OP(*)

Lời khấn của các linh mục dòng giúp ích gì cho các linh mục triều? Khi được phỏng vấn để trở thành một tu sĩ Đa Minh, tôi đã bị bối rối trước câu hỏi này.

Vị phỏng vấn tôi, một giáo sư tại Học Viện Đa Minh, nhìn tôi không chớp, chờ đợi câu trả lời. Dù tôi đã cố gắng để nêu rõ bất kỳ sự khác biệt nào giữa lối sống của các linh mục dòng và các linh mục triều. Tôi biết rằng ba lời khấn tu trì là khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, nhưng tất cả những điều này dường như cũng áp dụng cho các linh mục triều. Rốt cuộc, các linh mục triều cũng không có được nhiều tiền, cũng sống độc thân và cũng phải giữ khiết tịnh và hứa vâng lời giám mục của các ngài.

Thấy sự lúng túng của tôi, vị phỏng vấn đã mủi lòng và giúp tôi tìm ra câu trả lời. Các tu sĩ sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục một cách rõ ràng hơn các linh mục triều, và do đó, giúp làm chứng cho giá trị của những thực hành ấy trong việc bước theo Đức Kitô.

Kể từ cuộc phỏng vấn đó, tôi đã học biết thêm về từng lời khấn và làm sao để sống những lời khấn ấy trong cuộc sống hàng ngày. Tôi hiểu được rằng mặc dù lời khấn thường không rõ ràng trên bề mặt, nhưng chúng tạo nên nền tảng cho căn tính của một linh mục dòng. Lời khấn đưa ra lời bảo đảm rằng việc đi theo và noi gương Đức Kitô là trung tâm của đời sống người tu sĩ, và giúp hỗ trợ việc thánh hiến và sứ mạng của thánh chức linh mục cho chính mình và cho cả các linh mục triều trong giáo phận.

Từ tính tuỳ phụ đến tính cốt yếu

Trong triết học Aristotle-Thomistic vốn rất gần gũi với tu sĩ Đa Minh, sự khác biệt giữa cái tuỳ phụ và cái cốt yếu diễn ra trong nhiều bối cảnh khác nhau. Chúng ta học cách suy tư theo những thuật ngữ này về mọi thứ, từ những kết cấu tự nhiên đến cách sống của chính mình.

Trong quá trình đào tạo sơ khởi, những khía cạnh tùy phụ của đời sống tu trì như: việc sống chung, việc tuân giữ kỷ luật, việc mặc tu phục và việc tìm hiểu về các vị thánh phong phú đã xuất hiện từ dòng của chúng ta trong quá khứ… thì nổi bật hơn cái cốt yếu.

Chúng ta cũng học về lời khấn, nhưng chúng ta trải nghiệm về lời khấn như những điều kiện tiên quyết để bước vào đời sống tu trì hơn là như những hy sinh cá nhân. Chúng ta đã chấp nhận trả giá khi bỏ lại đằng sau nghề nghiệp hoặc giấc mơ hôn nhân để bước vào Tập viện. Điều quan tâm nhất là thức dậy để suy gẫm và cầu nguyện vào buổi sáng, cố gắng tránh làm rớt nước sốt mì Ý vào tu phục, và kiềm chế những lời nói gắt gỏng đối với một anh em đang nói quá lớn tiếng hoặc đến họp trễ.

Điều đó không có nghĩa là việc nghiên cứu thần học về lời khấn không quan trọng. Chúng ta cần chuẩn bị cho cả việc tuyên khấn đơn lẫn khấn trọng để những giây phút thánh thiêng đó có thể là sự hiến dâng đích thực có chủ đích và tự do, thực sự tận hiến trọn vẹn bản thân cho Thiên Chúa. Chúng ta cần biết rằng những lời khuyên Phúc âm đã được Đức Kitô ban tặng như là những phương thế để chu toàn luật của đức ái, như là những sự trợ giúp việc lớn lên trong tình yêu trọn vẹn với Thiên Chúa và người lân cận (như Thánh Thomas mô tả trong Summa Theologiae II-II, Vấn nạn 184, Điều 3).

Chúng ta cần biết rằng tinh thần của các lời khuyên là bắt buộc đối với tất cả các Kitô hữu, nhưng việc tuân thủ cụ thể các lời khuyên đó phải được đón nhận cách tự nguyện. Chúng ta cần biết rằng các lời khuyên hoạt động bằng cách loại bỏ những tài sản hợp pháp thường gây trở ngại cho sự lớn lên trong đức ái. Chúng ta học hỏi các lời khấn để có thể nắm lấy chúng như là nền tảng của cuộc đời, cả trong giai đoạn giới hạn trong lời khấn đơn và suốt đời trong lời khấn trọng. Tôi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tuyên khấn của mình, và khi một người anh em trẻ hơn hỏi tôi là sau đó thì việc khấn trọng của tôi đã như thế nào, tôi có thể thành thật nói với thầy ấy rằng, đó là ngày hạnh phúc nhất trong đời tôi.

