Trở nên những người của Lễ Phục sinh

Lm. Nnamdi Moneme, OMV

Sau mấy ngày tĩnh tâm tại cộng đoàn của chúng tôi, một nữ tu đã nói với tôi rằng: “Địa điểm này của cha thật yên ả và rất thuận tiện cho việc cầu nguyện. Thế cha có thấy bình an khi ở đây không?”

Câu hỏi thú vị của Sơ ấy nhắc tôi nhớ rằng: chúng ta có thể sống trong khung cảnh an bình nhưng vẫn thiếu sự bình an trong tâm hồn; chúng ta có thể sống trong sự dư dả, sung túc nhưng vẫn thấy băn khoăn, lo lắng về ngày mai; chúng ta có thể ở trong bầu khí cầu nguyện nhưng không thích cầu nguyện. Và, nghịch lý hơn nữa, chúng ta có thể phấn khởi cầu chúc người khác “Lễ Phục sinh vui vẻ” mà chính mình lại không phải là người của Lễ Phục sinh!

Chúng ta không phải là người của Lễ Phục sinh bởi vì chúng ta có khuynh hướng coi Lễ Phục sinh chỉ là một sự kiện trong quá khứ để tưởng nhớ và cử hành hàng năm. Do đó, chúng ta dễ dàng giảm thiểu Lễ Phục sinh thành một lễ tưởng niệm Chúa Kitô đã trỗi dậy từ ngôi mộ hơn 2000 năm trước. Chúng ta không nhận ra rằng, nhờ Bí tích rửa tội, Lễ Phục sinh không chỉ là một sự kiện trong quá khứ được tưởng nhớ và cử hành mà còn là một thực tại luôn hiện hữu, thúc đẩy chúng ta và tác động đến chính cuộc sống hiện tại của chúng ta.

Thật thế, chúng ta trở thành những người của Lễ Phục sinh nhờ đức tin của Phép rửa, “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6, 4). Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được kết hợp với Chúa Kitô Phục sinh và Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta. Đây là lý do tại sao “đời sống mới” của chúng ta, như là những người của Lễ Phục sinh, phải là một tấm gương phản chiếu cuộc đời của Đức Kitô kể từ thời điểm Người chịu phép rửa tại sông Giodan.

Thánh Phêrô mô tả 3 khía cạnh về cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu Kitô sau khi Người chịu phép rửa có thể giúp chúng ta sống như là những người của Lễ Phục sinh.

Trước hết, khi sống trong một thế gian tội lỗi, Chúa Giêsu đã thực hiện tất cả những điều tốt lành mà Chúa Cha muốn để chữa lành và giải thoát nhân loại. Sau khi được Chúa Cha xức dầu bằng quyền năng Thánh Thần, Chúa Giêsu “đã lên đường để loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, trả lại tự do cho người bị áp bức và Thiên Chúa luôn ở cùng Người”. Chúa Giêsu không bị khuất phục, phân tâm hoặc thoái chí trước nhiều hình thức tội ác trên thế giới.

Qua phép rửa được lãnh nhận, chúng ta cũng phải thực thi điều tốt lành mà Thiên Chúa gợi hứng trong lòng mình mọi nơi, mọi lúc chứ không phải nhất thời, khi thuận tiện hoặc có ích lợi cho chúng ta. Chúng ta cũng không còn có thể đổ lỗi cho bất kỳ con người, hoàn cảnh, hoặc điều gì khác đã tác động lên sự chọn lựa sống thụ động hoặc tội lỗi của mình. Như là khí cụ của sự thiện hảo của Thiên Chúa, chúng ta cũng được trang bị để mang lại sự chữa lành và hy vọng cho người khác bằng lời nói và hành động của chúng ta. Do đó, là những người của Lễ Phục sinh, chúng ta không được đầu hàng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi; không được trở thành đồng phạm trong hành vi trái đạo đức của người khác; và cũng không được thờ ơ với tội lỗi trên thế giới, dù dưới bất kỳ hình thức nào.

Nhưng, đối với Chúa Giêsu, như thế vẫn chưa đủ. Do đó, khía cạnh thứ hai đó là sự tự nguyện chịu đựng đau khổ từ người khác, “Họ đã giết Chúa Giêsu bằng cách treo Người trên thập giá“. Chúa Giêsu đã trải nghiệm sự thù hận, căm ghét và vong ân từ những người mà Người yêu mến và chết vì họ.

