Lm. Timothy J. Cusick
Giám học tại Đại chủng viện St. Vincent de Paul, Florida, Hoa Kỳ
Hình ảnh hiện lên trong tâm trí tôi lúc này là một căn biệt thự bên bờ biển.
Khi các vụ bê bối về lạm dụng tình dục của linh mục nổ ra đầu năm 2002, mở đầu cho thời gian mà Richard John Neuhaus gọi là “Mùa Chay trường kỳ” của chúng ta, tôi chỉ mới được thụ phong linh mục gần hai năm. Phản ứng đầu tiên của tôi là sửng sốt và tức giận. Ngay sau khi các giám mục Hoa Kỳ cam đoan sẽ “phục hồi niềm tin” trong những năm của thập niên 90, thì giờ đây họ lại bao che cho các hành vi lạm dụng một lần nữa. Đối mặt với dư luận, tôi cảm thấy thật hổ thẹn khi bị xem là người có liên đới với những linh mục tội lỗi ấy. Trong lúc nhiều người cố gắng biện minh cho vấn đề – là vấn đề chỉ liên quan đến một số nhỏ trong hàng giáo sĩ chứ không phải toàn bộ Hội Thánh – thì tôi trả lời rằng: “Không sao cả! Chúng ta phải trở nên tốt đẹp hơn thế.” Dù vậy, thực sự bằng một cách nào đó, mọi thứ dần trở nên tươi sáng hơn. Khi chia sẻ vấn đề này trên giảng đài, cha sở của tôi và tôi nhận được một sự ủng hộ mạnh mẽ từ giáo dân. Sau đó, các giám mục dường như cuối cùng cũng chịu giải quyết vấn đề một cách thẳng thắn và dứt khoát. Báo cáo của John Jay đặt dấu chấm hết cho sự im lặng của Hội Thánh, và Hiến chương Dallas trở thành hình mẫu cho các thể chế khác trong việc bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên. Lời phản hồi dù không trọn vẹn – như lời trình bày của Hồng y Dulles – nhưng Giáo hội Hoa Kỳ dường như đang bước sang một trang mới, tươi sáng và tốt đẹp hơn.
Dẫu vậy, một khía cạnh của vấn đề này vẫn còn bị dấu kín. Một trong những nhân vật then chốt trong phản hồi của các giám mục là Hồng y Theodore McCarrick, khi ấy là tổng giám mục Washington, D.C. Có nhiều tin đồn không tốt về các hành vi của ông ta đối với những chủng sinh, thế nhưng không có kết luận gì được đưa ra trước khi ông ấy được trở thành một trong những giám mục nổi tiếng nhất Hoa Kỳ.
Mùa hè 2018, tôi đến Washington để học thần học luân lý tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ với mục đích chuẩn bị cho sứ vụ tại chủng viện. Không lâu sau đó, McCarrick bị buộc phải ngưng các thừa tác vụ công khai vì những cáo buộc khả tín về lạm dụng. Tin tức này như chứng thực những tin đồn tôi đã nghe, thế nhưng vì bận rộn chuẩn bị cho sự chuyển biến từ cha sở thành một sinh viên, nên tôi không lưu tâm nhiều đến nó. Kế đến, với những cáo buộc kinh khủng, Báo cáo của Pennsylvania Grand Jury dường như đưa chúng ta về lại những ngày đen tối của năm 2002. Liệu chúng ta có thể vượt qua những chuyện này? Đâu là giới hạn của sự suy đồi trong Hội Thánh?
Khi tôi nghe biết về một căn biệt thự bên bờ biển ở Jersey, nơi McCarrick thường đưa các chủng sinh và các cá nhân mà ông ta ưu ái đến đó, sau đó tìm cớ để một trong số họ lên giường với mình. Điều này thật làm tôi tức điên lên – không chỉ đơn giản bởi những điều tệ hại ông ta đã làm ở đó, mà ngay từ ban đầu, tôi còn muốn biết tại sao và có cần thiết hay không khi ông ta được quyền lui tới một căn biệt thự ven biển ấy. Có mấy người được McCarrick gọi đến phục vụ có đủ khả năng sở hữu một thứ sang trọng như thế? Tại sao ông ta lại có được đặc ân như vậy?
