Tham luận của Đức Hồng y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục

Xin gởi lời chào bình an đến các anh em rất thân mến trong hàng Giám mục!

Tôi đến đây với tư cách một người anh em, không hề có ý áp đặt bất cứ quan điểm nào do chức vụ hay bậc sống cao hơn: ước muốn của tôi là cùng với anh em tìm kiếm những giải pháp chung, giúp chúng ta hiện thực hóa một cách tròn đầy những gì Chúa đòi hỏi chúng ta và những gì Thần Khí gợi hứng qua Thượng Hội đồng “hướng đến một Hội thánh hiệp hành”.

Tôi cảm ơn anh em về lời mời và về cơ hội được cùng thảo luận với anh em về chủ đề của Thượng Hội đồng vừa mới khai mạc, nhất là trong bối cảnh Hội đồng Giám mục Ý đã khởi xướng con đường công nghị các Giáo hội tại Ý, dự kiến trong khoảng thời gian dài hơn giai đoạn dành cho Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16. Quả không dễ để anh em chuẩn bị con đường này, trong thời kỳ cưu mang – theo như tôi biết – kể từ Đại hội Giáo hội Ý năm 2015 tại Florence, và để anh em gặp lại nhau trước thềm Hội nghị toàn thể lần thứ 74 của các giám mục Ý, cũng như để anh em cân nhắc ở giai đoạn đầu của tiến trình Thượng Hội đồng của Hội thánh phổ quát, vốn liên quan đến toàn thể Hội thánh và tất cả các Giáo hội [địa phương].

Có người đã buộc tội Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng là muốn làm quá đáng. Trên thực tế, chúng tôi đã không làm gì khác hơn ngoài việc biến những gì đã được Tông hiến Episcopalis communio thiết lập thành một tiến trình lớp lang và chặt chẽ, khi chuyển đổi sự kiện Thượng Hội đồng thành một tiến trình: quả không dễ để nhận ra sự thay đổi viễn tượng mà sự lựa chọn này bao hàm: kể từ khi được thiết lập, Thượng Hội đồng Giám mục được chào đón như một biến cố liên quan đến Hội thánh hoàn vũ, không liên quan trực tiếp đến các Giáo hội địa phương. Kết quả là Thượng Hội đồng chỉ chạm đến thân mình Giáo hội khi các giáo hoàng ban hành các Tông huấn hậu Thượng Hội đồng.

Như Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng cho biết (số 1), toàn thể Hội thánh được “triệu tập trong Thượng Hội đồng”. Lần đầu tiên, không chỉ tất cả các giám mục, mà toàn thể dân Chúa đều tham gia vào tiến trình Thượng Hội đồng; không chỉ tất cả những ai đã chịu Phép Rửa, là nam hay nữ, hiểu theo tính cách cá nhân, mà toàn thể Hội thánh tản mác trên khắp hoàn cầu: điều này chỉ ra rằng đây là một quyết định có tầm ảnh hưởng lớn lao, mà chúng ta chưa thể đong đếm hết những kết quả và hệ quả của nó. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: nguyên lý nền tảng cho sự biến chuyển của Thượng Hội đồng từ một sự kiện thành một tiến trình đó là “chính nhờ và trong các Giáo hội đặc thù mà có một và chỉ một Giáo hội Công giáo duy nhất” (LG 23). Chính vì tính hỗ tương và “bản chất gắn kết nội tại lẫn nhau” này, mà chúng ta đã nghĩ tới việc khai mạc kép của Thượng Hội đồng, tại đền thờ thánh Phêrô ngày 10 tháng 10 và tại các Giáo hội đặc thù, để minh chứng rằng Giáo hội “diễn ra” trong các Giáo hội đặc thù. Những ai nói rằng đó là sự trùng lặp vô ích, thì đã không hiểu những gì Đức Phaolô VI đã đề cập trong Tông huấn Evangelii nuntiandi:

“Chúa muốn Hội thánh Ngài phải phổ quát như một cây lớn đến nỗi chim trời đến nương náu nơi cành nó, như một tấm lưới vớt được mọi thứ cá hay như mẻ lưới mà Phêrô kéo lên chứa đến 153 con cá lớn, hay như một đàn chiên chỉ có một chủ chăn. Một Hội thánh phổ quát không có biên giới, ngoại trừ biên giới tâm-thức các tội nhân, đây thực là điều đáng tiếc.

