Hôm nay, chúng ta vẫn quen nghe gọi là Chúa Nhật Hồng – Chúa Nhật của niềm vui. Đây là ngày chúa nhật hân hoan. Laetare nói lên niềm hân hoan ngay bài ca nhập lễ: “ Mừng vui lên Giêrusalem hỡi! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng yêu mến thành! Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở reo mừng và hân hoan tận hưởng nguồn an ủi chứa chan”.
Có ai đó nói, nếu như quyển Thánh Kinh bị cháy hết thì chương 15 theo Thánh Luca hôm nay đừng cháy. Đơn giản là trong trang Tin Mừng này, ta được thấy một Thiên Chúa qua hình ảnh của người cha nhân hậu, người cha giàu lòng xót thương.Nguồn an ủi chứa chan khởi đi từ tình thương, lòng bao dung của Thiên Chúa mà ta đọc thấy trong dụ ngôn tin mừng Luca hôm nay.
Thật thế, chương 15 quen thuộc với chúng ta lắm vì lẽ chúng ta đã nghe đi nghe lại quá nhiều lần trong cuộc đời.
Cũng như trong nhiều dụ ngôn khác, phần lớn là Chúa Giêsu nhắm đến biệt phái và luật sĩ thì hôm nay, Chúa cũng nhắm vì ta thấy họ tự vỗ ngực xưng tên, kiêu ngạo, hay xét đoán và thóa mạ người khác kể cả chuyện phê phán Chúa Giêsu họ cũng làm.
Trước thái độ của Pharisêu, Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn mà ta vẫn thường hay gọi là dụ ngôn người con hoang đàng. Và có thể nói hình ảnh mà Chúa muốn nói đến người con trưởng trong dụ ngô là những người Pharisêu. Con thứ là những người tội lỗi mà Chúa vẫn hay lui tới
Chúng ta nghe câu chuyện này tưởng chừng là xưa lắm, cổ lắm và cũng chả dính dáng gì đến chúng ta. Hay đơn giản chỉ là dụ ngôn, thế nhưng rồi câu chuyện Tin Mừng này cũng chính là câu chuyện đời của mỗi chúng ta
Qua trang Tin Mừng này, chúng ta nhìn cung cách ứng xử chúng ta dành cho nhau và cho Chúa của chúng ta.
Ta vẫn thường nghe nói : “Dụ ngôn người con hoang đàng”. Tôi thì khác, tôi thích gọi là thằng con khốn nạn, thằng con trời đánh thánh đâm, thằng con bán trời không mời thiên lôi ! Khốn nạn thật vì bố nó còn sống mà đòi chia gia tài. Hành động suy nghĩ đòi chia gia tài như là hành động suy nghĩ như là muốn bố nó chết. Nó nghĩ tưởng trong đầu rằng khi xa bố nó sẽ hạnh phúc vì không còn ai cản lối nó nữa, không còn ai cản trở sự tự do của nó nữa. Thế nhưng rồi đáng tiếc thay một khi sự tự do đặt lầm chỗ thì cuộc đời con người thê thảm như kinh nghiệm trong cuộc sống như người con hoang đàng đây.
Sau khi ra đi, ta thấy cuộc vui của anh không được bao lâu thì anh rơi vào cảnh bi đát. Bi đát đến độ anh lâm vào cảnh đói và anh muốn ăn cái thức ăn gọi là đậu muồng cho heo ăn mà cũng chả có để mà ăn.
Heo là gì con vật, là cái gì đó xấu xa với người Do Thái. Nếu phải làm so sánh, ta có thể so sánh là người con thứ không bằng con heo. Cuộc đời anh rơi vào dấu chấm hết. Bi đát và tan thương. Phải chăng đó là những câu chuyện của những con người bỏ Thiên Chúa để tìm tự do.
Thế nhưng may thay trong sự khốn cùng, người con vẫn nhớ đến người cha già ở nhà quê. Bao người làm công dư thừa. Anh quyết tâm trở về nhà. Về nhà không phải vì thương cha, nhớ cha của anh nhưng anh về vì cái bụng đói. Anh chuẩn bị một diễn văn thật chu đáo : “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha” Bi đát là anh xin cha coi con như một người làm công. Đó là thân phận của con người khi đi xa cha của mình. Đó là cách hành xử của con người đã đánh mất tình thương của cha.
