Gm. Donald J. Hying
Được xây trên nền ngôi nhà của thầy cả thượng phẩm Caipha ở Giêrusalem, nhà thờ Thánh Phêrô Gallicantu nhằm tưởng nhớ việc Simon Phêrô đã chối Chúa Giêsu trong sân vào đêm Người bị bắt. Bên dưới nhà thờ là “cái Hố”, một căn phòng nhỏ bằng đá, nơi Chúa Giêsu bị tống giam vào buổi tối hôm đó, vài giờ trước khi bị kết án và đem đi giết. Đứng ở trong nơi tối tăm, lạnh lẽo đó, nhìn cái lỗ, người ta thấy được nơi mà Thiên Chúa của chúng ta ngã xuống trên một nền đá cứng, đồng thời nghĩ đến việc Người nằm đó trơ trọi một mình, đương đầu với Thứ Sáu Tuần Thánh, khiến người ta phải rơi lệ. Khi đến thăm nơi đó, tôi đã suy ngẫm về Thánh vịnh 88, vốn là lời kêu than với Thiên Chúa trong đau khổ và đơn độc của một người cảm thấy bị bỏ rơi hoàn toàn.
Tất cả chúng ta đều đã từng ở trong cái hố, chống chọi với những đêm tối của tâm hồn; cảm giác không được yêu thương, bị xem là thừa thãi, bị hiểu lầm, bị cô đơn mà không nhận được bất kỳ sự an ủi nào từ Thiên Chúa hoặc người khác. Tin Mừng mà chúng ta đã cử hành và công bố vào Thứ Sáu Tuần Thánh là sự thật đáng kinh ngạc rằng Đức Chúa đã ở trong cái hố trước chúng ta, đã nếm trải một sự bỏ rơi thẳm sâu không thể suy thấu, và đã chấp nhận một cái chết kinh hoàng. Đức Chúa đã đón nhận tất cả những điều ấy để chúng ta đừng bao giờ mất hy vọng, ngay cả trong những đêm tối tăm nhất.
Chúa Nhật Phục sinh là sự khải hoàn của Chúa Giêsu trước thế lực của tội lỗi và sự chết, là sự xác minh cho toàn bộ sứ mệnh của Người, là sự chiến thắng của tình yêu trước hận thù, của ân sủng trước sự dữ, của sự cảm thông trước nỗi cô đơn và của sự sống vĩnh cửu trước quyền lực của bóng tối. Tuy nhiên, sự phục sinh của Chúa Kitô không xóa bỏ một cách thần diệu những vết thương và giới hạn của bản tính nhân loại yếu đuối của chúng ta. Chúng ta sẽ vẫn luôn cảm thấy bị hiểu lầm, phải chịu đựng những nỗi đau, và cuối cùng phải cô đơn đối diện với cái chết, nhưng Đức Chúa đã mở ra một con đường cho chúng ta; ánh sáng chiếu rọi ở cuối đường hầm. Đức Chúa muốn chúng ta kêu cầu quyền năng của Người, tận hưởng sự hiện diện thân thương của Người qua các bí tích, nghe giọng nói dịu dàng của Người qua Lời Chúa, và khám phá vẻ đẹp trên khuôn mặt của Người nơi những người bên cạnh chúng ta.
Chúng ta vẫn sẽ thấy mình trong cái hố, nhưng khi mắt chúng ta quen dần với bóng tối, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu ở đó với chúng ta, mang đến sự an ủi, lòng thương xót và hy vọng. Đức Chúa mời gọi chúng ta sống trong thế giới phục sinh tươi đẹp và bao la của Người, một thế giới đã có đó, ngay lúc này trong cuộc đời của chúng ta. Chúng ta không cần phải đợi đến khi mình chết thì mới có thể nhận ra vinh quang Thiên Chúa và nếm trải niềm vui Phục sinh. Cũng như trong các Tin Mừng, Chúa Phục Sinh hiện ra tại những nơi bất ngờ nhất, với những dáng vẻ bên ngoài khó nhận diện và dễ gây ngạc nhiên nhất, nhưng nếu tinh mắt, chúng ta sẽ nhận ra Người.