Tuy nhiên trên thực tế, Hội thánh phổ quát này hiện thân trong các Giáo hội địa phương, và các Giáo hội địa phương này được thành lập với một phần nhân loại cụ thể, nói một ngôn ngữ nhất định, thừa hưởng một di sản văn hoá, một vũ trụ quan, một quá khứ lịch sử, một vốn liếng nhân bản nhất định… Theo ý Chúa, Chính Hội thánh này, tuy phổ quát do ơn gọi và sứ mệnh, nhưng một khi đã bén rễ trong những vùng văn hóa, xã hội, nhân sinh khác nhau, lại mang những bộ mặt, những biểu hiện bên ngoài khác nhau tùy theo mỗi miền của thế giới.

Như vậy, một khi Giáo hội địa phương tự ý cắt đứt khỏi Hội thánh phổ quát thì Giáo hội đó không còn sống đúng ý định của Chúa; Giáo hội ấy tự làm nghèo nàn chiều kích Hội thánh của mình. Mặt khác, Giáo hội “tràn lan khắp mặt đất” cũng sẽ chỉ là một ý niệm trừu tượng nếu Giáo hội này không thật sự mặc lấy thân thể và sức sống nơi các Giáo hội địa phương. Chỉ khi nào chúng ta lưu ý đến cả hai sắc thái của Hội thánh, chúng ta mới nhận thấy mối tương quan phong phú giữa Hội thánh phổ quát và Giáo hội địa phương” (EN 61-62).

Tính hỗ tương và “bản chất gắn kết nội tại lẫn nhau” của Hội thánh phổ quát và Giáo hội đặc thù đã gợi hứng cho tiến trình Thượng Hội đồng và các giai đoạn của tiến trình. Trong trường hợp này cũng vậy, đây là lần đầu tiên, với rất nhiều điều mới mẻ. Tông hiến Episcopalis communio đã giới hạn khi nói rằng giai đoạn “chuẩn bị”, “được điều phối bởi Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng nhằm mục đích thỉnh ý dân Chúa về chủ đề của Thượng Hội đồng” (điều 5, 2). Tông hiến cũng tiếp thêm rằng “việc thỉnh ý Dân Chúa diễn ra trong các Giáo hội địa phương” và xác định rõ rằng “trong mỗi Giáo hội địa phương, các giám mục thực hiện việc thỉnh ý Dân Chúa bằng cách nhờ đến các tổ chức và hội đoàn hiện hành được giáo luật quy định mà không loại trừ các hình thức mà các ngài cho là phù hợp” (điều 6, 1). Khởi đi từ nhận định của Công đồng về Hội thánh như là “thân thể các Giáo hội”, “trong và nhờ các Giáo hội mà làm nên Hội thánh”, Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, với tư cách là người chịu trách nhiệm về tiến trình Thượng Hội đồng, nhấn mạnh một số phương diện nhằm đảm bảo tốt nhất tiến trình Thượng Hội đồng:

– Thứ nhất là việc thỉnh ý dân Chúa, cho dù là “chuẩn bị”, nhưng cũng là một phần của tiến trình Thượng Hội đồng. Trong các cuộc họp với Hội đồng Thư ký, sự mập mờ của tính từ “chuẩn bị” đã được lưu tâm ngay tức thì: tính từ này có thể khiến người ta nghĩ tới giai đoạn “tiền” tiến trình Thượng Hội đồng. Mọi thành viên đều thấy hiển nhiên rằng việc thỉnh ý dân Chúa đã là một phần của tiến trình Thượng Hội đồng. Cắt nghĩa cách khác sẽ đi ngược lại với Công đồng Vaticanô II, vốn rút ra điều khẳng định rõ ràng này từ Thánh Kinh và Thánh Truyền: “toàn thể các tín hữu được Chúa Thánh Thần xức dầu (x. 1Ga 2, 20.27), không thể sai lầm trong đức tin, họ biểu lộ thuộc tính đặc biệt này qua cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi ‘từ các giám mục cho đến những người bé mọn nhất trong các tín hữu’ đều đồng thuận về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa” (LG 12). Tài liệu Chuẩn bị nói rất rõ về điểm này khi khẳng định phần liên quan đến cảm thức đức tin (sensus fidei) trong tiến trình Thượng Hội đồng.

