Noi theo Đức Giáo hoàng Phanxicô: Đối thoại trong Fratelli Tutti

Bản hướng dẫn suy tư của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ

Các sự kiện trong năm vừa qua đã chỉ ra một thực tế rằng, chúng ta đang trải qua một thời kỳ chia rẽ sâu sắc cả trong Giáo hội và xã hội. Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong Thông điệp Fratelli Tutti mới nhất của ngài, và trong cuốn sách gần đây của ngài, Chúng ta hãy ước mơ, đã thúc giục chúng ta rằng, giữa những sự chia rẽ, hãy tìm kiếm một giải pháp tốt hơn. Chìa khóa trong cách tiếp cận của Đức Giáo hoàng Phanxicô là sự nhìn nhận rằng, khả năng đối thoại giữa các quan điểm là điều cần thiết để tình bác ái xã hội có thể truyền cảm hứng cho “những cách thức mới mẻ để tiếp cận các vấn đề của thế giới ngày nay, nhằm đổi mới sâu sắc các cấu trúc, tổ chức xã hội và hệ thống luật pháp từ bên trong” (Thông điệp Fratelli Tutti, số 183).

Bản hướng dẫn suy tư này dành cho những người nghiêm túc về việc tham gia gặp gỡ và đối thoại như một phương tiện để tạo ra “một nền chính trị mới mẻ”. Vậy thì Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn nói gì về một “loại chính trị mới mẻ này”? Ý của ngài là tích cực tham gia vào các cộng đồng của chúng ta và cùng nhau thực hiện các chính sách bảo vệ phẩm giá con người. Chúng ta đáp lại lời mời gọi của Tin Mừng để yêu thương những người thân cận khi chúng ta dám vượt qua những sự chia rẽ và khuynh hướng đối lập của mình để tìm ra những giải pháp sáng tạo vì thiện ích chung. Để điều này trở thành hiện thực, chúng ta cần phải tích cực hướng tới việc phá bỏ những rào cản đã chia cắt chúng ta trong quá khứ.

Để hỗ trợ các suy tư của quý độc giả với bản hướng dẫn này, quý vị nên có sẵn trong tay một bản trọn vẹn Thông điệp Fratelli Tutti, đặc biệt là nơi chương 5 và chương 6, cùng với cuốn sách Chúng ta hãy ước mơ của Đức Giáo hoàng Phanxicô, đặc biệt là từ trang 68 đến trang 83.

  1. Hãy khởi sự bằng lời cầu nguyện

Hãy khởi sự giờ suy niệm của quý vị bằng cách cầu xin Thiên Chúa hiện diện với mình. Hãy dùng lời cầu nguyện sau đây rút ra từ bản Hướng dẫn học hỏi Thông điệp Fratelli Tutti:

Cầu xin ơn biết lắng nghe, chữa lành và đáp trả

Lạy Thiên Chúa hằng yêu thương nhân loại, xin ban cho chúng con một tâm hồn biết lắng nghe Lời Chúa. Xin giúp chúng con biết noi gương người Samaritanô nhân hậu, một người vốn không quay lưng lại trước những nỗi khổ đau của tha nhân.

Xin Chúa giúp chúng con biết lắng nghe.

Xin giúp chúng con biết lắng nghe những người đang đấu tranh hàng ngày vì phẩm giá con người.

Xin giúp chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa trong những câu chuyện của những con người bị gạt ra bên lề xã hội.

Xin giúp chúng con luôn biết nhận ra những điều gắn kết chúng con với nhau như anh chị em một nhà.

Xin giúp chúng con biết chữa lành.

Xin giúp chúng con biết sẵn sàng đặt mình vào vị trí của tha nhân.

Xin giúp chúng con biết cởi mở với sự khác biệt đa dạng để chúng con có thể thấu hiểu hơn.

Xin giúp chúng con biết tìm kiếm sự hòa giải để thế giới của chúng con có thể phản chiếu công lý của Chúa.

Xin giúp chúng con biết đáp trả.

Xin cho đức tin của chúng con thúc đẩy chúng con dám thực hành đức tin cả những nơi công cộng.

Xin giúp chúng con biết cộng tác với những người thiện chí, để cùng nhau tìm ra giải pháp.

Xin giúp chúng con biết thực hiện bác ái chính trị, tìm kiếm lợi ích chung và phẩm giá cho tất cả mọi người.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự can đảm để tín thác trong tay Chúa hằng dẫn dắt chúng con.