Trong Mùa Chay, chúng ta đã cùng đồng hành với Chúa Giêsu trong hoang địa suốt 40 ngày; đã chiêm ngắm Người biến hình vinh quang trên Núi Tabor; đã cảm nhận sự hoán cải sâu sắc của người con Hoang đàng; đã gặp người phụ nữ ngoại tình nhận được sự tha thứ đầy lòng thương xót; và đã cùng với Đức Kitô hân hoan tiến vào thành Giêrusalem của tâm hồn chúng ta. Khi thực hành đều đặn việc cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái, chúng ta đã khai quang một nơi trong tâm trí và trái tim mình để Nước Hằng Sống, Ánh sáng Thế gian, Sự sống lại và Sự sống tràn vào và lưu lại với chúng ta một cách sâu đậm hơn.
Trong tất cả những lần Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra như được các sách Phúc âm kể lại, thì những người đi theo Chúa Giêsu không bao giờ nhận ra Người ngay lập tức. Maria Madalena thì nghĩ rằng Người là người làm vườn. Các Tông đồ thì cho rằng Người là một bóng ma. Hai môn đệ trên đường Emmau lại coi Người như một người bạn đồng hành thú vị. Chỉ khi Chúa Giêsu gọi tên của bà Maria; bày tỏ vết thương cho các tông đồ; và bẻ bánh trong cử chỉ Thánh Thể đặc trưng thì mắt của họ mới được mở ra để nhận ra Chúa Phục sinh đến với họ trong sự sống sung mãn!
Có thể là sự thất bại của thập giá đã che khuất tầm nhìn của họ, hoặc diện mạo Chúa Giêsu phục sinh khác với dáng vẻ của Người trước đó, nhưng có một điều vẫn rất rõ ràng: Khi Đức Chúa hành động và lên tiếng, họ liền nhận ra Người, và họ rất đỗi vui mừng.
Vậy thì, Chúa Phục sinh đang hành động và lên tiếng ra sao trong cuộc đời của chúng ta?
Khi Chúa Giêsu dịu dàng gọi tên chúng ta trong cầu nguyện; khi chúng ta nhìn thấy những thương tích của Người trong đau khổ của người khác; khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể…, chúng ta nhận ra Chúa Phục sinh, và lòng chúng ta hân hoan trước sự gần gũi thân thương và vẻ đẹp kỳ diệu của Người.
Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, sức mạnh của Sách Thánh và hiệu năng của các Bí tích trong Giáo Hội, Chúa Kitô phục sinh vẫn luôn hiện diện cách gần gũi bên cạnh chúng ta. Sự phục sinh của Người là sự kết hợp trọn vẹn vẻ sáng ngời của Chân, Thiện, Mỹ nơi Thiên Chúa. Vì Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết, chúng ta nhận được ơn tha thứ tội lỗi, lời hứa về sự sống đời đời, sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi khoảnh khắc và sự kết hợp với Đức Chúa.
Làm sao chúng ta lại có thể không vui mừng, cất cao lời ngợi khen và cảm tạ khi cử hành sự khải hoàn tuyệt vời của Chúa Kitô Phục sinh?
Tình yêu đã chiến thắng hận thù; ân sủng đã chiến thắng tội lỗi; lòng nhân từ đã diệt trừ cái ác, và sự sống là tiếng nói cuối cùng trên sự chết.
Xin cho trái tim của chúng ta rung nhịp với quyền năng và sự sống của Đức Chúa, Đấng bị đóng đinh và sống lại, đang đồng hành với chúng ta trên lộ trình Emmau riêng của mỗi chúng ta.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: simplycatholic.com
Để lại một phản hồi