Hạt suy tư được gợi hứng từ đoạn Tin Mừng Gioan 8, 1-11
Nếu đoạn Tin mừng Ga 8, 1-11 được chuyển thể thành phim, thì chắc chắn đó sẽ là một bộ phim rất hấp dẫn, vô cùng kịch tính và đầy dãy những hình ảnh đánh động người xem đến từng chi tiết nhỏ nhất. Một cuộc giao tranh giữa động và tĩnh.
Bộ phim của chúng ta được bắt đầu với một cảnh tĩnh: Sau một ngày giảng dạy nhiệt tâm, đám đông ai về nhà nấy, thì Chúa Giêsu đến Núi Ôliu nghỉ ngơi và cầu nguyện một mình cùng Chúa Cha. Sự kết hợp mật thiết giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha thì không cần phải bàn cãi. Chính Người đã khẳng định mạnh mẽ với chúng ta rất nhiều lần: Ta và Cha Ta là một. Khung cảnh trên núi Ôliu có lẽ tĩnh lắm, vì Chúa Giêsu đâu cần nói nhiều với Chúa Cha. Khi hai người đã hiểu nhau và gắn bó khăng khít đến độ nên một thì không cần phải nói gì nhiều. Ngôn ngữ của họ không còn là ngôn ngữ của lời nói nữa, nhưng là ngôn ngữ của sự hiện diện và của ánh mắt; nhiêu đó thôi cũng đã đủ để hiểu tất cả rồi! Cái tĩnh từ sự kết hợp mật thiết với Chúa Cha là nguồn sức mạnh cho cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu phá vỡ sự im lặng của màn đêm: khi trời vừa sáng, Người đã trở lại đền thờ. Không khí bắt đầu xôn xao và kéo theo cảnh động vào sân đền thờ. Dân chúng đua nhau đến với Chúa Giêsu để nghe Người giảng dạy. Xem ra họ rất thích đến với vị thầy Giêsu này, vì giáo lý của Người thì mới mẻ và Người dạy lại có uy quyền, chứ không như các kinh sư của họ. Thêm vào đó, lâu lâu Người lại ra lệnh cho các thần ô uế, rồi trừ quỷ, rồi chữa bệnh… Quả thật, có một sự sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn đến từ nội tâm, lời nói, cử chỉ và việc làm của Chúa Giêsu. Tất cả đều toát lên cái gì đó rất Chúa, đến độ người ta phải nói với nhau: Ông này thật là một vị ngôn sứ. Ông đúng thật là Đức Kitô…
Cảnh phim bắt đầu sôi động hơn, khi các người Pharisêu và các kinh sư lôi một người phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình đến với Chúa Giêsu. Một đám đông hầm hầm sát khí và bạo lực, phá tan bầu khí hứng thú của một buổi giảng dạy tôn giáo. Mỗi người một tiếng, kẻ thì bĩu môi, người thì chế giễu, kẻ thì chỉ chỏ, người thì kết án… Cứ thế, cái động ngày càng sôi sục của một phiên tòa đầy âm mưu và nham hiểm đã tràn ngập xung quanh Chúa Giêsu. Đến giây phút này, Người vẫn tĩnh!
“Thưa Thầy, người phụ nữ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Môsê dạy chúng tôi ném đá y. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Một người Pharisêu kênh kiệu hỏi thách, để gài bẫy Chúa Giêsu. Câu hỏi thách ấy như một viên đá đầu tiên ném vào mục tiêu là Chúa Giêsu. Người phụ nữ vẫn đứng giữa họ. Lòng đầy tủi nhục, mặt mũi bết bát xấu hổ. Cái chết đang chờ chị. Sự hối hận hòa theo những giọt nước mắt ăn năn muộn màng rơi xuống ướt đôi bàn chân xinh của chị, chảy vào lòng đất khô cằn như cõi lòng những người đang đứng xung quanh chị.
