Thế giới xe đạp và các Giáo hoàng

Để đề cao các giá trị thiết thực, linh hoạt và bền vững của việc sử dụng xe đạp, năm 2018 Liên Hiệp Quốc chọn ngày 03/6 hàng năm làm Ngày Xe đạp Thế giới. Tổ chức quốc tế kêu gọi các nước thành viên khuyến khích việc đạp xe để nâng cao sức khỏe, bảo vệ môi trường, kích thích phát triển xã hội.


Đức Phaolô VI với xe đạp

Trong thực tế, xe đạp là phương tiện giao thông đơn giản, giá thành rẻ, tiện lợi, phù hợp với quá trình phát triển bền vững. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, sử dụng xe đạp giúp con người phát triển tư duy sáng tạo, có thêm nhận thức về xã hội và môi trường xung quanh. Xe đạp là công cụ hỗ trợ cho sự phát triển các ngành giao thông, giáo dục, y tế và thể thao. Đồng thời, xe đạp cũng thể hiện xu hướng “giao thông sạch” và tích cực bảo vệ môi trường.

Ngày Xe đạp Thế giới năm nay, Liên Hiệp Quốc khuyến khích các nước tăng cường sử dụng xe đạp. Cụ thể: 1) Bổ sung xe đạp vào hệ thống các phương tiện công cộng, ở cả khu vực nông thôn lẫn thành thị, tại các quốc gia phát triển và đang phát triển; 2) Các quốc gia thành viên “chú ý đến việc sử dụng xe đạp trong các chiến lược phát triển xuyên suốt, bao gồm cả dịch vụ sử dụng xe đạp chung”, cũng như “chính sách và chương trình phát triển ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế”; 3) Tăng cường sử dụng xe đạp sẽ giúp các quốc gia tiến tới mục tiêu phát triển bền vững trong đó hỗ trợ giảm lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói rằng: Môn thể thao xe đạp luyện tập một số đức tính. “Sự quân bình của Giáo hội giống như sự thăng bằng của chiếc xe đạp: Giáo hội bình yên khi Giáo hội chuyển động, nếu chúng ta để Giáo hội dừng lại, Giáo hội sẽ ngã”. Những lời khẳng định này của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta sáng 24/4/2018 là một ẩn dụ cũng có thể dùng để mô tả Trái đất. Thực vậy, ngôi nhà chung của chúng ta đạt được sự cân bằng thiết yếu cho sự sống ngang qua các chuyển động tuần hoàn. Việc sử dụng xe đạp cũng giúp các nhóm dân cư dễ bị tổn thương có thể di chuyển đến các nơi giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và các dịch vụ xã hội khác.

phanxico.jpeg
ĐTC Phanxicô được tặng chiếc xe đạp điện (2013)

Đây đó, hình ảnh các linh mục, các nhà truyền giáo với chiếc xe đạp rảo khắp các con đường của giáo xứ, các ngôi làng ở vùng quê trong khi thi hành mục vụ. Một số khía cạnh đặc biệt của môn thể thao xe đạp, như leo núi và tinh thần đồng đội làm cho môn thể thao này trở thành một ẩn dụ phong phú cho các cộng đoàn Giáo hội. Thực tế, kinh nghiệm của Giáo hội và đời sống cộng đoàn là một hành trình, một “cuộc đua đạp xe” giữa các đường phố của thế giới. Trong cuộc gặp gỡ Liên đoàn xe đạp Ý ngày 9/3/2019, Đức Thánh Cha nhắc lại tương quan giữa Giáo hội và thể thao “có một lịch sử lâu dài, và với thời gian ngày càng được củng cố”. Thể thao cho thấy có thể “giúp ích rất nhiều cho sự phát triển nhân văn của mỗi người vì nó khuyến khích mọi người trao ban chính mình”.

Các Giáo hoàng và thế giới xe đạp

Cuộc đua xe đạp đầu tiên trong lịch sử là “Tour de France” ra đời trong năm 1903. Sáu năm sau, năm 1909, Ý tổ chức cuộc đua xe đạp đầu tiên. Đây cũng là kỷ nguyên được Đức Giáo Hoàng Piô X và sau đó Đức Giáo Hoàng XV chúc lành. Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, tính nhân văn của ông Gino Bartali, một người có đức tin, một vận đông viên đua xe đạp được toả sáng. Ông Gino Bartali đã liều mình để cứu nhiều người Do Thái khỏi sự bách hại của Đức Quốc Xã. Mặc dù biết hành động của mình có nguy cơ đưa cuộc đời kết thúc ở trại tập trung, nhưng ông đã sử dụng xe đạp đi giấu những tài liệu giả, nhưng quý giá để cứu gần một ngàn người. Ngày 26/6/1946 vận động viên can đảm này đã được đài tưởng niệm các nạn nhân của cuộc thảm sát Yad Vashem tuyên bố là “Người Công chính giữa các Quốc gia” và được Đức Giáo Hoàng Piô XII tiếp kiến riêng.

Mấy tháng sau, ngày 07/11/1947, trong buổi gặp gỡ các thành viên của Phong trào Công giáo Tiến hành, Đức Giáo Hoàng đã nhắc đến nhà thể thao vĩ đại này rằng: “Cuộc đua cam go mà Thánh Phaolô đã nói đến, đã đến lúc cần phải nỗ lực rất nhiều. Ngay cả khi chỉ trong chốc lát có thể quyết định chiến thắng. Anh chị em hãy nhìn Gino Bartali, thành viên của Phong trào, đã nhiều lần đoạt được ‘Áo vàng’ mơ ước. Anh chị em cũng hãy chạy trong cuộc đua lý tưởng này, để đoạt được một vòng nguyệt quế cao quý hơn”.

