Một lần Đức Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ nước Lỗ sang nước Tề. Trong những người học trò xuất sắc, có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò ưu tú nhất của Khổng Tử.
Trên đường đi, gặp đúng thời gian dân chúng đói kém, mất mùa, thầy trò trải qua vô vàn khó khăn, gian khổ. Khi sang đến đất Tề, thầy trò Khổng Tử được bà lão già biếu một ít gạo mới để nấu cơm. Đức Khổng Tử phân công Tử Lộ cùng các môn sinh vào rừng kiếm rau; việc thổi cơm giao cho Nhan Hồi – một đệ tử được thầy hết mực tin tưởng. Khi đang đọc sách ở nhà trên, Đức Khổng Tử bỗng nghe một tiếng “cộp” từ bếp vọng lên. Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống, ông thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm rồi cho vào tay và nắm lại thành nắm. Nhan Hồi đậy vung lại, nhìn trước ngó sau rồi lén đưa nắm cơm lên miệng. Thấy vậy, Khổng Tử cảm thấy thất vọng vô cùng, ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Trò yêu của ta lẽ nào lại ăn vụng thầy, vụng bạn thế sao? Còn đâu lễ nghĩa, đạo lý? Bao kỳ vọng đặt vào nó thế là đổ sông, đổ biển cả rồi!”.
Khi các đệ tử đã về đông đủ và cơm canh đã chuẩn bị xong. Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, vẫn một dạ theo thầy, yêu thương đùm bọc nhau. Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương, cha mẹ. Cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ, tiên tổ các con bảo có nên chăng? Ngoài Nhan Hồi ra, các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”
Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?” Tất cả học trò không rõ ý thầy muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”
Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”
Nhan Hồi thưa: “Dạ, khi mở vung ra để ghế cơm, chẳng may một cơn gió thổi vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi. Nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, nếu vứt đi thì anh em sẽ phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và các anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và các anh em. Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử giật mình than rằng: “Trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt chút nữa Khổng Tử này đã trở thành kẻ hồ đồ!”
Đã từ lâu tôi rất thích câu chuyện này và câu chuyện này nhắc nhở cho tôi về những nghĩ suy và nhất là xét đoán một vấn đề gì đó trong cuộc đời. Mà thật, đã quá nhiều lần kiểm chứng thì tôi thấy có những chuyện như câu chuyện “Nồi cơm của Khổng Tử” này. Đơn giản là có những chuyện như xảy ra trước mắt mình rõ ràng nhưng sự thật nó không như mình nghĩ.
Ngày hôm nay, giữa cơn bão của truyền thông, ngày mỗi ngày ta lại thấy biết bao nhiêu sự việc được đưa lên mạng để rồi gây hoang mang, bối rối cho nhiều người khác vì sau khi đọc những câu chuyện xem chừng như thật đó thì nó thật biết bao nhiêu phần ?
Ta cứ đặt ta là nạn nhân của những sự vu khống, của những sự miệt thị do người khác nhìn sai về ta thì ta thấy ta đau như thế nào. Với suy nghĩ như vậy thì nó lại trở về câu nói quen thuộc mà Chúa Giêsu nhắc nhở : Điều gì anh em muốn người khác làm cho mình thì mình hãy làm cho người khác như vậy. Dĩ nhiên là mình muốn người khác nghĩ tốt, làm tốt cho mình thì chắc chắn ta cũng nên làm tốt và nghĩ tốt cho người khác.
Tôi chỉ muốn nói rằng trong cuộc đời, mỗi chúng ta hơn một lần đã bị người khác hiểu lầm, xét đoán và kết án sai để rồi ta đau khổ. Và như vậy, ta cũng đã phần nào cảm thấy nỗi đau khi bị người khác nhìn không đúng về ta. Có những cố gắng, nỗ lực mà ta bỏ ra để sống nhưng bù lại là được con số không. Thử hỏi ta có buồn và có đau không ? Nếu ta nhớ lại ta đau thì ta cũng đừng làm người khác đau như vậy.
Với tất cả những điều đó, kinh nghiệm bản thân, tôi khá dè dặt cũng như thận trọng khi đưa ra lời nào đó cho sự việc nhất là sự việc đó hoàn toàn tôi chỉ được nghe. Trong cuộc sống, có khi thấy còn sai chứ huống hồ là nghe.
Thi thoảng cũng có người này người kia hỏi tôi về vấn đề này vấn đề nọ. Chắc chắn họ sẽ nhận được câu trả lời của tôi là không rõ hay không biết. Thật tình là thế vì có những câu chuyện nó ở quá xa tôi cũng như cũng chả dính dáng gì đến tôi cũng như tôi không có trách nhiệm cũng như quyền để giải quyết.
Có người lại bảo tôi là viết bài để bảo vệ người này người kia thì làm sao tôi có thể viết được khi mà tôi không rõ được sự tình. Tất cả những dữ kiện có chăng cũng có từ nguồn tin này nguồn tin kia mà tiếc thay là cũng chả xác minh được nguồn tin đó thật hay giả.
Là người Kitô hữu, hơn lúc nào hết ta cần có ơn khôn ngoan. Salomon, cả đời của ông, ông chả xin gì ngoài ơn khôn ngoan. Chắc có lẽ, ta cũng như Salomon là xin ơn khôn ngoan để ta biết minh định những sự việc trong cuộc đời và nhất là khôn ngoan để đếm tháng ngày mình sống như Thánh Vịnh 90 đã nói : “Lạy Chúa, xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống. Ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan”.
Vâng ! Ta hãy khôn ngoan biết rằng mỗi ngày qua đi là mỗi ngày ta già nua tuổi tác hơn và ta gần trở về với Thiên Chúa hơn. Chính vì vậy, ta hãy sống khôn ngoan thế nào đó để được ở trong cung lòng của Thiên Chúa, phải chăng đó là điều quan trọng nhất trong đời người Kitô hữu.
Lm. Anmai, CSsR
Để lại một phản hồi