Đến giây phút ấy, Chúa Giêsu vẫn tĩnh – cái tĩnh của Thiên Chúa. Cái im lặng mà chúng ta vẫn thường lầm tưởng Thiên Chúa làm ngơ trước nỗi đau khổ của con người. Nhưng thực ra đâu phải như thế. Có bao giờ Thiên Chúa làm ngơ trước loài người mà Ngài đã hết lòng yêu thương và dựng nên họ vì chính họ đâu. Ngài đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh Ngài cơ mà. Có loài thụ tạo nào được như thế đâu. Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta cách vô điều kiện. Chúa Giêsu đã chứng minh điều đó.
Trước câu hỏi của người Pharisêu, Chúa Giêsu cúi xuống đất và bắt đầu viết. Người viết gì thì chỉ có những người ở đó biết. Nhưng dường như Người đang đan mây dệt gió để tạo một cơn mưa, cơn mưa làm dịu đi những cái đầu động, đang sùng sục sát khí, la lối và kết án. Người nói: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Câu nói ấy như một gáo nước lạnh xối thẳng vào mặt những kẻ đang thù ghét và bày mưu tính kế gài bẫy Người. Nói xong, Chúa Giêsu lại cúi mặt xuống đất lần thứ hai, như thể không muốn nhìn những con người tội lỗi sắp lìa bỏ Ngài mà đi.
Thế rồi, kẻ trước người sau, từng người một, lặng lẽ bỏ đi. Cái sôi động lúc đầu giờ đã trôi đâu mất, nhường chỗ cho cái tĩnh của Chúa Giêsu và người phụ nữ. Đám đông nãy giờ quan sát cũng dần dần rút lui. Ắt hẳn họ cũng đồng tình với bản án ném đá người phụ nữ hư hỏng kia. Điều đó chứng minh một điều: họ đến với Chúa Giêsu chỉ vì vụ lợi thôi, bởi vì họ không hề hiểu gì về giáo lý và hành động yêu thương của Chúa Giêsu. Tất cả sự sôi động đã tan biến chỉ với một câu nói của Chúa Giêsu. Cái tĩnh của Người đã chiến thắng bao nhiêu cái động xung quanh Người.
Tưởng như câu chuyện đã kết thúc ở đó, nhưng chưa. Còn người phụ nữ thì sao? Chúa Giêsu không kết án chị. Người không phủ nhận tội chị đã phạm, nhưng tha thứ cho chị. Tình yêu của Người luôn đi bước trước, tha thứ tất cả và chịu đựng tất cả. Giờ đây, chị không còn đứng giữa một đám đông đòi kết án chị nữa, nhưng chị đứng giữa một tình yêu bao la và lòng thương xót vô hạn của Chúa Giêsu. Chị đứng giữa một Đấng thánh luôn yêu thương chị và hiến mình vì chị và cho cả những kẻ đã kết án chị nữa, dẫu cho từ đầu tới gần cuối câu chuyện, Chúa Giêsu chỉ toàn im lặng và tĩnh mà thôi. Đó là cái tĩnh của tình yêu, cái tĩnh của sự tha thứ vô ngần của Thiên Chúa, mà con người không thể hiểu nỗi.
Trong cuộc sống thường ngày, dường như chúng ta cũng động quá nhiều. Cái động có thể đến từ chính con người chúng ta, hoặc có thể do những sự kiện và biến cố xảy ra hằng ngày, hoặc cũng có thể do người khác mang lại cho chúng ta. Nhiều lúc chúng ta bị cuốn theo những cái động bên ngoài đó, nhưng vẫn cho rằng mình ổn, vì đã thành công lướt thắng được tất cả. Tuy nhiên, nhìn kỹ lại coi: tâm hồn chúng ta có thật sự tĩnh và bình an không? Nếu câu trả lời là không, thì Chúa Giêsu cho chúng ta một giải pháp, để đánh tan mọi cái động đang phá đi sự bình an nội tâm của chúng ta. Cái động làm cho chúng ta thấy mình dường như trống rỗng, mất phương hướng, không tìm ra ý nghĩa của đời sống hiện tại. Cái động làm cho tâm hồn chúng ta nhạt đi, theo cái vô vị của những công việc thường ngày, chứ không còn mặn mòi như thuở ban đầu mới yêu Chúa…
Đức Hồng y Robert Sarah, Tổng trưởng bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa của việc ngày nay người Kitô hữu bị khủng hoảng đức tin, muốn rời bỏ Chúa và Giáo Hội, không còn quan tâm đến người khác mà chỉ sống hưởng thụ cho chính mình. Đó là vì người ta đã không còn kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể nữa. Thánh Thể là nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống đức tin và đời sống Kitô hữu. Một khi đã xa rời nguồn mạch thì làm gì có sự sống nữa? Chúng ta chỉ là những cái xác Kitô hữu không có sức sống, vì không cắm rễ vào nguồn mạch là Chúa Giêsu Thánh Thể.
