Father Stu, tác phẩm điện ảnh và câu chuyện ơn gọi?

Điện ảnh Mỹ vẫn có những bất ngờ. Giữa dòng phim chủ lực mang tính thế tục, vẫn xuất hiện những thước phim đậm chất tôn giáo như Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô (The Passion of the Christ) của Mel Gibson năm 2004, và mới đây trong Tuần Thánh năm 2022 là Cha Stu (Father Stu) của Mark Wahlberg. Cả hai nhân vật này đều là người Công giáo, đồng thời là diễn viên nổi tiếng và đạo diễn.

Phim Father Stu

Cuốn phim Cha Stu dựa trên một câu chuyện có thật: cha Stu thuộc Giáo phận Helena, sinh năm 1963 tại Helena, gia nhập Hội Thánh Công giáo năm 1994, chịu chức linh mục năm 2007 do Đức cha George Thomas, qua đời năm 2014, hưởng thọ 50 tuổi.

Thời niên thiếu, cha Stu là một người trẻ ở Montana hâm mộ môn boxing và từng thi đấu nhưng rồi chấn thương khiến anh phải rời bỏ đam mê. Chàng thanh niên rời bỏ quê nhà, khăn gói lên kinh đô điện ảnh Hollywood vì muốn thành diễn viên. Trong thời gian tìm cơ hội, anh kiếm sống bằng cách làm việc cho một cửa hàng thịt, rồi quen biết bạn gái là Carmen. Cô này lại là người Công giáo thuần thành, nhất định không kết hôn với người ngoài Công giáo, và cũng không chấp nhận ăn ở với nhau trước khi làm lễ cưới. Thế là Stu, vì muốn theo đuổi Carmen, chấp nhận theo cô đi lễ, cuối cùng xin học đạo và chịu Phép Rửa tội.

Đang lúc phấn khởi như thế thì một tai nạn giao thông khủng khiếp xảy ra, suýt cướp mạng sống của anh. Dù may mắn còn sống nhưng Stu bị thương rất nặng, phải nằm trên giường bệnh nhiều ngày. Cũng trong thời gian đó, anh khám phá tiếng gọi của Chúa và quyết định đi tu làm linh mục.

Trong thời gian học ở đại chủng viện, một chứng bệnh nguy hiểm xuất hiện làm tay chân thầy Stu cử động khó khăn. Tình hình nặng nề đến nỗi ban giáo sư đề nghị không cho chịu chức nhưng vị giám mục giáo phận quyết định phong chức linh mục cho thầy. Sau khi chịu chức, dù bị nhiều giới hạn trong hoạt động và phải chịu nhiều đau đớn vì bệnh tật, cha Stu đã trở nên nguồn an ủi và hi vọng cho rất nhiều người đến với cha, nhìn cha dâng lễ, nghe cha giảng Lời Chúa, xưng tội với cha…

Cha Stu, giáo phận Helena

Cuốn phim chắc chắn để lại trong lòng người xem nhiều suy nghĩ, và một trong những suy nghĩ ấy là về ơn gọi linh mục. Trong dịp kỷ niệm 50 năm linh mục, Thánh Gioan Phaolô II chia sẻ kinh nghiệm của ngài qua một tập sách nhỏ mang tựa đề Ơn ban và huyền nhiệm và ngài khẳng định: “Mọi ơn gọi linh mục đều là ơn ban và huyền nhiệm”. Ơn gọi linh mục của cha Stu không phải là huyền nhiệm sao? Có ai ngờ một người “ngoại đạo” (31 tuổi mới chịu phép rửa tội) lại làm linh mục? Có ai ngờ một thanh niên đã đính hôn với bạn gái lại thành linh mục? Nhiều câu hỏi lắm! Đúng như một triết gia đã nói: “Bạn chẳng bao giờ biết được Chúa sẽ làm gì với bạn!” (Peter Kreef).

Ơn gọi linh mục là một huyền nhiệm, dấn thân theo tiếng gọi ấy cũng không hề là chuyện dễ dàng. Khi Stu bày tỏ ý nguyện làm linh mục, anh gặp rất nhiều phản đối: từ bạn gái, từ gia đình, từ bạn bè. Họ phản đối đâu phải vì ghét anh nhưng vì thương anh, mà chính vì thế sự phản đối ấy càng nặng lòng hơn nhưng anh đã vượt qua tất cả! Khi anh đã vào chủng viện rồi, vẫn có nhiều rào cản ngăn bước anh tiến đến chức linh mục: ban giáo sư chủng viện đề nghị chỉ nên phong chức Phó tế vĩnh viễn cho thầy Stu vì ảnh hưởng của căn bệnh khiến thầy khó lòng thi hành tác vụ linh mục. Cuối cùng Đức giám mục giáo phận quyết định phong chức linh mục cho thầy vì ngài cho rằng làm linh mục là nên giống Chúa Kitô, Người Tôi Tớ đau khổ! Ngày nay có thể nhiều người trẻ cũng gặp trở ngại trên đường tìm ơn gọi: trở ngại từ gia đình, từ bạn bè, từ bối cảnh văn hóa thời đại, từ những scandal trong Giáo hội… Chúng ta hãy trở thành người đồng hành và nâng đỡ các bạn.

Hình ảnh cha Stu cũng là hình ảnh của người “đã cầm cày thì không ngoái lại đằng sau” (x. Lc 9,62), nhưng dấn thân đến cùng, bất chấp mọi gian khó. Ngày chịu chức linh mục, cha Stu phải chống nạng và sau lễ phong chức, cha tâm tình với cộng đoàn: “Tôi đứng trước anh chị em như một người tàn tật. Tôi sẽ chết vì căn bệnh này, trừ khi có phép lạ, nhưng tôi mang căn bệnh này như vác Thánh giá của Chúa, và tất cả chúng ta đều vác Thánh giá của mình”. Thực sự là chính bệnh tật và những đau khổ cha phải chịu đã trở thành cách thế độc đáo cha thi hành tác vụ linh mục và làm lay động biết bao tâm hồn. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho có nhiều linh mục, tu sĩ dám dâng hiến trọn vẹn con người và cuộc đời mình cho Nước Chúa, và cảm nhận niềm vui sâu xa, rạng rỡ trong đời dâng hiến.

Thiên Triệu

Nguồn: giaophanmytho.net

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*