Ơn hoán cải của triết gia Eric-Emmanuel Schmitt

Ông Eric-Emmanuel Schmitt, một triết gia, nhà biên kịch và tiểu thuyết gia, là một nhân vật được quốc tế biết đến nhiều nhất của văn hoá Pháp. Sinh năm 1960, được giáo dục từ cha mẹ là những người không tin, nhưng ông Schmitt đã gặp được Chúa và trở thành Kitô hữu. Câu chuyện hoán cải được chính ông kể lại.

Vào năm 1989 ở sa mạc Sahara, đã xảy đến một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ của một người vô thần với Chúa. Ông Schmitt nói: “Ở đó, tôi một mình với Chúa. Nói rằng một người hoán cải có nghĩa là người này đã có một chọn lựa chủ động và tự nguyện. Tôi phải thừa nhận rằng điều này không diễn tả chính xác những gì tôi đã trải qua trong đêm sa mạc đó. Đúng hơn tôi đã nhận được một ân sủng và một hồng ân đặc biệt. Và tôi đã dành tất cả không gian trong tôi cho hồng ân này. Vì vậy, nếu mọi người gọi tôi là người được ơn trở lại, tôi thích được  gọi là một người đã nhận được một ơn mặc khải”.

Triết gia không thích nói về hoán cải. Nhưng khẳng định đã nhận được một mặc khải. Ông giải thích: “Đây là biểu hiện đặc trưng nhất của tôi, bởi vì nó nói lên sự ngạc nhiên về hồng ân mà tôi đã lãnh nhận được. Tôi không tìm kiếm Chúa và tôi không biết Chúa đang tìm kiếm tôi. Tôi đã được cho một điều gì đó mà tôi không tìm kiếm. Đối với tôi, mặc khải này chỉ là khởi đầu”.

Thực tế, khi trở lại Pháp, nhà soạn kịch đã dành hết tâm trí để đọc nhiều thơ thần bí thuộc các tôn giáo khác nhau. Ông chia sẻ: “Sau mặc khải đó, tôi đã thực hiện một cuộc hành trình để khám phá Tin Mừng. Và có một hoạt động rất tích cực từ phía tôi, chính xác là để hiểu văn bản đầy mâu thuẫn này. Trong điều này, tôi có thể nói rằng tôi đã trải qua một sự hoán cải. Vì vậy, tóm lại: trong sa mạc, một sự mặc khải; với Tin Mừng, một cuộc hoán cải”.

Có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng câu chuyện về sự mặc khải này rất giống với câu chuyện của nhà thám hiểm người Pháp Charles de Foucauld. Như Schmitt, Charles de Foucauld cũng đã hoán cải sau cuộc gặp gỡ với Chúa ở tâm điểm Sahara. Từ lúc đó, de Foucauld, người đã trở thành một ẩn sĩ, bắt đầu thực hiện công cuộc loan báo Tin Mừng vĩ đại ở những vùng đất đó. Ông Schmitt nhận xét: “Sức mạnh của Charles de Foucauld không phải là việc cố gắng Kitô hóa những dân tộc đó bằng sức mạnh, nhưng là để làm chứng cho Tin Mừng bằng mẫu gương sống. Như Chúa Kitô đã làm trong thời của Người”.

Theo ông Schmitt, nhà truyền giáo này không sống truyền giáo theo cách của một đế quốc nhưng đi giữa mọi người, một dân tộc mà vào thời điểm đó chưa được biết đến, không phải để thay đổi họ nhưng trái lại để chính mình được họ thay đổi.

Ông thích so sánh hình ảnh của Charles de Foucauld với Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi thấy giống như de Foucauld, Đức Thánh Cha đã đưa ra một hình ảnh của Kitô giáo có thể được đánh giá cao ngay cả đối với người không tin hoặc không phải là Kitô hữu. Điều này thấy rõ khi ngài đến đến Lampedusa và nói về ‘toàn cầu hóa của sự dửng dưng’. Ở điểm này, Đức Thánh Cha đã chạm đến nội tâm của nhiều người không phải là Kitô hữu. Rồi ở Châu Mỹ Latinh, vào mùa hè 2014, ngài đã công bố các nguyên tắc cơ bản của nhân loại và điều này đã làm cho nhiều người chưa tin hiểu ngài”.

Đức tin đã nâng đỡ cuộc đời ông Schmitt. Một đức tin mà đối với người từng vô thần như Schmitt, ngay cả trong giây phút đau đớn phải lìa xa mẹ, đã trở thành điểm tựa để nâng đỡ. Trong sách mới “Nhật ký của một tình yêu bị mất”, ông giãi bày nỗi lòng của một người con trước cái chết của mẹ mình; những lời thú nhận lo lắng, bồn chồn của một người tin khi đối diện với mầu nhiệm của cái chết.

Tác giả khẳng định luôn cầu nguyện cho người mẹ đã khuất: “Tôi cầu nguyện cho mẹ tôi vài lần trong ngày. Tôi cầu nguyện, xin cho mẹ tôi đến vương quốc mà bà sẽ đến không phải lo lắng và hoảng sợ. Tôi cầu nguyện xin cho mẹ tôi được bước đi trong hạnh phúc”. Và triết gia nói: “Tôi tin vào sức mạnh của đức tin”.

Và ông đã lặp lại điều này trong sách nói về “tôn giáo”. Ông Schmitt viết: “Tôi có đức tin. Không có gì trong xác tín của tôi cho tôi biết về thế giới bên kia, đơn giản tôi chỉ nuôi dưỡng lòng tin. Hãy tin tưởng vào mầu nhiệm làm chúng ta hiện hữu. Tin tưởng vào cuộc sống. Tin tưởng vào cái chết. Cuộc sống là một bất ngờ tốt đẹp, cái chết sẽ là một bất ngờ tốt đẹp. Loại nào? Tôi không có ý kiến!”.

Ngọc Yến

Nguồn: vaticannews.va/vi/

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*