– Phương diện thứ nhì là việc thỉnh ý dân Chúa diễn ra trong các Giáo hội địa phương. Đúng là Tông hiến Episcopalis communio cũng chỉ ra các khối liên hiệp, các liên dòng, các hội nghị tu hội thánh hiến và tu đoàn tông đồ nam và nữ cũng như các hiệp hội giáo dân được Tòa Thánh và các bộ của Giáo triều Rôma công nhận với tư cách là những chủ thể có thể tổ chức việc thỉnh ý. Tuy nhiên, lôgic của “bản chất gắn kết nội tại lẫn nhau” giữa Hội thánh phổ quát và các Giáo hội đặc thù đòi hỏi hình thức thỉnh ý thông thường phải là việc thỉnh ý dân Chúa nơi các Giáo hội đặc thù: nơi đó, “Hội thánh Chúa Kitô duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, hiện diện và hoạt động” (CD 11); nơi đó, tất cả mọi người đều được mời gọi đóng góp, tùy theo ơn gọi, đặc sủng, chức vụ, và thực trạng đời sống. Nhất là nếu đây là chủ đề về Hội thánh hiệp hành! Con đường hiệp hành này sẽ như thế nào, việc lắng nghe mỗi người sẽ ra sao, nếu một số người tự tách mình ra khỏi tiến trình lắng nghe của Giáo hội nơi họ đang sống, để đưa ra những đóng góp tách biệt? Không loại bỏ giả thuyết này, tuy nhiên nó chỉ liên quan tới những năng động hiệp hành nội tại nơi các gia đình dòng tu. Còn những gì liên quan đến đời sống của Giáo hội phải diễn ra qua các Giáo hội địa phương.

– Phương diện thứ ba liên quan đến phương thức thỉnh ý: như anh em có thể thấy trong Tài liệu Chuẩn bị, chúng ta đã bỏ thuật ngữ “bản câu hỏi” nhằm tránh bất kỳ sự mơ hồ nào về việc thỉnh ý, không thể và sẽ không bao giờ là một cuộc thăm dò dư luận. Thậm chí, còn hơn thế nữa, chúng ta cũng đã chọn không tăng thêm lượng câu hỏi, mà tập trung mọi sự vào một câu hỏi căn bản duy nhất, được trình bày ở phần đầu Tài liệu (số 2) và nhắc lại ở chương IV, nơi những hướng đi được đề xuất dành cho việc thỉnh ý dân Chúa. Trong số 26, nguyên văn viết: “Hội thánh hiệp hành ‘cùng nhau cất bước hành trình’, khi loan báo Tin Mừng: Việc ‘cùng nhau cất bước hành trình’ hiện đang diễn ra thế nào trong Giáo hội địa phương của anh em? Để Hội thánh được lớn lên trong việc ‘cùng nhau cất bước hành trình’, Thần Khí đang mời gọi chúng ta thực hiện những bước đi nào?”. Chương IV cũng trình bày mười chủ đề cốt lõi nhằm đào sâu: đó không phải là mười câu hỏi – chúng ta sẽ trở lại bản câu hỏi của chúng ta!!! – mà là các phương diện của một câu hỏi căn bản duy nhất. Chúng có khả năng giúp chúng ta thấy được rất nhiều hàm ý của câu hỏi đầu tiên, như thể nó là nhiều mặt của một lăng kính; còn nếu chúng gây lẫn lộn hoặc tạo chước cám dỗ chỉ muốn thăm dò dư luận, tốt hơn hết là nên loại bỏ chúng và chỉ tập chú vào câu hỏi căn bản. Điều quan trọng là dân thánh Chúa trải nghiệm thực sự về tính hiệp hành, qua việc lắng nghe lẫn nhau.

