Phát biểu bên lề buổi giới thiệu Cuộc Gặp gỡ Tình bạn giữa các Dân tộc lần thứ 43, hôm thứ Ba 12/7/2022, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh nhấn mạnh rằng thế giới ngày nay “cần một ngoại giao không phản ứng nhưng ngăn ngừa”.
Đức Tổng Giám mục Gallagher tại buổi gặp gỡ
Cuộc Gặp gỡ Tình bạn giữa các Dân tộc lần thứ 43 dự kiến diễn ra từ ngày 20 đến 25/8/2022 tại Rimini, trung Ý. Đại diện Toà Thánh, Đức Tổng Giám Mục Gallagher đã tham gia buổi giới thiệu sự kiện này.
Bên lề cuộc họp, Ngoại trưởng Toà Thánh đã trả lời các câu hỏi của nhà báo liên quan đến cuộc chiến ở Ucraina, về ngày giờ Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Ucraina, về những gì Đức Tổng Giám Mục đã tận mắt chứng kiến khi viếng thăm vùng đất chiến tranh.
Về khía cạnh ngoại giao, Ngoại trưởng Toà Thánh nói: “Chúng ta phải nhìn nhận một sự thất bại về ngoại giao. Ngoại giao đã không thành công, không biết tránh cuộc khủng hoảng này. Vào năm 2015 khi tôi từ Úc đến Roma, Đức Thánh Cha đã nói với tôi rằng ngài không muốn một ngoại giao phản ứng nhưng có thể dự đoán những điều có thể xảy ra, một ngoại giao phòng ngừa. Ucraina nói với chúng ta rằng chúng ta phải cố gắng lường trước các cuộc xung đột, ngoại giao phải có khả năng nhìn thấy mức độ nghiêm trọng của những gì đang xảy ra trên thế giới. Ngoại giao phải tái khẳng định các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Tất cả những gì đang xảy ra cho thấy sự thất bại của chúng ta. Có lẽ chúng ta chưa nói gì về điều này. Chúng ta không thể im lặng trước bạo lực”.
Đức Tổng Giám Mục Gallagher khẳng định rằng mặc dù việc đón tiếp những người chạy trốn khỏi chiến tranh đang diễn ra khắp châu Âu, nhưng có nguy cơ là mọi người mệt mỏi. Chính phủ Thuỵ Sĩ đã tái khởi động cuộc tái sinh tinh thần và vật chất cho Ucraina. Nhưng theo ngài, có lẽ còn quá sớm để nói về việc tái thiết, nhưng dù sao có một thái độ tích cực là điều tốt. Cần phải giúp người Ucraina tái xây dựng kết cấu xã hội của đất nước với những người bị tổn thương cần được đồng hành.
Đức Tổng Giám Mục nói thêm: “Là một linh mục tôi cảm thấy có bổn phận nhắc nhở rằng mặc dù đau khổ nhưng chúng ta không thể bỏ qua thông điệp hoà giải và tha thứ. Ở châu Âu chúng ta đã chứng kiến phép màu hoà bình như sự hoà giải giữa Pháp và Đức vài năm sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Tất nhiên chúng ta phải đổi mới một số tổ chức quốc tế, như Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD), Liên minh châu Âu và Liên Hiệp Quốc”.
Ngoại trưởng Toà Thánh kết luận với lời kêu gọi mọi người không được quên cuộc khủng hoảng Ucraina. Ngày nay dường như các tin tức về chiến tranh hay bị lãng quên. Vì vậy chúng ta phải tiếp tục nhớ đến Ucraina, và cuộc chiến tại đây, trong khi tiếp tục chú ý cách đặc biệt đến dự án hoà bình của Chúa Thánh Thần, để tái khám phá hoà bình, ân ban của Chúa dành cho con người, nhưng con người phải cộng tác với Thiên Chúa.
Ngọc Yến
(vaticannews.va 13.07.2022)
Để lại một phản hồi