Xin ban cho chúng con sự can đảm để đáp lại như người Samaritanô nhân hậu, dám gạt bỏ mọi sự chia rẽ bất hòa để đáp ứng nhu cầu của tha nhân. Xin giúp chúng con nhận biết và tìm thấy tình yêu của Chúa đang hiện hữu trong cộng đoàn của chúng con, được trở thành hiện thực theo những cách chúng con yêu thương nhau. Amen.

Con đường dẫn đến hòa bình không có nghĩa là làm cho xã hội đồng nhất một cách đơn điệu, mà là để mọi người sát cánh làm việc cùng nhau, theo đuổi các mục tiêu mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Nhiều đề xuất thực tiễn và kinh nghiệm đa dạng có thể giúp đạt được các mục tiêu chung và phục vụ lợi ích chung” – (Đức Giáo hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, số 228).
  1. Đọc và Suy gẫm

Tiếp theo, hãy đọc một cách chậm rãi và cầu nguyện phần suy tư dưới đây về cách tiếp cận gặp gỡ và đối thoại của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Những điểm này dựa trên những suy tư của ngài trong Thông điệp Fratelli Tutti, đặc biệt là Chương 5 và 6, và cuốn sách Chúng ta hãy ước mơ, đặc biệt từ trang 68 đến trang 83. Tốt nhất, quý vị cũng nên dành thời giờ để đọc trọn vẹn bản Thông điệp Fratelli Tutti và trọn vẹn cuốn sách Chúng ta hãy ước mơ.

Chúng ta cần phải phục hồi “cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất.”

Sau cùng, “tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền” (Thông điệp Fratelli Tutti, số 32). Điều này hoàn toàn trái ngược với xu hướng đã trở nên phổ biến, tách rời khỏi những cuộc đàm phán khó khăn, và chỉ xem trọng những lợi ích và quan điểm của riêng chúng ta. Đức Giáo hoàng Phanxicô thách thức chúng ta: “Sự cô lập và thu mình vào lợi ích bản thân không bao giờ là cách để khôi phục niềm hy vọng và mang lại sự đổi mới” (số 30). Thay vì “khuynh hướng chỉ quan tâm đến bản thân, đến nhóm của tôi, đến những lợi ích nhỏ nhặt của riêng tôi” (số 166), chúng ta phải dấn thân vượt qua “mọi tư duy chủ nghĩa cá nhân” và thay vào đó “tìm kiếm lợi ích cho tất cả mọi người” kể cả những người chúng ta có thể xem như khác với chúng ta (số 182).

Chúng ta phải dấn thân tiếp cận tha nhân bằng tình bác ái yêu thương.

Ngay cả những người mà chúng ta không đồng ý cũng là con cái của Thiên Chúa. Đáng buồn thay, cách tiếp cận như vậy đã trở thành phản văn hóa. Chúng ta đã quen với những nỗ lực nhằm “làm mất uy tín và xúc phạm đối thủ ngay từ đầu hơn là mở một cuộc đối thoại tôn trọng nhằm đạt được thỏa thuận ở cấp độ sâu hơn” (Fratelli Tutti, số 201). Đây là một tình huống mà chúng ta cần phải có tính ngôn sứ, trở nên mẫu mực bằng cách tiếp cận tôn trọng, tôn vinh người khác theo hình ảnh của Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi việc ra khỏi chính mình, biết chăm chú lắng nghe với sự đồng cảm và tìm cách thực sự thấu hiểu những kinh nghiệm của người khác.

Chúng ta phải xác định các giá trị chung dựa trên sự thật.

Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng tình bác ái xã hội phải “đi kèm với sự dấn thân đối với sự thật” (số 184) được thông tri bởi tất cả đức tin và lý trí (số 185). Khởi đầu thiết yếu cho đối thoại là xác định các giá trị chung bắt nguồn từ công lý và sự thật, chẳng hạn như phẩm giá con người, hoặc dấn thân đối với các quyền cơ bản của con người và sự phát triển toàn diện của con người. Xác định những niềm xác tín chung này có thể đoàn kết hiệp nhất chúng ta, bất chấp sự khác biệt của chúng ta, dẫn đến những tư duy sáng tạo và các giải pháp mới.

Trên thực tế, sự thật chính là người bạn đồng hành không thể tách rời của công lý và lòng xót thương. Cả ba kết hợp với nhau là điều cần thiết để xây dựng hòa bình; hơn nữa, mỗi bên giúp giữ cho các bên khác không bị biến dạng” (Đức Giáo hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, số 227).

Chúng ta phải “học cách vạch trần những cách khác nhau mà sự thật bị thao túng.”

