Hội đồng Giám mục Ý (CEI): Sứ điệp Mùa Chay năm 2022

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Ý (CEI)
SỨ ĐIỆP MÙA CHAY NĂM 2022
“Khi thời gian tới hồi viên mãn” (Gl 4,4)

Anh chị em rất thân mến,

Mùa Chay này mang theo rất nhiều hi vọng cùng với những đau khổ, vốn còn gắn liền với đại dịch mà cả nhân loại đã và đang trải qua từ hơn hai năm nay. Tuy nhiên, với người Kitô hữu chúng ta, bốn mươi ngày này không phải là cơ hội để khơi lên những vấn đề mà để dọn mình sống theo mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại. Đây là những ngày mà chúng ta có thể hoán cải về cách hiện diện trong thế giới như những người đã sống lại với Chúa Kitô (x. Cl 3,1). Trong tư cách là một cộng đồng và cá nhân tín hữu, Giáo hội có khả năng làm cho thời gian này trở thành “thời gian viên mãn” (x. Gl 4, 4), nghĩa là sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu.

Do vậy, thông điệp này đến với anh chị em như một lời mời gọi hoán cải dưới ba khía cạnh, mang tính cấp bách và quan trọng trong giai đoạn lịch sử này, cách riêng đối với các Giáo hội ở Ý: hoán cải về việc lắng nghe, về thực tại và về thiêng liêng.

Hoán cải về việc lắng nghe

Giai đoạn đầu tiên của Tiến trình Hiệp hành cho phép chúng ta lắng nghe gần hơn những tiếng nói vang lên trong chúng ta và trong anh chị em của chúng ta. Trong số này, tiếng những em bé đánh động chúng ta một cách bột phát hiệu quả: “Con không nhớ những gì trước Covid”; “Con chỉ muốn được ôm ông bà của con một lần nữa”. Rồi nghe những em thanh thiếu niên chia sẻ cũng chạnh lòng: “Con đang mất đi những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời mình”; “Con đã chờ đợi rất lâu để có thể đi đại học, nhưng bây giờ con chỉ ngồi trước máy tính”. Tiếp theo, các chuyên gia kêu gọi tin tưởng vào khoa học, đồng thời lưu ý nó cũng giới hạn và có thể sai lầm biết bao. Rồi chúng ta đến với tiếng lòng của các nhân viên y tế, xin được giúp đỡ với những hành vi ứng xử có trách nhiệm. Và, cuối cùng, những tâm tình của một số cha xứ vang lên, cùng với các giáo lý viên và cộng tác viên mục vụ, khi thấy số lượng hoạt động và sự tham gia của người dân giảm sút, lo lắng về việc không thể trở lại các cấp độ trước đây, nhưng đồng thời ý thức rằng chúng ta không được đơn giản mơ ước trở lại cái gọi là “bình thường”.

Trước tiên, lắng nghe cách sâu sắc những tiếng lòng này là điều tốt cho chính Giáo hội. Chúng ta cảm thấy cần phải học lắng nghe một cách thấu cảm, được hỏi thăm một cách cá nhân mỗi khi một người anh em mở lòng với chúng ta. Trong Thánh Kinh, trên hết Thiên Chúa là Đấng lắng nghe tiếng kêu của dân Ngài đau khổ và động lòng trắc ẩn ban ơn cứu độ (x. Xh 3,7-9). Nhưng rồi, lắng nghe là mệnh lệnh dành cho người tín hữu; Chúa Giêsu cũng tuyên bố điều này như là điều răn đầu tiên và lớn nhất trong các điều răn: “Nghe đây, Israen! Đức Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất ” (Mc 12,29; x. Đnl 6,4). Với kiểu lắng nghe này, Thánh Kinh liên kết trực tiếp tình yêu thương đối với anh chị em mình (x. Mc 12,31). Đọc, suy gẫm và cầu nguyện Lời Chúa có nghĩa là chuẩn bị tâm hồn để yêu thương không giới hạn.

Do đó, việc lắng nghe trước tiên biến đổi người nghe, tránh nguy cơ áp đặt và tự qui về mình. Một Giáo hội biết lắng nghe là một Giáo hội nhạy bén với hơi thở của Thần Khí. Theo nghĩa này, có thể hữu ích khi đọc lại những gì mà Ban Thường vụ (HĐGM) đã viết trong thông điệp gửi những người làm công tác mục vụ vào tháng 9 năm ngoái: “Lắng nghe không phải là một kỹ thuật đơn giản để làm cho việc loan báo trở nên hiệu quả hơn; lắng nghe tự nó là một lời loan báo, bởi vì nó truyền một thông điệp mát dịu đến người kia: “Bạn quan trọng đối với tôi, bạn xứng đáng với thời gian và sự quan tâm của tôi, bạn là người mang những kinh nghiệm và ý tưởng khơi dậy và giúp tôi phát triển”. Nghe Lời Chúa và lắng nghe anh chị em đi đôi với nhau. Rồi, việc lắng nghe những người thấp cùng nhất là điều đặc biệt quý giá trong Giáo hội, vì nó tái hiện lại lối sống của Chúa Giêsu, Đấng sẵn sàng lắng nghe những người bé mọn, những người bệnh tật, những người phụ nữ, những tội nhân, những người nghèo cũng như những người bị loại trừ”.