Căn biệt thự ven biển này được sở hữu bởi tổng giáo phận Newark và được McCarrick sử dụng cho mục đích cá nhân của ông, là một trong rất nhiều cách thức mà vị hồng y này tận hưởng những của cải mà ông thu góp được nhân danh Hội Thánh. Như thế, nó thể hiện một sự suy đồi sâu xa hơn những gì tôi nghi hoặc. Không biết bao nhiêu lần tôi đã đọc về các linh mục không chỉ phạm tội nghịch với sự độc thân khiết tịnh mà còn phạm đến sự liêm chính trong quản lý tài chính? Suốt nhiều năm qua, có quá nhiều chuyện tai tiếng về những khoản tiền đút tay để tránh khỏi việc tố tụng hay để ém nhẹn những tiết lộ đáng hổ thẹn với cánh báo chí, sự tham ô để dung dưỡng một đời sống xa hoa kiểu “hàng tư tế”, và các hành vi đáng ngờ để bào chữa cho khả năng gây quỹ hoặc những món quà đắt giá.
Thế nhưng, cho đến nay, tôi vẫn xem các sự việc trên là vấn đề cần phải được giải quyết bởi người khác – bởi các giám mục, các nhà đào tạo, các hội đồng tư vấn, vv… Nhưng giờ đây, tôi nhận ra rằng tôi phải là một phần của các giải pháp. Các vụ bê bối kéo dài nhiều thế kỷ đã làm hoen ố thanh danh của hàng linh mục. Tôi và các anh em linh mục của tôi cần phải làm gì để phục hồi niềm tin tưởng và đảm bảo cho việc loan báo tin mừng được hiệu quả đây?
Tôi tin tưởng rằng nếu muốn có niềm hy vọng vào sự đổi mới trong hàng linh mục, thì các linh mục chúng tôi phải lưu tâm đến mối liên hệ giữa dục vọng và sự xa hoa, đến sự thất bại trong việc kiểm soát ham muốn ở nhiều khía cạnh trong đời sống của mình. Sự tận hiến cho Chúa Kitô và cho việc phục vụ dân Chúa phải biểu lộ cách tỏ tường trong mọi mặt của đời sống linh mục. Nhưng bằng cách nào để có được điều đó đây? Lịch sử Giáo Hội sẽ cho chúng ta một câu trả lời đầy đủ.
Sự cải tổ trong Giáo hội thường được đặt nền móng bằng việc thực hành đức khó nghèo cách tự nguyện. Vào thế kỷ III, thánh Antôn ẩn tu từ bỏ mọi của cải trần thế và lánh vào sa mạc ở vùng Ai Cập, ngài trở thành “cha của các ẩn sĩ” và đặt ra một cung cách sống hoàn toàn trái ngược với các Kitô hữu được sinh trưởng cách sung túc do địa vị xã hội của họ đang lớn mạnh trong Đế quốc La Mã thời bấy giờ. Cũng có một Bênêđíctô thành Nursia, người gây bàng hoàng cho thành Rôma suy đồi trong thế kỷ VI. Thánh nhân lui vào trong hoang địa và thiết lập một tu luật chú trọng vào việc cầu nguyện và lao động, tu luật ấy vẫn còn là một khuôn mẫu cho Kitô giáo Tây phương ngày nay. Vào thế kỷ XIII, thánh Phanxicô Assisi dẫn dắt một cuộc canh tân trong Giáo hội Công giáo bằng cách mang vào mình “sự khó nghèo thánh”, và thánh Đaminh thành Osma, đấng sáng lập dòng Thuyết giảng, nhận ra rằng sự giàu sang của Giáo hội đang gây cản trở cho việc rao giảng tin mừng. Ở thế kỷ XVI, thánh Têrêsa Avila, thánh Inhaxiô Loyola và nhiều vị thánh khác cũng canh tân đời sống thánh hiến nhờ vào việc đánh đổi một đời sống sung túc và nhận lấy sự khổ hạnh mang lại tự do. Gần đây hơn, Phong trào Công nhân Công giáo của Thánh Dorothy Day (Dorothy Day’s Catholic Worker) và các phong trào giáo dân khác đã tìm thấy những cung cách sống mà ở đó người Kitô hữu hoàn toàn phó thác bản thân vào sự quan phòng của Thiên Chúa chứ không phải vào của cải trần gian.