Ngày 30/5/1964, trong buổi gặp gỡ đoàn đua xe đạp Ý đi qua Roma, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói: “Chúng tôi vui mừng khi thấy hành trình của anh em qua Roma vì hai điều: thứ nhất đó là cơ hội để thể hiện tình cảm của chúng tôi đối với tất cả các vận động viên, và thứ hai là sự quý mến của chúng tôi với thể thao. Giáo hội nhìn trong thể thao một sự luyện tập thân thể và tinh thần”.

Năm 1972, Đức Hồng Y Albino Luciani, Thượng phụ Venezia, sau này là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I nói với cuộc đua xe đạp Ý: “Không có gì của con người xa lạ đối với Giáo hội. Tôi ở đây vì tình yêu cuộc đua xe đạp Ý, nhưng cũng vì tình yêu dành cho Venezia”.

Năm 1974, trong cuộc đua lần thứ 57, khởi hành từ Vatican, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI chúc mừng ban tổ chức và các thành viên của cuộc đua vì cuộc đua này đã muốn trao cho Năm Thánh một ý nghĩa.

Trong Đại Năm Thánh 2000, cuộc đua xe đạp Ý xuất phát từ Roma và chặng đua đầu tiên kết thúc tại Quảng trường Thánh Phêrô. Dịp đó, khi nói chuyện với các tay đua, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II bày tỏ mong muốn “Thể thao toả sáng với những đặc tính trong sáng, nhất quán, trung thực và chia sẻ, để có thể truyền tài các giá trị nhân văn”.

gioanphaolo2.jpeg
Đức Gioan Phaolô II với xe đạp

Năm 2011, trong dịp được trao quyền công dân danh dự của Naz-Sciaves, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI nhớ lại thời thơ ấu gắn liền với xe đạp. Ngài nói: “Năm 1940, khi tôi được 13 tuổi, lần đầu tiên anh em chúng tôi đã thực hiện một cuộc du ngoạn bằng xe đạp đến Tirolo, bắc Đức”.

Ngày 16/6/2021, vào cuối buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp riêng anh Egan Arley Bernal Gómez, tay đua xe đạp người Colombia, chiến thắng trong cuộc đua xe đạp của Ý. Khi được hỏi về buổi gặp gỡ này, anh Gómez nói: “Đó là một trải nghiệm duy nhất. Tôi lớn lên trong một gia đình Công giáo. Đó là trải nghiệm quan trọng hơn cả cuộc đua xe đạp của Pháp và Ý”. Dịp đó, anh đã tặng Đức Thánh Cha chiếc xe đạp đua và Áo hồng. Anh là tay đua xe đạp đầu tiên đoạt cả hai cuộc đua xe đạp nổi tiếng trên thế giới: Tour de France và Giro d’Italia.

Đức Mẹ Ghisallo, Đấng Bảo Trợ các vận động viên đua xe đạp

Năm 1949, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tuyên bố Đức Trinh Nữ Maria Ghisallo là Đấng Bảo Trợ các tay đua xe đạp. Theo truyền thống, từ thế kỷ XI, trên đỉnh đồi Ghisallo ở Como của Ý, người dân đặt một bức tượng Mẹ Maria. Vào khoảng năm 1000, khi bị đe doạ giết chết, Bá tước Ghisallo đã xin Đức Mẹ bảo vệ. Từ đó, tượng thánh được đặt tên là Đức Mẹ Ghisallo. Ghisallo cũng là một trong những ngọn đồi nổi tiếng trong lịch sử đua xe đạp. Trong những năm qua, trên đồi này các tay đua, các câu lạc bộ và liên đoàn để lại xe đua, áo đua, huy chương, cúp. Ngoài phong cảnh tuyệt vời ở đây khách tham quan còn được chiêm ngắm tượng đài đua xe đạp được Thánh Giáo hoàng Phaolô VI làm phép ngày 04/7/1973. Ngay trước đền thánh Đức Mẹ có một bảo tàng quốc tế các cuộc đua xe đạp, “ngôi nhà” của các tay đua trên thế giới.

Hiệp hội vận động viên Vatican “Athletica Vaticana” và Liên đoàn Xe đạp

Trong các cuộc đua xe đạp đồng đội, điều tất nhiên các tay đua phải làm đó là khi có một ai đó bị ngã hoặc gặp tai nạn thì những người khác phải đi chậm lại để đợi người kia. Vì thế theo Đức Thánh Cha Phanxicô, đây là một lối sống mà con người thời nay cần phải thực hành.

Theo ý tưởng trên kết hợp với giáo huấn trong Fratelli tutti, Hiệp hội vận động viên Vatican “Athletica Vaticana” được thành lập, và chính thức trở thành thành viên của Liên đoàn Xe đạp Thế giới (UCI).

Thúc đẩy sử dụng xe đạp

Trong những năm gần đây, nhà quay phim Loreto Valente người Ý, được gọi là nhà hoạt động hai bánh, đã kêu gọi mọi người sử dụng xe đạp. Ông làm điều này qua các video phóng sự và quảng cáo. Ông tham gia các sự kiện thể thao chuyên nghiệp hoặc bác ái nhằm mục đích mời gọi mọi người ủng hộ việc di chuyển bền vững.

Trong video ông Valente cũng chỉ cho thấy ở Roma người ta có thể đến nơi làm việc nhanh hơn với chiếc xe đạp. Ví dụ hai người cùng xuất phát từ một nơi, trong thời điểm kẹt xe, người chọn xe đạp đến nơi trước một nửa thời gian. Những ai theo dõi video của ông thấy được sự quan tâm đặc biệt của ông đối với vấn đề an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em, cách riêng ở các nơi gần trường học.

Ngọc Yến

(Vatican News 11.06.2022)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*