Ngày học hỏi về tư tưởng của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI

Ngày 31/3/2022, trong khuôn khổ hội nghị “Giáo hội trong Giáo hội học của Joseph Ratzinger – Biển Đức XVI”, được tổ chức tại đại học Giáo hoàng Thánh Giá ở Roma, các thần học gia tiếp tục thảo luận về tư tưởng của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, thần học gia lỗi lạc của thế kỷ XX, trong tập sách mới được Nhà Xuất bản Vatican phát hành.

Điểm khởi đầu của hội nghị là tập đầu tiên của cuốn VIII của Tác phẩm toàn tập của Đức nguyên Giáo hoàng, được phát hành bởi Nhà xuất bản Vatican (LEV), có tựa đề “Giáo hội: một dấu chỉ giữa các dân tộc”. Tác phẩm thu thập nhiều đóng góp về chủ đề Giáo hội, kết quả của nửa thế kỷ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và giảng dạy của Đức Biển Đức XVI.

Giáo hội của tội nhân và của các thánh

Giáo sư Pietro Luca Azzaro, đồng biên tập và đồng dịch giả của tập sách, nhận định: “Mặc dù đây là một cuốn sách được sắp xếp có hệ thống, mọi độc giả, chứ không chỉ các nhà thần học chuyên nghiệp, đều bị ấn tượng bởi tính thời sự của những nội dung được tác giả xử lý”. Cụ thể, lòng bác ái, hay chủ đề tình yêu, “là mặt trời mà tất cả tư tưởng của Đức Ratzinger xoay quanh, từ những bước đầu tiên trong cuộc hành trình trí tuệ của ngài cho đến những thông điệp mới nhất”.

Giáo sư Arazzo nói tiếp, Giáo hội, “một mặt là biểu hiện của tình yêu vô hạn và bao trùm của Thiên Chúa đối với con người, nhưng mặt khác, đó là biểu hiện bị vấy bẩn bởi tội lỗi”. Giáo sư nhấn mạnh rằng: trong toàn bộ cuốn sách, Đức nguyên Giáo hoàng nói rằng “đúng là có một Giáo hội của những tội nhân, bị vấy bẩn bởi những vụ bê bối, nhưng cũng có một câu chuyện khác: câu chuyện về các vị Thánh vĩ đại và sức mạnh hòa giải vĩ đại của Giáo hội.”

Đóng góp cho Công đồng Vatican II

Một thời điểm quan trọng khác được đề cập trong tập sách là Công đồng Vatican II, trong đó nhà thần học trẻ tuổi Ratzinger lần đầu tham gia Công đồng với tư cách cố vấn thần học cho Tổng Giám mục Cologne, Hồng y Josef Frings, và sau đó là một chuyên gia của Công đồng. Và trên thực tế, sau năm 1965, đóng góp của ngài đã được chứng minh là điều nền tảng trong việc đổi mới thần học và giáo hội học.

Giáo sư Arazzo chia sẻ: “Peter Seewald, người viết tiểu sử của Đức nguyên Giáo hoàng, từng nói rằng: một trong những đóng góp quan trọng nhất của Joseph Ratzinger là một bài báo ngắn được ngài viết khi còn là cha phó, có tựa đề ‘Những người ngoại đạo mới và Giáo hội.’” Đó là năm 1959 và gần 3 năm trước khi Công đồng Vatican II khai mạc, nhà thần học trẻ tuổi đã nhận ra rằng “các Giáo hội chật kín người vào ngày lễ trọng, nhưng Chúa Giêsu Kitô không còn sống động trong lòng các tín hữu nữa”. Và do đó, trong 50 năm sau đó, câu hỏi về sự thông truyền đức tin và hiệu quả của đức tin trong cuộc sống hàng ngày là trọng tâm trong suy nghĩ của ngài.

Hồng Thủy

 Nguồn: vaticannews.va/vi/

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*