Tôi có quen một cha xứ nọ. Trước đây ngài là con người rất hiền hòa, vui tươi và hay quan tâm tới mọi người xung quanh. Tuy nhiên, sau khi chuyển đến một giáo xứ có nhà thờ cách khá xa nhà xứ, ngài đã dần dần thay đổi tính cách. Ngài chỉ ở trong nhà thờ mỗi khi dâng thánh lễ. Công việc bao la, công chuyện bao quanh, nào là tương giao với chính quyền đang gây khó khăn, nào là xây dựng, nào là củng cố hội đoàn… Dần dần, điếu thuốc và ly cà phê là bạn đường suy tư của ngài. Cây đàn Guitar là bạn tâm giao chia sẻ vui buồn của đời sống ơn gọi. Chiếc Smartphone là nơi ngài tìm đến, để kiếm một giải pháp cho công việc mục vụ đang làm… Cứ như thế, giờ gặp gỡ và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể đã trở thành xa sỉ đối với ngài lúc nào không hay. Và đó là lý do giải thích cho sự thay đổi tính cách của ngài. Giờ đây, ngài dễ nỗi cáu, ít cười và trầm tư hơn.
Thật ra, đó cũng chính là kinh nghiệm thiêng liêng rất riêng của tôi. Năm Thần 1 và Thần 2, tôi chăm chăm vào học hành, với bao nhiêu là mục tiêu. Rốt cuộc, tôi nhận ra sau này những mục tiêu ấy cũng mục và tiêu hết thôi. Tạ ơn Chúa, sau những năm tháng miệt mài đó, Chúa đã cho tôi nhận ra hình như tôi đang đặt sai mục tiêu. Tôi đi tu đâu phải chỉ để học. Tôi đi tu là để ở lại và sống với Chúa cơ mà. Đại dịch Covid 19 làm tôi sống chậm hơn; những cái đau như nhiễm Virus Covid 19 hay đau chân cả tháng trời củng cố thêm cái chậm và cái tĩnh mà Chúa cần nơi con người tôi, để rồi, tôi khám phá ra Chúa Giêsu Thánh Thể mới là nơi tôi cần tìm đến và sống với. Từ đó, tôi thấy tâm hồn mình được bình an hơn. Và lạ thay, khi dành ít thời gian để học hơn nhưng việc học của tôi lại trở nên dễ dàng và thư thái hơn. Tôi ngủ ngon hơn, da mặt đẹp hơn, sáng hơn và bớt đi mấy nếp nhăn…
Vậy thì đâu là giải pháp cho chúng ta? Chúa Giêsu đã cho chúng ta câu trả lời. Đó chính là sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa qua Bí tích Thánh Thể. Hãy dành thời gian và không gian riêng tư để kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể. Đừng sợ mất thời gian ngồi trong tĩnh lặng và nên một với Chúa Giêsu Thánh Thể. Bởi vì, chính lúc đó, chúng ta đang đắm mình trong nguồn mạch sung mãn của đời sống đức tin của Giáo Hội. Chính những giây phút đó, tâm hồn chúng ta mới tìm được sự bình an đích thực. Sự bình an đủ sức giúp chúng ta chiến thắng được những cái động của thế giới xung quanh, của cái vô vị và nhạt nhẽo hay hiện diện trong đời sống cộng đoàn. Chính cái tĩnh của Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ là nguồn sức mạnh cho cuộc sống và sứ vụ của chúng ta. Cái tĩnh ấy sẽ ban cho chúng ta có đủ sức mạnh để đánh tan mọi cái động của thế gian đang tác động lên chúng ta. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể gìn giữ tất cả chúng ta. Amen.
Giuse hạt bụi tro
Để lại một phản hồi