Hiểu được đặc tính thiết yếu của lời khấn là điều quan trọng đối với những tu sĩ đang trong giai đoạn đào tạo. Nhưng việc tuân giữ các lời khấn còn kèm theo những áp lực phải vượt qua các yêu cầu về đào tạo trong các lĩnh vực nhân bản, tâm linh, trí thức và mục vụ, vì vậy việc tuân giữ các lời khấn có xu hướng không chiếm vị trí ưu tiên trong nhận thức.

Về nhiều mặt, đời sống chủng viện giáo phận cũng tương tự như đời sống trong một tu viện lớn. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi các tu sĩ là ứng viên cho chức linh mục tập trung sự chú ý của họ vào những điều giống như các chủng sinh giáo phận làm.

Những yếu tố thiết yếu của đời sống tu trì – ba lời khấn – xuất hiện rõ ràng hơn đối với người tu sĩ sau khi kết thúc việc đào tạo sơ khởi, cho dù đó là với tư cách một trợ sĩ hay một linh mục. Một khi thầy/cha ấy không còn bị bỏ phiếu và có tự do hơn trong cách sử dụng thời gian của mình, thì việc tuân giữ lời khấn sẽ có nhiều khả năng giống như một sự hy sinh hơn. Vào những thời điểm khác nhau, việc từ khước tài sản, hoạt động tình dục và quyền tự quyết xuất hiện từ hậu cảnh và nhắc nhở người tu sĩ, cũng như những người xung quanh, rằng những lời khấn định hình cuộc sống của họ cách triệt để.

Học biết Tuân phục qua đau khổ

Tôi mới chịu chức chưa được ba năm, nhưng đặc tính triệt để của ba lời khấn đã bắt đầu xuất hiện đối với tôi. Chứng thư chấp thuận của Bề trên giám tỉnh cho việc khấn lần đầu của tôi phần nào mang tính tiên tri đối với tôi: Ngài nói với tôi rằng các đòi hỏi của lời khấn ngày càng khắt khe hơn theo thời gian, thường theo những cách mà chúng ta không mong đợi. Sau giai đoạn đào tạo sơ khởi, tôi mong chờ một sự bổ nhiệm may lành đầu tiên tại một trong những giáo xứ của chúng tôi, nhưng thay vào đó, tôi lại có cảm giác như Thiên Chúa đã giật tấm thảm dưới chân tôi.

Tôi đã trải qua mùa hè của mình với tư cách là một phó tế chuyển tiếp tại giáo xứ Thánh Patrick của chúng tôi ở Columbus, Ohio, vì vậy tôi rất vui mừng khi Bề trên giám tỉnh nói với tôi rằng ngài muốn bổ nhiệm tôi ở đó sau khi tôi hoàn tất việc học. Tôi đã dành năm đầu tiên của đời linh mục để hoàn tất bằng Thạc sĩ thần học, vì vậy trong khi tôi có một vài việc mục vụ và độc lập hơn trước khi thụ phong, tôi vẫn là một sinh viên toàn thời gian sống trong một ngôi nhà đào tạo.

Việc đến giáo xứ Thánh Patrick là cơ hội cho một khởi đầu mới và thực hiện đầy đủ tác vụ linh mục của tôi. Tôi nhanh chóng hòa nhập vào khuôn khổ hàng tuần của cuộc sống của một cha phó tại giáo xứ: những bổn phận hành chính, dâng lễ hàng ngày và ngồi toà giải tội, những cuộc gọi bệnh viện và những buổi sáng Chúa nhật thú vị nhưng mệt lử. Tôi nhận thức rõ mình là thành viên của một cộng đoàn tu trì, nhưng trọng tâm của tôi chủ yếu là về căn tính linh mục của mình.

Mặc dù tập trung vào thừa tác vụ linh mục, tôi đã ở một vị thế tốt hơn nhiều để hiểu sự khác biệt giữa việc trở thành một linh mục dòng và một linh mục triều hơn khi còn là một ứng viên ơn gọi.