Sự hoán cải đầu tiên này bao hàm một thái độ cởi mở trước tiếng nói của Thiên Chúa, đến với chúng ta qua Thánh Kinh, qua các anh chị em và các biến cố của cuộc sống.

Về phía Giáo hội, đâu là những trở ngại trong việc lắng nghe tự do và chân thành?

Làm thế nào chúng ta có thể cải thiện cách chúng ta lắng nghe trong Giáo hội?

Hoán cải về thực tại

“Khi thời gian tới hồi viên mãn” (Gl 4, 4). Với những lời này, thánh Phaolô loan báo mầu nhiệm Nhập thể. Thiên Chúa của Kitô giáo là Thiên Chúa của lịch sử: đến thời điểm đó, Ngài quyết định nhập thể vào một không gian và thời gian cụ thể. Không thể nói thấy Thiên Chúa có gì đặc biệt vào thời điểm cụ thể đó mà là đọc ra đó là thời điểm thích hợp cho mầu nhiệm nhập thể. Chắc chắn sự hiện diện của Con Thiên Chúa giữa chúng ta là bằng chứng rõ ràng cho thấy lịch sử nhân loại quan trọng như thế nào trước mắt Chúa Cha.

Thời đại mà Chúa Giêsu đã sống chắc chắn không thể được coi là thời kỳ hoàng kim: đúng hơn, bạo lực, chiến tranh, nô lệ, bệnh tật và chết chóc xảy ra tràn lan và thường xuyên hơn trong cuộc sống của con người so với ngày nay. Vào thời điểm đó và ở vùng đất đó, chắc chắn người ta chết nhiều và bi kịch hơn rất nhiều so với ngày nay. Tuy nhiên, vào thời điểm đó trong lịch sử nhân loại, bất chấp những bóng tối, Thiên Chúa đã nhìn thấy và nhận ra “thời gian tới hồi viên mãn”.

Do đó, việc bám chặt vào thực tại lịch sử là đặc điểm của đức tin Kitô giáo. Chúng ta không dừng lại trước cám dỗ về một quá khứ lý tưởng hóa hoặc chờ đợi tương lai bên khung cửa sổ. Thay vào đó, việc tuân theo thực tại là cấp thiết, không để bản thân bị khuất phục bởi nỗi sợ hãi làm tê liệt, những hối tiếc hoặc những ảo tưởng. Thái độ của người Kitô hữu là sự kiên trì: “Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.” (Rm 8:25). Sự kiên trì này là lối sống hàng ngày của người Kitô hữu có sức nâng đỡ gánh nặng của lịch sử (x. 2Cr 6,4), trong tư cách cá nhân cũng như cộng đồng.

Trong những tháng đầu tiên xảy ra đại dịch, chúng ta đã chứng kiến tình người trào dâng, nuôi dưỡng lòng bác ái và tình huynh đệ. Sau đó, động lực ban đầu này dần suy yếu, dẫn đến mệt mỏi, ngờ vực, chủ nghĩa định mệnh, khép kín bản thân, đổ lỗi cho người khác và buông xuôi. Nhưng đức tin không phải là cây đũa thần. Khi các giải pháp cho các vấn đề đòi hỏi một hành trình dài, cần có sự kiên nhẫn, thì sự kiên nhẫn Kitô giáo giúp tránh khỏi những lối tắt đơn giản và cho phép chúng ta giữ vững cam kết của mình vì thiện ích của tất cả mọi người và không vì ích kỷ hoặc thiên vị. Đây chẳng phải là “sự kiên nhẫn của Đức Kitô” (2Ts 3,5), vốn được thể hiện ở mức độ cao nhất trong mầu nhiệm Vượt qua sao? Có lẽ đây không phải là ý chí kiên định của Người là yêu thương nhân loại, không phàn nàn và không tiếc thân mình sao (x. Ga 13, 1)?

Trong tư cách cộng đồng Kitô hữu, cũng như cá nhân các tín hữu, chúng ta phải kiên nhẫn thích ứng lại với thời hiện tại và luôn gắn kết với thực tại. Do đó, chúng ta cảm thấy Giáo hội có nhiệm vụ cấp bách là giáo dục chân lý, giúp thu hẹp khoảng cách giữa thực tại và nhận thức sai lầm về thực tại. Mầm mống của sự vô minh, sợ hãi và bất khoan dung ẩn trong chính “khoảng cách” giữa thực tại và nhận thức về nó. Nhưng đây là thực tại được ban cho chúng ta và chúng ta được mời gọi để yêu thương cách bền tâm vững chí.