Tôi liên hệ ba điểm này với điểm thứ tư mà tôi muốn cùng với anh em tập chú vào: nguy cơ – có thể gọi là cám dỗ – muốn thêm vào tiến trình hiệp hành những ý nghĩa và mục tiêu khác, muốn thêm vào những thứ nhằm đạt những kết quả khác, bên cạnh kinh nghiệm chung là lắng nghe dân Chúa về tính hiệp hành và về Hội thánh hiệp hành. Nguy cơ này đặc biệt liên quan đến những ai đã nghĩ tới một tiến trình hiệp hành trước khi Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng đưa ra đề nghị. Đó là trường hợp của Con đường công nghị của anh em, được diễn đạt trong Hiến chương Mục tiêu (Charte d’intention) đã đệ trình Đức giáo hoàng. Trong hiến chương này, hai năm đầu được dành cho việc lắng nghe, năm đầu tiên dành cho việc lắng nghe từ cơ sở, năm thứ hai mở ra đến các vùng ngoại vi. Đây là một dự án hài hòa, có tầm vóc lớn nên có thể dùng làm hình mẫu cho các Giáo hội khác. Có lẽ điều khiến một số người phiền lòng là sự lấn cấn về thời gian: đề xuất của Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng dường như là một sự lấn cấn gây phiền toái. Tôi cảm ơn anh em đã nói ngay từ đầu về sự “hài hòa” của hai chặng đường. Tôi hy vọng sự hài hòa này sẽ đạt đến mức anh em sẵn sàng dành năm đầu tiên nhằm thực hiện yêu cầu của việc lắng nghe do Thượng Hội đồng Hội thánh phổ quát đề xuất.

Lời thỉnh cầu của tôi xuất phát từ sự tin chắc rằng thà thực hiện cách đúng đắn một mục tiêu thì ích lợi hơn là có hai mục tiêu chồng chéo và sinh ra lẫn lộn. Thêm vào đó là vị trí của Hội đồng Giám mục Ý, với tư cách là Hội đồng Giám mục mà giám mục Rôma chính thức trực thuộc. Việc các Giáo hội Ý thực hiện cách can đảm tiến trình Thượng Hội đồng sẽ là mẫu gương cho các Giáo hội khác và các hàng giám mục khác. Mặt khác, ai cũng biết Đức Thánh Cha đã kiên định yêu cầu một công nghị Giáo hội Ý. Trong bức thư gởi cho Giáo hội nhân chuyến hành hương đến nước Đức, Đức Thánh Cha nhắc lại những điều ngài đã nói với các giám mục Ý như một điều kiện tiên quyết là phải tiến hành một Thượng Hội đồng “từ bên dưới”, từ việc lắng nghe dân Chúa trong các Giáo hội địa phương. Phần nhấn mạnh này đặt Giáo hội Ý – và như thế các quyết định của Hội đồng Giám mục Ý – trên giá đèn, chứ không phải úp dưới thùng (x. Mt 5, 15). Vì lý do này, một hình mẫu về tiến trình Thượng Hội đồng được thực hiện tốt đẹp sẽ giúp toàn thể Hội thánh canh tân não trạng và phát triển phong cách hiệp hành mà tất cả chúng ta mong đợi từ việc cử hành Thượng Hội đồng này.