Trong nhiều năm, tôi đã biết rõ về một số linh mục triều, và tôi biết rằng việc tuân giữ các lời khấn đòi hỏi về nhiều mặt. Mặc dù lương của một linh mục thì khiêm tốn, nhưng đó vẫn là thu nhập của ngài và không phải chuyển thẳng vào cộng đoàn. Linh mục triều có thể nhận và giữ những quà tặng mà không cần phải xin phép bề trên, và cũng không phải chuyển những món tiền biếu cho bề trên. Linh mục triều có thể tích lũy tài sản, sở hữu căn nhà nghỉ dưỡng và chi tiêu kha khá cho các sở thích.

Sự tiết dục hoàn toàn cũng tuyệt đối như đối với tu sĩ, nhưng có nhiều nguy cơ đi lạc đường hơn khi sống riêng lẻ thay vì sống trong một cộng đoàn. Việc vâng lời giám mục liên quan đến việc thực hiện thánh chức và việc mục vụ nhưng không mở rộng đến các chi tiết của cuộc sống hàng ngày. Không có hiến pháp nào để tuân giữ và không có bề trên trực tiếp để xin phép hoặc đồng ý với trong các vấn đề thực tế.

Các linh mục được mời gọi đến sự hoàn thiện của sự thánh thiện nhờ Bí Tích Truyền Chức Thánh (x. Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, số 12), vì vậy linh mục vẫn phải giữ sao cho của cải thế gian không trở thành chướng ngại vật cho đức ái. Linh mục có nghĩa vụ tuân giữ tinh thần của các lời khuyên, và việc tuân thủ của các linh mục dòng, cũng như của các anh chị em tu sĩ, giúp nhắc nhở linh mục triều về những lời khuyên này.

Tôi đã cố gắng trở thành một tu sĩ biết vâng lời trong cộng đoàn, và một người anh em độ lượng để sống cùng, nhưng điều này vẫn không giúp tôi chuẩn bị cho sự vâng lời trọn vẹn trong vòng chưa đầy một năm sau khi tôi được bổ nhiệm.

Cùng với 2 thành viên khác của cộng đoàn, tôi bị nhiễm COVID-19 vào tháng 12 năm 2020. Các triệu chứng của tôi khá nhẹ và phần tồi tệ nhất là bị cách ly trong phòng vào dịp Giáng sinh và Năm mới. Tôi bị đau ngực kéo dài sau khi các triệu chứng khác biến mất, nhưng tôi đã trở lại thi hành thừa tác vụ.

Trong sự phấn khích vì có thể nhận được vaccine sớm trong đợt triển khai, tôi đã tiêm vaccine chỉ vài tuần sau khi bị ốm. Vào thời điểm đó, các bác sĩ nghĩ rằng điều này là ổn, nhưng nó khiến cơn đau ngực của tôi tăng đột biến. Một số loại thuốc ban đầu dường như làm cho nó tốt hơn, nhưng nó đã quay trở lại sau liều vaccine lần thứ hai của tôi. Mặc dù tôi đã cố gắng vượt qua nó, nhưng tôi dần nhận ra rằng cơ thể của tôi không thể tự hồi phục được. Tôi đã luôn khá khỏe mạnh và thích tập thể dục, vì vậy tôi tự tin rằng cuối cùng tôi sẽ tự chữa lành.

Đến giữa tháng 3, cơn đau ngực của tôi trở nên nghiêm trọng và liên tục đến mức tôi không thể làm việc toàn thời gian nữa. Bề trên của tôi và tôi đã quyết định là tôi nên nghỉ một vài tuần để tập trung vào việc nghỉ ngơi và chăm sóc y tế, và vào thời điểm đó, tôi đã không hình dung được rằng tôi sẽ không được cử hành Thánh Lễ với cộng đoàn trong 5 tháng.

Các bác sĩ của tôi đã cố gắng cách quyết liệt để tìm ra nguồn gốc có thể đo lường được của cơn đau nhưng không thành công. Nhiều người trong giáo xứ, cũng như anh em Đa Minh của tôi, cầu nguyện cho tôi. Tôi đã nghĩ rằng mình có thể có một kỳ nghỉ kéo dài ở một nơi nào đó, nhưng tôi dự trù là khi đã xong nhiệm kỳ được bổ nhiệm của mình ở Columbus.

Đó là vào cuối tháng 4, khi tôi cảm thấy giống như tấm thảm dưới chân bị kéo đi. Bề trên giám tỉnh của chúng tôi (một Bề trên giám tỉnh khác với vị thời tôi còn trong tập viện) đã gọi điện và nói với tôi rằng ngài muốn thuyên chuyển tôi tới giáo xứ của chúng tôi ở Youngstown. Những lời nói đó giáng vào tôi như một cú đánh, mặc dù tôi nhận ra rằng ngài có lý do chính đáng: giáo xứ ở đó đã có đủ nhân sự mà không cần có tôi, vì thế tôi có thể dành bao lâu có thể để phục hồi sức khoẻ mà không cảm thấy lo lắng về gánh nặng mà tôi đang đặt lên những người anh em hoặc các dự án còn dang dở của mình.