Thật thế, nhìn lại lịch sử cứu độ, ta thấy hình ảnh của người con thứ mang dáng dấp nơi hình ảnh của Ađam Evà. Đơn giản là vì Ađam – Evà cũng đã loại trừ Thiên Chúa.
Câu chuyện trượt ngã ấy vẫn trượt dài trong cuộc đời của nhân loại vì con người ngày mỗi ngày vẫn loại trừ Thiên Chúa, vẫn muốn cho mình có sự tự do.
Tiếp diễn câu chuyện Tin Mừng, ta thấy hình ảnh người cha già xuất hiện. Người cha già này lạ lắm ! Khi con đòi chia thì ông chia ngay cho. Thế nhưng dù chia thì chia nhưng ông vẫn ngóng ngóng con mình về vì với ông con ông mãi mãi là con của ông và ông mãi mãi là cha của nó. Và thật sự ông không bao giờ quên được đứa con mình.
Khi đứa con đi từ đàng xa thì ông già trông thấy. Thánh Luca đã mô tả hình ảnh thật tuyệt vời. Tình yêu của người cha bất chấp người con xử tệ với mình như thế nào, bất chấp mọi lời xầm xì mà người ăn kẻ ở cũng như đứa con cả dành cho ông. Ông chỉ biết một điều là diễn tả niềm vui khi con trở về. Ông bảo với giai nhân đem nhẫn xỏ cho nó rồi đem giày để xỏ để chứng tỏ con không còn là nô lệ. Ông đã trao ban địa vị ban đầu của đứa con. Ông chờ đợi đã lâu và niềm vui vỡ òa.
Câu chuyện đang tiếp diễn, ta thấy Luca cho ta thấy hình ảnh của những người Pharisêu đang phản phất nơi người con trưởng. Vì quá ghen tương nên người con trưởng không cảm nhận tình thương của bố và với em.
Người con cả bộc lộ ra điều ông suy suy nghĩ : “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó”. Hóa ra anh cũng chả tốt lành gì. Anh tính toán từng ly từng tí.
Nếu ta gọi thằng em là thằng em khốn nạn, thằng con trời đánh thì thằng anh đặt tên là gì ? Trong khi người cha cần tấm lòng, cần tình yêu của các con nhưng ông không có được.
Nhìn lại đời sống sống đức tin, có khi chúng ta hoang đàng nhưng cũng có khi chúng ta đạo đức như người con cả.
Lời Chúa hôm nay mời chúng ta nhìn xem chúng ta là ai ? Con trưởng hay con thứ.
Mỗi chúng ta viết tiếp câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Người anh mãi tính toán thì người em và không tha thứ cho người em. Người anh lại bỏ ra đi vì không chấp nhận được thằng em hay người em lại tiếp tục ra đi vì sự cố chấp của người anh.
Ta thấy tình yêu của người Cha quá lớn. Nếu như hai anh em nhận ra thì hai anh em sẽ nhận ra tình yêu của bố thì người anh sẽ không có thái độ như vậy.
Và rồi có khi gia đình ấy tiếp tục tan vỡ vì người em không không chịu được người anh và người anh không chịu được người em.
Chúng ta khám phá ra chúng ta là ai thì điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta khám phá ra một người bố yêu yêu con vô cùng, người bố đã yêu đến điên dại. Bố chỉ đơn giản là diễn tả tình yêu của bố thôi. Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho ta cũng như vậy đó vì đơn giản Chúa mãi mãi mãi là Tình Yêu thôi.
Ước gì mỗi chúng ta cần khám phá ra tình yêu của người bố – Thiên Chúa – để rồi những ngày còn lại của chúng ta là chúng ta lấy tình yêu đáp trả tình yêu của Thiên Chúa vì chỉ có tình yêu đáp trả được tình yêu mà thôi. Xin cho chúng ta cảm nhận được tình yêu lớn và những va vấp, những khó khăn, những đổ vỡ thì tất cả những chuyện xảy ra trong cuộc đời là những chuyện lẻ tẻ vì quan trọng hơn cả vẫn là tình yêu.
Lm. Anmai, CSsR
Để lại một phản hồi