Theo truyền thống, một sự khác biệt lớn giữa các linh mục dòng và linh mục “triều” (các linh mục trực thuộc giáo phận, không ở trong một dòng nào) nằm ở điểm các linh mục dòng phải ưng thuận các lời khuyên phúc âm về sự khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Tuy thế, tất cả các linh mục đều phải hứa vâng phục đức giám mục hoặc bề trên hợp pháp của mình, và đa phần các linh mục trong giáo hội Công giáo Tây phương bị buộc phải giữ mình độc thân khiết tịnh. Vậy điểm mấu chốt phân biệt giữa linh mục dòng và linh mục triều chỉ còn nằm ở lời khấn khó nghèo.
Tại sao lại có sự khác biệt này? Bởi vì, trong lịch sử thời kỳ đầu, các linh mục coi xứ thường được phép kết hôn. Đến ngày nay, các linh mục của Giáo hội Công giáo Đông phương và Chính thống giáo (trừ các giám mục) cũng được phép kết hôn trước khi được truyền chức (điều này giống với các phó tế vĩnh viễn theo Nghi lễ Latinh). Việc giữ lời khấn khó nghèo trong khi vẫn phải tìm cách chăm lo cho gia đình là rất khó và bất công.
Tuy nhiên, ở Tây phương, nơi luật độc thân khiết tịnh bị bắt buộc, các linh mục từ lâu vẫn có được các nguồn thu nhập riêng nhờ vào bổng lễ, tặng phẩm từ các tín hữu và nhiều cách thức khác. Chỉ trong nhiều thế kỷ gần đây, một khoản lương ổn định, đồng nhất trong một giáo phận mới trở thành những quy tắc, kèm theo đó là các chế độ hưu dưỡng, chăm sóc sức khỏe, và nhiều phúc lợi khác cho các linh mục.
Ở một đất nước giàu có như Hoa Kỳ, linh mục giáo phận được xem như những quý ông độc thân của tầng lớp trung lưu. Với hầu hết các chi phí của mình, gồm phí thực phẩm và nhà ở, phí chăm sóc sức khỏe, họ có rất nhiều các khoản thu nhập khả dụng. Mặc dù Giáo hội luôn khích lệ các linh mục dùng các khoản dư đó cho các nhu cầu hoạt động tông đồ, đặc biệt là cho người nghèo, thế nhưng số tiền đó vẫn được các linh mục sử dụng cho mục đích cá nhân. Kết quả là nhiều linh mục có đủ điều kiện để đến các nhà hàng sang trọng, tận hưởng những kỳ nghỉ xa hoa, và thực hiện nhiều thú vui khác.
Dẫu vậy, kể từ Công đồng Vatican II, Giáo hội đã kêu gọi các linh mục giáo phận “tự nguyện gắn bó với đức khó nghèo bởi nhờ đó họ ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và nhiệt thành hơn trong sứ vụ thánh thiêng của mình”. Trong tông huấn Pastores Dabo Vobis (Những mục tử như lòng mong ước), thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khuyên nhủ các linh mục đón nhận “khổ hạnh”, trong khi đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô bằng gương mẫu và giáo huấn của mình đã mời gọi các linh mục sống một đời sống giản dị.
Khó nghèo, giản dị, thậm chí khổ hạnh nghe có vẻ đơn giản, nhưng những điều này thực sự có ý nghĩa gì đối với người linh mục giáo phận? Chắc chắn đó không phải là một sự thiếu thốn của cái nghèo không tự nguyện. Ngoài một mái nhà che đầu và ba bữa cơm một ngày, vị linh mục giáo phận sẽ cần một chiếc xe hơi và điện thoại di động để thi hành sứ vụ. Ngài cũng không phải cam kết sống khó nghèo chung với một cộng đoàn dòng tu; nhiều linh mục sống một mình, số ít còn lại thì sống cộng đoàn với một hoặc hai linh mục khác, những linh mục này thường không có cùng sở thích, thói quen và cũng hiếm khi ở lại giáo xứ quá vài năm.