Mặt khác, thách đố cũng lớn lao: việc đạt được kết quả mà không triển nở một phong cách hiệp hành sẽ đưa Hội thánh đến thất vọng, điều này có thể gây nguy hiểm cho tương lai của tính hiệp hành và của chính Hội thánh. Tôi nhắc lại: tốt hơn hết là dân Chúa trong các Giáo hội thảo luận về câu hỏi căn bản, hơn là nói về bất cứ điều gì, thiếu tính xây dựng và nhất là thiếu định hướng. Điều then chốt là làm chín muồi thực sự não trạng hiệp hành và hiểu được rằng thực ra “từ nền tảng, Hội thánh là hiệp hành”, nghĩa là, là dân Thiên Chúa vốn cùng nhau bước đi, không chỉ vì họ bước đi, mà vì họ bước đi và biết mình đi đâu – hướng tới sự kiện toàn Nước Thiên Chúa – và vì thế dân Chúa tự vấn trên con đường mình đi, qua việc lắng nghe những gì Thần Khí nói với Hội thánh. Tôi tin chắc rằng hoa trái đầu mùa và có cơ sở nhất của giai đoạn đầu của tiến trình Thượng Hội đồng là niềm xác tín được chín muồi qua việc lắng nghe lẫn nhau. Đó là niềm xác tín rằng đời sống của Hội thánh khởi đi từ sự lắng nghe, là kết quả của việc tái khám phá chiều kích Thánh Linh học của Hội thánh mà Công đồng chuyển giao lại cho chúng ta cũng như đòi buộc chúng ta, đặc biệt là các mục tử, trong nhiệm vụ phân định vốn không thể khước từ.

Đức giáo hoàng nói với chúng ta trong diễn từ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục: “Hội thánh hiệp hành là Hội thánh lắng nghe, với ý thức rằng lắng nghe ‘không chỉ là nghe’. Đây là việc lắng nghe lẫn nhau trong đó mỗi người đều có điều gì đó để học biết. Giáo hữu, giám mục đoàn, giám mục Roma: tất cả đều lắng nghe nhau, và tất cả đều lắng nghe Chúa Thánh Thần, ‘Thần khí sự thật’ (Ga 14,17), để biết ‘điều Thần Khí nói với các Hội thánh’ (Kh 2, 7)”. Việc thỉnh ý dân Chúa là hoạt động thuộc phận sự của giám mục như nguyên lý và nền tảng hiệp nhất trong Giáo hội của ngài. Nhờ quyền riêng biệt, thông thường và trực tiếp đối với đoàn chiên được giao phó cho ngài, chính giám mục có thẩm quyền mở ra con đường công nghị trong Giáo hội của mình và đồng hành với hành trình ấy, hầu sinh hoa kết trái như mong đợi. Mỗi đóng góp đến từ các Giáo hội địa phương sẽ là một món quà mà mỗi Giáo hội dành tặng cho các Giáo hội khác và cho toàn thể Hội thánh, trong lôgic Công giáo được xác định bởi Hiến chế Tín lý Lumen Gentium 13.

Cũng trong diễn từ nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha khẳng định “Thượng Hội đồng Giám mục là điểm hội tụ sự năng động lắng nghe này, được thực hiện ở mọi bình diện trong đời sống Hội thánh”. Văn phòng Tổng Thư ký đã thể hiện sự năng động này trong một tiến trình có tổ chức, phát triển điều mà Tông hiến Episcopalis communio gọi là “giai đoạn chuẩn bị” trong sự vận động không ngừng của việc lắng nghe – phân định, vốn trân trọng dân Chúa với tư cách là chủ thể của cảm thức đức tin (sensus fidei), cũng như tôn trọng các mục tử của họ – dù là cá nhân trong Giáo hội đặc thù của các ngài hay quy tụ lại trong các Hội đồng Giám mục – với tư cách là chủ thể của sự phân định trong Giáo hội ở các cấp độ trung gian khác nhau của tính hiệp đoàn. Cách thức này minh giải hai thời điểm phân định, trong các Hội đồng Giám mục quốc gia và châu lục, giúp làm sáng tỏ tầm quan trọng của chức năng phẩm trật trong tiến trình Thượng Hội đồng. Trong mọi trường hợp, tính hiệp hành không phải là sự mở ra để tiếp nhận các khái niệm mang tính tính xã hội học, vốn nhấn mạnh vai trò chủ chốt của giáo dân gây tổn hại cho Huấn quyền: viễn tượng luôn là viễn tượng của mối tương quan, của “bản chất gắn kết nội tại lẫn nhau” giữa dân Chúa và các mục tử, giữa cảm thức đức tin (sensus fidei) và Huấn quyền; tiến trình Thượng Hội đồng luôn được thực hiện tuần hoàn giữa tính hiệp hành, tính hiệp đoàn và quyền tối thượng.