Chúng ta phải “học cách vạch mặt những cách khác nhau mà sự thật bị thao túng, bị bóp méo và che giấu trong các diễn ngôn công khai và riêng tư” (số 208), và vạch mặt các nguồn truyền thông thực sự là “những lợi ích đặc biệt mạnh mẽ tìm cách thu hút dư luận một cách bất công để có lợi cho mình” (số 201). Một điểm khởi đầu quan trọng trong việc chuẩn bị tâm hồn cho cuộc đối thoại là xem xét thông tin của tôi từ những nguồn nào. Những nguồn này có uy tín và bền vững hay không? Chúng có phải là những nguồn trung lập hoặc được kết nối với một đảng phái chính trị cụ thể hoặc thiên vị hay không? Có lẽ nào tôi hoặc những người khác đang bị thao túng bởi những người hoặc những nhóm có ý nghĩ vì lợi ích riêng của họ hay không? Làm cách nào để xác minh những lời tuyên bố mà tôi nghe được từ nhiều nguồn để đảm bảo tính xác thực của chúng trước khi chia sẻ thông tin đó với người khác hay không?

Chúng ta phải cảm thấy thoải mái với việc trở thành một khối đa diện.

Đức Giáo hoàng Phanxicô sử dụng hình ảnh khối đa diện (polyhedron: một hình ba chiều có nhiều mặt) để “đại diện cho một xã hội nơi những khác biệt cùng tồn tại, bằng cách bổ sung, làm phong phú và soi sáng lẫn nhau, ngay cả giữa những bất đồng và dè dặt” (số 215). Ngài viết: “Đối thoại xã hội đích thực liên quan đến khả năng tôn trọng quan điểm của đối phương và thừa nhận rằng nó có thể bao gồm những xác tín và mối quan tâm chính đáng,” rằng những người khác “có đóng góp để thực hiện”, và cả hai phía, chúng ta đều có thể “thẳng thắn và cởi mở về niềm tin của mình, trong khi tiếp tục thảo luận, tìm kiếm những điểm tiếp xúc, và trên hết, cùng hoạt động và cùng nhau chiến đấu” (số 203). Trong cuốn sách Chúng ta hãy ước mơ, Đức Giáo hoàng Phanxicô viết rằng, sự phân cực dẫn đến kết quả khi chúng ta nhận thức một cách sai lầm sự bất đồng là mâu thuẫn thay vì là cấu trúc. Với loại thứ nhất, chúng ta tạo ra các “phe phái” riêng biệt, một bên thắng cuộc và một bên thua cuộc. Với loại thứ hai, những khác biệt tồn tại nhưng chúng có khả năng tương tác trong một “căng thẳng sáng tạo, hiệu quả” (Chúng ta hãy ước mơ, trang 79). Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức Giáo hoàng Phanxicô viết rằng chúng ta phải tìm cách xác định “những mục tiêu chung vượt lên trên sự khác biệt, và do đó, có thể cùng nhau tham gia vào một nỗ lực chung” (số 157). Chúng ta phải sẵn sàng đối thoại với trái tim rộng mở và cảm thấy thoải mái với căng thẳng sáng tạo vì chúng ta có đồng thời các quan điểm không tương hợp với nhau, nhưng có thể mang lại các giải pháp tập trung vào lợi ích chung (số 190).

  1. Kiểm thảo tâm hồn mình

Hãy dành thời giờ cầu nguyện để kiểm thảo tâm hồn mình xem nó đã cởi mở và sẵn sàng để đối thoại hay chưa. Suy gẫm một cách trung thực và cầu nguyện về những câu hỏi sau:

– Ý định của tôi khi tham gia vào cuộc đối thoại là gì? Tôi có thực sự sẵn sàng lắng nghe từ con tim và nhìn từ quan điểm của người khác, để đạt được điểm chung phục vụ lợi ích chung không? Hay là tôi đang tiếp cận cuộc trò chuyện này chủ yếu với mục đích thuyết phục người khác về vị trí của mình?

– Tôi có tin rằng đối tác đối thoại của tôi có điều gì đó để cung cấp không? Tôi có sẵn sàng học hỏi từ kinh nghiệm của họ không?

– Tôi có hiểu các quan điểm khác nhau của chúng tôi như là một sự giao thoa không? Hay tôi xem chúng như là một sự mâu thuẫn? Nếu là sự mâu thuẫn, thì Đức Phanxicô thách thức tôi tiến tới một sự giao thoa bằng cách nào?