Có lẽ, câu chuyện được kể bởi Đức Hồng y Dolan có thể minh giải về kiểu khó nghèo mà các linh mục được kêu mời. Đức Hồng y đến viếng thăm một thầy dòng Đaminh và nhận thấy rằng phòng của thầy ấy rất tối giản. Đức Hồng y hỏi vị tu sĩ rằng thầy cất các đồ dùng còn lại của mình ở đâu. Vị tu nói rằng đây là tất cả những gì thầy ấy sở hữu, và sau đó hướng chú ý đến việc Đức Hồng y cũng chỉ mang theo bên mình vẻn vẹn một cái vali. Đức Hồng y đáp lại, “Nhưng tôi chỉ ghé ngang qua thôi mà”. Vị tu sĩ trả lời, “Không phải chúng ta mới là tất cả sao? [Đâu cần gì nữa]”
Thật vậy, Công đồng Vatican II tuyên bố rằng tinh thần nghèo khó theo phúc âm là một điều mà tất cả các Kitô hữu nên thiết tha mong mỏi. Đức khó nghèo theo phúc âm bắt đầu với nhận thức rằng tất cả thụ tạo chỉ là phù vân, và với khao khát sử dụng chúng để làm vinh danh Thiên Chúa và trợ giúp anh chị em của mình. Như thánh Inhaxiô Loyola đã phát biểu, “Tôi chỉ được sử dụng tạo vật theo mức độ chúng giúp đạt tới cứu cánh và phải gạt bỏ khi chúng làm cản trở. Để làm được điều đó, tôi cần phải giữ cho mình được bình tâm đối với mọi tạo vật trong tất cả những gì nằm trong sự tự do của tôi và không bị cấm.” (Linh thao, số 23)
Sự tận hiến này có thể được đào sâu khi chúng ta suy ngắm rằng chúng ta nỗ lực theo đuổi đức khó nghèo trong sự noi gương Đức Kitô, Đấng được thánh Phaolô cho là, “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8:9). Trong việc Nhập Thể, Chúa Kitô đã tự ý trút bỏ vinh quang, mặc lấy điều mà Christopher Franks đã gọi là sự khó nghèo tự bản thể (ontological poverty): sự khiêm hạ trước mặt Chúa Cha trong việc chấp nhận thân phận con người. Trường phái Linh đạo Pháp đã mô tả hình thức khó nghèo ấy là anéantissement – sự “hủy mình ra không” của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta đừng nên nhầm lẫn tư tưởng trên với ý nghĩa rằng chúng ta chẳng có chút giá trị nào – không phải vậy! – nhưng đúng hơn là chúng ta liên tục được nhận lãnh từ Thiên Chúa món quà của sự hiện hữu. Chúng ta phải dưỡng nuôi một thái độ tin cậy khi đối mặt với những yếu nhược của mình trong một thế giới sa đọa, và phó thác trọn con người cho sự quan phòng của Thiên Chúa.
Dù vậy, tinh thần khó nghèo phải được củng cố bằng sự khó nghèo vật chất. Có lẽ những tài sản của tôi không “sở hữu” tôi, nhưng điều đó không thể hiện rằng tôi đầy đức độ trong việc sử dụng của cải vật chất hay tôi rất quảng đại với người nghèo. Mẫu gương Chúa Giêsu rất sáng ngời ở điểm này. Chúa Giêsu được sinh ra trong một chuồng gia súc, và khi dâng hiến Người trong Đền thờ, cha mẹ Người đã dâng lễ vật của người nghèo. Người nói với những kẻ muốn theo Người, “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9:57). Người và các môn đệ cũng phải nhờ vào các một nhóm người phụ nữ khi di chuyển từ làng này qua làng khác. Và Người khép lại cuộc đời trần thế bằng việc trút bỏ mọi thứ được cho là thuộc về Người.
