Mỗi người chúng ta đều được kêu gọi để rao giảng (CN Phục Sinh năm C)

MỖI NGƯỜI CHÚNG TA ĐỀU ĐƯỢC KÊU GỌI ĐỂ RAO GIẢNG

Suy niệm Chúa Nhật Phục Sinh Năm C

(Cv 10, 34a. 37-43; Cl 3, 1-4 hoặc 1 Cr 5, 6b-8; Ga 20, 1-9)

Jaime L. Waters

Trong bài tường thuật cho một chuyên mục được in trên tạp chí vào tháng 4, người ta đặt ra câu hỏi: “Làm chứng nghĩa là gì?” Tuy nhiên, trước những cuộc đối thoại, những sáng kiến ​​và các phong trào nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội đang diễn ra; thì vấn đề cấp bách hơn chính là: “Ai được kêu gọi để làm chứng? Ai được kêu gọi để rao giảng?” Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một câu trả lời: Mọi người đều được kêu gọi, và điều đó không liên quan đến việc chúng ta là nam hay nữ.

Trong Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay, chúng ta bắt gặp hình ảnh bà Maria Mađalêna là người đầu tiên loan báo và làm chứng về Chúa Kitô Phục sinh. Các sách Tin Mừng đều ghi lại việc bà Maria Mađalêna khám phá ra ngôi mộ trống. Trong các truyền thống Nhất Lãm, bà Maria Mađalêna đi cùng với một nhóm phụ nữ đến thăm mộ để xức dầu thơm thân xác bị đóng đinh của Chúa Giêsu. Trong Tin mừng Gioan, bà Maria Mađalêna khám phá ngôi mộ trống một mình, mặc dù những lời của bà cho thấy rằng bà có thể đã ở với những người khác.

Hành động của Maria Mađalêna phản ánh nhận thức của bà về tầm quan trọng của ngôi mộ trống, khi bà chạy về để thông báo cho những người khác về điều bà đã nhìn thấy. “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phần còn lại của bài Tin Mừng hôm nay nêu bật hình ảnh Phêrô và người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến chạy đua ra mộ để xem những gì mà bà Maria Mađalêna đã loan báo cho các ông. Đến nơi, các ông nhìn thấy ngôi mộ trống như bà đã loan báo. Tin Mừng cho biết, Phêrô nhìn thấy những dây băng nhỏ và khăn liệm che đầu Người, và người môn đồ được Chúa yêu nhìn thấy ngôi mộ trống và đã tin. Tin Mừng cho biết, mặc dù điều đó không giải thích đầy đủ những điều ông tin. Thay vào đó, bài Tin Mừng hôm nay kết thúc với việc hai môn đệ đó không hiểu chuyện gì đã xảy ra và sau đó các ông trở về nhà mình.

Mặc dù bài Tin Mừng hôm nay kết thúc ở đó, nhưng câu chuyện vẫn còn tiếp tục. Thật đáng tiếc khi bài Tin Mừng bị dừng đột ngột, thay vì phải tiếp tục việc Chúa Giêsu kêu gọi Maria Mađalêna loan báo về việc Chúa Phục Sinh. Nếu chúng ta tham dự thánh lễ vào thứ Ba trong tuần Bát Nhật Phục sinh, chúng ta sẽ nghe phần còn lại của câu chuyện. Nếu không, chúng ta có thể tìm đọc lại toàn bộ bản văn để nắm bắt được toàn bộ truyền thống.

Đầu tiên, bà Maria vẫn ở lại đó khi những người khác rời đi. Bà khóc và được hai thiên thần đến thăm, hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc?” Bà tuyên bố rằng: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?” Sau đó, bà được Chúa Kitô Phục sinh hiện ra, và bà nhắc lại những lo lắng của mình. Chúa Giêsu gọi đích danh bà và sai bà đi loan báo việc Ngài sắp lên trời cho các môn đệ khác. “Maria… hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: ‘Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con’”. Bà Maria đã đáp lại lời kêu gọi, bà chạy về loan báo cho các môn đệ: “Tôi đã trông thấy Chúa” và bà đã tường thuật cho các môn đệ những gì Chúa đã nói với bà.

Tại sao Chúa Giêsu bảo Maria Mađalêna nói với các môn đệ về sự Phục Sinh và lên trời của Ngài? Bà đâu cần phải loan báo điều này nếu ngay sau đó Chúa Giêsu cũng hiện ra với các môn đệ? Chúa Giêsu đã không chỉ xuất hiện với họ và tiếp tục nói về thông tin trên mà thôi? Các truyền thống về những việc xảy ra sau sự kiện Phục sinh cho thấy cách thức một nhóm những người theo Chúa sẽ phát triển thành cộng đoàn Hội Thánh, một cộng đoàn cậy dựa vào tất cả các thành viên để cùng tham gia vào sứ điệp và sứ mệnh của cộng đoàn. Việc Maria Mađalêna được kêu gọi để loan báo sứ điệp của Chúa Giêsu cho các môn đệ khác không nằm ở việc bà là người đầu tiên có mặt tại hiện trường. Nói đúng hơn, điều đó cho thấy sự mở lòng của bà khi bà nghe và đáp lại tiếng Chúa gọi trong cuộc đời mình với tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu. Không phải vì là đàn ông hay phụ nữ mà Maria Mađalêna hay các môn đệ khác được mời gọi. Những người này chính là những nhà lãnh đạo đầu tiên của Giáo hội, họ cũng giống như những nhà lãnh đạo giỏi nhất ngày nay, luôn cởi mở, tận tụy để đạt được hiệu quả trong việc rao giảng Tin Mừng. Họ dùng chính những ân ban và đức tin của mình để truyền cảm hứng cho người khác. Đây là một cách truyền giáo hiệu quả, và việc này không phải là nhiệm vụ dành riêng cho nam hay nữ, nhưng cho tất cả chúng ta.

Bà Maria Mađalêna là mẫu gương cho mọi người về cách bà đáp lại lời mời gọi của Chúa Kitô Phục sinh: Hãy loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy tìm kiếm tri thức và làm sáng tỏ khi chúng ta không hiểu về mầu nhiệm của đức tin, đồng thời loan báo và truyền cảm hứng đức tin cho người khác. Dịp Lễ Phục sinh này, khi chúng ta tưởng niệm sự Phục sinh vinh thắng của Chúa Giêsu, hãy để Maria, người đầu tiên chứng kiến ​​và loan báo sự Phục sinh của Chúa, truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta cũng biết làm điều mà bà đã làm.

Jos. Đăng Vũ
Chuyển ngữ từ: americamagazine.org (08.4.2022)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*