Vì được kết hợp với Đức Kitô qua Phép rửa, chúng ta cũng sẽ phải gánh chịu những điều ác từ người khác trong thế giới này, “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Mt 10, 22). Chúng ta sẽ phải đương đầu với những cám dỗ khốc liệt, “Trong thế gian, anh em sẽ gian nan khốn khó” (Ga 16, 33). Ân sủng của phép rửa không nhằm giải thoát chúng ta khỏi những đau đớn do mối tương quan của chúng ta với người khác, “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cor 4, 9). Nhưng nhờ ân sủng của phép rửa, chúng ta có thể chịu đựng tất cả những điều đó vì lòng yêu mến Chúa.

Cuối cùng, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự dữ bằng việc chỗi dậy từ cõi chết nhờ quyền năng của Chúa Cha, “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường” (x. Cv 10, 37- 43). Chiến thắng tối hậu của Chúa Giêsu không phải là chiến thắng trên trần gian, nhưng sự Phục sinh của Người là sự bảo đảm về phần thưởng thiên quốc nếu chúng ta đặt trọn niềm tin cậy nơi Người và trung thành sống như là những người của lễ Phục sinh cho đến hơi thở cuối cùng.

Nhờ ân ban của phép rửa, chúng ta tin rằng Thiên Chúa chắc chắn sẽ ban thưởng cho chúng ta không chỉ vì những điều tốt chúng ta thực hiện và còn vì những gian truân mà chúng ta phải chịu đựng vì danh Ngài. Chắc chắn, tội lỗi, sự chết và ma quỷ sẽ chẳng thể chiến thắng chúng ta và chúng ta sẽ được sống lại với Đức Kitô. Cho nên, chúng ta sẽ không mất niềm hy vọng ngay cả khi chúng ta không nhìn thấy phần thưởng nhãn tiền cho những công sức mình bỏ ra vì Chúa.

Sự Phục Sinh minh chứng rằng Chúa Giêsu luôn thực hiện lời hứa của Người với chúng ta. Các môn đệ không tin vào lời Đức Kitô hứa rằng Người sẽ sống lại sau ba ngày, “Vì họ chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Ðức Giêsu phải chổi dậy từ cõi chết” (Ga 20, 9). Việc Đức Giêsu trung thành với lời hứa của Người giúp cho sự trung thành của chính chúng ta đối với Người trở nên khả thi. Từ nay trở đi, chúng ta không có lý do chính đáng nào để nghi ngờ sự trung thành của Người đối với chúng ta nữa.

Hơn thế, chúng ta cần phải làm mới lời hứa của mình khi lãnh phép rửa với Chúa Giêsu, vì không phải lúc nào chúng ta cũng trung thành những gì mình đã hứa. Có ai trong chúng ta đã luôn trung thành với lời hứa rửa tội của mình là từ bỏ tội lỗi và Satan; là tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi; là sống trọn vẹn mầu nhiệm các thánh thông công; là phụng sự Thiên Chúa trong Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền? Đây là lý do tại sao chúng ta lặp lại lời hứa rửa tội trong thánh lễ Vọng Phục sinh.

Chúng ta cũng hãy làm mới lời hứa rửa tội này trong vô số khoảnh khắc Phục sinh ngay trong cuộc sống thường nhật của mình. Đó có thể là cảm nghiệm ơn tha thứ trong Bí tích Hòa giải; là gặp gỡ Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể; là dành thời gian thinh lặng với Chúa trong cầu nguyện, trong việc đọc, suy gẫm Sách thánh; là liên kết với người khác trong sự phục vụ yêu thương; là đón nhận sự tha thứ và trao tặng cùng sự tha thứ ấy cho người khác … Bất kể quá khứ của chúng ta có ra sao, hãy tận dụng những khoảnh khắc ấy để lại trở thành những người của lễ Phục sinh đích thực mà Chúa mời gọi chúng ta trở thành.

Ước mong ân sủng của Bí tích Thánh Thể giúp chúng ta hiệp thông sâu sắc hơn với Chúa Kitô Phục sinh, và nâng đỡ chúng ta trở nên những người của lễ Phục sinh trong suốt cuộc đời.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (19. 4. 2022)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*