Nhưng Chúa Giêsu không hoàn toàn túng thiếu. Thánh Tôma Aquinô chỉ ra rằng Chúa Giêsu không bắt chước sự khắc khổ của Gioan Tẩy Giả, bởi vì sứ vụ của hai người hoàn toàn khác nhau. Gioan kéo mọi người vào sa mạc để chịu phép rửa và hoán cải, Chúa Giêsu đến để mang Tin mừng cho người nghèo và vì thế Người gặp gỡ họ ở chính nơi họ thuộc về. Người không từ khước hưởng nhờ sự bác ái của tha nhân, cho dù đó là những người bạn ở Bêtania, hay ông Simon thuộc nhóm Pharisêu, hay chủ tiệc cưới Cana, hoặc thậm chí là môn đệ Matthêu trong bữa tiệc mừng ông được hoán cải. Người còn bị gọi là kẻ tham ăn hay một tay ăn nhậu! Dù thế, Chúa Giêsu đi bất cứ nơi đâu mà sứ vụ của Người dẫn lối, Người luôn sẵn sàng lên đường đến nơi kế tiếp: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1:38).
Trong một trình thuật nổi tiếng của Tin mừng, người thanh niên giàu có nọ đến hỏi Chúa Giêsu về việc anh ta phải làm gì để có được sự sống đời đời. Chúa Giêsu trước hết bảo anh ta hãy tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa. Chàng thanh niên thưa là đã chu toàn những điều đó rồi, nhưng anh ta còn đang tìm điều khác nữa. Chúa Giêsu đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19:21). Qua nhiều thế kỷ, đoạn Kinh Thánh này vẫn luôn gợi hứng cho các thánh nhân và những ai sống đời sống thánh hiến. Có đôi khi nó cũng được dùng để ủng hộ cho quan điểm về hai “tầng lớp” trong Giáo hội: tầng lớp thứ nhất gồm những người chỉ tuân giữ các giới răn, và thứ hai là những người “muốn nên hoàn thiện”, đồng thời tuân theo các lời khuyên phúc âm. Tuy nhiên, thánh Tôma Aquinô lưu ý rằng lời kêu mời trở nên hoàn thiện được trao ban cho tất cả mọi người, và sự hoàn thiện đó không tồn tại trong các lời khuyên phúc âm nhưng trong Đức Ái. Dù chúng ta được báo trước là sẽ rất khó để người giàu vào nước trời, nhưng nó không nghĩa là không thể được; thánh Tôma chỉ ra trường hợp của tổ phụ Abraham, người có rất nhiều của cải nhưng luôn bước đi trước mặt Thiên Chúa và đã nên hoàn thiện.
Hơn nữa, chúng ta thường lãng quên điểm mấu chốt trong câu chuyện về người thanh niên giàu có: Không chỉ dừng lại ở việc bán hết của cải và bố thí cho người nghèo mà thôi, nhưng còn một bước nữa là anh ta phải đến và theo Chúa Giêsu. Sự khó nghèo sẽ là một lợi khí của tự do trong việc đáp lại lời kêu mời trở nên người môn đệ.
Cuối cùng, con đường của người môn đệ sẽ dẫn tới Thập giá và những hành động tự hiến trọn hảo. Nỗi sợ cái chết – việc chúng ta không bằng lòng để thừa nhận rằng: suy cho cùng, chúng ta không phải là chủ nhân của số phận mình – thôi thúc trong chúng ta một ảo tưởng rằng không gì có thể phương hại tới bản thân chúng ta nếu chúng ta tích góp đủ của cải. Nhưng “được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8:36).
Các linh mục được kêu mời trở nên một chứng tá đi ngược dòng đối với chủ nghĩa tiêu thụ đang làm suy thoái môi trường sống và sản sinh ra “nền văn hóa loại bỏ” – theo cách gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, nền văn hóa này cũng tác động đến thái độ hướng tha của chúng ta. Thật dễ dàng để ruồng bỏ những người bạn, vợ/chồng, hoặc con cái một khi họ trở thành gánh nặng cho chúng ta. Chúng ta thường xem tha nhân như những vật cản cần phải loại bỏ hay những công cụ để đạt được mục đích của mình. Các linh mục không phải không nhiễm lối suy nghĩ này.