Tôi đã khóc sau cuộc điện thoại đó hơn một lần. Tôi đã gắn bó với cộng đoàn, với những vai trò của mình trong giáo xứ, và với nhiều gia đình ở đây. Đây là lúc mà những lời trong chứng thư chấp thuận việc khấn đơn trở lại với tôi: những đòi hỏi của lời khấn ngày càng khắt khe hơn theo thời gian, thường theo những cách mà chúng ta không ngờ tới. Một cuộc sống dường như trọn vẹn và có thể đoán trước được đã thay đổi hoàn toàn vì một đặc điểm thiết yếu: lời khấn vâng phục. Tôi biết rằng đây là nền tảng của cuộc đời mình, nhưng vì tôi đã lường trước tất cả các giai đoạn đào tạo, bao gồm cả lần bổ nhiệm đầu tiên của tôi, nên đây là lần đầu tiên sự vâng phục đi ngược lại với ý muốn tự nhiên của tôi.

Tôi phải tin cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa và noi gương lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Giêtsimani: “Không phải theo ý con, nhưng theo ý Cha” (Mt 26, 39). Mục đích của sự vâng phục là làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong sự dâng hiến của Người cho Chúa Cha, và với sự tái bổ nhiệm đột ngột này, tôi bắt đầu học biết điều này có nghĩa là gì.

Như là sự phù hợp vừa cho một tu sĩ lẫn một linh mục, Thiên Chúa đã làm cho tôi nên giống Con của Ngài hơn, Đấng đã học vâng phục từ những gì Người phải chịu đựng. Thậm chí còn hơn cả cơn đau ngực của tôi, sự quy phục ý muốn của tôi là một đớn đau đối với tôi.

Sự hiểu biết lớn hơn

Câu chuyện của tôi có một kết thúc có hậu: Tôi đã hồi phục đủ ở Youngstown để đảm nhận một tác vụ mới tại Trung tâm Newman. Sự quan phòng của Thiên Chúa đã không thất bại, và như là một phần của điều đó, tôi hy vọng việc thực hành vâng phục của tôi là một chứng tá cho giáo dân của giáo xứ Thánh Patrick và các linh mục mà tôi đã gặp.

Bây giờ tôi hiểu rõ hơn rằng các linh mục triều có thể gặp khó khăn lớn trong việc thuyên chuyển của mình. Tôi biết ơn về hồng ân đời tu giúp tôi thấy sự cần thiết của hi sinh, nhưng tôi cũng ý thức rằng việc tuyên khấn các lời khuyên không có nghĩa là một tu sĩ thì có chút gì đó thánh thiện hơn một linh mục triều.

Lời khấn là những hỗ trợ mà chúng ta nắm lấy trong hành trình tìm kiếm sự hoàn thiện của đức ái, nhưng một linh mục triều tuân giữ tinh thần của những lời khuyên có thể vượt trội một tu sĩ khô khan, nguội lạnh. Điều quan trọng là những hành động chúng ta thực hiện để lớn lên trong đức ái.

Việc củng cố lẫn nhau giữa sự thánh hiến tu trì và căn tính linh mục, giữa các thể chế tu trì và các linh mục triều là điều thiện hảo mà Thiên Chúa là Cha của mọi người mong muốn. Thánh Tôma nói rằng các bậc sống khác nhau trong Giáo hội góp phần làm nên vẻ đẹp và phẩm giá của Giáo hội (x. Summa Theologiae II-II, Vấn nạn 183, Điều 2), và điều này đúng cách riêng đối với các dòng tu và linh mục triều.

Không có sự tuyên khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục của các tu sĩ, thì những lời khuyên Phúc âm sẽ nhạt nhoà trong hậu cảnh của đời sống Giáo hội. Không có các linh mục và các giám mục giáo phận, sẽ không có việc chăm sóc mục vụ cho các tu sĩ tham gia. Khi cả linh mục lẫn tu sĩ đều trung thành với bậc sống của mình, thì Giáo Hội trở nên đẹp đẽ hơn, và những nền tảng của Giêrusalem thiên quốc được củng cố.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: thepriest.com (15.01.2022)

_____

(*) Cha Norbert Keliher, OP, là một tu sĩ dòng Đa Minh thuộc Tỉnh Dòng Thánh Giuse và là giám đốc mục vụ khu Đại học tại Trung tâm Newman của trường Đại học Youngstown ở Ohio, Hoa Kỳ.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*