– Tôi có dấn thân cho sự thật và công lý không, và điều này đòi hỏi tôi phải đáp ứng những gì? Tôi đã tham gia vào quá trình đào luyện lương tâm, bao gồm việc cầu nguyện nghiên cứu Sách Thánh, các huấn quyền của Giáo hội, sự hướng dẫn từ các chuyên viên có uy tín và sự phân định bằng cầu nguyện chưa? Tôi lấy thông tin ở đâu? Các nguồn thông tin của tôi có uy tín và bền vững không, hay sự lựa chọn của tôi khiến tôi dễ bị thao túng?

– Tôi trân trọng những giá trị nào mà tôi sẽ mang đến cho cuộc đàm thoại này? Các giá trị của tôi có phản ánh lời kêu gọi kép để yêu mến Chúa và yêu thương những người thân cận của tôi không? Tôi có thể có những giá trị chung nào với đối tác các đàm phán của mình?

  1. Hành động

Sau khi dành thời gian nghiêm túc và cẩn thận để suy tư về những câu hỏi này, quý vị có thể sẵn sàng đối thoại.

Dưới đây là những lưu ý quan trọng cần ghi nhớ:

– Đối thoại là một con đường hai chiều giữa các đối tác đối thoại bình đẳng, cam kết tìm ra điểm chung. Trước khi bắt đầu, các hướng dẫn đối thoại nêu trên (xem phần 2) phải được cả hai bên chấp nhận và cả hai bên phải cam kết chân thành tuân thủ các hướng dẫn này.

– Nếu như cả hai đối tác muốn đối thoại với nhau đều là những người có đức tin, thì quý vị nên bắt đầu cuộc đối thoại bằng cách chia sẻ lời cầu nguyện chung với nhau. Có thể sử dụng lời cầu nguyện ở phần đầu của bản hướng dẫn suy niệm này, hoặc Lời cầu nguyện Chay tịnh từ trang Incivility. Các lời cầu nguyện đại kết và liên tôn cũng được Đức Giáo hoàng Phanxicô đưa ra ở phần kết của Thông điệp Fratelli Tutti.

– Trước khi bắt đầu đối thoại, mỗi người hãy dành thời gian xác định những giá trị cốt lõi mà họ mang lại cho cuộc đối thoại. Ví dụ về các giá trị cốt lõi bao gồm: phẩm giá của con người, các quyền cơ bản của con người cần có ở mỗi người, giá trị của gia đình, v.v… Đối tác đối thoại nên chia sẻ với nhau những giá trị cốt lõi mà mỗi người đã xác định. Các nhận xét nên duy trì ở mức độ phổ quát và hãy cẩn thận để chưa thảo luận về việc những giá trị cốt lõi đó dẫn đến những vị trí nhất định như thế nào.

– Mỗi đối tác trò chuyện nên lắng nghe trong khi bên kia chia sẻ về giá trị cốt lõi của họ bắt nguồn từ sự thật, ghi chú lại nếu thấy là hữu ích. Để tạo ra không gian chia sẻ tích cực, cả hai đối tác nên đảm bảo: lắng nghe cẩn thận; sử dụng các tuyên bố “tôi” (chịu trách nhiệm về những gì bạn thể hiện); vào đúng đề tài; và luôn tôn trọng và bác ái. Sau đó, người nghe nên phản hồi lại cho người nói những gì họ đã nghe. Nếu các giá trị mà người nói xác định gây được tiếng vang với người nghe theo bất kỳ cách nào, thì người đó nên nhận xét về việc mình cũng thấy những giá trị đó quan trọng như thế nào. Sau khi cả hai bên đã chia sẻ, lắng nghe và phản ánh lại với bên kia, cả hai bên nên viết ra bất kỳ giá trị nào họ xác định được là chung giữa họ. Chỉ bấy giờ các đối tác trò chuyện mới sẵn sàng bắt đầu đối thoại về một chủ đề cụ thể. Đồng ý về một hình thức để trao đổi. Cuộc đối thoại của quý vị có thể kéo dài nhiều phiên.

– Nếu cuộc đối thoại sẽ xảy ra về một vấn đề cụ thể, có thể là một ý kiến hay để thiết lập các điều khoản hoặc cụm từ đã thống nhất trước để tránh các từ ngữ hoặc ngôn ngữ kích động có thể gây khó chịu. Ví dụ: trong một cuộc đối thoại về nhập cư, những người đối thoại có thể đồng ý không sử dụng một số từ ngữ mô tả nhất định về những người không có địa vị gây xúc phạm, và thay vào đó sử dụng cách diễn đạt trung lập hơn.

Chuyển ngữ: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.
Nguyên tác: “Following Pope Francis: Dialogue in Fratelli Tutti”

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*