Tôi sẽ chỉ tập trung vào hai phương diện đầu tiên. Việc thỉnh ý dân Chúa rất quan trọng; và sự phân định của các Hội đồng Giám mục cũng rất quan trọng: từ sự giao thoa của các dữ liệu, như chúng được tổng hợp từ những đóng góp của các giáo phận và bản đúc kết của các Hội đồng Giám mục, sẽ cho ra đời Tài liệu Làm việc (Instrumentum Laboris), hoa trái của việc lắng nghe ở mọi phương diện. Đối với Văn phòng Thư ký, đây sẽ là một nhiệm vụ lớn lao: đó là lý do tại sao bốn ủy ban đã được thành lập để lo đảm trách việc đọc tài liệu, nhằm giảm thiểu nguy cơ diễn giải tùy tiện, vì điều này có thể xảy ra khi việc đánh giá những đóng góp đã được giao phó cho một chuyên gia duy nhất, như trường hợp trước đây.

Vì thế, tôi yêu cầu Hội đồng Giám mục này một cam kết khác: trở thành gương mẫu trong giai đoạn phân định. Nghĩa là giúp mỗi giám mục hiểu rằng đây không phải là việc được giao cho một ai đó, mà chính anh em phải xem xét tài liệu. Hãy tìm một phương cách thực sự mang tính hiệp đoàn để “phân định” những đóng góp của các giáo phận. Ước mong bản đúc kết mà anh em đệ trình Ban Thư ký thực sự là hoa trái của sự lắng nghe của các Giáo hội tại Ý. Tôi tin chắc rằng hành động phân định này sẽ giúp hiểu được bản chất hiệp đoàn của các Hội đồng Giám mục, trong khuôn khổ một Hội thánh hiệp hành tự căn bản. Đây là một đề tài đáng được chú ý đào sâu, để tiến trình Thượng Hội đồng bảo đảm thực thi đúng tính hiệp hành, tính hiệp đoàn và quyền tối thượng. Bỏ qua bất kỳ khía cạnh nào trong những khía cạnh này cũng đều làm suy yếu toàn bộ tiến trình Thượng Hội đồng.

Việc cùng nhau phân định cũng sẽ giúp phác họa chân dung vị mục tử hiệp hành. Trong hiệp hành, tất cả chúng ta đều là những người học việc; nhưng trong một Hội thánh hiệp hành, nhất thiết các giám mục phải là những người đầu tiên hiệp hành, với sự nhạy bén, phong cách và não trạng hiệp hành. Làm thế nào mỗi thành phần dân Chúa (portio Populi Dei) có thể phát triển chiều kích hiệp hành này nếu nguyên lý hiệp nhất dân Chúa lại diễn tiến theo một hướng khác và thể hiện các nguyên tắc khác cũng như các mô hình Giáo hội khác? Ở đây không phải là việc lặp lại những câu sáo rỗng, có khi là những khẩu hiệu. Tôi luôn tự nhủ rằng để trở thành một mục tử hiệp hành, tôi phải:

– Lắng nghe một cách hiệp hành

– Nói một cách hiệp hành

– Hành động một cách hiệp hành

Ba động từ hợp lại sẽ phác họa gương mặt của vị mục tử hiệp hành; khi hợp lại cùng nhau, chúng nói lên tính nhất quán của vị mục tử hiệp hành; nếu thiếu một điều, dù chỉ một điều, toàn bộ diễn từ về tính hiệp hành sẽ trống rỗng và trở nên phản chứng. Đó là lý do tại sao, ngoài việc là thời điểm quyết định trong đời sống Hội thánh, Thượng Hội đồng cũng có thể trở nên thời cơ hoán cải thuận lợi cho chúng ta.

Sr. Marie Michaelle Hoàng Phương Thúy, OA.
Chuyển ngữ từsynod.va (23.11.2021)

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 127 (Tháng 1 & 2 năm 2022)
WHĐ (28.4.2022)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*