Vì thế, đức khó nghèo theo tinh thần phúc âm cung cấp một giải pháp hữu hiệu cho sự khủng hoảng đang còn tiếp diễn trong Giáo hội. Bằng cách khước từ những sự vật hoặc con người được cho là thuộc về mình “cách chính đáng”, chúng ta có thể kiểm soát được điều mà thánh Augustinô gọi là libido domiandi – ham muốn thống trị – thứ cám dỗ chúng ta coi bản thân mình là chúa của mọi sự thay vì đón nhận quyền thống trị của Chúa Kitô. Đức khó nghèo có thể giải phóng chúng ta ra xa “dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của” (1Ga 2:16) – và tháo cởi chúng ta khỏi sự dính bén với các ham muốn, sự thiếu khiết tịnh và lạm dụng quyền lực – những thứ được phô bày trong các vụ bê bối.
Làm sao để sống đức khó nghèo? Chay tịnh là bước khởi đầu: cơn đói thể lý cho thấy: sự lệ thuộc của chúng ta vào trật tự tạo dựng, nhu cầu của những kẻ không có đủ ăn, và cơn đói thiêng liêng hướng về Thiên Chúa. Sự nhiệt tâm và quảng đại bố thí (cách khôn ngoan) là bước tiếp theo. Một thần học gia đã đề xuất điều mà tôi muốn gọi là “kế hoạch 50-50” của Giakêu. Cùng nhớ lại khi Giakêu gặp Chúa Giêsu, ông ấy không bị buộc phải cho đi mọi thứ mình có – chỉ phân nửa là đủ rồi. Điều gì sẽ xảy ra nếu, khi chúng ta lên kế hoạch mua sắm, hoặc nghỉ mát, chúng ta cũng sẵn sàng trao tặng số tiền tương tự như thế cho những người nghèo?
Sự khó nghèo theo phúc âm cũng củng cố sự thăng tiến của nhân đức thờ phượng, nghĩa là dâng cho Thiên Chúa điều đáng thuộc về Người. Chúng ta mắc nợ Thiên Chúa về mọi sự, vì thế chúng ta chẳng thể nào chu toàn trọn vẹn bổn phận của mình. Nhưng món nợ đó nên sản sinh ra nỗi sợ con thảo của chúng ta dành cho Thiên Chúa, đó là khởi điểm của sự khôn ngoan. Nỗi sợ này là sự kính sợ chúng ta kinh nghiệm khi đứng trước Thiên Chúa và nhận ra tất cả những gì chúng ta có và chúng ta là đều hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, đó chính là thái độ được rèn giũa nhờ vào đức khó nghèo theo tinh thần phúc âm.
Kinh nghiệm về sự nhân lành của Thiên Chúa trong những khía cạnh trên dẫn chúng ta tới một niềm hy vọng thực sự. Tinh thần khó nghèo nuôi dưỡng một niềm hy vọng cánh chung về một sự đổi mới toàn vũ trụ. Vì đức khó nghèo được dựa trên nhận thức rằng chúng ta được tạo tác không phải để thỏa mãn những dục vọng thể lý tầm thường, và dựa trên ý thức tối hậu rằng tài sản của Hội Thánh là chính Chúa Giêsu Kitô: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:33).
Cuối cùng, trong đức khó nghèo chúng ta vui mừng đón nhận sự lệ thuộc vào Thiên Chúa và nhìn ngắm mọi thụ tạo như là những tặng phẩm từ Người. Chúa Giêsu nói: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10:8). Là những người môn đệ, chúng ta tự do dâng hiến bản thân, dâng hiến những thứ thuộc về chúng ta, để phục vụ cho Tin mừng và cho những kẻ được Chúa Kitô chịu chết vì họ. Đây đúng là một đời sống sung mãn thật sự.
Quang Sáng
Chuyển ngữ từ: firstthings.com (3.2022)
Để lại một phản hồi