Như thế, điều hoán cải thứ hai này liên quan tới cố gắng minh chứng cách nghiêm túc và với tự do tâm trí để chịu đựng thực tế là có những vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều và với ít nỗ lực. Vậy, đâu là những định kiến ​​cứng nhắc ngăn cản chúng ta không chịu khuất phục trước những điều mới lạ đến từ thực tại ? Lòng người tín hữu có khả năng kiên nhẫn đến mức nào để xây dựng các giải pháp cho cuộc sống của những cá nhân và xã hội?

Hoán cải về thiêng liêng

Tuy nhiên, việc trung thành với thực tại trong thời điểm hiện tại không đồng nghĩa với việc dừng lại ở bề mặt các sự kiện hay là hợp thức hóa mọi tình huống đang diễn ra. Đúng hơn, đó là vấn đề nắm bắt “thời gian viên mãn” (Gl 4, 4) hay nhậy bén với tác động của Thần Khí, Đấng biến mọi thời đại trở thành “thời cơ”.

Thời đại mà Chúa Giêsu sống là nền móng cho con đường Ngài đến hiện diện trong lịch sử nhân loại và đặc biệt là của những người đã tiếp xúc với Ngài. Các môn đệ Ngài tiếp tục sống cuộc đời của họ trong bối cảnh lịch sử đó, với tất cả những mâu thuẫn và hạn chế của nó: nhưng nhóm của Ngài đã thay đổi cách hiện diện trong thế giới. Người Thầy Nazareth đã dạy họ trở thành những nhân vật chính của thời đó nhờ lòng tin vào Cha nhân từ, lòng bác ái đối với những người nhỏ bé nhất và niềm hy vọng vào một sự đổi mới nội tâm của con người. Đối với các môn đệ, chính Chúa Giêsu là Đấng đã trao ban ý nghĩa cho thời đại, nếu không thì sẽ có những tiêu chuẩn phàm nhân khác được đánh giá.

Sau cái chết của Đức Giêsu, từ sự vắng mặt về thể lý của Ngài, sự sống vĩnh cửu của Đấng Phục Sinh và sự hiện diện của Thần Khí trong Giáo hội đã nở rộ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em”(Ga 14, 16-18; x. Cv 2,13). Thần Khí đòi hỏi người tín hữu ngày nay xem xét thực tại trong chìa khóa vượt qua, như Chúa Giêsu đã làm, chứ không như thế gian nhận xét. Đối với người môn đệ, một thất bại có thể là một chiến thắng, một mất mát có thể là một cuộc chinh phục. Bắt đầu sống Lễ Phục sinh đang chờ đợi chúng ta vào cuối Mùa Chay, nghĩa là xem xét lịch sử dưới góc độ tình yêu, ngay cả khi điều này liên quan đến việc vác thập giá mình và của người khác (x. Mt 16,24; 27,32; Cl 3,13; Ep 4: 1-3).

Đường lối Thượng Hội Đồng đang phát triển mạnh mẽ trong các Giáo hội ở Ý, một cách thức mới để lắng nghe thực tại, để phân định theo cách thiêng liêng và tạo ra nhiều lựa chọn mang tính Phúc Âm hơn. Thật vậy, Thần Khí không xa rời lịch sử: trong khi bén rễ vào hiện tại, Thần Khí thúc đẩy chúng ta thay đổi nó cho tốt hơn. Để trung thành với thực tại và đồng thời trở thành những người xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, cần phải nội tâm hoá cách sâu sắc phong cách của Chúa Giêsu, về cái nhìn thiêng liêng của Ngài, về khả năng nhìn thấy các cơ hội ở khắp mọi nơi, để cho thấy tình yêu của Chúa Cha vĩ đại biết bao.

Đối với người Kitô hữu, đây không chỉ là thời gian được đánh dấu bởi những hạn chế do đại dịch: thay vào đó là thời kỳ của Thần Khí, thời kỳ sung mãn, bởi vì nó chứa đựng những cơ hội cho tình yêu sáng tạo mà chưa thời kỳ lịch sử nào từng có.

Có lẽ chúng ta không đủ tự do để nhận ra những cơ hội yêu thương này, bởi vì chúng ta bị kìm hãm bởi nỗi sợ hãi hoặc bị điều kiện hoá bởi những kỳ vọng thiếu thực tế. Trong khi đó, Thần Khí vẫn tiếp tục hoạt động như Ngài hằng hoạt động. Vậy, tác động nào của Thần Khí có thể được nhận ra trong thời đại chúng ta? Vượt lên trên những sự kiện đơn thuần xảy ra trong thời hiện tại này, chúng ta có thể rút ra bài học thiêng liêng nào về thời đại mình, để thăng tiến về mặt thiêng liêng trong tư cách cá nhân và cộng đồng tín hữu?

Roma, 11 tháng Hai 2022, lễ Đức Mẹ Lộ Đức

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý

Đình Chẩn chuyển ngữ
từ 
chiesacattolica.it

Nguồn: vanthoconggiao.net (25.02.2022)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*