Thứ Sáu, 28/7/2022, ngày cuối cùng trong chuyến tông du 6 ngày của Đức Thánh Cha tại Canada. Sau 3 giờ bay từ Québec, vào lúc 16 giờ Iqaluit nghĩa là vào khoảng 3 giờ sáng thứ Bảy 29/7 giờ Việt Nam, Đức Thánh Cha đến sân bay Iqaluit. Tại đây ngài được Đức cha Anthony Wieslaw Krótki và chính quyền địa phương đón tiếp. Sau đó ngài đến trường tiểu học Nakasuk gặp riêng một số cựu học sinh các trường nội trú.
Gặp riêng một số cựu học sinh các trường nội trú tại trường tiểu học ở Iqaluit (AFP or licensors)
Iqaluit
Iqaluit là thủ phủ lãnh thổ Nunavut của Canada, nằm ở phía đông nam của đảo Baffin, khoảng 300 km về phía nam của Vòng Bắc Cực, gần cửa sông Sylvia Grinnell, trong vịnh Frobisher. Nơi đây có cộng đồng Inuit lớn nhất, là dân bản địa của các bờ biển châu Mỹ, phân bố từ Groenlandia đến Alaska. Cộng đồng này cũng có mặt ở châu Á, cuối bán đảo Chukchi, ở Siberia.
Vào năm 1800, hoạt động săn bắt cá voi đã đưa con người đến định cư tại đây. Năm 1942, Không quân Hoa Kỳ đã chọn khu vực này làm nơi đặt căn cứ không quân lớn.
Vào năm 1950, vịnh Frobisher – tên gọi của khu định cư từ năm 1955 đến năm 1987 – được đặt theo tên của Martin Frobisher, một người Anh, tìm kiếm Con đường Tây Bắc, trở thành trung tâm của trạm Cảnh báo sớm từ xa. Một dự án quy tụ hàng trăm người đến khu vực này. Vào năm 1957, ở đây dân số có khoảng 1.200 người, trong đó có 489 người Inuit. Năm 1963, khi Không quân Mỹ rời đi, vịnh Frobisher trở thành trung tâm hành chính, thông tin liên lạc và vận tải của chính phủ Canada cho vùng Đông Bắc Cực.
Sau khi các Lãnh thổ Tây Bắc phân chia thành hai lãnh thổ riêng biệt, vào ngày 01/4/1999, Iqaluit trở thành thủ phủ của Nunavut và trở thành thành phố vào năm 2001. Tại Iqaluit, có trụ sở của chính phủ lãnh thổ, Hội đồng lập pháp của Nunavut, có cấu trúc được lấy cảm hứng từ lều tuyết và truyền thống của người Inuit. Ngoài ra còn có Bảo tàng Nunatta Sunakkutaangit, nơi trưng bày các công cụ, quần áo và đồ thủ công truyền thống của người Inuit; và “con đường không định hướng” nổi tiếng, chạy dọc theo các hồ, những ngọn đồi và lãnh nguyên trập trùng và không dẫn đến đâu cả.
Các điểm tham khảo cho các Kitô hữu ở Iqaluit là giáo xứ Công giáo của Đức Mẹ Mông Triệu và nhà thờ Anh giáo thánh Giuda. Cộng đồng lớn nhất ở phía đông Bắc Cực của Canada sống trong một khí hậu cực kỳ khắc nghiệt: nhiệt độ trung bình trong những tháng mùa đông là khoảng dưới 25 độ C, với mức thấp thường có thể xuống dưới 40 độ. Do lớp đất dưới lòng đất đóng băng vĩnh viễn và gió mạnh, không có cây nào có chiều cao vượt quá 20 cm.
Gặp riêng một số cựu học sinh các trường nội trú tại trường tiểu học ở Iqaluit
Trường Tiểu học Nakasuk được xây dựng vào năm 1973 theo thiết kế của các kiến trúc sư Guy Gérin-Lajoie, Michel Le Blanc và Louis Joseph Papineau. Trường mang tên của cư dân đầu tiên của Iqaluit, được nhớ đến là người sáng lập Nunavut. Nakasuk là một người Inuk sinh ở Lãnh thổ Tây Bắc, nay là Nunavut, vào đầu thế kỷ 20. Nakasuk đã giúp người Mỹ thiết lập căn cứ của họ trong khu vực và sau khi hoàn thành cũng đã định cư ở đó.
Tòa nhà là một trong bốn trường tiểu học của thành phố và được phân biệt bởi hình dạng độc đáo và kín đáo do có ít cửa sổ. Cấu trúc hai tầng được tạo thành từ một khối sợi thủy tinh và phản ánh kiến trúc của nhiều tòa nhà lớn trong thành phố, dưới dạng hình hộp, với các biến tấu hình học tối thiểu và các cửa sổ rải rác. Tính thẩm mỹ đơn giản, thiên về chức năng của tòa nhà và khả năng chống chọi với khí hậu khắc nghiệt.
Với sự xuất hiện của người châu Âu, ngay từ đầu, các dân tộc bản địa đã bị những người này làm nhục, bị bắt buộc ở trong các khu vực đã thiết lập sẵn, bắt đầu một quá trình đồng hóa cưỡng bức, với việc áp dụng các luật, như luật Ấn Độ năm 1876. Cũng vào thời đó, chính phủ Canada thành lập các trường nội trú, giao cho các Giáo hội Kitô địa phương, trong đó có Công giáo, với nguồn tài chính khan hiếm.
Theo chính sách thời đó, mục đích của các trường này là không để văn hóa cộng đồng bản địa ảnh hưởng đến trẻ em và đồng hóa các em với nền văn hóa phương tây mới. Trẻ em thường bị phạt nghiêm khắc, cấm nói tiếng mẹ đẻ và không được theo tôn giáo của mình.
Các em sống trong những ngôi trường này, thường không được về gia đình, bị lạm dụng, sống đông đúc với điều kiện vệ sinh kém và không được hỗ trợ y tế. Theo Báo cáo của Ủy ban Sự thật và Hòa giải công bố vào năm 2015, hơn 3.000 trẻ em đã chết vì bệnh tật, suy dinh dưỡng và bị ngược đãi trong khoảng thời gian khoảng một trăm năm kể từ khi các trường này được thành lập vào năm 1883.
Tại trường Tiểu học Nakasuk, Đức Thánh Cha gặp gỡ riêng một số cựu học sinh của các trường nội trú. Sau buổi trò chuyện, Đức Thánh Cha cầu nguyện với Kinh Lạy Cha cùng với các cựu học sinh và ban phép lành cho họ. Sau đó, Đức Thánh Cha tiến ra sân trường để gặp gỡ các bạn trẻ và những người lớn tuổi.
Ngọc Yến
(vaticannews.va 29.07.2022)
Để lại một phản hồi